Suy ngẫm về hai chữ ngã

Suy ngẫm về hai chữ ngã
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tìm hiểu giáo lý nhà Phật, tôi thấy có hai chữ ngã: vô ngã và chấp ngã. Từ kinh nghiệm thực tế cuộc sống, chắc hẳn bản thân mỗi chúng ta đều nhận thấy nguồn gốc của những thành công và căn nguyên của nhiều sự thất bại, ở một phương diện nào đó, có liên quan mật thiết đến hai chữ ngã này.

Vậy ngã là gì? Nghĩa sinh học: Ngã là bản thân mỗi người - với tư cách là một cơ thể sống tồn tại tương đối độc lập trong môi trường sinh thái. Nghĩa xã hội: Ngã là cái tôi riêng lẻ, ngã là cái cá nhân. Hiểu ở một góc độ hẹp hơn nữa thì ngã là lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, quyền lợi riêng tư của bản thân mỗi người.

Vô ngã (trong nghĩa xã hội) là không có cái riêng cá nhân, không vì lợi ích riêng, không hành xử vì động cơ cá nhân, không vì bất cứ một cá nhân nào trong tập thể.

Ngược lại với vô ngã là chấp ngã. Chấp ngã luôn đề cao cá nhân, vì quyền lợi cá nhân mà sẵn sàng bỏ qua lợi ích tập thể. Vì lợi riêng thì khó mấy cũng làm, vì lợi chung thì dễ mấy cũng chối. Lỗi mình thì to mấy cũng bỏ qua, lỗi người thì nhỏ mấy cũng soi cho kỹ.

“Lỗi người thì bỏ túi sau

Lỗi mình túi trước lầm đâu được mà”.

(La Fontaine)

Nho giáo có khái niệm vị kỷ và vị tha cũng mang nghĩa tương tự như thế. Vị kỷ là vì mình, vị tha là vì người khác. Với những người làm công tác thực thi pháp luật, gìn giữ công bằng, dân chủ, kỷ cương và trật tự xã hội, ở đó mỗi hành vi, cử chỉ, mỗi lời nói việc làm đòi hỏi phải đặc biệt hiểu, coi trọng và thực hiện lối sống xả kỷ vô ngã, khắc phục từng bước lối sống chấp ngã, vị kỷ mới có thể hành xử công minh đem lại lợi ích cho dân, cho nước.

Từ thực tế các hoạt động của không ít cơ quan đơn vị với tính chấp ngã vị kỷ của không ít người đã trở thành một trở ngại lớn trong hoạt động của cơ quan, tập thể.

Đơn cử một vài biểu hiện để cùng suy ngẫm: Khi tập thể tổ chức một số hoạt động từ thiện thì tham gia một cách miễn cưỡng vì cho rằng không đem lại lợi ích thiết thực. Khi tổ chức sinh hoạt cộng đồng thì vắng, có người đến cuối buổi mới xuất hiện lấy lệ. Khi mình, thân nhân đau ốm rủi ro hoặc gia đình có việc đại sự thì cần mọi người có mặt giúp đỡ, còn việc của đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm thì mình lảng tránh. Hoặc công việc ở cơ quan chỉ cần biết thuận lợi cho mình, còn đồng nghiệp thì mặc kệ. Hoặc trước một vấn đề cần ý kiến tập thể thì im lặng vì nghĩ rằng nói chẳng được lợi gì, im lặng để giữ thân, được lợi thì hưởng, không được thì cũng chẳng ai oán trách theo kiểu:

“Dại chi cầm đuốc đốt giời

Giời kia chẳng cháy lửa rơi vào mình”.

(Ca dao)

Tất cả những ví dụ trên đều là biểu hiện của tính chấp ngã.

Xin kể câu chuyện xưa đại ý rằng: Xưa có một viên quan tính hay xu nịnh được vua sủng ái, cho nên nhiều đại thần ghen ghét tìm cơ hội để dạy cho ông ta một bài học. Một hôm vị quan này ăn một quả đào thấy ngon bèn đưa cho vua, vua khen là trung thần, có miếng ngon không nỡ hưởng mà không có vua. Hôm khác vua nói, mọi vị trên đời ta đều nếm qua duy chỉ có thịt người là chưa biết mùi. Viên quan nọ không ngần ngại về giết con lấy thịt dâng vua, vua khen tận trung báo quốc, vì vua mà cả con mình cũng không tiếc.

Ít lâu sau, tình cảm của vua đối với viên quan nọ không còn được như trước nữa. Các quan nhân đó mới tâu vua rằng: Viên quan nọ khinh vua nên ngày trước mới cho vua quả đào đang ăn dở; và rằng một người mà đến con ruột còn dám giết thì vua phỏng hắn có tha. Loại người đó sao có thể để sống cho được. Vua nghe và khép viên quan nọ vào tội chết vì bất trung, bất nghĩa.

Như vậy, cùng một sự việc nếu ta nhìn nhận, xử lý bằng những cái tâm khác nhau thì hậu quả và hiệu quả thu về cũng khác nhau. Nếu chúng ta cố tình xen vào công việc những toan tính cá nhân thì hậu quả không chỉ là thiệt hại về tài vật mà còn là tính mạng, danh dự của con người. Đó cũng là một trong những tác hại nguy hiểm của tính chấp ngã.

Vô ngã của nhà Phật là một đạo lý lớn mà có lẽ mỗi chúng ta hãy cố gắng để có được một phần. Chấp ngã là sự thật ở đời luôn luôn tồn tại và không thể không có trong cuộc sống mỗi cá nhân, song chúng ta cũng nên cố gắng giảm bớt một chút để cùng xây dựng tập thể, xã hội tốt đẹp hơn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Phát triển bền vững là hành trình của lòng từ bi và sự tỉnh thức

GNO - Trong bối cảnh toàn cầu ngày càng phải đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng về nhiều mặt như hiện nay, Thiền sư Pomnyun Sunim, một nhà sư Phật giáo nổi tiếng của Hàn Quốc, đã tham gia hội thảo kéo dài 3 ngày tại Bhutan từ ngày 7 đến ngày 9-9-2024.

Thông tin hàng ngày