Sống viễn ly để an lạc cho nhiều người

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1144 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1144 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Thế Tôn đã nhiều lần cảnh tỉnh, nếu người tu mà không thích viễn ly, không xa lìa tham ái dục thì “không có ích gì cho mọi người, không mang lại an lạc cho mọi người, không phải là vì thương xót thế gian, cũng không phải là mong sự thiện lợi”.

"Một thời Đức Phật du hóa nước Câu-tát-la cùng đại chúng Tỳ-kheo, qua đến phía Bắc làng Ngũ sa-la, trong rừng Thi-nhiếp-hòa với hàng đại đệ tử Trưởng lão, thượng tôn, danh đức, như các ngài: Tôn giả Xá-lê Tử, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Ca-diếp, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Tôn giả A-na-luật, Tôn giả Lệ-việt, Tôn giả A-nan và các Đại đệ tử Trưởng lão thượng tôn danh đức khác ngang hàng như vậy cũng có mặt tại làng Ngũ sa-la. Tất cả đều ở gần bên cạnh ngôi nhà lá của Phật.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các đệ tử:

- Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly, mà đệ tử hàng trưởng thượng, bậc trung và bậc hạ của vị ấy không thích đời sống viễn ly, thì pháp luật đó không có ích gì cho mọi người, không mang lại an lạc cho mọi người, không phải là vì thương xót thế gian, cũng không phải là mong sự thiện lợi, mong cầu an ổn khoái lạc cho loài trời, loài người.

- Nếu một Tôn sư có pháp luật, thích an trú viễn ly, mà đệ tử hàng trưởng thượng, bậc trung và bậc hạ của vị ấy cũng thích đời sống viễn ly, thì pháp luật đó có ích cho mọi người, mang lại an lạc cho mọi người, là vì thương xót thế gian, mong cầu sự thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn khoái lạc cho loài trời và loài người".

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Uế, kinh Cầu pháp, số 88 [trích])

Sống viễn ly là một trong những phạm hạnh của vị Tỳ-kheo. Viễn ly có nghĩa gốc là xa lìa, từ bỏ. Trước hết, họ từ bỏ gia đình sống đời sống không gia đình. Xuất gia, ra khỏi nhà thế tục là bước đầu tiên thực hành hạnh viễn ly. Sau khi xuất gia, môi trường tu tập của các Tỳ-kheo thường là những khu rừng, các tinh xá hay chùa viện không quá xa mà cũng không quá gần dân chúng. Những trú xứ này được gọi là tịch xứ (nơi vắng vẻ, yên tĩnh), hay nhàn xứ (chỗ yên bình, thảnh thơi).

Ngày nay những ngôi chùa, thiền viện tọa lạc nơi chốn núi rừng thâm u chính là thực hành viễn ly, trợ duyên tích cực cho thiền định. Những ngôi chùa ở nông thôn vẫn còn giữ được khoảng cách với cộng đồng nên yên ả, tôn nghiêm. Còn các chùa trong những đô thị lớn, vì sống quá gần với dân chúng nên phải chịu đựng ồn ào. Những chùa này khá thuận lợi trong việc hoằng pháp lợi sinh nhưng gặp nhiều bất lợi trong chuyên tâm tu tập thiền định.

Bước tiếp theo của viễn ly là buông bỏ, xa lìa tâm tham ái dục và những phiền não liên quan. Bấy giờ, cảnh quan hay môi trường bên ngoài dù nhàn tịnh đến mấy cũng chỉ có tác dụng hỗ trợ. Cơ sở của sự viễn ly là tâm buông xả khỏi các dính mắc nhờ năng lực tu tập Bát Thánh đạo và Tam vô lậu học. Tâm viễn ly không phải do ước muốn mà được, chẳng phải nhờ cầu nguyện mà thành. Buông bỏ hay viễn ly chỉ xảy ra trên cơ sở thấy biết như thật của tuệ giác lớn, kết tinh của quá trình trau dồi Giới-Định-Tuệ. Viễn ly càng nhiều, xả buông càng mạnh thì giải thoát và an lạc càng tăng thêm.

Thế Tôn đã nhiều lần cảnh tỉnh, nếu người tu mà không thích viễn ly, không xa lìa tham ái dục thì “không có ích gì cho mọi người, không mang lại an lạc cho mọi người, không phải là vì thương xót thế gian, cũng không phải là mong sự thiện lợi”. Do vậy, người tu muốn tiến xa trên đường đạo, muốn hoằng dương Phật pháp, muốn lợi ích cho mọi người…, tất cả đều nhờ vào khả năng tu tập hạnh viễn ly của từng vị Tỳ-kheo và Tăng-già.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày