GN - Theo thông tin từ Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, để đánh giá sự nghiêm túc của các trường hạ tập trung, thay cho chương trình đi thăm của Ban Chỉ đạo An cư như trước đây, năm nay Ban Trị sự PG TP sẽ thành lập Đoàn Kiểm tra An cư, nhằm kiểm tra đột xuất các trường hạ tại thành phố.
HT.Thích Minh Thông - Ảnh: VG |
Nói về tầm quan trọng của truyền thống an cư kiết hạ và chủ trương của Ban Trị sự PG TP, HT.Thích Minh Thông, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM cho biết:
- Năm nay, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ PL.2560 khuyến khích các trường hạ tập trung, trường hạ tại chỗ của thành phố đi sâu vào trau dồi nội tâm - cốt lõi ý nghĩa an cư mà Đức Phật đã dạy. Bởi lẽ, mùa an cư là mùa rất quan trọng của một người xuất gia.
Theo tinh thần của lời Phật dạy trong kinh Điển Tôn (Trường A-hàm), ngoài thời gian vệ sinh cá nhân thì hành giả trong ba tháng hạ phải dành thời gian tuyệt đối để nuôi dưỡng nội tâm. Đây chính là cốt lõi của của một vị Tỳ-kheo, đây cũng là nền tảng trưởng thành, sự trang nghiêm của Giáo hội.
Giáo hội chúng ta thường đề cao phương châm “trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội”, trong tinh thần đó, Giáo hội cũng xác định phải lấy giới luật làm nền tảng, bỏ bớt cảnh duyên ở ngoài để trở về chính mình, nuôi lớn những phẩm chất tốt đẹp tự nội. Chính đó là nuôi dưỡng nội tâm, nuôi dưỡng sự trang nghiêm Giáo hội. Đó cũng là sức sống vững mạnh của đoàn thể Tăng-già.
Một vị Tỳ-kheo có giới đức, có sức sống nội tâm sẽ đem đến sức sống cho Tăng đoàn, chất liệu làm nên sự trang nghiêm. Thành ra, tinh thần của Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ thành phố là yêu cầu các trường hạ an cư tập trung cũng như an cư tại chỗ tại 24 quận, huyện làm sao dành thời giờ tối đa cho hành giả an cư trong trú xứ có thời gian tụng kinh, bái sám, thiền định; bởi đó là hành trình tìm về, nuôi dưỡng nội tâm, dưỡng chất để trưởng thành của một Tỳ-kheo.
Tại các trường hạ, nội dung tu tập chính là kinh, luật, luận còn có các chương trình ngoại khóa như nghe phổ biến Hiến chương của Giáo hội, học kiến thức trụ trì, các vấn đề liên quan đến Nhà nước, vì Tăng Ni cũng cần biết những vấn đề về tôn giáo cũng như xã hội.
Thưa Hòa thượng, một trường hạ có chương trình tu học như thế nào mới gọi là chuẩn mực?
- Một trường hạ thì phải có sự hành trì, sự tu tập đầy đủ, một ngày đêm phải đầy đủ 6 thời, sự học, sự tu sát với nhau không để thời gian trống, không bỏ phí thời gian.
Theo truyền thống của chư Tổ, ba tháng an cư, hành giả không để tâm chạy theo ngoại duyên, ngoại cảnh. Từ việc tu học cho đến thời khóa hay là ngoài thời khóa cũng phải “cột” tâm trong nội thiền. Thời chư Phật còn tại thế, sau ba tháng an cư, hàng Tỳ-kheo phải đạt từ quả này đến quả kia, hoặc tứ quả đến A-la-hán.
Thời nay, vấn đề đạt đến quả vị đó rất là hiếm nhưng ba tháng an cư rồi, nếu những trường hạ nào tu tập nghiêm mật thì những hành giả an cư thành tựu nội tâm. Sau tự tứ, hành giả rất nhẹ nhàng trong nếp sống hành đạo của mình.
So với thời Đức Phật, sự khác biệt tại các trường hạ thời hiện tại ngày nay không nhiều. Các trường hạ ngày nay có sự tiết chế những chi tiết nhỏ mà thôi. Phần căn bản của kinh, luật, luận, thời khóa cũng không thể bỏ được vì cái đó là phần chính, cốt lõi của sinh hoạt tu học của hành giả.
Chư Tổ còn truyền “tam nguyệt an cư, cửu tuần tu học” – trong thời gian ba tháng an cư tránh tối đa các ngoại duyên, chuyên tâm trau dồi Giới - Định -Tuệ, đây là cốt yếu nhất của hành giả cần thực hiện nghiêm mật.
Chương trình tu học của hành giả trong một ngày đêm tại các trú xứ như thế nào thì được cho là đầy đủ?
- Thời khóa trong một ngày đêm của hành giả an cư trong một trú xứ do các vị Tổ truyền lại là “trú dạ lục thời” - một ngày đêm phải đủ 6 thời tu tập.
Theo thống kê của Ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM, toàn thành phố có 42 trường hạ an cư tập trung và 94 trường hạ an cư tại chỗ với tổng số 6.385 hành giả Tăng Ni. |
Đó là, khuya công phu; buổi sáng tụng kinh, tọa thiền, lạy Phật, sám hối; quá đường, kinh hành buổi trưa; chiều là thời thứ 4; tối là thời thứ 5 gồm: tịnh độ, tụng luật; sau đó là thời ngồi thiền trước giờ chỉ tịnh...
Ngày xưa cũng có truyền câu nói rằng, trong ba tháng an cư y hậu chư Tăng không kịp khô, với ý nghĩa là hành giả liên tục các thời khóa, không có thời gian trống trong mùa chuyên tu này.
Mùa An cư kiết hạ đã bắt đầu được vài tuần, Hòa thượng nhận xét như thế nào về tinh thần của hành giả trong các trường hạ toàn thành phố?
- Mùa an cư đã bắt đầu được một tháng, sinh hoạt tu học tại các trường hạ, sinh hoạt của Tăng-già rất tốt đẹp, có sự cúng dường, ngoại hộ của Phật tử cũng tương đối đầy đủ. Chư hành giả Tăng, Ni ở các trường hạ cũng ổn định.
Chư Tăng BTS PG TP bố-tát tại tổ đình Ấn Quang - Ảnh: Bảo Toàn
Được biết năm nay Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ thành phố không tổ chức đoàn chư tôn giáo phẩm thăm các trường hạ như những năm trước mà thành lập Đoàn Kiểm tra trường hạ. Xin Hòa thượng cho biết đoàn kiểm tra này gồm thành phần như thế nào và hoạt động ra sao?
- Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ thành phố giao cho Ban Tăng sự và Ban Kiểm soát GHPGVN TP.HCM phối hợp tổ chức thành lập Đoàn Kiểm tra trường hạ. Hoạt động của Đoàn Kiểm tra là đến kiểm tra sinh hoạt tu học của các trường hạ đột xuất mà không cho biết trước.
Ban Kiểm tra này sẽ kiểm tra báo cáo túc số có đúng với thực tế tại trường hạ hay không, kiểm tra sự sinh hoạt, điều kiện ăn ở của hành giả trong trú xứ đó cũng như túc số qua các thời tụng kinh, nghe giảng, quá đường… để có những đánh giá cụ thể.
Nếu Đoàn Kiểm tra phát hiện có vi phạm ở các trường hạ thì sẽ áp dụng biện pháp xử lý như thế nào?
- Tại cuộc họp trước đây, chư tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự PG TP, Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ PL.2560 có đưa ra hình thức xử lý các trường hợp hành giả an cư vi phạm trong đại chúng. Theo đó, nếu hành giả không tinh tấn, vắng mặt trong các thời khóa 9 lần thì không được cấp sổ an cư; đối với Ban Chức sự trường hạ thì Đoàn Kiểm tra sẽ nhắc nhở về quản lý chúng, hạn chế để chúng đi ra khỏi ngoài cương giới theo quy định trong Luật tạng. Kết quả kiểm tra sẽ được báo cáo lên Ban Chỉ đạo An cư để có biện pháp phù hợp.
Với vai trò là Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM, Hòa thượng có lời nhắn nhủ, sách tấn đến hành giả đang cấm túc an cư tại các trường hạ toàn thành phố?
-Chúng tôi muốn nhắn nhủ tất cả hàng tu sĩ nhất là hàng Tỳ-kheo trong ba tháng an cư này là ba tháng thù thắng nhất. Thời gian này là cơ hội cho tất cả người xuất gia nỗ lực tu học, thường được ví như là dịp cho chúng ta lên núi báu để tìm của báu. Nếu ba tháng chúng ta lên núi rồi mà xuống núi không có của báu mà mang toàn những loại đá, sỏi thì không có lợi ích gì cho một năm của người xuất gia.
Thường thì chúng ta quan niệm, con người như một “cái máy” hoạt động liên tục, trong ba tháng là thời gian để “sạc pin” cho đầy để sử dụng cho chín tháng còn lại. Với cương vị là một người quản lý Tăng sự, tôi có lời khuyến tấn đến hành giả là phải hết sức nỗ lực, tinh tấn tu tập để an tịnh nội tâm, làm một Tỳ-kheo của Đức Phật muốn gìn giữ chính mình, để Tăng-già trang nghiêm, tốt đẹp.
Muốn đạt được điều đó thì trong ba tháng an cư, hành giả phải nuôi dưỡng sức sống nội tâm vững chắc, tránh các ngoại duyên. Đó chính là điều quan trọng nhất, cốt lõi của người xuất gia, cũng là sức sống của Tăng-già.
H.Diệu thực hiện