Sự kiện tự thiêu của Bồ-tát Quảng Đức qua tư liệu báo chí Phật giáo

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Mùa Phật đản của năm Quý Mão, đúng 60 năm trước, là một mùa Phật đản không bao giờ có thể xóa mờ trong ký ức và hồi tưởng của người Phật tử Việt Nam.

Sáu mươi năm, nhìn lại về sự kiện tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức, trong một phạm vi nhất định, báo chí Phật giáo đương thời đã lưu giữ và đưa đến một góc nhìn phần nào chân thực về sự kiện trên.

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1202 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1202 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Giữa cơn gió bụi

Pháp nạn 1963 bắt nguồn từ việc triệt hạ cờ Phật giáo trong mùa Phật đản PL.2507, với giọt nước tràn ly là sự kiện đêm rằm tháng Tư tại Đài phát thanh Huế. Trong vòng xoáy của nhiều sự việc đan cài vào nhau, hơn một tháng sau ngày rằm tháng Tư năm Quý Mão, tại Sài Gòn, nhiều hoạt động tưởng niệm và tranh đấu bất bạo động được diễn ra liên tục. “Sáng thứ ba, 11-6-63, đúng theo chương trình của Ủy-Ban Liên-Phái hoạch sẵn, chư Tăng, Ni từ các chùa vân tập về Phật-Bửu-Tự, đường Cao-Thắng để thiết lễ cầu-siêu tuần thất thứ 3 cho các Thánh tử đạo ở Huế. Tất cả đông độ 300, chật ních cả chùa” (“Ngọn lửa thiêng”, Minh Đức, Từ Quang, số 137, 11-1963, tr.12). Tất cả mọi việc đều diễn tiến trong sự bình lặng như tinh thần đã được đề ra trong hơn một tháng.

Cái ngày đi vào lịch sử hiện đại của Phật giáo Việt Nam diễn tiến một cách bình yên mà những người dự phần trong sự kiện ấy, phần đông đều không hề biết rằng chính họ sắp góp phần viết nên một áng văn mà nói như cách của thi sĩ Vũ Hoàng Chương là lụa, tre, ngọc, đá mai sau không ghi hết tâm tình. “Sau khóa lễ, ai cũng tưởng là sẽ ra về như mấy lần trước. Bỗng trong ống loa có tiếng yêu cầu chư Đại-đức Tăng, Ni để nguyên y hậu rước linh về chùa -Lợi. Ngoài đường Cao-Thắng, một chiếc xe mui kiến, hiệu Austin, nằm đợi. Chư Tăng, Ni sắp thành hai hàng, từ chùa Phật-Bửu đi ra Hòa-thượng Pháp-Chủ Thiền-Tịnh Đạo-Tràng cùng đi. Ra tới đường Cao-Thắng, Hòa-thượng Thích-Quảng-Đức trang nghiêm lên xe Austin, có hai vị Thanh niên Tăng theo hầu” (“Ngọn lửa thiêng”, Minh Đức, Từ Quang, số 137, 11-1963, tr.12).

Chính quyền miền Nam bấy giờ cũng chẳng còn quan tâm đến những sự kiện mang tính chất nghi lễ như vẫn diễn ra suốt vài tuần vừa rồi. Giới chức có bổn phận giữ gìn trật tự xã hội cũng không còn quá bận tâm đến những hoạt động của Phật giáo đồ. “Cảnh-sát có vẻ ngẩn ngơ và tự hỏi tại sao hôm nay chư Tăng, Ni không giải tán sau khóa lễ lại sắp hàng đi đâu đây. Nhưng khi nghe tuyên bố là đưa linh về Xá-Lợi, các bác hình như yên tâm và lo giữ trật tự cho đoàn đi” (“Ngọn lửa thiêng”, Minh Đức, Từ Quang, số 137, 11-1963, tr.12). Việc tổ chức đấu tranh được lãnh đạo Phật giáo an bài một cách thấu đáo, mọi việc diễn ra trong sự kiểm soát của chúng ta.

Đoàn rước linh từ Phật Bửu tự từ Cao Thắng rẽ hướng vào Phan Đình Phùng để hướng về chùa Phật học Xá Lợi. “Nhưng tại ngã tư Lê-văn-Duyệt và Phan-đình-Phùng, một cảnh tượng lạ lùng diễn ra. Hàng bên hữu, không đi thẳng, lại rẽ sang tay trái,… hàng trái không quanh theo, lại rẽ sang tay mặt, hóa thành hai làn nước chảy ngược nhau. Trong lúc ấy, chiếc Austin lại tắt máy, dừng lại. Bác tài tung cửa nhảy xuống, mở nắp đầu máy và loay hoay” (“Ngọn lửa thiêng”, Minh Đức, Từ Quang, số 137, 11-1963, tr.12). Ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, ngày nay là ngã tư Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám, trong thời điểm bấy giờ tiệm cận Tòa Đại sứ của Vương quốc Cambodia, trở nên đông đúc hơn hẳn ngày thường.

Đoàn rước linh về Xá Lợi đang nghiêm trang, bỗng dừng lại, mọi người đều đổ dồn sự chú ý về chiếc xe Austin chở Ngài Quảng Đức. “Xe lại hỏng máy mà lại hỏng giữa ngã tư, báo hại xe cộ đổ dồn hai đầu càng phút càng thêm đông”. Từ trên chiếc xe đang “nằm đường”, “Hòa-thượng Quảng-Đức xuống xe, y hậu đã tẩm xăng. Ai cũng tưởng Ngài sẽ đi bộ, bỏ chiếc xe sanh chứng lại. Nhưng không, Ngài lại ngay trung tâm ngã tư, ngồi xuống kiết-già, tay tém y hậu, mặt thản nhiên. Thầy C.N. cũng xuống theo và còn bao nhiêu xăng sót trong bình nylon, Thầy lấy tưới thêm lên mình Hòa-thượng, theo lệnh của Ngài, Hòa-thượng lần túi lấy bao diêm, bao diêm đã ướt” (“Ngọn lửa thiêng”, Minh Đức, Từ Quang, số 137, 11-1963, tr.13).

Bấy giờ, chư Tăng, Ni đã kết thành nhiều vòng, bao lấy toàn bộ khu vực ngã tư, hướng về trung tâm giao lộ, nơi Hòa thượng Quảng Đức đang trong tư thái kiết-già. “Bên ngoài Thầy Đ.N. liệng vào cho Hòa-thượng một bao diêm khác. Một cụm lửa hồng phừng lên ngất trời, bao mất Hòa-thượng”. Trong giờ phút đó, phần đông Tăng, Ni hướng về Hòa thượng Quảng Đức mà sụp lạy. Có vị không cầm được nước mắt. “Thầy Đ.N. đứng lên, tách hàng ngũ chư Tăng và dùng máy vi âm xách tay, nói tiếng Việt, nói tiếng Anh, giải thích cái chết anh dũng của Hòa-thượng mà mục đích là để chống lại chế-độ độc-tài, đàn-áp và kỳ thị của Chính-phủ đối với Phật-giáo” (“Ngọn lửa thiêng”, Minh Đức, Từ Quang, số 137, 11-1963, tr.13).

Khoảnh khắc đi vào thiên thu tuyệt tác diễn ra chóng vánh.Độ năm phút sau khi ngọn lửa thiêng bừng cháy, một xe vòi rồng tới. Năm sáu ông Sư thanh niên nằm lăn trên mặt đường cản bánh xe, làm cho cuộc cứu hỏa của Cảnh-sát bất thành”. Khi ngọn lửa tắt dần, nhục thân ngài Quảng Đức hiện hữu như kim cương bất động. “Một chú Tiểu từ chùa Xá-Lợi chạy đến, tay ôm một lá đại kỳ Phật-giáo. Mười lăm phút sau, một chiếc xe camionnette chở quan-tài tới nhưng bị Cảnh-sát cản lộ, không cho đến chỗ Hòa-thượng tự thiêu. Chư Tăng bèn nẩy ra ý lấy y bọc nhục thân Bồ-tát khiêng về Xá-Lợi. Quyết định vừa ra, các vị Tăng, Ni đua nhau cởi y cúng dường, rồi tất cả kết hàng đưa xác theo hướng Phan-thanh-Giản” (“Ngọn lửa thiêng”, Minh Đức, Từ Quang, số 137, 11-1963, tr.13).

Bừng lửa từ bi

Đối diện với sự kiện tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức, lãnh đạo Phật giáo Việt Nam bấy giờ mà đại diện là Hòa thượng Thích Tịnh Khiết đã gửi thông điệp cho toàn thể Phật giáo đồ cả nước, rằng: “trước hết tôi kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh cao cả của Thượng-tọa Quảng-Đức” (HT.Thích Tịnh Khiết, “Thông bạch”, Từ Quang, số 135&136, 5-1963, tr.5). Sau sự kiện tự thiêu, trưa 11-6-1963, chuỗi các hoạt động truy niệm được tiến hành sau đó. Sau những ngày tưởng niệm, nhục thân của Ngài Quảng Đức được đưa về An Dưỡng Địa Phật giáo để cử hành lễ trà tỳ. Sau ba lần trà-tỳ, trái tim của Bồ-tát Quảng Đức vẫn còn nguyên vẹn.

Từ đó, với sức ảnh hưởng của truyền thông, sự thật về cuộc vận động của Phật giáo năm 1963 được quốc tế nhìn nhận với nhận thức khác biệt hơn, “cái chết tự thiêu của Hòa-thượng Quảng-Đức tại ngã Phan-đình-Phùng - Lê-văn-Duyệt (SAIGON) ngày 11.6.1963 đã làm chấn động thế-giới từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc, vượt lên trên cả biên giới chính-trị, từ Hoa-Thịnh-Đốn đến Mạc-Tư-Khoa, bất phân chủng tộc hay màu da, khiến cho nhà Đông-phương bác học trứ danh trường E.F.E.O là Jean Filliozat mở đầu bài La mort volontaire par le feu et laTradition Bouddhiqueindieme” bằng một xác nhận rằng: Un telacte accomliàSaigon par un moine bouddhiste Vietnamien vientàpeine de susciter l’etonnement et l’eimotion”. (Một hành động như thế do một nhà Phật-giáo Việt-Nam đã thành tựu còn đang khích động sự kinh ngạc và hồi hộp” (Nguyễn Đăng Thục, “Giá trị của một cái chết: Thích Quảng Đức”, Hoằng pháp, số 2, 1973, tr.74).

Trong những diễn biến của tiến trình lịch sử tại Việt Nam và thế giới trong năm 1963, nhiều biến cố lớn liên tiếp biểu hiện. Chính vì vậy, những sự nhìn nhận về ngọn lửa Quảng Đức càng rõ ràng hơn. Cái chết của Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy và Tổng thống Ngô Đình Diệm càng tô điểm cho năm 1963 trở thành điểm mốc đáng ghi nhớ của lịch sử về Chiến tranh Việt Nam và diễn tiến của chính trị thế giới.

Những sự so sánh, đại thể như “hai cái chết, hai ý nghĩa khác nhau nhưng điều mà lịch sử thế giới trong năm 1963 đã chứng minh Tổng-thống Mỹ quốc Kennedy và nhà sư Việt-Nam Hòa-thượng Quảng-Đức. Một đàng “bất đắc kỳ tử” một đàng “liều sinh tử” (Nguyễn Đăng Thục, “Giá trị của một cái chết: Thích Quảng Đức”, Hoằng pháp, số 2, 1973, tr.63). Chính sự so sánh đó khiến chúng ta càng phải suy nghiệm sâu sắc hơn về cái chết của Ngài Quảng Đức. Ý hướng “liều sinh tử” hay vượt lên sự sinh tử cần phải được làm sáng tỏ hơn.

Nhận thức một cách tổng quát về sự kiện Bồ-tát Quảng Đức tự thiêu “chúng ta đã xem thấy ở việc trà-tỳ thị-tịch hay thiêu hóa Hòa-thượng Quảng-Đức gồm đủ ba đặc tính điển hình của một công cuộc tự thiêu.

1. Là để cúng dường

2. Là để thành tựu lời thệ nguyện

3. Là để lại di thân là trái tim bất diệt “dĩ thân vi đăng” (lấy thân làm đèn soi đường cho hậu thế)” (Nguyễn Đăng Thục, “Giá trị của một cái chết: Thích Quảng Đức”, Hoằng pháp, số 2, 1973, tr.73).

Kết nên một đài sen

Sau khi Ngài Quảng Đức tự thiêu, nhiều nhìn nhận về cuộc tự thiêu hình thành trong mọi giới. Trong phiên họp Đại hội đồng của Liên Hiệp Quốc, sự kiện Bồ-tát Quảng Đức thiêu thân đã được trình bày rõ ràng giữa trường quốc tế. Từ những người ngoại quốc, không phải Phật giáo đồ, họ đã nhận định một cách khách quan và trung thực, rằng: “một biến-cố chấn động đã xẩy ra, làm lung lay toàn thế giới. Thượng-tọa Thích-Quảng-Đức tự thiêu thân. Ngài hy sinh vì lòng Từ đối với Đại chúng. Tôi có ở đây lá chúc thư chính tay Ngài viết và ký; trong thư ấy, Thượng-tọa nói Ngài sở dĩ có hành động này là vì lòng thương kẻ khác, ngài hy sinh để cho các Phật-tử Việt-nam được chính-quyền nhìn nhận quyền tự do tu hành, là một quyền hợp pháp. Đây là một hành-động trang-nghiêm được thực thi trong sự trang-nghiêm!”(Gunewardene, “Biên bản của Đại hội-đồng Liên-hiệp-quốc phiên khoáng đại thứ 1232”, Từ Quang, số 140, 1.1964, tr.39).

Giới trí thức Phật giáo cũng nhìn nhận về cuộc tự thiêu của Ngài Quảng Đức rất sâu sắc, “Bi, Trí, Hùng tâm ấy là cái tâm hồn nhân bản toàn diện mà Ngài Thích Quảng-Đức thực hiện với tinh-thần tín-ngưỡng truyền thống Dân-tộc của Phật-giáo Việt-nam” (Nguyễn Đăng Thục, “Tư tưởng và con người Thích Quảng-Đức”, Hoằng pháp, số 3, 1973, tr.39).

Với giới cư sĩ kỳ cựu, khi chứng kiến toàn bộ sự kiện tự thiêu của Ngài Quảng Đức, đã cảm tác:

Đốt ngọn lửa thiêng hủy xác, mong về miền Cực-Lạc, Sư không một tiếng than van;

Niệm câu kinh Phật chiêu hồn, để đến cõi hằng thường, Sư chẳng một câu rên siết.

Sư quả nên một vị Thánh Tăng

Sư đã đáng một trang hào kiệt.” (Lê Xuân Viên, “Văn tế H.T Thích-Quảng-Đức”, Từ Quang, số 137, 11-1963, tr.16)

Với những Nho gia cựu trào, cư Nho mộ Thích, họ đánh giá về sự kiện tự thiêu của Bồ-tát Quảng Đức, rằng: “Đền đáp ơn sâu đức Phật-đà. Thịt xương làm đuốc dẹp đàn ma.” (Chơn An, “Điếu hòa-thượng Thích-Quảng-Đức”, Từ Quang, số 141, 4-1964, tr.40)

Với giới thanh niên, những người trẻ trưởng thành trong thời ly loạn bấy giờ, khi chứng kiến một sự kiện mà họ chưa từng có khái niệm về nó, đã nhận định: “Thân xác Ngài đã thiêu đốt để bảo vệ cho năm màu cờ của Phật-giáo, nhưng quả tim Ngài bất diệt, nhắc-nhở cho chúng ta theo năm hạnh lành của Phật-pháp: Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ” (Thiện Quang - Đỗ Văn Giu, “Văn tế H.T Thích-Quảng-Đức”, Từ Quang, số 138-139, 12-1963, tr.80)

Đúc kết lại, nhìn nhận về sự kiện tự thiêu của Ngài Quảng Đức, cần minh định cụ thể “bất bạo động là sẵn sàng đón nhận tất cả mọi khiêu khích, mọi bạo hành của đối phương, dù cho đồng bào Phật tử chúng ta có phải chịu thiệt thòi về vật chất lẫn tinh thần cũng vẫn luôn bình tĩnh và hoan hỷ tuyệt đối không một phản ứng, không một vọng động tối thiểu nào, hòng tạo thành hai quang cảnh hoàn toàn trái ngược về mọi khía cạnh pháp lý và tâm lý để buộc đối phương phải hồi tâm hướng thiện.

Hình thức điển hình nhất và cao đẹp nhất biểu dương tròn vẹn sức mạnh vô biên của nội tâm, của bất bạo động là cử chỉ tự hiến thân cho Đạo pháp của ngài Hòa thượng Thích Quảng Đức trưa ngày 11.6.63 tại ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng tại thủ đô Saigon – Sự hy sinh vô thượng và tinh khiết ấy đã có một mãnh lực vạn năng làm rung chuyển cả toàn thế giới, đã hàng phục được ác tâm ngay trong lòng kẻ đối phương ngoại đạo” (Lê Đình Duyên, “Nhìn qua hai cuộc vận động của Phật giáo năm 1963 và 1964”, Nội san Ánh vàng xuất hiện, 1964, tr.11).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày