Suy ngẫm mùa Sen

GN - Có thể nói, trong bất cứ công trình Phật giáo nào cũng đều có ba biểu tượng quan trọng nhất, đó là: bánh xe chuyển pháp luân, chữ Vạn và hoa sen. Trong đó, hoa sen hầu như có mặt ở khắp nơi.

Sen bất diệt, tái sinh trên tay của Phổ Hiền Bồ-tát, sen nở trên nền trí tuệ bệ thờ Đức Phật Thích Ca, sen cách điệu nơi các phù điêu trang trí và sen hiện hữu trong ao hồ thanh tịnh quanh chùa. Sen vừa là biểu tượng của triết lý văn hóa tinh thần vừa là thực thể gắn liền với đời sống thực tại. Sen gần gũi, nhẹ nhàng trong ý thức thanh cao, sen song hành với tâm thức dân tộc cũng như Phật giáo Việt Nam trải qua mấy ngàn năm thăng trầm lịch sử.
hoasen pg.jpg
Công trình Phật giáo nào cũng đều có ba biểu tượng quan trọng nhất
, đó là: bánh xe chuyển pháp luân, chữ Vạn và hoa sen - Ảnh: Internet

Chúng ta biết rằng hoa sen có mặt ở nhiều nước trên thế giới và được nhiều cư dân quan tâm. Hoa sen từ một loại sinh vật bình thường đã được nâng lên tầm cao quý, tính chất của nó được đẩy lên tầm triết học. Chính vì vậy mà từ xa xưa hoa sen đã đi vào tâm thức loài người một cách lung linh và huyền nhiệm.

Ở Ai Cập, hoa sen tượng trưng cho mặt trời, tức là nguồn sinh lực của vạn vật. Nhưng khi đi vào cõi Á Đông thì hoa sen lại mất đi tính dương mà lại tượng trưng cho tính âm, biểu hiện cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài, nguồn hạnh phúc vô tận của vũ trụ. Trước khi có Phật giáo, hoa sen đã có mặt trong Bà-la-môn giáo góp phần giải thích sự tạo lập nên thế giới. Vị thần Vishnu nằm ngủ trên rắn thần vĩnh cửu Sésa bảy đầu, trôi bồng bềnh trên biển sữa Ananta. Mỗi giấc ngủ kéo dài 3.000 năm, khi thần thức dậy thì lại tạo lập thế giới vũ trụ mới. Lúc ấy trên rốn của ngài sẽ mọc lên một đóa hoa sen và trên hoa sen ấy thần Brahma xuất hiện, thực hiện ý đồ của Vishnu. Cùng chịu ảnh hưởng quan điểm này, Phật giáo Tantra cho rằng hoa sen tượng trưng cho sinh thực khí nữ, tức là nguyên lý âm của vũ trụ sinh sôi. Còn Tịnh Độ tông quan niệm, ở Tây phương Cực lạc, chúng sinh được hóa sinh trong hoa sen, chia thành cửu phẩm.

Từ trong sâu thẳm của tâm thức loài người, hoa sen được linh thiêng hóa và trở thành biểu tượng cho hạnh phúc viên mãn, cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài vạn vật. Hoa sen làm đẹp sinh cảnh, tạo hình, Hoa sen làm đẹp cho thế giới tinh thần, từ bi giải thoát… Năm 624 (!) Tr.CN, hoàng hậu Ma-da vợ của vua Tịnh Phạn nước Ca-tỳ-la-vệ trên đường trở về quê hương để sinh nở, bà dừng lại vườn Lâm-tỳ-ni và chính nơi này Đức Phật chào đời. Tương truyền, khi Phật đản sinh, Ngài liền bước 7 bước trên 7 đóa hoa sen. Tại sao lại là 7 đóa hoa sen mà không là con số khác và loài hoa khác? Có thể hiểu rằng, bất cứ một vật gì cũng đều có 7 hướng của nó đó là: trên, dưới, trong, ngoài, phải, trái và trung tâm. Và cấu tạo của vạn vật cũng không ngoài 7 thứ: đất, nước, gió, lửa, hư không, cái nhìn thấy và cái nhận biết. Trạng thái tình cảm của con người cũng không ngoài: mừng, giận, yêu, ghét, ghen, vui, sợ… Hoa sen là biểu tượng của giải thoát, vậy 7 đóa sen chính là giải thoát ra khỏi 7 cái vốn có ấy để không còn vướng vào nghiệp lực của luân hồi, đi đến cảnh giới chân như tuyệt đối, đi đến cái vô ngã của vũ trụ hòa đồng.

Khi Đức Phật thuyết pháp, ngài có cầm một đóa sen giơ lên và ngài Ca Diếp mỉm cười, thành nên điển tích Niêm hoa vi tiếu. Nói cho đầy đủ là “Thích Ca Mâu Ni niêm hoa, Ma-ha Ca-diếp vi tiếu”. Câu chuyện này trong Đại tạng kinh không có ghi. Nhưng theo Vương An Thạch nói: “Tôi vào Hàn Uyển, ngẫu nhiên thấy có bộ Đại Phạm Thiên Vấn Phật Quyết Nghi kinh gồm ba quyển, nhân đó mà đọc thấy kinh ghi chép tường tận việc Phạm vương đến núi Linh Thứu dâng Phật một cành hoa ba-la vàng rồi xả thân làm sàng tọa, thỉnh Phật thuyết pháp. Đức Thế Tôn đăng tòa, đưa cành hoa lên cho đại chúng xem. Nhân thiên trăm vạn không ai hiểu gì, chỉ một vị Đầu-đà nước da vàng ánh rạng rỡ mỉm cười. Thế Tôn nói: “Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, nay Ta trao cho Ma-ha Ca-diếp”. Về ý nghĩa của nó, ta thấy Đức Phật đưa cành hoa lên và ngài Ca-diếp hiểu ý mỉm cười. Đó là một hình thức của pháp môn lấy tâm truyền tâm. Tức là ngài Ca-diếp đã nhận tâm ấn của Đức Phật.

Vậy tâm ấn là gì? Có thể hiểu gần tâm ấn là dấu ấn của tâm, nhưng nên được hiểu xa là tâm này ấn khớp với tâm kia. Trong đó cái kho chứa con mắt Chánh pháp là toàn bộ nội dung của giáo lý Phật giáo, chân thật, tuyệt đối. Tâm ấn là cái tâm vi diệu Niết-bàn mà thật tướng chính là vô tướng. Nó không thể dùng ngôn ngữ văn tự hạn hẹp của thế gian mà thuyết giảng được. Tâm ấn chính là yếu chỉ của Thiền tông Đông Độ.

Còn cành hoa sen mà Đức Phật giơ lên mang ý nghĩa gì? Có thể nói, từ trong sâu thẳm của tâm thức loài người, hoa sen được linh thiêng hóa và trở thành biểu tượng cho hạnh phúc viên mãn, cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài vạn vật.

Hoa sen cũng như con người, nó mang đầy đủ những ý nghĩa vừa khái quát vừa cụ thể. Nó là bài học sinh động giúp ta chiêm nghiệm để soi xét và rèn luyện chính thân tâm mình. Sen trong bùn nhưng không hôi tanh mùi bùn, cũng như con người sống là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, chịu sự tác động của môi trường, nhưng phải luôn ý thức gạn đục khơi trong, không để vướng bởi những cái xấu cái ác, cái tội lỗi hại mình hại người.

Chỗ nào có sen mọc là nước chỗ đó sẽ được lóng trong. Cũng như một khi ta có trí tuệ sáng suốt thì sẽ không làm điều bậy bạ. Có trí tuệ sáng suốt ta sẽ cải thiện các mối quan hệ để cuộc sống tốt đẹp hơn. Quá trình sen mọc là một quá trình đầy kiên nhẫn. Rễ nằm sâu trong bùn, đợi khi hội tụ đầy đủ các yếu tố mới nẩy mầm và vươn lên. Khác gì ta phải trải qua và đắm mình trong cõi nhân sinh thì mới thấu hiểu được nhân sinh. Và có thấu hiểu và sáng suốt thì mới có thể cứu độ, giúp đỡ được mọi người. Cũng như chỉ có những người hòa trong nhân sinh mà sống thì mới được nhân sinh tôn kính, còn những kẻ đạp trên đầu nhân sinh mà tồn tại thì trước sau gì cũng bị chính nhân sinh nhấn xuống bùn nhơ! Con người hoàn chỉnh cũng như hình gương sen tròn.

Cánh sen đều cũng như cái bao dung toàn mãn, không ích kỷ méo mó, không vì tư lợi mà khinh trọng phân biệt. Đó là cái tâm viên dung, tròn đầy xuất phát từ ánh sáng của trí tuệ không phân biệt. Đó cũng là cái đích đến của tâm ta - cái tâm thánh thiện. Mùa sen nở chính là mùa hè nóng bức, cái nóng bức của thời tiết có khác gì cái khổ của bao lớp chúng sinh. Hương sen, sắc sen làm dịu đi nỗi đau khổ ấy. Việc ấy có khác gì nếu Phật không vào địa ngục cứu độ chúng sinh thì ai sẽ vào!

Chính hoa sen tượng trưng cho cái tâm cao cả ấy, nhưng ruột nó vẫn trống không. Cũng như giúp người là việc làm mang tính tự nguyện, vô tư, chứ không phải để chất đầy vào cái kho công đức giả tạo. Và vì không giả tạo nên sen bao giờ cũng mọc thẳng, đứng thẳng. Chỉ có người đứng thẳng mới dám vì chân lý vì mọi người, còn những kẻ cúi lòn thì bao giờ cũng vì tư lợi… Cõi sen cũng là cõi người, gây nhân gì thì gặp quả ấy. Nhân quả có mặt ngay trong mọi việc mọi vật và ngay trong thời hiện tại chứ không đợi đâu xa. Hạt sen trong hoa sen như một lời nhắc nhở hãy luôn làm chuyện có ích cho mình cho người thì tất cả đều được an vui hạnh phúc.

Hoa sen có hương nhưng là hương đằm thắm, không ngạo mạn kiêu kỳ. Hoa sen có sắc nhưng là sắc của kín đáo thâm trầm. Sen vượt qua những ràng buộc của bùn sình đất nước để vươn lên cái thoáng đạt hư không. Con đường của sen có ba thời phân định rõ ràng, hoa tượng trưng cho quá khứ, đài tượng trưng cho hiện tại, hạt tượng trưng cho tương lai. Đó là một vòng tròn diễn tiến, tiếp nối và liên tục. Cũng như mỗi con người phải trải qua thử thách mới thành công, trải qua rèn luyện để có phẩm chất trí tuệ cao đẹp. Cái giá trị ấy khác gì một bánh xe lăn mãi, duy trì để đạt đến Phật tính. Chính vì vậy mà hoa sen đại diện tiêu biểu cho trí tuệ, diệu pháp trên lộ trình giáo hóa chúng sinh để đi đến giác ngộ là vậy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày