Ông nội, bé Nấm và Trung thu

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1168 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1168 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Năm nay bé Nấm lên năm. Lần đầu có cháu, lại là cháu gái nên ông nội cưng hết biết. Còn hỏi; nhà ông bà nội sinh ra toàn con trai. Bốn thằng ôn chớ ít ỏi gì. Nghịch phá như giặc.

Có người hỏi: nhà khổ sao sinh chi nhiều dữ? Bà nội cười như mếu: thì ổng thèm đứa con gái, hai thằng rồi còn biểu ráng, ráng! May: ổng còn biết sợ; chớ còn ráng nữa chắc lọt thêm… thằng thứ năm cho đủ bộ "ngũ quỷ"!

Không "ngũ quỷ" cũng là "tứ quỷ". Biết ớn cái độ phá phách mè nheo. Vậy nên khi thằng Trí con trai cả lấy vợ có bầu, ông bà nội cứ van ngày vái đêm cho nó sinh… con gái! Trí nghe chuyện, đổ quạu:

Trời đất, ba má hết chuyện vái na? Tui con cả, đang mong thằng đích tôn nối dõi tông đường ba má lại…

Ông nội cười khì:

Kệ, đích tôn đích tiếc tính sau. Nhà bốn đứa trai sầm sầm lo gì không ra nổi thằng đích tôn? Giờ bây lọt trước ra cái bẽm ba má cưng cho đỡ thèm cái đã. Nuôi bốn thằng ôn bây gần hết kiếp, ớn con trai quá rồi…

Tưởng ông bà vái… cho vui, ai ngờ xong 9 tháng 10 ngày vợ thằng Trí đẻ con gái thiệt! Mừng thôi là mừng. Không riêng ông bà nội, mấy chú cũng mừng. Còn hỏi: nhà lâu nay gái chỉ vẻn vẹn mình bà nội, còn toàn “mùi” đàn ông. Dương thịnh âm suy, không ít lần ông nội buồn bực phán.

“Suy” là cái chắc, riêng mấy vụ vá may bếp núc củi lửa mình bà nội lãnh đủ. Đã vậy rảnh rỗi muốn tìm đứa con/cháu gái tâm sự chút chuyện phụ nữ riêng tư cũng bó tay! Thôi vậy coi như trời có mắt, cuối đời còn niềm an ủi là bé Nấm ra đời cho “cân bằng sinh thái” trong nhà. Thằng Trí ban đầu có hơi cự nự; nhưng sau đó thấy cả nhà vui nó cũng đổi ý… vui lây. Mà sao không vui được khi bé Nấm là… bé Nấm, nghĩa là rất dễ thương lí lắc hồn nhiên khiến ông bà nội – mà nhất là ông nội – mê tít thò lò!

2.

Nhà ba má Nấm cất riêng; nhưng chung vườn chung ngõ với nhà nội nên Nấm ở nhà nội nhiều hơn nhà Nấm. Ba má Nấm đi làm suốt ngày, ấy là một lẽ nhưng cái chính qua nhà nội Nấm được cưng chìu “hết cỡ thợ mộc”. Bà lo ăn uống ỉa đái tắm rửa. Mấy chú đi học về thỉnh thoảng mua quà, rảnh còn cõng đi chơi. Còn ông nội? Thôi khỏi bàn, đi làm vắng bóng thì thôi, ló về nhà là Nấm muốn leo lên đầu lên cổ gì cũng ra sức “đáp ứng” cho cô cháu quý. Hết bò làm ngựa nhong nhong cho Nấm cưỡi lại kiệu cháu lên vai sang hàng xóm dạo mát. Bà thương nhưng Nấm nghịch, hư vẫn bị bà đét đít.

Ông nội thì khỏi nhé! Nấm làm gì cũng đúng, chỉ có ông nội sai thôi (!). Không những vậy, người nhà (kể cả bố mẹ Nấm) muốn la mắng hoặc… đét đít Nấm thành công phải chờ khi không có ông nội. Có ông thì khỏi, Nấm sẽ lập tức chạy nhào vào lòng cho ông “bảo kê”, đố ai còn đụng được tới Nấm! Chả trách Nấm không ưng việc theo cha mẹ hay bà bằng theo… ông nội.

Trước nhà có hàng tre mỡ tốt um soi bóng xuống con suối nhỏ. Ngày rảnh việc, ông lại hì hục vác rựa đốn tre, chẻ chẻ vót vót, làm cho Nấm đủ thứ đồ chơi độc, lạ khối đứa trẻ phải mơ ước: xe đẩy, ghế con, diều giấy, vài con vật di chuyển được hoặc thậm chí phát ra tiếng kêu. Mẫn cán hơn, ông nội còn nghĩ luôn ra chuyện đóng, ghép cái… bè tre con cho Nấm ngồi lên trên cột dây kéo dọc theo suối những trưa hè nắng nóng. Thích ơi là thích! Nấm cứ ngồi trên bè nhún nhẩy hò reo, mặc cho ông cởi trần lội suối vừa thở vừa kéo. Bà nội cằn nhằn, lo Nấm ngã xuống nước. Yên tâm! Ông nội cười ngoác, có nội kề bên, bất trắc nội sẽ “cứu hộ” ngay, lo gì!

Vậy nhưng, thích thú nhất trong số đồ chơi ông làm cho Nấm vẫn là mấy cái lồng đèn trung thu. Nguyên một dãy lồng đèn ông hì hụi “chế tác” từ mùa Trung thu năm ngoái. Phải rồi, năm ngoái đại dịch Covid, ông nội trốn dịch, ở nhà nguyên năm. Vậy nên có thời gian cho bé Nấm tha hồ vòi vĩnh mè nheo.

Mùa Trung thu ông chặt tre chẻ nhỏ, suốt ngày ngồi chuốt, vót, cột ra mớ khung lồng đèn đủ kiểu. Xong mua giấy kính về hì hụi cắt dán: từ ông sao, củ ấu đến tàu bay, cá chép… lung linh đủ sắc. Làm xong, ông đem treo lủng lẳng thành hàng đung đưa trong phòng ngủ bé Nấm. Ban đêm, bật sáng các bóng điện chạy pin gắn bên trong lồng đèn phòng bé Nấm lập tức biến thành căn phòng cổ tích: vàng xanh đỏ tím xoay đưa khiến bé Nấm thích chí đến mức… quên cả ngủ! Mẹ Nấm phải dọa: nếu không ngủ sẽ… tháo lồng đèn đem trả ông nội Nấm mới chịu nhắm mắt nằm yên. Suốt mùa Trung thu, ngày nào Nấm cũng mong cho trời mau tối để lại được ngắm dàn lồng đèn rực rỡ, lung linh…

3.

Covid chấm dứt. Cả nhà mừng. Riêng mỗi bé Nấm là… buồn xỉu!

Nỗi buồn có căn nguyên từ việc ông nội không thể tiếp tục ở nhà chơi với Nấm. Nội làm thợ xây, bình thường vác bay theo suốt các công trình. "Bà nội lo việc nhà không lương, các chú đi học. Mình ông nội lao động chính, không đi làm tiền đâu? Một năm trốn dịch ở nhà đã khó khăn lắm lắm, năm nay phải gồng lưng làm bù", nội nói.

Đi làm xa, tận đâu trong Sài Gòn, Bình Dương. Nghe nói có lúc còn ra đảo… gì đó. Toàn những cái tên lạ huơ lạ hoắc đố Nấm biết! Mà biết làm chi, ông làm đâu cũng vậy thôi. Với Nấm, cái Nấm biết rõ nhất chính là ông nội vắng nhà biền biệt, bỏ Nấm chơi lủi thủi một mình từ sáng đến tối! Ba mẹ cũng đi làm. Mấy chú đi học. Nhà còn mỗi bà nội. Nhưng bà lo ăn uống tắm rửa cho Nấm xong cũng sẽ loay hoay suốt với đống việc nhà. Làm mệt, nên Nấm nghịch ngợm mè nheo sẽ bị bà… quát. Chẳng bù cho ông nội lúc nào cũng dịu dàng.

Hôm kia ở nhà buồn, Nấm giở chứng nghịch ngợm trèo lên bàn khách. Tí toáy thế nào làm rơi vỡ mất cái lọ cắm hoa. Mẹ về nghe chuyện nổi điên, phát cho Nấm hai phát vào mông, cháy đít! Nhiêu đó khiến Nấm khóc nhề nhệ cả buổi tối, mẹ dỗ không im. Vậy nhưng Nấm khóc vì đau thì ít; mà khóc vì… giận ông nội thì nhiều. Sao ông nội đi làm miết, bỏ Nấm làm chi. Giá có ông ở nhà như mọi khi, Nấm sẽ chạy nhào vào lòng ông mà trốn, đừng hòng mẹ đánh được Nấm…

Quay đi ngoảnh lại, mùa Trung thu lại sắp đến. Mà… Trung thu gì nữa, ông nội bảo Trung thu năm nay ông nội theo công trình làm luôn, tới Tết mới về! Ức muốn khóc! Nấm biết được nhờ cách vài đêm mẹ lại gọi điện “video” cho ông cháu nói chuyện. Dòm mặt ông nội trên màn hình gầy tọp hốc hác, râu ria tua tủa thấy thương.

Nội ơi nội có khỏe không; hôm nay ông nội ăn gì, ăn cơm được mấy chén và vân vân. Mấy câu thăm hỏi ban đầu Nấm biết nhờ mẹ “mớm”. Vậy nhưng khi cuộc thoại đi xa hơn thì Nấm phải “tự biên tự diễn”. Chẳng hạn: nội ơi, bữa giờ đi làm nội có “ngoan” không, có đánh rơi, làm vỡ cái gì không, tối đi ngủ nội có nhớ đánh răng không (chả là Nấm mới được mẹ dạy cho vụ buổi tối đánh răng!). Nội nghe, cười tít mắt; ừ ừ, ông nội “ngoan”, không rơi vỡ cái gì, tối có đánh răng Nấm nhé và vân vân. Còn Nấm yêu của nội bữa giờ sao hè??

Chỉ chờ vậy Nấm ta lập tức liến láu khai ra tuốt tuột; nào là con ở nhà ăn ngoan, ngủ ngoan, tối còn biết đánh răng ngoan. Chỉ hôm kia con có … đụng nhẹ cái lọ hoa trên bàn. Là nó tự lăn, tự rơi vỡ, phải con đập đâu. Vậy mà bà với mẹ bảo con “đập”, bảo con không ngoan; mẹ còn đánh con đau quá, hu hu…. Ái da, thương bé Nấm của nội dữ! Thôi, đợi đấy, khi nào nội về nội sẽ “ăn thịt” mẹ vì cái tội dám đánh đau Nấm cưng của nội hen? Vâng, nội nhớ nha! À mà nội ơi, Trung thu nay nội có về không? Mẹ bảo sắp tới Trung thu, mà lồng đèn nội làm cho con cũng cũ hết rồi…

Tự nhiên ông nội im lặng mắt chớp chớp. Hết chớp nội lại… đưa tay quẹt mắt!

Chừng ấy đủ để Nấm hiểu. Muốn khóc quá nhưng Nấm cố kìm. Nấm nhớ lời nội dạy: khóc nhè là không ngoan. Bé Nấm nghe nè, năm nay nội việc nhiều nên Trung thu không về được. Nội sẽ gửi tiền để ba mua lồng đèn, mua bánh Trung thu cho Nấm. Nội muốn Nấm cưng của nội chơi thiệt là vui trong ngày Tết Trung thu Nấm nhé…

Không có ông nội, Trung thu sao mà vui được! Bé Nấm muốn gào lên như vậy; nhưng mẹ đã có mặt, kịp thời “can thiệp”. Mẹ giơ ngón tay lên môi, suỵt suỵt khiến Nấm “tắt đài” ngay cái ý định gào thét. Dạ, tụi con biết rồi ba. Trung thu của cháu cứ để tụi con lo. Thôi ba nghỉ sớm, mai còn đi làm…

4.

Mười ba tháng Tám âm lịch.

Cơm chiều cả nhà đang ăn. Con Ki dòm ra ngõ hực hực, xong tự nhiên im re, đuôi ngúc ngoắc. Có tiếng đẩy cổng.

Bé Nấm lanh chanh tụt khỏi ghế, bưng chén chạy ra sân dòm. Hốt nhiên bé nhảy cẫng, vứt chén cơm chạy ù ra ngõ. Vừa chạy bé vừa kêu: ông nội, ông nội!

Chén rơi choang xuống sân, cơm đổ vung vãi. Bé Nấm khựng một giây, lét mắt nhìn mẹ; rồi như sực nhớ ra, bé quay lưng tiếp tục chạy, nhào luôn vào vòng tay ông nội đang dang ra hết cỡ. Xong nhé; đố mẹ làm gì được Nấm…

Quàng tay ôm cổ nội, Nấm ngước nhìn vành trăng tháng Tám đang từ từ nhô lên sau rặng tre, rót ánh vàng biêng biếc xuống sân. Với Nấm, vậy là đã Trung thu. Quá đủ, quá đầy…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày