"Một thời Đức Phật đến Uất-bệ-la, bên bờ sông Ni-liên-nhiên, ngồi dưới gốc cây A-đa-hòa-la Ni-câu-loại vào lúc mới thành đạo.
Bấy giờ sau giờ ngọ, có Thủy Tịnh Phạm chí ung dung đi đến chỗ Phật. Đức Thế Tôn thấy Thủy Tịnh Phạm chí từ xa đi lại; nhân vì có Thủy Tịnh Phạm chí, Ngài bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu có 21 thứ ô uế làm ô uế tâm thì chắc chắn đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục.
- Những gì là 21 thứ ô uế? Đó là, tâm uế do tà kiến, do phi pháp dục, do ác tham, do tà pháp, do tham, do nhuế, do thụy miên, do trạo cử hối quá, do nghi hoặc, do sân triền, do phú tàng, do xan tham, tâm tật đố, do khi trá, do dua siểm, do vô tàm, do vô quý, do mạn, do đại mạn, do ngạo mạn, do phóng dật.
- Nếu có 21 thứ ô uế này làm ô uế tâm thì chắc chắn đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục.
- Ví như cái áo bị cáu bẩn đem cho nhà thợ nhuộm. Người thợ nhuộm nhận áo đó, hoặc dùng tro sạch, hoặc dùng bột giặt hay dùng nước chắt chà xát thật kỹ cho sạch cái áo dơ bẩn đó. Dù người thợ giặt dùng tro sạch, hoặc dùng bột giặt hay dùng nước chắt chà xát thật kỹ cho sạch, nhưng cái áo dơ bẩn ấy vẫn có màu dơ bẩn. Cũng như vậy, nếu có 21 thứ ô uế làm ô uế tâm thì chắc chắn đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Uế, kinh Tịnh Thủy Phạm chí, số 93 [trích])
Tịnh Thủy là một đạo sĩ tu theo phương pháp dùng nước sông Hằng linh thiêng để rửa sạch tội lỗi. Với ông, tắm sông là một thời công phu, tắm càng nhiều lần trong ngày thì càng tốt. Trầm mình trong nước sông lạnh buốt vào mùa giá rét lại càng tinh tấn và công đức nhiều hơn.
Khi thấy Tịnh Thủy từ xa đi tới, Đức Thế Tôn liền giáo huấn các Tỳ-kheo về sự dơ bẩn của tâm. Phiền não hay cấu uế trong tâm thì rất nhiều, căn bản có 21 thứ mà kinh văn đã nêu. Ngài xác quyết rằng, tâm đầy dẫy ô uế thì chắc chắn bị đọa vào ác xứ.
Tu tập đúng Chánh pháp là quá trình thanh lọc tâm, nỗ lực trau dồi giới định tuệ để từng bước đoạn trừ các uế nhiễm trong tâm. Mọi nỗ lực trang nghiêm cho hình thức bên ngoài mà không chuyển hóa được cấu uế, dơ bẩn trong tâm thì nghiệp ác vẫn tồn tại, đọa xứ là nơi sẽ sinh về.
Cũng giống như chiếc áo dơ bẩn thì người thợ nhuộm có cố gắng giặt tẩy đến mấy vẫn không thể nhuộm lại với màu nguyên thủy của chiếc áo. Vải áo bị lấm lem chính là tâm ô uế, giặt tẩy chỉ là những hỗ trợ bên ngoài và không thể phục hồi lại màu chính sắc của vải, chiếc áo xem như đã hỏng.
Thế nên, việc tu hành cũng cần chú trọng đến hình thức, oai nghi nhưng đó chỉ là những liệu pháp hỗ trợ. Cốt tủy vẫn là phát huy định và tuệ để thanh lọc tâm. Nếu tâm không được thanh lọc, ô uế trong tâm không được tẩy trừ thì chắc chắn sẽ bị đọa vào ác xứ.
Vì vậy, cần nhận diện tâm uế “do tà kiến, do phi pháp dục, do ác tham, do tà pháp, do tham, do nhuế, do thụy miên, do trạo cử hối quá, do nghi hoặc, do sân triền, do phú tàng, do xan tham, tâm tật đố, do khi trá, do dua siểm, do vô tàm, do vô quý, do mạn, do đại mạn, do ngạo mạn, do phóng dật” để từng bước đoạn trừ mới hy vọng chuyển hóa và thăng hoa.