Sức mạnh của việc ghi chép chánh niệm

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Bài viết là lời chia sẻ của Grace Song, một giảng viên thuộc Truyền thống Viên Phật giáo (Won Buddhism) về phương pháp viết nhật ký với tinh thần chánh niệm.

Đây là một phương pháp thực hành có thể giúp cho chúng ta thừa nhận và buông xuống những lỗi lầm trong quá khứ trong khi đặt ra những mục tiêu cho một tương lai xán lạn hơn.

Lớn lên, tôi vẫn giữ thói quen viết nhật ký mỗi ngày, thường là viết trong một quyển sổ nhỏ đáng yêu với một chiếc ổ khóa nhỏ. Lúc đó, các mục hàng ngày tương tự nhau vì cuộc sống của một học sinh cấp hai hay cấp ba chẳng có gì ly kỳ. Những việc như tôi đã bị đâm sau lưng bởi một “người bạn thân nhất”, người đã bỏ rơi tôi để kết bạn với kẻ thù chung của chúng tôi, hay sự thờ ơ của ba mẹ tôi khiến đứa con gái tuổi teen như tôi bất mãn, hoặc chỉ đơn giản là khao khát đôi Nike Airs mới nhất.

Cứ như vậy, những chuyện rất bình thường nhưng tôi lại viết bằng những cảm xúc kịch tính, mâu thuẫn và giật gân. Cảm giác lo lắng luôn lởn vởn trong tôi vì sợ ai đó sẽ đọc được cuốn nhật ký của riêng mình, do đó, tôi đã cẩn thận viết từng mục để đảm bảo rằng không bao giờ mình là người có lỗi hoặc có nguy cơ bị gán cho cái mác là “người xấu”. Tôi đã cẩn thận chèn các ký hiệu vào những từ tục tĩu để chứng tỏ rằng thậm chí cả khi viết nhật ký cho riêng mình thì tôi vẫn rất lịch sự.

Hồi đó, viết nhật ký là một cách để tôi thoát khỏi thực tại và bước vào một thế giới mà tôi có thể kiểm soát và tạo dựng chỉ bằng sự chuyển động của ngòi bút. Đó là không gian để tôi trút bầu tâm sự và bày tỏ những điều mà tôi không bao giờ dám thổ lộ với những người khác. Vào thời điểm đó, tôi nghĩ mình không viết cho một đối tượng nào cụ thể nhưng lại tin chắc rằng ai đó đang lắng nghe. Bây giờ, rõ ràng viết nhật ký là một cách giao tiếp với chính bản thân mình. Tôi sẽ bắt đầu mỗi trang bằng một cụm từ quen thuộc “Nhật ký thân mến” và kết thúc bằng một câu mà các bạn tuổi teen rất ưa thích “mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi mà”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ở độ tuổi non nớt đó, hướng nội không phải là một lựa chọn cho bản thân nên tôi không ngừng tìm kiếm những sự công nhận từ bên ngoài. Vâng, điều đó thực sự rất mệt mỏi và nhiều lần tôi bắt gặp mình đang lặp lại những thái độ tiêu cực khiến người khác đau khổ hoặc xung đột với nhau. Khi tôi vấp phải một vấn đề nào đó, thì việc chỉ tay ra bên ngoài để trách cứ và đổ lỗi cho người khác dễ dàng hơn rất nhiều so với việc xem xét lại chính bản thân mình. Tại sao tôi lại rơi vào tình trạng như thế này? Tất nhiên là tại vì người khác đã khiến tôi phải như thế!

Sau khi học xong trung học, tôi đã ngừng viết nhật ký một thời gian vì tôi không cần bày tỏ suy nghĩ của mình trên giấy nữa. Thay vào đó, sẽ dễ dàng hơn nếu gọi cho một người bạn, nhờ họ lắng nghe và trấn an tôi rằng những sự việc đáng tiếc xảy ra không phải là lỗi của tôi. Rõ ràng, họ giống như một đội cổ vũ để giúp tôi hướng nội và tìm kiếm nguồn gốc của khổ đau đang phát sinh trong tôi. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, nhóm này cũng giải tán và tất cả những gì còn lại trong tôi chỉ là sự xấu hổ và những thói quen tồi tệ của mình. Thực sự, tôi cần một lối thoát.

Nhiều thập kỷ sau, tôi học được một cách ghi chép mới, không phải là để trốn chạy thực tế hay diễn giải lại cuộc đời mình, mà là một chiếc kính lúp để kiểm tra trạng thái tâm trí thực sự mà tôi không cần phải che giấu hay viết khác đi. Trốn tránh hoặc phớt lờ vấn đề không phải là một lựa chọn tốt. Lúc đầu thì chuyện này thật kinh khủng. Nhưng kiểu viết nhật ký của Viên Phật giáo là hướng nội để đối mặt và giải quyết các tình huống hàng ngày với sự trung thực, cởi mở và chân thành.

Thầy của tôi dạy tôi rằng bước đầu tiên của việc ghi chép hay viết nhật ký có chánh niệm là “ghi lại tình huống chính xác như nó đã xảy ra như thể chúng ta đang chụp một bức ảnh”. Ban đầu, thật khó để tôi bắt đầu phương pháp này, đặc biệt là sau nhiều năm ghi chép với một thói quen chỉnh sửa các mục theo ý mình. Tôi chưa sẵn sàng để thừa nhận rằng bản thân mình vẫn còn tồn tại những chấp trước hay những thành kiến nhất định.

Theo thời gian, việc ghi lại tình huống như vậy đã giúp tôi phát triển đức tính trung thực và có thể chấp nhận những thiếu sót cũng như thất bại của mình. Tôi đã khá hơn trong việc nhận biết những suy nghĩ thoáng qua, những cảm xúc bùng phát và thái độ phán xét của bản thân đối với người khác. Việc viết nhật ký như vậy dần dần trở thành một thói quen giúp tôi nhận biết những cảm xúc của mình và tôi cũng xem chúng như những người thầy vĩ đại, những phần bản thân cần được chữa lành hoặc nên được chú ý nhiều hơn cứ dần dần hiện ra trên trang giấy. Thầy tôi đã khiến tôi nhận ra rằng ghi chép trung thực có thể dẫn đến những thay đổi căn bản đối với những đức tính của con người.

Một công cụ hiệu quả của việc viết nhật ký chánh niệm là thực hành dừng lại và xác định nguyên nhân gây ra sự xáo trộn cảm xúc cũng như những suy nghĩ nào đã nảy sinh vào thời điểm đó. Chúng ta thường không nhận ra những xáo trộn bên trong của chính mình. Tuy nhiên, nếu không thể dừng lại để nhìn sâu vào một vấn đề hay tình huống nào đó, thì chúng ta rất dễ quay trở lại khuôn mẫu và thái độ cũ, và phản ứng bằng những suy nghĩ tiêu cực và cảm xúc lấn át cả lý trí. Vì vậy, viết nhật ký chánh niệm một cách nhất quán giúp chúng ta phát triển sức mạnh để ngưng phản ứng với những tình huống kích động bên ngoài.

Nói cách khác, viết nhật ký chánh niệm giúp chúng ta trau giồi sức mạnh để tạm ngưng dòng suy nghĩ đang chạy miên man trong đầu và tạo một khoảng lặng trước khi phản hồi lại với thế giới bên ngoài. Mỗi lần dừng lại để viết giống như lái xe vượt qua gờ giảm tốc độ để ngăn ngừa tai nạn tiềm ẩn phía trước. Tạm dừng theo cách này giúp chúng ta trở thành một người khéo quan sát những cảm xúc của mình, và từ đó điều chỉnh lại cho thích hợp để làm lợi ích cho cả bản thân và những người xung quanh.

Quan trọng hơn, sự tạm dừng này có khả năng thay đổi tính chất và diễn biến của các sự kiện tiếp theo và dẫn chúng ta đến con đường hạnh phúc hơn. Khi không còn bị lôi kéo bởi những thói quen và định kiến nữa thì chúng ta có thể tự do xem xét và nhìn nhận một tình huống từ nhiều góc độ khác nhau, cũng như đưa ra những quyết định sáng suốt và tử tế hơn. Tôi cảm thấy như thế nào? Nếu tôi đặt mình vào vị trí của người khác thì sao? Quyết định của tôi sẽ ảnh hưởng đến tập thể như thế nào trong tương lai?

Viết nhật ký chánh niệm cũng cho chúng ta một không gian nhất định để suy ngẫm về những sai lầm đã qua và đưa ra quyết tâm để hành động tốt hơn nếu một tình huống tương tự xảy ra. Sự suy ngẫm và thiết lập dự định cuối cùng này rất quan trọng vì chúng giúp phát huy lòng thương yêu đối với chính bản thân mình. Thông qua đó, chúng ta học được sức mạnh của sự tha thứ, không những cho mình mà còn cho người khác nữa, và chúng ta quyết tâm làm tốt hơn trong những lần sau. Như vậy, viết nhật ký giúp chúng ta thừa nhận và buông xuống những lỗi lầm, đồng thời, thiết lập mục tiêu cho một tương lai tươi sáng hơn.

Tôi chia sẻ phương pháp này với nhiều nơi, người tiếp nhận đã bày tỏ lòng biết ơn về những gì họ đã khám phá được về tự thân, hơn nữa, họ cũng cảm thấy hạnh phúc khi tự mình nhận ra và sửa đổi những phản ứng của chính mình. Dưới đây là một ví dụ:

“Khi làm bữa sáng, tôi nhận ra người bạn cùng nhà của mình đã đổ phần còn lại của món salad cá ngừ lên khắp bồn rửa. Anh ta còn để lại hai chiếc bát bẩn và đã bốc mùi hôi thối chỉ sau một đêm. Tôi cảm thấy một cảm giác ghê tởm và chỉ muốn nôn thốc. Sự phán xét này khơi lên trong tôi “cha mẹ anh ta chưa bao giờ dạy anh ta cách làm sạch bồn sau mỗi lần sử dụng hay sao?”. Tôi cảm thấy thất vọng, chủ yếu là vì chúng tôi đã thỏa thuận với nhau là rửa bát đĩa ngay lập tức và tránh để đồ đạc qua đêm”.

Ngay tại đây, học viên đã quan sát và thừa nhận cảm giác thất vọng nảy sinh và cảm giác này cũng là bình thường.

“Tôi dừng lại và tự nhắc nhở bản thân rằng chúng ta nhận được những sự giáo dục khác nhau và khi còn bé, cuộc sống ở nhà đầy dẫy những tiếng la hét, cằn nhằn hay phớt lờ chỉ vì tôi dọn dẹp có tốt hay không. Khi tha thứ cho lỗi lầm do sự thiếu hiểu biết của anh ta, thì bản thân tôi cũng đang mở rộng sự tha thứ đến đứa trẻ bên trong của chính tôi.

Tôi tự nhắc nhở bản thân về tất cả những cố gắng của anh ta gần đây và việc anh chấp nhận yêu cầu của tôi là lấy hết tóc rụng của anh ra khỏi cống sau khi tắm. Anh ấy chắc hẳn đã rất nỗ lực để làm thế. Sau đó, tôi đã viết một giấy ghi chú để nhắc nhở anh ấy về việc quản lý thức ăn tốt hơn và vệ sinh bồn sau khi sử dụng. Cuối cùng, tôi lau sạch bồn rửa bát và tiếp tục những công việc buổi sáng của mình”.

Chúng ta không thể khiến cho tất cả thế giới này hoặc toàn bộ môi trường bên ngoài của chúng ta trở nên hoàn hảo, suôn sẻ và êm đẹp. Những người cau có, các vấn đề phiền phức luôn tồn tại ở khắp mọi nơi. Trong hoàn cảnh đó, việc viết nhật ký với chánh niệm có thể dạy chúng ta phương pháp trau dồi trí tuệ để đối phó bất cứ điều gì xảy đến với mình theo những cách hiệu quả nhất.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn - Tranh Phật giáo Trung Quốc

Tám ngọn gió đời

GNO - Chúng tôi có biết một số giai thoại thú vị về Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn. Trong cuộc sống hàng ngày, con người luôn đối diện với "Bát phong”, tức tám ngọn gió đời. Có cách nào để có thể đứng vững trước tám ngọn gió ấy không?
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Đợi nắng

GNO - Buổi sáng, tại mảnh sân nhỏ, thấp thoáng một bóng dáng nhỏ xíu, gầy còm đi vào đi ra hồ như mẹ đang mong chờ một điều gì đó mà lòng bồn chồn khó tả. Rồi mẹ lại trở vào trong nhà khoác thêm chiếc áo, choàng thêm tấm khăn, chân đi ủng và bước ra vườn.
Anh Nguyễn Hồng Lợi bên vợ và con

“Kình ngư không chân” và câu chuyện truyền cảm hứng

GNO - Khuyết tật bẩm sinh, bị bỏ rơi ngay từ ngày mới sinh, được dì và dượng ẵm về nuôi nhưng Nguyễn Hồng Lợi chưa bao giờ oán trách cha mẹ, mà ngược lại, anh xem đó là nguồn động lực để bản thân cố gắng nhiều hơn.

Thông tin hàng ngày