Tâm tư hướng về Đại hội

GN - Hướng tới sự kiện quan trọng của Phật giáo TP diễn ra 5 năm một lần, GN đã ghi nhận những ý kiến xây dựng từ chư tôn đức đang là lãnh đạo Giáo hội các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, như là những tâm tư hướng tới Đại hội, kỳ vọng về sự chuyển tiếp với nhiều khởi sắc, phát triển.

HT.Thích Thiện Xuân, Trưởng BTS GHPGVN Q.Tân Phú:


“Nhân sự lãnh đạo cần phải được trẻ hóa”


QTanPhu.jpg
BTS Phật giáo TP.HCM đã trải qua hơn 35 năm, với 8 kỳ Đại hội và tiến tới tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo TP lần thứ IX (nhiệm kỳ 2017-2022), tôi mong muốn nhiệm kỳ mới, nhân sự lãnh đạo GHPGVN TP.HCM cần phải được trẻ hóa. Trẻ hóa ở đây không nhất thiết là tuổi phải trẻ, mà là trẻ ở cung cách làm việc, năng động xử lý các công việc và phải là những cá nhân có đạo hạnh, đạo đức, tâm huyết gánh vác các công tác Phật sự.

Đồng thời, nhân sự lãnh đạo nhiệm kỳ mới phải có kiến thức hoằng pháp sâu và rộng, để có thể dễ dàng tiếp cận, hoằng pháp cho Phật tử trí thức ngày càng chiếm số đông. Chúng tôi cũng kiến nghị, nhân sự BTS GHPGVN TP.HCM nhiệm kỳ mới cần nghiên cứu, để tìm các phương pháp tinh giản, rút gọn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đồng thời cần thường xuyên lắng nghe ý kiến của BTS Phật giáo 24 quận huyện trên địa bàn TP, để có những điều chỉnh phù hợp với công tác Phật sự của từng địa phương, góp phần vào các thành tựu chung của Phật giáo tại TP.

HT.Thích Thiện Minh, Trưởng BTS GHPGVN Q.2:
“Cần sớm giải quyết các trường hợp khất thực phi pháp, ‘khách Tăng’ không mời mà đến…”


Q2.jpg
Phật giáo TP cần sớm giải quyết nạn khất thực phi pháp, khách Tăng không mời mà đến; ổn định, chấn chỉnh đạo đức tác phong của Tăng Ni trẻ; tạo điều kiện cho Tăng Ni trẻ học tập thông qua các lớp sơ cấp, trung cấp Phật học; phát triển các đạo tràng Bát quan trai cho Phật tử các nơi về tham dự.

Q.2 từ một quận mới được thành lập với số lượng cơ sở tự viện trong quận rất hạn chế so với các quận khác, bên cạnh đó để phục vụ xây dựng khu hành chính của TP.HCM, quận có 7 cơ sở tự viện phải di chuyển về chỗ mới theo chủ trương của N hà nước. Đến nay các cơ sở này đã đi vào ổn định sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, tuy nhiên vẫn còn hạn chế nhiều mặt - ảnh hưởng đến kết quả Phật sự của quận, cần được Giáo hội TP quan tâm.

TT.Thích Thiện Nghĩa, Trưởng BTS GHPGVN Q.6:
“Mong BTS GHPGVN TP họp giao ban hàng tuần với Phật giáo 24 quận, huyện”


Q6.jpg
Tôi mong chờ sự quan tâm sâu sắc hơn từ BTS Phật giáo TP đối với Giáo hội Phật giáo 24 quận, huyện bằng cách thường xuyên có những buổi họp hàng tuần kịp thời nhắc nhở, thông báo và hướng dẫn các chủ trương, thông tư, thông bạch hay xử lý và chấn chỉnh Tăng Ni sai phạm.

Bên cạnh đó, Giáo hội TP cần phải mở thêm các buổi bồi dưỡng để hướng dẫn, đào tạo kỹ năng thống nhất văn bản hành chánh, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho thế hệ kế thừa; cũng cần đồng bộ hệ thống hóa khoa học công nghệ từ TP đến địa phương và cho cả tự viện.

Đặc biệt là trong nhiệm kỳ mới, thiết nghĩ, BTS GHPGVN TP.HCM phải thống kê cho được các tự viện, số lượng Tăng Ni đang tu học trên địa bàn TP, đồng thời quyết tâm giải quyết xong vụ việc đất đai ở các cơ sở tự viện bị xâm chiếm và giải quyết dứt điểm tranh chấp, để từ đó có cơ sở quản lý Tăng sự tốt nhất, tạo nền tảng vững chắc để ổn định, phát triển, trang nghiêm Giáo hội.

TT.Thích Duy Trấn, Phó Thường trực BTS GHPGVN Q.11:

“Quan tâm nhiều hơn đến hoằng pháp cho cộng đồng Phật giáo người Hoa”


Q11.JPG
Hiện nay dân số sống tại TP.HCM khoảng 10 triệu người, trong đó cộng đồng người Hoa vào khoảng 500.000 người. Hiện nay chúng tôi đang cố gắng độ người xuất gia. Kỳ vọng trong những năm sau, số Tăng Ni người Hoa sẽ nhiều lên. Về việc thọ giới tu học thì phải khẳng định thế hệ trẻ Hoa hiện nay kém về văn tự Việt ngữ nên những nội dung Phật giáo được diễn đạt bằng tiếng Việt cũng có phần nào ảnh hưởng.

Trong nhiệm kỳ mới, BTS GHPGVN TP.HCM cần quan tâm nhiều hơn đến Phật giáo người Hoa, đào tạo và tập hợp được các vị Tăng Ni trẻ có năng lực, nói được song ngữ, tốt nghiệp học viện Phật giáo, có khả năng dạy giáo lý và thuyết giảng Phật pháp hàng tuần tại các chùa người Hoa đến tu học. Cần thuyết giảng sâu sắc về giáo lý đạo Phật, nhất là vấn đề Bát quan trai giới để mỗi Phật tử đều biết thực tiễn quan trọng của giới pháp và thực hiện đúng theo chủ trương của Giáo hội đã đề ra: Trí tuệ - kỷ cương - hội nhập - phát triển.

Việc quan trọng, BTS Phật giáo nhiệm kỳ mới cần quyết tâm xóa đi những hủ tục mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu như đốt giấy tiền vàng bạc, hóa mã mà hiện nay có không ít chùa trên địa bàn TP còn thực hiện, đồng thời khuyến khích Tăng Ni, Phật tử tham gia vào các việc công ích xã hội làm sạch xanh phố phường.

ĐĐ.Thích Thiện Huệ, Trưởng BTS GHPGVN H.Cần Giờ:

“Nên có chế độ điều động Tăng Ni về vùng sâu vùng xa”


HCanGio.jpg
Hiện nay, số lượng các chùa và Tăng Ni hoằng pháp tại huyện Cần Giờ còn rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, lễ bái của tín đồ Phật tử. Còn rất nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn vẫn chưa có tự viện, vắng hình bóng Tăng Ni.

Nhiệm kỳ mới, chúng tôi kỳ vọng BTS GHPGVN TP điều phối Tăng Ni trẻ, có học lực và đạo hạnh về Cần Giờ làm Phật sự, để Phật giáo nơi vùng xa này từng bước hòa nhịp cùng Phật giáo các quận huyện trên địa bàn TP.

Bên cạnh đó, Phật giáo huyện Cần Giờ cũng mong mỏi, lãnh đạo GHPGVN TP.HCM quan tâm kịp thời, để các thủ tục liên quan đến vấn đề pháp lý, hành chánh với chính quyền các cấp được diễn ra suôn sẻ, nhanh gọn hơn thời gian qua.

TT.Thích Giác Trí, Phó Thường trực BTS GHPGVN Q.Gò Vấp:
“Người xuất gia phải tu đúng thật pháp”


1g.jpg
Trẻ hóa là tốt vì trẻ là tương lai của Phật pháp, nhưng trẻ mà thiếu đi vốn liếng của cái cũ, không có kinh nghiệm cái cũ dẫn dắt thì người trẻ lãnh đạo sẽ rất nguy hiểm, sẽ không đi đúng với Hiến chương Giáo hội, với tâm nguyện của người xuất gia.

Do đó, mong Giáo hội TP có những quy định, hướng dẫn làm sao để có được sự kỷ cương, mà trước hết phải được thể hiện ở giới xuất gia. Người xuất gia phải tu đúng thật pháp, có đầy đủ giới đức, thiên chức của một vị Tỳ-kheo, ăn biết đủ, ngủ biết thời, ngồi đúng chỗ, làm cho người Tăng lẫn tục an vui hạnh phúc. Biết thiểu dục tri túc, sống hạnh khất sĩ, xứng đáng là đệ tử Đức Như Lai, bậc Chúng trung tôn, phước điền Tăng.

TT.Thích Đạt Đức, Trưởng BTS GHPGVN Q.Tân Bình:
“Nên duy trì khóa cấm túc an cư tập trung 10 ngày”


2g.jpg
Nói chung với Phật giáo TP, mong ước nhất và quan trọng là chúng ta phải quay lại xác định vai trò lãnh đạo của Phật giáo. Phải xác định vai trò của người lãnh đạo là gì, vì nhiều vị khi ra làm nhiều hoạt động rồi cứ nghĩ mình làm được việc Phật nhưng đó không phải là các Phật sự cần thiết. Theo đó, trước hết, người lãnh đạo phải có tu tập để cảm hóa người khác. Biết sử dụng người tài không phân biệt vùng miền, hệ phái; giao việc đúng người, không ôm đồm nhiều dễ đưa đến tình trạng bỏ bê, thiếu sự kiểm soát.

Thứ hai, chủ chương của Giáo hội là trẻ hóa, tuy nhiên chỉ trẻ hóa về mặt trình độ kiến thức, còn tu tập không có thì không có cái đức nhiếp chúng được, vì người trẻ giỏi nhưng thường có cái ngã lớn nên làm việc hay đụng nhau. Nếu muốn trẻ hóa thì nên giữ lại 1/3 những người lớn tuổi có kinh nghiệm, và hướng dẫn, chuyển giao trong sự kế thừa trong tinh thần tôn trọng bậc trưởng thượng.

Phật giáo ở vai trò lãnh đạo là việc Tăng sai, chứ không phải ham chức quyền, lợi lộc. Tiếp nữa là người khi ra làm việc phải biết dấn thân, phải hy sinh, tích cực phụng sự, đừng vì quyền lợi cá nhân mà nhiều khi đánh mất chính mình.

Tôi rất mong muốn các vị lãnh đạo hàng năm đều tổ chức khóa cấm túc 10 ngày cho chư tôn đức lãnh đạo BTS Phật giáo TP, ban chuyên môn, 24 BTS Phật giáo quận huyện, như vừa rồi BTS tổ chức để chư Tăng cùng nhau tu tập, buông bỏ hết mọi công việc, trở về một nơi cùng với nhau tu tập, cùng học hỏi, người lớn soi sáng cho người nhỏ và soi sáng cho nhau. Nên duy trì thường xuyên hàng năm vì tu là việc chính của người tu.

Về giáo dục tôi cũng ưu tư, mình nói giáo dục có ba cấp, không biết hệ thống đào tạo của chúng ta bị hỏng cái gì đó mà nhiều vị tốt nghiệp không ra làm việc được, phải chăng giáo trình khập khiễng, pháp học và pháp hành chưa đi đôi với nhau? Tôi nghĩ khi lên học viện nên học về chuyên môn và pháp học phải có pháp hành và nên có nội trú. Phải có người có tâm giáo dục quản lý, người quản lý về tu học phải có oai đức và ở luôn với các vị. Mình tu thì mình mới có oai đức hướng dẫn người khác chớ mình không nội trú thì làm sao mà hướng dẫn.

 Hạnh Ý - Như Danh - V.G thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày