Tâm nguyện của vị Tăng trẻ vùng quê Thanh Hóa

GN - Nhân một chuyến được đi làm từ thiện cùng quý thầy, nhìn thầy bổn sư ngồi cano vào vùng lũ đi phát quà cho bà con nghèo, hình ảnh dấn thân cứu khổ cứu nạn đó đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng Hoàng Anh Tuấn. Và kể từ đó, trong lòng cậu học sinh 16 tuổi ấy khơi dậy ý niệm xuất gia, tu học để đủ tâm đức giúp đỡ nhiều người.

Sau ngày được thu nhận làm đệ tử, xuất gia, rồi khoác lên mình chiếc áo mới, ĐĐ.Thích Nguyên Từ sống trọn vẹn như ý niệm ban đầu khi đến với thiền môn - dấn thân để gieo ánh sáng Phật pháp cho bà con dân tộc vùng sâu, vùng xa.

Anh bai Hanh Y, PGTT 837.JPG


Thầy Nguyên Từ trao áo ấm yêu thương - Ảnh: Hạnh Ý

Trưởng thành từ chốn thiền môn

Chia sẻ với PV Giác Ngộ, ĐĐ.Nguyên Từ kể: “Lúc tôi xuất gia là giữa mùa đông, trời giá buốt đến tận xương tủy, việc dậy sớm, thức khuya, phụng Phật sự, là những việc tưởng đơn giản nhưng không phải vậy. Từ một cậu bé vốn chỉ quen với ruộng đồng, chăn trâu, cắt cỏ, thả diều, tắm sông nay lại tập quen với chuông mõ, học thuộc các kinh kệ không phải là chuyện dễ dàng”.

Với thiện duyên, sau khi thọ giới Sa-di, sư chú Nguyên Từ được bổn sư gửi đi học thiền tại thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên ở Vĩnh Phúc, học Phật học tại TP.HCM, và hiện là Tăng sinh của Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội.

Không quên nhân duyên từ chuyến đi từ thiện đã đưa thầy đến cửa thiền, trong quá trình xa chùa - xa thầy bổn sư đi học, thầy tham gia nhiều chương trình từ thiện. Đặc biệt là đồng hành cùng chương trình “Đông ấm xứ Thanh”, đem Tết về cho bà con nghèo tỉnh Thanh Hóa. Bắt đầu là mạnh thường quân đóng góp vật chất, hỗ trợ gạo, áo quần, dép cho cụ già, em bé miền quê, dần dần thầy trở thành người đồng hành - vừa góp quà, vừa vận động huynh đệ, Phật tử hùn phước chia sẻ yêu thương.

Bởi vì: “Sinh ra miền quê nghèo nên mình hiểu rõ, cái lạnh mùa đông như thế nào. Khi chứng kiến cảnh những em bé chân trần, áo quần xộc xệch đến trường… thương lắm”, thầy chia sẻ.

Năm năm nay, mỗi khi Tết gần về, khí trời bắt đầu se lạnh là thầy cùng các bạn tình nguyện viên khởi động kêu gọi quà tặng và đến các huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa - đây là phong trào nổi bật của sinh viên hướng về quê hương. Thầy cho biết: “Trải qua 5 năm thực hiện, chương trình “Đông ấm xứ Thanh” đã về với 5 huyện miền núi, với tổng giá trị quà tặng lên đến gần hai tỷ đồng”.

Gắn bó nhiều với bà con dân tộc thiểu số, thầy càng hiểu hơn về con đường của mình và ý thức phận sự của người xuất gia trong việc góp phần truyền bá Phật pháp. Thầy chia sẻ: “Nhớ lại có một lần trong chuyến từ thiện ở vùng núi Bá Thước, gặp một anh người dân tộc Mường, vị này hỏi, “anh hỏi chú thế chú là người dân tộc nào”, mình vừa vui vừa buồn, vui vì một câu hỏi rất ngây thơ của một người lớn, buồn vì hình ảnh nhà sư tu hành dường như chưa từng tồn tại trong bà con. Từ câu chuyện đó đã thôi thúc tôi đến với vùng cao nhiều hơn, thông qua việc từ thiện để hình ảnh Phật giáo gần hơn với bà con dân tộc thiểu số”.

Gieo duyên Phật pháp đến với vùng sâu, vùng xa

Hết lòng vì người nghèo, ĐĐ.Nguyên Từ chọn phương thức từ thiện kết hợp gieo duyên lành qua hình ảnh người thầy đến với bà con dân tộc. Dù tuổi đời lẫn tuổi đạo còn trẻ, lại đang là sinh viên, nhưng vị Tăng trẻ này được Giáo hội địa phương bổ nhiệm trụ trì ngôi chùa Vạn Linh (xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) để hướng dẫn đời sống tín ngưỡng cho bà con.

Nói về ĐĐ.Nguyên Từ, Phật tử Linh Diệu Thơ cho biết: “Từ ngày thầy về trụ trì nơi đây, một tháng thầy có hai lần giảng pháp cho bà con. Mỗi tháng đều tổ chức khóa tu định kỳ cho người lớn; mỗi năm tổ chức hai khóa tu mùa hè cho học sinh, vừa giúp các em giải trí, vừa hướng thiện cho các em. Từ ngày có thầy, chùa đông Phật tử hẳn, trước đây chùa khoảng 100 Phật tử, giờ lên đến 700. Bà con các xã lân cận cũng về quy y, tu học, có thầy, sinh khí vùng đất này thêm xán lạn”.

Cùng với đó, đều đặn mỗi tháng 4 lần, thầy cùng các thầy trong BTS PG huyện tổ chức nấu cháo từ thiện phát tại Bệnh viện Đa khoa huyện. Dịp 27-7, thầy phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức lễ tri ân, cầu siêu các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang xã nhà. Tết đến, thầy dành tặng quà cho các gia đình chính sách, cụ già neo đơn. Dù đường đi cách trở nhưng thầy vẫn cố gắng mỗi năm vận động đoàn bác sĩ đến tư vấn, khám bệnh phát thuốc miễn phí cho 500 người dân trong xã.

Bác Hàn Văn Học (cán bộ UBND xã Quảng Văn) nhận định: “Thầy Nguyên Từ mới về trụ trì được thời gian ngắn nhưng đã thực hiện rất nhiều việc tốt đời đẹp đạo, đúng theo tinh thần pháp luật quy định và không phụ niềm tin bà con đã đặt trọn cho thầy. Có thầy, mọi công tác Phật sự của chùa đều tiến triển theo chiều hướng tích cực...”.

Hạnh Ý

Trang Phật giáo - Tuổi trẻ chào đón tin, bài bạn đọc, cộng tác viên. Bài vở, tin tức cộng tác xin hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày