Sức mạnh không phóng dật

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1272 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1272 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Phóng dật là phóng túng, buông thả, chạy theo rồi dính mắc vào năm trần cảnh. Mắt thấy sắc đẹp, tai nghe tiếng hay, mũi ngửi hương thơm, lưỡi nếm vị ngon, thân xúc chạm êm ái là xu hướng bám víu của năm căn (giác quan) trước hấp dẫn của năm trần.

Vô minh và tham ái là động lực để người ta lao theo, tìm cách chiếm hữu thật nhiều năm trần cảnh ưa thích.

Với người đời, sở hữu thật nhiều năm trần, hài lòng và thỏa mãn các giác quan chính là thành đạt và hạnh phúc. Cả một đời vất vả, cực nhọc cũng chỉ tìm kiếm những cảnh trần ưa thích. Như con thiêu thân lao vào nơi có ánh sáng bất chấp mọi thứ, kể cả tính mạng, năm trần có sức quyến rũ mãnh liệt, có sức mạnh to lớn cám dỗ và thách thức lòng người. Người tu thì xem đó là ma lực, dễ khiến xiêu lòng, chạy theo rồi chìm đắm.

“Một thời, Đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Người nữ có năm sức mạnh xem thường chồng. Những gì là năm? Một sức mạnh của sắc đẹp, hai sức mạnh của dòng họ, ba sức mạnh của ruộng vườn, bốn sức mạnh của con cái, năm sức mạnh của tiết hạnh. Đó là năm sức mạnh của người nữ.

- Tỳ-kheo nên biết, người nữ dựa vào năm sức mạnh này mà xem thường chồng. Nếu chồng có một sức mạnh thì sẽ phủ lấp hết người nữ kia. Một sức mạnh ấy là gì? Đó là sức mạnh của giàu sang. Phàm là người giàu sang thì sức mạnh của sắc không sánh bằng; dòng họ, ruộng vườn, con cái, tiết hạnh cũng không bằng. Do một sức lực mà thắng ngần ấy sức mạnh.

- Nay tệ ma Ba-tuần cũng có năm sức mạnh. Những gì là năm? Đó là sức mạnh sắc, sức mạnh thanh, sức mạnh hương, sức mạnh vị, sức mạnh xúc. Phàm người ngu si đắm các pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc nên không thể vượt qua cảnh giới ma Ba-tuần. Thánh đệ tử thành tựu một sức mạnh thì có thể thắng ngần ấy sức mạnh. Một sức mạnh ấy là gì? Đó là sức mạnh không phóng dật. Nếu Hiền Thánh đệ tử thành tựu không phóng dật, không bị sắc, thanh, hương, vị, xúc câu thúc. Do không bị năm dục trói buộc nên có khả năng phân biệt pháp sinh, già, bệnh, chết, thắng được năm sức mạnh của ma, không rơi vào cảnh giới ma, vượt khỏi các nạn sợ hãi, đến chỗ vô vi.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Giới, đường đến cam lồ

Phóng dật, dẫn lối chết

Không tham thì không chết

Mất đường là tự mất.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Hãy niệm tưởng tu hành không phóng dật. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, phẩm 35. Tà tụ, kinh số 4)

Pháp thoại này Đức Phật đã dùng ảnh dụ thú vị. Như người đàn ông giàu sang, dùng phú quý hào hoa mà nhiếp hóa hàng phụ nữ danh giá với năm ưu điểm sắc đẹp, dòng dõi, khá giả, sinh con, phẩm hạnh. Cũng vậy, người tu lập hạnh không phóng dật để nhiếp phục tâm khi năm căn tiếp xúc với năm trần. Nền tảng của không phóng dật là chánh niệm, tỉnh giác. Xúc, thọ, ái là tiến trình tạo nghiệp. Chánh niệm tỉnh giác sẽ giúp chúng ta phản tỉnh kịp thời. Thọ và ái được kiểm soát, phóng dật được chặn đứng, khổ não không có cơ hội xảy ra.

Sự quyến rũ của năm trần được Thế Tôn gọi là sức mạnh của ma Ba-tuần. Dính mắc vào năm trần là bị trói buộc, rơi vào cảnh giới của ma. Thành ra, cảnh giác với năm trần, thấy rõ vô thường để “cái thấy chỉ là cái thấy”, nghe, nếm, ngửi, tiếp xúc… cũng đều như vậy. Tham ái không sinh khởi thì không lao theo, không bị cột trói, nghiệp mới không tạo ra. Đây chính là hành trình làm chủ các căn, thành tựu hạnh lành không phóng dật.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1310 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Chân lý thứ ba rưỡi giữa khổ đau và hạnh phúc tối thượng

GNO - Hạnh phúc chân thật không nằm nơi những gì dễ đổi thay. Tỳ-kheo Thanissaro nhắc nhở chúng ta: nếu còn tìm hạnh phúc trong những điều gắn liền với khổ đau, thì thất vọng chỉ là chuyện sớm muộn. Chỉ khi quay về với nội tâm tĩnh lặng, ta mới chạm được vào an lạc bền vững.
Đoàn khảo sát địa điểm đặt Văn phòng đại diện của GHPGVN tỉnh tại P.Bắc Kạn

Thái Nguyên: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh và lãnh đạo liên ngành khảo sát địa điểm đặt Văn phòng Phật giáo

GNO - Chiều 17-7, Thượng tọa Thích Nguyên Thành, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh; bà Đỗ Thị Minh Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh làm trưởng đoàn, đã khảo sát địa điểm đặt Văn phòng đại diện của GHPGVN tỉnh tại P.Bắc Kạn.

Thông tin hàng ngày