Sự phiêu luân của Rồng

Bài trên Giác Ngộ giai phẩm Xuân Giáp Thìn 2024 - Trình bày: Phòng Mỹ thuật Báo Giác Ngộ
Bài trên Giác Ngộ giai phẩm Xuân Giáp Thìn 2024 - Trình bày: Phòng Mỹ thuật Báo Giác Ngộ
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Nhân năm Giáp Thìn, xin chia sẻ về hình tượng, hình thanh của rồng trong mối tương quan với các con giáp còn lại của văn hóa Á Đông.

Chuột vuốt râu rồng (Tương quan rồng và chuột)

Rồng vốn là biểu tượng uy quyền trong các triều đại phong kiến. Cây trúc càng già, đốt càng ngắn lại, thân xù xì uốn thành hình rồng. Gốc trúc là đầu rồng, măng trúc nhú lên thành mắt rồng, rễ trúc tua tủa như râu rồng, chấm phá vài ba con sóc trông thật sinh động. Theo ước lệ điêu khắc cổ, sóc đi với trúc cũng như trĩ ở bên rồng, én liệng cành mai, chuồn chuồn đậu sen, bươm bướm vờn cúc, hạc dưới gốc tùng… Con sóc vốn cùng họ với chuột, nó thích ăn hạt trúc, hạt thông nên được đặt tên chữ là trúc thực, tùng thử. Từ hình tượng trúc hóa long đó mà ông cha ta sáng tạo ra thành ngữ “Chuột vuốt râu rồng” để tiềm dụ ý nghĩa tinh thần đấu tranh của tầng lớp lao động trong xã hội phong kiến xưa.

Còn thành ngữ “Long sinh long, phụng sinh phụng, chuột sinh chuột” là sự tự hào về dòng dõi.

Bát long trị thủy, ngũ ngưu canh điền

Trong những huyền tích xa xăm sương bay khói tỏa của Thăng Long kiêu tráng và thảo mặc, có bốn địa danh gắn với biểu tượng trâu vàng: Hồ Tây, đền, sông và phố Kim Ngưu. Trong những làn sương huyền khói ảo phủ Tây Hồ thì trâu vàng (khi nghe tiếng chuông đúc bằng đồng đen ngân vang do Không Lộ thiền sư thỉnh lên liền thức giấc chạy một mạch từ Bắc quốc sang nước Nam rồi lặn xuống Hồ Tây, dấu chân để lại tạo thành dòng Kim Ngưu) được coi là thần trấn áp cáo chín đuôi (yêu tinh từ thời Lạc Long Quân).

Trong các loài thực vật, vị thuốc có cây mắt trâu, thuộc họ đậu, còn có tên gọi khác là vảy rồng, kim tiền thảo, dùng sắc nước uống hoặc pha hãm nước sôi có tác dụng chữa một số bệnh. Điều đó cho thấy hình mắt trâu đồng dạng với vảy rồng.

Quả thực, trâu và rồng có mối liên hệ rất tương huyền.

Tả thanh long, hữu bạch hổ

Rồng - hổ là sự sánh đôi biểu trưng cho vương quyền, nhất là các triều đại phong kiến phương Đông, là cặp bài trùng trong quân sự, võ học và những thành đạt khoa cử. Đều phổ biến trong các kiến trúc đình, miếu, dưới chế độ quân chủ phong kiến, nếu rồng là hình ảnh ẩn dụ của vua thì hổ biểu tượng cho các vị võ tướng, sức mạnh quân sự và thường được thêu trên áo các võ quan hàng tứ phẩm. Ngày nay, ngay cả khi không còn vua nữa thì hổ vẫn được dùng đại diện cho sức mạnh của các lực lượng vũ trang, các loại vũ khí hoặc sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi.

Nếu rồng là loài vật thần thoại thì hổ là loài vật có thật, phân bố chủ yếu ở châu Á. Cả hai đều là đối tượng phổ biến của các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, đối tượng trung tâm của nhiều huyền thoại kỳ vĩ, truyền thuyết khôi vĩ với vẻ đẹp song hùng và đầy kiêu hãnh, quyền uy trong những hình dáng, tư thế, chuyển động thần thái.

Trong các cặp con giáp thì có lẽ rồng – hổ là cặp đẹp nhất, tương hợp nhất trên mọi khía cạnh từ hình tượng nghệ thuật điêu khắc, mỹ thuật, trong kho tàng văn hóa dân gian cho đến cái huyền thuật cao siêu của văn hóa Á Đông là phong thủy, tử vi, bát quái…

Thể hiện cho sự tương hùng của rồng - hổ là những câu: Long tranh hổ đấu, Rồng tranh hổ chọi, Tàng long ngọa hổ, Long đàm hổ huyệt, Hàng long phục hổ, Long hổ tương phùng, Miệng hùm chớ sợ, vảy rồng chớ ghê, Long hành hổ bộ, Long hổ phong vân, Tróc hổ nã rồng, Truy hổ cầm long, Đầm rồng huyệt hổ, Vân tòng long, phong tòng hổ, Sinh long hoạt hổ, Long hổ chầu về huyệt, Long hổ tinh thần, Long bàn hổ cứ, Rồng cuộn hổ ngồi, Rồng chầu hổ phục...

Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa

Chế giễu những người chỉ giỏi ăn, khua môi múa mép nhưng làm thì không đâu vào đâu.

Tương quan rồng – mèo còn có bài ca dao “Chín cột anh chạm chín rồng/ Nơi thì rồng ấp, nơi thì rồng leo/ Chín cột anh chạm chín mèo/ Con thì bắt chuột con leo xà nhà” nói về sự khéo léo, tài hoa của người thợ chạm khắc gỗ đã tạo nên những hình ảnh, chi tiết, motif nghệ thuật tài hoa làm cho khung cảnh ngôi nhà thêm sinh động, mỹ lệ…

Rồng rắn lên mây

Trò chơi dân gian của trẻ em.

Đầu rồng đuôi rắn: việc lúc đầu hưng thịnh sau suy yếu, chuyện khi khởi đầu đẹp đẽ nhưng kết thúc chẳng ra gì, sự không tương xứng giữa những bộ phận có phẩm chất quá khác biệt trong cùng một chỉnh thể. Vẽ rồng vẽ rắn: bày vẽ lôi thôi, rườm rà; Rồng thất thế hóa thành rắn…

Rắn liu điu có phước cũng hóa rồng/ Phượng hoàng chớp cánh, rụng lông như cò. Liu điu là một loại rắn nhỏ, giống như thằn lằn rất nhút nhát, hễ nghe tiếng động là trốn ngay. Trứng rồng mới nở ra rồng/ Liu điu lại nở ra dòng liu điu; Có chồng thì phải theo chồng/ Chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo; Học chẳng biết chữ cua chữ còng/ Nói những chữ như rồng như rắn...

Ngựa ô trổ mã thành rồng/ Anh đây trổ mã thành chồng của em

Tương quan rồng ngựa rõ nhất chính là chú Bạch long mã của nhân vật Đường Tăng trong Tây du ký. Còn sự tích hợp ít thấy giữa ngựa và rồng là hình tượng Long câu. Tương truyền, trong núi có cái vực thẳm là nơi ẩn trú của loài Giao long. Đến mùa xuân, dân chúng bắt một con ngựa cái còn trinh, cột tại đó. Một lúc sau, trời bỗng nổi cơn gió mưa mù mịt. Giao long từ dưới vực bay lên phủ con ngựa cái. Ngựa mang thai và đẻ ra Long Câu (con ngựa khỏe như rồng, có sức chạy xa muôn dặm).

Câu ca dao “Rồng chầu ngoài Huế/ Ngựa tế Đồng Nai/ Nước sông trong chảy lộn sông ngoài/ Thương người xa xứ lạc loài đến đây/ Tới đây thì ở lại đây/ Bao giờ bén rễ xanh cây thì về” thể hiện tấm lòng bao dung, nghĩa tình, nhân hậu, sự sẵn lòng cưu mang khi rồng chẳng may lỡ vận.

Long hình hầu tướng, khổ tọa ưng phiên

Một trong 17 yếu lý của bát quái chưởng, khi di chuyển quyền thế phải luôn giữ tự nhiên như du long (rồng đi) và tướng hình phải nhanh, linh hoạt như khỉ, lúc đứng thì không thẳng đầu gối và xoay chuyển thân người phải nhẹ như chim ưng chao liệng trên trời.

Con công ăn lẫn với gà/ Rồng kia rắn nọ coi đà sao nên?

Rồng là linh vật vẫy vùng chín tầng mây, vậy mà, có những lúc sa cơ thất thế, rồng phải sống nép mình chịu cảnh ở với giun, người tài trí phải sống với kẻ hèn mọn.

Chó cỏ rồng đất

Người hết được trọng dụng, bị bỏ xó khi xong việc. Loại bù nhìn, vô dụng như chó bện bằng cỏ, rồng nặn bằng đất, khi cúng tế xong người ta liệng bỏ.

Phiêu hùng, trùng luân, thần thú siêu tuyệt rồng là vẻ rực thiêng đầy miên hoặc. Tương quan rồng và 11 con giáp là sự huyền thăng của điển tích Á Đông.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày