Sư cô viết sách

GN - Trang Tuổi trẻ vừa có cuộc trao đổi với những vị Ni trẻ về việc viết lách, chia sẻ ý pháp để đem đạo Phật đến gần người trẻ hơn. Đó là Sư cô Thích nữ Hạnh Đức - Suối Thông (tác giả cuốn Thả trôi phiền muộnSống đời bình an) và Sư cô Thích nữ Nhuận Bình (tác giả cuốn Mở lối yêu thươngGieo mầm hạnh phúc) - sách do Nxb Văn Hóa - Văn Nghệ và SaigonBooks ấn hành. Quý Sư cô chia sẻ:

- SC.Suối Thông: Cả 2 cuốn sách của tôi đều là những bài triết lý được sưu tầm và biên dịch, tôi cũng có viết thêm, nhưng ít thôi. Những trang sách đó, đầu tiên là dịch cho chính mình, cho sở thích đọc danh ngôn và cũng để khích lệ tinh thần bản thân trong những ngày đầu du học tại Trung Quốc. Sau đó tôi xem xét các vấn đề mà những người thân bên cạnh hay gặp phải để chọn chủ đề phù hợp, với mong muốn chia sẻ và gợi ý một hướng giải quyết nào đó. Sau khi đăng những bài dịch lên Facebook cá nhân, bất ngờ được nhiều người đón nhận và lan truyền rộng rãi, số bạn đọc từ đó cũng tăng lên và nhiều kiến nghị nên cho in thành sách. Từ đó mà có hai cuốn sách Thả trôi phiền muộnSống đời bình an như ngày nay.

Anh 1, TT.jpg
SC.Thích nữ Hạnh Đức (Suối Thông) đang làm nghiên cứu sinh tại Trung Quốc - Ảnh: NVCC

- SC.Nhuận Bình: Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ viết và ra được sách. Nhưng từ lúc bắt đầu tập tành viết từng đoản văn ngắn chia sẻ về cuộc sống, về triết lý nhân sinh, về tình đời, tình người,… vô tình những dòng trạng thái ấy lại được đông đảo bạn đọc đón nhận, đồng cảm và sẻ chia. Sự kết nối gần gũi vô tình này với bạn đọc đã rút ngắn khoảng cách giữa đời và đạo, giữa tôi và Phật tử, những người yêu mến đạo Phật gần xa. Mỗi ngày, có rất nhiều phụ huynh, học sinh, sinh viên, các bạn trẻ, trung niên và lão niên chia sẻ về cuộc sống của họ, những tâm sự thầm kín, những căng thẳng, áp lực, những khó khăn vướng mắc từ cuộc sống gia đình, hôn nhân, học hành, công việc, tình cảm. Có điều nào ứng dụng được lời Phật dạy thì khuyên họ thực hành, cũng có những vấn đề chỉ đơn giản là lắng nghe và lắng nghe.

Trong nhiều tháng năm đó, cũng có nhiều người muốn những lời sẻ chia kia trở thành tập sách nhỏ gối đầu giường, để có thể giải tỏa nỗi khổ niềm đau mỗi khi đối diện với những được mất trong cuộc đời.

Từ niềm khát khao đó của bạn đọc, tôi đã vượt qua chứng tự ti, mặc cảm của mình để cho ra đời tập sách, như là món quà tặng thiết thực, hữu ích cho bao người.

* Từ khi viết, Sư cô trải nghiệm ra sao với mỗi bài, mỗi trang sách của chính mình?

- SC.Suối Thông: Thông qua sự đồng cảm, đón nhận và chia sẻ của bạn đọc ở mỗi chủ đề của bài viết, tôi nhận thấy những vấn đề liên quan tới cung cách ứng xử giữa người với người luôn nhận được sự tương tác cao hơn. Vui vui là có nhiều người rất “nhanh nhạy”, vừa đọc một bài triết lý về nhân tình thế thái, liền nghĩ tới tội lỗi ai đó gây ra cho mình, rồi dùng các bài viết này để trách hờn hay nhắc khéo người ta. Như từng có độc giả nhắn tin cảm ơn, vì “nhờ bài viết của cô mà em... đòi được nợ!”. Bên cạnh đó cũng có nhiều vị đọc cho chính mình, rồi âm thầm nhìn lại và thay đổi bản thân để hướng đến những giá trị tích cực, từ đó cuộc sống cũng nhẹ nhàng hơn. Vì xét cho cùng, muôn sự vạn việc trên thế gian này cũng đều bắt nguồn từ suy nghĩ, lời nói và hành động của mỗi người đó mà!

- SC.Nhuận Bình: Đằng sau các bài viết trong mỗi cuốn sách đều mang một câu chuyện ẩn chứa số phận và phần đời khác nhau, tất cả đều lấy từ thực tế cuộc sống đang là của quý độc giả. Nhờ đó, tôi có thêm nhiều trải nghiệm lý thú, có thêm nguồn kiến thức và sự trải đời qua thân phận từng người sẻ chia, tâm sự.

Số phận, hoàn cảnh sống bấp bênh, chông chênh của những người hữu duyên tâm sự, chính là động lực để bản thân tôi cố gắng tu tập nhiều hơn, dấn thân phụng sự nhiều hơn và phấn đấu ra nhiều đầu sách hơn để đáp ứng sự mong đợi và tình yêu thương của mọi người.

* Là vị Ni trẻ, lại có quan sát, lắng nghe người trẻ như đã nói, vậy, cô thấy họ có những khó khăn nào và theo cô cần trị liệu ra sao?

- SC.Suối Thông: Người trẻ bây giờ hầu hết đều rất thực tế, năng động và bận rộn với các mối quan hệ mở. Nhưng họ cũng cô đơn và mông lung hơn. Khi gặp chuyện, phần nhiều các bạn có khuynh hướng tìm sự trợ giúp bên ngoài, không được thì khỏa lấp, ít ai nghĩ đến việc đối diện và giải quyết. Họ bận rộn với bên ngoài nên ít có thời gian hướng về bên trong để nhìn lại bản thân, hun đúc tinh thần cho mình. Ngoài và trong không cân bằng, vật chất và tinh thần chênh lệch quá nhiều, tự nó đã có vấn đề. Điều cần làm là cân bằng chúng lại.

Bạn trẻ có thể tận dụng những công nghệ hiện đại để trau dồi bản thân, như là tiếp cận những người thầy/người bạn tích cực, học hỏi những tri thức tiến bộ, dành không gian yên tĩnh cho tinh thần nghỉ ngơi,... Và thời gian đọc sách cũng rất quan trọng. Không phải vì tôi ra sách mà khuyến khích việc đọc sách, nhưng bạn biết đấy: đọc sách chưa chắc sẽ thành công, nhưng không có người thành công nào không đọc sách cả! Sách giúp ta bổ sung kiến thức, còn có thể rèn luyện tính kiên trì. Một người, nếu có được tinh thần độc lập, lối suy nghĩ tích cực và hướng đi vững chắc thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng sẽ làm một người có giá trị.

Anh 3, TT.jpg


SC.Thích nữ Nhuận Bình tại buổi ra mắt sách Gieo mầm hạnh phúc

- SC.Nhuận Bình: Người trẻ ngày nay có rất nhiều tiềm năng học tập và phát triển tương lai nhờ nền công nghệ tiên tiến vượt bậc của thời đại, các bạn giỏi hơn rất nhiều so với thời trẻ của nhiều người ngày xưa. Tuy nhiên, sự vươn mình ra bên ngoài nhiều quá đôi khi khiến các bạn đánh mất nguồn năng lượng vốn có của bản thân, đánh mất tình cảm thân thuộc trong gia đình, các bạn sống buông thả, dễ buồn, dễ giận và dễ buông xuôi. Khi khó khăn hay những việc trái ý nghịch lòng ập đến, các bạn thường rơi vào chứng khủng hoảng, stress, trầm cảm vì không tìm thấy điểm tựa tâm linh, nơi quay về nội tâm tĩnh tại.

Để cân bằng cuộc sống, các bạn trẻ nên dành thời gian cho chính mình, cho gia đình và những người thân yêu. Cố gắng thực tập thiền, quay về nuôi dưỡng nguồn năng lượng, thực tập sự tĩnh tâm, cân bằng công việc, làm chủ cảm xúc, luôn làm mới chính mình để mỗi ngày cảm nhận được sự tươi trẻ và phát triển của thời đại.

Hạnh phúc chỉ thật sự có mặt vĩnh cửu khi được ươm mầm từ bên trong tâm hồn của mỗi chúng ta; những niềm vui bên ngoài dù tươi mới bao nhiêu, vẫn chỉ là tạm bợ.

* Vậy Sư cô có lời khuyên nào cho các bạn trẻ về việc sống, yêu, làm việc, học tập?

- SC.Suối Thông: “Lời khuyên” to tát thì tôi không dám, vì bản thân cũng đang nỗ lực như các bạn thôi, chỉ muốn chia sẻ rằng: Chúng ta tuy còn trẻ, nhưng hãy nhớ bảo vệ sức khỏe và tập cho mình một lối sống độc lập, tỉnh thức và nhiệt huyết. Không ngừng nâng cao tinh thần học hỏi và làm việc hết mình ở bất cứ nơi đâu hay vị trí công việc gì. Mở rộng lòng ra để cho đi và đón nhận những tình cảm mà mình trân quý.

Những hạt giống tích cực mà bạn gieo trồng hôm nay, có thể chưa trổ hoa kết trái tức thì, nhưng hãy yên tâm rằng những giá trị đó sẽ trở thành một phần trong tính cách, cùng bạn trải nghiệm thời thanh xuân có một không hai của chính mình.

Anh 2, TT.jpg


Hai đầu sách được bạn đọc đón nhận tích cực của SC.Suối Thông

- SC.Nhuận Bình: Tất cả chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, để làm người và để đóng góp cho chính mình và tha nhân. Thanh xuân, tuổi trẻ cũng chỉ đến duy nhất một lần trong đời. Cuộc sống này là của các bạn, các bạn có quyền chọn lựa cho mình phong cách sống nào phù hợp nhất, nhưng hãy nhớ đừng để bản thân mình thiệt thòi vì nó có quyền được hạnh phúc.

Hãy tận dụng thời gian, sức khỏe, nhiệt huyết để làm lợi ích cho cuộc đời, cho cộng đồng xã hội, cho người thân và chính mình. Hãy làm cho sự hiện hữu của các bạn trên Trái đất này trở nên có giá trị, có ý nghĩa. Chỉ có như vậy các bạn mới không cô phụ một kiếp sanh ra làm người.

* Cảm ơn quý Sư cô về những chia sẻ này. Mong được tiếp tục đón nhận tác phẩm mới của quý Sư cô!

Chúc Thiệu thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày