Khéo quán sát để biết mình

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Khéo quán sát để biết mình hay tự phản tỉnh là một trong những hạnh tu căn bản.

"Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương Xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa cùng với chúng Đại Tỳ-kheo an cư mùa mưa.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói với các Tỳ-kheo:

- Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo quán sát như vầy: ‘Ta có ác dục, niệm dục hay không có ác dục, niệm dục’ thì chắc chắn có nhiều lợi ích.

- Này chư Hiền, nếu khi Tỳ-kheo quán sát mà biết được ta có ác dục, niệm dục thì không thể vui mừng. Do đó mong cầu đoạn trừ dục.

- Này chư Hiền, nếu lúc Tỳ-kheo quán sát mà biết mình không có ác dục, niệm dục tức thì vui mừng, rằng: ‘Ta tự thanh tịnh, cầu học pháp tôn quý’, cho nên vui mừng.

- Này chư Hiền, như người có mắt, lấy gương tự soi thì thấy được mặt mình là sạch hay dơ. Chư Hiền, nếu người có mắt thấy mặt mình bẩn thì không vui mừng và mong muốn rửa sạch. Chư Hiền, nếu người có mắt thấy mặt mình không bẩn thì vui mừng rằng: ‘Mặt ta sạch’, nên vui mừng. Chư Hiền, cũng như vậy, nếu khi Tỳ-kheo quán sát mà biết được ta có ác dục, niệm dục thì không vui mừng và mong cầu đoạn trừ dục. Chư Hiền, nếu lúc Tỳ-kheo quán sát mà biết được mình không có ác dục, niệm dục thì vui mừng rằng ‘Ta tự thanh tịnh, cầu học pháp tôn quý’ nên vui mừng… Do vui mừng cho nên có hỷ, nhân hỷ nên thân khinh an, do thân khinh an, nên được cảm thọ lạc, do cảm thọ lạc nên được định tâm.

- Này chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử do định tâm nên thấy như thật, biết như thật; do thấy như thật, biết như thật nên được yểm ly, do yểm ly nên được vô dục, do vô dục nên được giải thoát, do giải thoát mà được tri giải thoát, biết một cách như thật rằng: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều đáng làm đã làm xong, không còn tái sanh".

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Uế, kinh Tỳ-kheo thỉnh, số 89 [trích])

Khéo quán sát để biết mình hay tự phản tỉnh là một trong những hạnh tu căn bản. Nếu không trau dồi cho thuần thục chánh niệm - tỉnh giác thì khó có thể phản tỉnh, tự biết mình. Tâm viên ý mã là do nghiệp dấy khởi, do căn tiếp xúc với cảnh mà thiếu sự phản tỉnh. Nếu để tâm buông lung thì không thể chuyển hóa nghiệp cũng như hướng đến chấm dứt tạo nghiệp. Vì thế, hãy kiến tạo cho mình một không gian sống tĩnh lặng, thiết lập một đời sống an hòa, tâm an trú vững chãi vào đề mục, tỉnh thức thường xuyên… là những điều kiện để biết mình, biết rõ thân tâm.

Khi thường giác tỉnh thì "ta có ác dục, niệm dục hay không có ác dục, niệm dục" sẽ được ghi nhận thật rõ ràng. Bản chất của chúng sinh là tham dục nên hằng mong muốn được sở hữu nhiều thứ thuộc ngũ dục, ngũ trần và luôn tìm cách để biến những ước muốn ấy thành hiện thực chính là ác dục và niệm dục. Việc đầu tiên là nhận biết tâm ác (tham ái, phiền não), thấy rõ niệm xấu. Bởi không thấy biết thì làm sao có thể đoạn trừ?

Sau khi thấy biết tỏ tường tâm niệm của mình rồi, bước tiếp theo là thể hiện quan điểm, bày tỏ thái độ. Nếu có ác dục, niệm dục thì thật đáng buồn, tự trách, chẳng có gì vui. Ngược lại, thấy tâm không có ác dục và ác niệm thì hoan hỷ, mừng vui.

Nhờ biết tâm mình còn cấu uế, tham muốn còn nhiều nên cố gắng hơn nữa, chuyên tâm vào pháp, nguyện an trú vào đề mục để tâm được tịnh chỉ, phát huy tuệ giác quán chiếu để thấy được sự thật vô thường, trống rỗng của muôn pháp mà xả buông.

Cũng nhờ rõ biết tâm mình đang trong sạch mà sinh hoan hỷ, càng tinh tấn và tin sâu vào pháp hành. Và "nhân hỷ nên thân khinh an, do thân khinh an, nên được cảm thọ lạc, do cảm thọ lạc nên được định tâm". Trên nền tảng của định tâm, phát huy thiền quán "thấy như thật, biết như thật; do thấy như thật, biết như thật nên được yểm ly, do yểm ly nên được vô dục, do vô dục nên được giải thoát, do giải thoát mà được tri giải thoát, biết một cách như thật rằng: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều đáng làm đã làm xong, không còn tái sanh".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày