Sức sống Việt Nam qua diện mạo kiến trúc thời Trần Nhân Tông (Kỳ 2)

Tượng Trần Nhân Tông tại tháp tổ Huệ Quang.(Ảnh trích từ thuvienhoasen)
Tượng Trần Nhân Tông tại tháp tổ Huệ Quang.(Ảnh trích từ thuvienhoasen)
Bên cạnh các công trình kiến trúc của nhà nước và dinh thự quý tộc, quan lại; nhà cửa, phố chợ trong nhân dân cũng được tái thiết nhanh chóng và trở nên sầm uất sau chiến tranh. Bài An Nam tức sự của Trần Phu, sứ giả nhà Nguyên, cho biết trong các xóm làng thường có chợ, cứ hai ngày họp một phiên, hàng hóa trăm thứ bày la liệt, hễ cách năm dặm thì dựng ngôi nhà ba gian, bốn phía đặt chõng để làm nơi họp chợ.

Còn nhà cửa của nhân dân thì san sát, với những đặc trưng nổi bật kiểu Việt mà sứ giả nước Nguyên Trần Phu khó có thể quên khi mô tả: Nhà không có kiểu gấp mái hoặc chống kèo, mà từ đòn đông đến mái hiên cứ thẳng tuột một mạch, như đổ hẳn xuống. Nóc nhà tuy hết sức cao nhưng mái hiên thì chỉ cách mặt đất chừng bốn năm thước, có nhà còn thấp hơn nữa là khác, nên bị tối, mái nhà ngang mặt đất mà trổ cửa sổ... Những mô tả này phản ánh một không khí mới của sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung, lĩnh vực kiến trúc nói riêng của nước Đại Việt dưới thời vua Trần Nhân Tông.

Ngoài các dạng kiến trúc nói trên, sẽ là một thiếu sót lớn nếu không đề cập đến kiến trúc Phật giáo đời Trần Nhân Tông, bởi dấu ấn của vị vua nầy để lại hết sức sâu đậm trong tổng thể kiến trúc Phật giáo thời Trần.

Phật giáo vẫn phát triển mạnh vào đầu thời Trần, tuy ở lĩnh vực cai trị đất nước, tư tưởng Nho giáo bắt đầu có ưu thế. Không những dân chúng mà ngay các vương hầu, khanh tướng, cùng một số vua Trần thường quy y Phật. Đặc biệt sau chiến thắng quân Nguyên, vào tháng 3 năm Quý Tỵ (1293), vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái Thượng hoàng, sau đó đi tu, góp phần mở đầu cho sự ra đời Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Tam tổ ở Đại Việt.

Địa bàn của Thiền phái Trúc Lâm nằm trên một vùng Đông Bắc rộng lớn, kéo từ Uông Bí, Đông Triều về đến Thăng Long. Chính sự lớn mạnh của Thiền phái Trúc Lâm đã đóng góp khá nhiều công trình kiến trúc cho Phật giáo, với việc trùng tu, xây dựng thêm nhiều chùa tháp mới.

Trong số các kiến trúc Phật giáo đời Trần Nhân Tông, đáng kể nhất là các ngôi chùa, tháp ở núi Yên Tử (Đông Hưng, Quảng Ninh). Nơi đây đã trở thành một trung tâm lớn của Phật giáo, với một hệ thống các công trình kiến trúc Phật giáo đồ sộ đã được xây dựng, có nhiều nhà sư nổi tiếng trông coi, do các nhà sư của Thiền phái Trúc Lâm của Trần Nhân Tông đứng đầu.

Tại Yên Tử, từ chân núi đi lên với chiều dài khoảng 30 cây số, có chừng hai mươi công trình kiến trúc lớn nhỏ. Các công trình lớn như chùa Lân (Long Động), chùa Hoa Yên, chùa Giải Oan, chùa Bảo Sái, viện Thạch thất Mị ngự, viện Phu Đồ, am Vân Tiêu, Dược Am...

Trong hệ thống chùa tháp ở Yên Tử, chùa Hoa Yên được coi là chính tự. Nơi đây, Thượng hoàng Trần Nhân Tông cùng các đệ tử về xây dựng và trụ trì luôn. Chùa Hoa Yên được dựng lên trên một sườn núi rộng, thoai thoải. Núi được bạt thành hai lớp nền rất lớn, lớp nền trước là nơi dựng cổng chùa và các tháp, lớp nền sau là tòa điện chính của chùa. Ngoài chính điện, chung quanh chùa có lầu trống, lầu chuông, nhà tri khách, nhà dưỡng tăng, nhà in và chứa kinh sách, nhà thuyết pháp...

Tổng thể chùa tháp ở Yên Tử được xem là một công trình kiến trúc Phật giáo khang trang, bề thế, ghi dấu tên tuổi Trần Nhân Tông, vị tổ đã có công lớn khai sinh ra hệ phái Trúc Lâm Tam tổ trên vùng đất này. Xá lị của Trần Nhân Tông đã vĩnh viễn ở lại cùng ngôi tháp được xây dựng sau cổng chùa Hoa Yên đã nói lên điều đó.

Hai lần cùng dân tộc lao đầu vào cuộc kháng chiến khốc liệt chống quân Nguyên, Trần Nhân Tông đã đưa đất nước đạt được những thắng lợi rực rỡ, vinh quang. Sự vĩ đại của ông càng được nhân lên gấp bội, khi cũng chính ông là người khởi đầu sứ mạng khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết và xây dựng lại đất nước.

Với vai trò Hoàng đế, và sau đó là Thái Thượng hoàng rồi cả Phật hoàng, Trần Nhân Tông đã phát huy hào khí Đông A làm nên bước đột phá thần kỳ, tạo ra một diện mạo mới trong đời sống vật chất lẫn tinh thần cho nước Đại Việt sau chiến cuộc.

Thật không dễ dàng để đạt được kỳ tích trong xây dựng sau chiến tranh đổ nát hoang tàn, khi chỉ 5 năm sau ngày chấm dứt cuộc chiến (1293), sứ giả nhà Nguyên sang đất Đại Việt lại chỉ thấy cảnh xe thuyền, người ngựa tấp nập; nhà cửa, đền tạ, cung điện san sát; một sự thái bình thịnh trị tràn ngập khắp đất nước; sức sống diệu kỳ lan tỏa khắp nơi...

Sinh khí quốc gia mà Trần Nhân Tông nhanh chóng tạo dựng được, thể hiện một phần từ các công trình kiến trúc, đã khiến kẻ thù phải khâm phục, nể sợ; để rồi bao lần muốn tiếp tục gây chiến tranh nhằm rửa nhục, triều Nguyên đành phải tạm gác qua một bên, cuối cùng đành chấm dứt luôn ý định trả thù Đại Việt khi Hốt Tất Liệt qua đời (1294).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày