Kẻ thù thực sự

Đức Dalai Lama thứ XIV
Đức Dalai Lama thứ XIV
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chúng ta từng chứng kiến rất nhiều cá nhân với những hành vi phá hoại và tàn độc nhất trong lịch sử: giết hại và tra tấn dã man. Chính điều đó đã khiến cho rất nhiều người phải rơi vào cảnh đau đớn và khổ sở khôn cùng.

Đối với lịch sử nhân loại, những hành vi này dường như đã gợi lên góc khuất tối tăm trên khối di sản chung của chúng ta. Nguyên nhân của những việc này bắt nguồn từ sự sân giận, hận thù, ganh ghét và lòng tham vô đáy đã chế ngự và điều khiển con người. Lịch sử thế giới chính là một sự ghi chép khá rõ ràng về những tác động của các suy nghĩ tích cực và tiêu cực đối với loài người.

Vì vậy, thông qua việc suy ngẫm về những gì đã xảy ra trong quá khứ, chúng ta có thể thấy rằng nếu chúng ta mong muốn có một tương lai tốt đẹp và hạnh phúc hơn, thì bây giờ chính là lúc chúng ta nên xem xét lại những suy nghĩ của thế hệ chúng ta và những ảnh hưởng trong tương lai do các suy nghĩ đó mang lại. Không thể xem thường sức lan tỏa và hệ lụy của những thái độ tiêu cực này.

Là một tu sĩ Phật giáo và được xem như một hành giả đang thực hành Bồ-tát đạo, thỉnh thoảng, bản thân tôi vẫn trở nên cáu gắt, tức giận, và rồi, tôi lại thốt ra những lời nặng nề đối với người khác. Tuy nhiên, một lúc sau, khi cơn giận đã nguôi ngoai, tôi cảm thấy rất xấu hổ; một khi nói ra những lời tiêu cực thì thực sự không có cách nào để rút lại chúng. Dẫu cho các từ ngữ đã nói ra và âm thanh của giọng nói đã không còn tồn tại, nhưng những thương tổn mà chúng gây ra vẫn còn tồn tại.

Vì vậy, điều duy nhất mà tôi có thể làm lúc này là đến gặp người đó và xin lỗi họ một cách chân thành. Trong trường hợp này, bất kỳ ai cũng sẽ thấy ngại ngùng và xấu hổ. Điều đó cho thấy rằng ngay cả khi tức giận và bực bội dù chỉ trong chốc lát cũng khiến cho bản thân cảm thấy vô cùng khó chịu và lúng túng, chưa kể đến việc gây ra những tổn thương sâu sắc cho người đối diện. Vì vậy, trong thực tế, những trạng thái tiêu cực sẽ làm mụ mị đầu óc sáng suốt và khả năng phán đoán, nhận xét của chúng ta, từ đó gây nên những thiệt hại to lớn vô cùng.

Một trong những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người là trí tuệ, chính trí tuệ giúp chúng ta phân biệt được đúng hay sai, tốt hay xấu, lợi hay hại. Nhưng cũng đáng buồn khi những suy nghĩ và thái độ tiêu cực như sân hận và chấp trước có thể tàn phá phẩm chất đặc biệt này của con người. Khi tâm trí bị sân hận và chấp trước chi phối thì một người gần như trở nên điên cuồng và kích động.

Tôi chắc chắn rằng chẳng ai muốn mình bị điên. Dưới bàn tay quyền lực của những thái độ tiêu cực này, chúng ta sẽ thực hiện tất cả các loại hành vi, mà hầu hết trong số đó đem đến những hậu quả mang tính hủy diệt và gây tổn thương cho rất nhiều người. Một người bị kìm kẹp bởi những trạng thái tâm trí và cảm xúc như vậy cũng giống như một người mù, họ không thể nhìn thấy mình đang đi đâu. Tuy nhiên, chúng ta lại lơ là đối với việc nhận diện và ngăn chặn những trạng thái tiêu cực khiến cho chúng ta gần như điên loạn. Ngược lại, trên thực tế, chúng ta đang tự biến mình trở thành con mồi cho nguồn sức mạnh hủy diệt xuất phát từ những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực đó. Khi nghĩ theo cách này, bạn sẽ thấy rằng kẻ thù thực sự nằm bên trong của chính chúng ta.

Để tôi lấy một ví dụ khác. Khi tâm của bạn được rèn luyện đức tính kỷ luật và tự giác thì cho dù bạn có bị bao vây bởi các thế lực thù địch, sự tĩnh lặng và bình an bên trong của bạn cũng khó có thể bị xáo trộn. Nhưng trạng thái bình an và tĩnh lặng đó lại dễ dàng bị phá hủy bởi những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực của chính bạn. Thông thường, chúng ta nghĩ rằng kẻ thù của mình là một người hay một tác nhân nào đó ở bên ngoài; chúng ta tin rằng người đó đang gây tổn hại cho chúng ta hoặc những người mà chúng ta yêu quý.

Nhưng những kẻ thù đó là tương đối và vô thường. Bởi vì lúc này, người đó có thể thực hiện những hành động của một kẻ thù, nhưng vào một thời điểm khác, họ có thể trở thành người bạn tốt nhất của chúng ta. Đây là một sự thật mà chúng ta thường trải qua trong cuộc sống của chính mình. Những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực - những kẻ thù bên trong luôn luôn là kẻ thù. Miễn là chúng còn tồn tại trong tâm trí của bạn thì chúng là kẻ thù của ta trong hiện tại, trong quá khứ và vẫn sẽ là kẻ thù của ta trong tương lai. Do đó, ngài Tịch Thiên đã nói rằng suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực là những kẻ thù thực sự và chúng nằm ngay bên trong mỗi chúng ta.

Kẻ thù bên trong này cực kỳ nguy hiểm. Khả năng hủy diệt của kẻ thù bên ngoài bị hạn chế rất nhiều so với kẻ thù bên trong. Hơn nữa, chúng có thể tạo ra một phòng thủ vật lý để chống lại kẻ thù bên ngoài. Ví dụ, trong quá khứ, mặc dù sở hữu nguồn lực, vật chất và khả năng công nghệ hạn chế, nhưng con người đã tự bảo vệ mình bằng cách xây dựng những pháo đài kiên cố và các tòa lâu đài nhiều tầng với nhiều lớp tường thành bao quanh.

Trong thời đại hạt nhân ngày nay, những hệ thống phòng thủ như pháo đài và tường thành đã lỗi thời. Vào thời kỳ mà mọi quốc gia đều có thể trở thành mục tiêu của vũ khí hạt nhân từ một quốc gia khác, thì nhân loại vẫn tiếp tục phát triển các hệ thống phòng thủ càng tinh vi hơn. Dự án phòng thủ chiến lược do Hoa Kỳ khởi xướng mang tên “Chiến tranh giữa các vì sao” (Star War) là một ví dụ điển hình cho dạng hệ thống như vậy. Cơ sở phát triển của dự án này vẫn là niềm tin rất cũ kỹ rằng chúng ta có thể tạo ra một hệ thống có thể bảo vệ cho chúng ta một cách “hoàn hảo”.

Bản thân tôi không biết liệu thế giới có thể tạo ra một hệ thống phòng thủ có khả năng bảo vệ toàn nhân loại trước mọi thế lực hủy diệt bên ngoài hay không. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng: chừng nào những kẻ thù bên trong vẫn còn tồn tại mà không được nhận diện và chuyển hóa, thì những mối hiểm họa của sự hủy diệt vật lý luôn rình rập chúng ta. Trên thực tế, sức mạnh hủy diệt của kẻ thù bên ngoài, suy cho cùng, cũng bắt nguồn từ sức mạnh của những kẻ thù bên trong. Hay nói cách khác, kẻ thù bên trong là ngòi nổ giải phóng sức mạnh hủy diệt của kẻ thù bên ngoài.

Dalai Lama

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm

Ban Trị sự TP.Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức tọa đàm tại chùa Bằng

GNO - Sáng 19-11, Ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm chuẩn bị cho dự án “Tổ chức điều tra, sưu tầm tài liệu nghiên cứu biên soạn bộ tổng tập Phật giáo Thăng Long - Hà Nội”, tại chùa Bằng - Linh Tiên tự (Q.Hoàng Mai).
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1276 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Thân bệnh mà tâm không khổ

GNO - Già bệnh là một sự thật của thân này, ai rồi cũng phải trải qua. Hiếm hoi mới có người già mà ít hay không bệnh. Vấn đề là, làm sao khi thân già bệnh mà tâm bớt khổ hoặc không khổ?

Thông tin hàng ngày