Ta không có thời gian để già

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Thiền sư Đại Trí vân du tham học 20 năm, cuối cùng về đến bên sư phụ là Thiền sư Phật Quang.

Đại Trí hỏi:

- Hai mươi năm nay, pháp thể sư phụ có được an khang không?

Ngài Phật Quang trả lời:

- Rất tốt! Ta tiếp Tăng độ chúng, dạy học, trước tác, chép kinh… mỗi ngày đều như thế. Nhờ bận rộn mà được nhiều an lạc.

Đại Trí hỏi:

- Sư phụ! Thầy bận rộn như thế, sao không thấy già chút nào?

Thiền sư Phật Quang trả lời:

- Ta không có thời gian để già.

Hàng ngày thiền sư tiếp Tăng độ chúng, trước tác dịch thuật, thuyết pháp độ sinh… vô cùng bận rộn mà cũng vô cùng an lạc. Bởi vì với đạo nhân vô tâm, tất cả chỉ là Phật sự không hoa, đạo tràng thủy nguyệt. Chuyện bận rộn là của thân mộng việc mộng, không dính dáng chi đến cái phi chân phi vọng. Thiền sư vui là vì tứ chúng vui, làm cái gì cho người ta vui thì mình vui. Vậy thôi. Cũng chẳng có chi là bận rộn hay không bận rộn.

Dòng thời gian lướt qua đời người để lại những dấu ấn sanh lão bệnh tử, nhưng không thể khắc lên tâm bất sinh dòng sanh diệt biến dịch vô thường, thì lấy đâu ra cái già. Thiền sư bảo “ta không có thời gian để già” là hết sức thật thà, không thêm không bớt, không đùa không cợt. Chơn ngữ thật ngữ, đại cơ đại dụng hiện tiền, lợi mình lợi người như hà sa. Bởi vì ngài là Phật Quang, là ánh sáng vô lượng, tuổi thọ vô lượng, làm gì có sanh già bệnh chết.

Thiền sư đã nhận và sống được chỗ chân thật, tự tại vô ngại, tiêu sái ra vào chốn Không môn, ung dung đi trên con đường Bồ-tát đạo, đến với tha nhân như về với chính mình. Yêu thương, san sẻ, đưa mọi người trở về bến đỗ bình an, trong tinh thần vô ngã vị tha. Quý ngài nêu lên tấm gương cho chúng ta nhìn thấy, đệ tử Phật không thể ngồi yên khi mọi người còn chới với trong khổ đau. Mỗi chúng ta tùy hạnh, tùy nguyện, tùy duyên của mình mà phụng sự chúng sanh. Như lời Đức Phật đã dạy, “Bồ-tát lấy thế gian làm Phật độ, lấy chúng sanh làm thầy dẫn đạo, tiến đến quả vị Vô thượng Bồ-đề” (kinh Đại bảo tích).

Người sống đạo, làm mà không thấy mình làm, không toan tính, không chấp thủ, không sở hữu. Làm bằng tâm chân thật, như Thiền sư Phật Quang nhờ bận rộn mà được nhiều an lạc. Muốn thế chúng ta phải trải qua nhiều năm tháng tu tập, điều phục, thuần hóa con trâu hoang của mình. Nên sống trong Tăng đoàn, được sự nuôi dưỡng của Chánh pháp, sự chở che của hải chúng và sự nỗ lực không ngừng của bản thân. Tích lũy công phu, nội lực thâm hậu mới có thể vượt thoát dòng sanh tử, an toàn trên con đường tự lợi lợi tha viên mãn.

Đạo Phật là đạo cứu khổ ban vui, đem lại sự sống cho nhân loại bằng con đường nhập thế tích cực, thể hiện bi trí tròn đầy bằng sự dấn thân vô hạn của chư vị Bồ-tát. Chúng sanh khổ não bao nhiêu thì Phật, Bồ-tát thị hiện ra đời bấy nhiêu, mang sức sống đạo lan tỏa phổ nhuận khắp nhân gian, xoa dịu những vết thương tâm.

Nhân loại đang đối diện trước một thời kỳ biến động vô cùng dữ dội. Vũ trụ nhân sinh từng bước trải qua những giai đoạn thành trụ hoại không, sanh lão bệnh tử. Vòng luân hồi luôn xoay chuyển theo nghiệp tập của chúng sanh. Việc gì đến cũng phải đến. Đại dịch Covid-19 ùa tới như vũ bão, cướp đi mạng sống của hàng vạn sinh linh. Đã mấy mùa qua, xuân hạ thu đông gục đầu côi cút, đau buồn vì cuộc sinh ly tử biệt của nhân loại cũng như của quả địa cầu.

Hành tinh xanh đang rung rinh vì những trận lôi đình của sóng thần, của những dòng nham thạch rực lửa âm ỉ bên trong lòng đất, của sông băng đua nhau tan chảy, của lòng người tham lam hiểm độc, hủy hoại từng mầm sống xanh trên mảnh đất mẹ thiên nhiên… Tất cả không hẹn mà đến, theo sức đẩy của nghiệp lực khiến chúng sanh gặp gỡ nhau, oan gia tương báo.

Hơn bao giờ hết, lúc này là lúc người con Phật phải biểu hiện được Phật chất nơi chính mình. An trú trong đại tâm kiên cố, phát đại nguyện đi vào đời, vận hành bánh xe pháp của Như Lai, chuyển mê khai ngộ, giúp cho chúng sanh hiểu được lý nhân duyên quả báo, dừng tạo ác nghiệp, siêng hành thiện nghiệp, mới có thể xoay chuyển thiên tai dịch bệnh đang rình rập, đang hoành hành nhân loại trong từng phút từng giây. Chúng ta phải là người tu trước, kéo người sau tu theo. Từng bước tu là từng bước tiến, từng bước hết khổ được vui.

Ở vào thời điểm này, sứ giả Như Lai không chỉ thăng tòa thuyết pháp, mà là học hạnh Tôn giả Phú-lâu-na đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà, phát thuốc, đưa cơm, thăm hỏi động viên, đau cái đau của người, khổ cái khổ của người, đem Phật pháp chữa lành vết thương cho người. Bằng nội lực của sự tỉnh thức, hiểu và thương thật lòng, ta có thể nắm được vận mệnh của chính mình và giúp người xoay chuyển niềm đau. Nương vào bản thể tự tâm, đệ tử Phật mạnh dạn thẳng tiến trên con đường Bồ-tát đạo, lấy bận rộn vì lợi lạc cho chúng sanh, làm niềm vui cho mình. Càng bận rộn càng vui. Đệ tử Phật đến và đi trong cuộc đời như có như không, mang trái tim Bồ-tát ban rải tình thương khắp muôn loài.

Hư không hữu tận,

Ngã nguyện vô cùng.

Tình dữ vô tình,

Đồng viên chủng trí.

Tình thương ấy đã từng sưởi ấm cho hàng vạn sinh linh thời Đức Phật còn tại thế, mãi đến tận bây giờ cũng vẫn luôn như thế, sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh khổ đau. Tất Đạt trong Câu chuyện dòng sông đã hạnh phúc thốt lên rằng, “dù đau đớn đến tột cùng, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này”. Bởi vì nơi đó có một phần xác thịt của em tôi, cha tôi, mẹ tôi… tất cả thân bằng quyến thuộc của tôi và luôn cả tôi nữa, nhiều đời chúng ta đã từng tới lui trong cõi huyễn mộng này.

Xin hãy tin, bất cứ nơi nào dòng giáo pháp Như Lai xuất hiện, nơi đó con người sẽ giật mình thức tỉnh, thoát khỏi giấc chiêm bao, không còn lo âu sợ hãi hay vui buồn mộng mị vu vơ. Cuộc sống là dòng tuần hoàn. Hết hồi bĩ cực đến thời thái lai. Hết khổ thì vui. Nhân loại rồi sẽ trở lại cái thuở uyên nguyên ban đầu. Sống đơn sơ giản dị, mộc mạc chân tình. Hạnh phúc lại kết nụ đơm bông trong từng cánh vô ưu, chúm chím vi tiếu chờ giờ mãn khai.

Xin chắp tay nguyện cầu cho dịch bệnh chóng qua. Người người xích lại gần nhau chung sống chan hòa. Thế giới chấm dứt can qua, nhà nhà an hưởng thái hòa. Mặt trời hồng rạng rỡ ở phương Đông, vui đón ánh sáng Chánh pháp tràn về ngập cõi lòng, ngập cả trần gian. Trong đó có người có ta, có cả tình thương Phật-đà.

Xin hãy thắp lên niềm tin tưởng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày