"Tăng Ni luôn đoàn kết, thực hiện sứ mệnh hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc"

Chư tôn đức trong Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An cùng đại diện chính quyền thả bong bóng với thông điệp cầu hòa bình cho nhân loại nhân Đại lễ Kính mừng Phật đản Phật lịch 2562
Chư tôn đức trong Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An cùng đại diện chính quyền thả bong bóng với thông điệp cầu hòa bình cho nhân loại nhân Đại lễ Kính mừng Phật đản Phật lịch 2562
0:00 / 0:00
0:00
GN - Đại hội đại biểu GHPGVN tỉnh Long An lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2027, được tổ chức vào ngày 16 và 17-6-2022.

Trước thềm sự kiện này, Phóng viên Giác Ngộ đã có cuộc phỏng vấn Hòa thượng Thích Minh Thiện, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An, Trưởng ban Tổ chức Đại hội. Nhìn lại quá trình phát triển của Phật giáo tỉnh nhà, Hòa thượng nhận định:

- Mặc dù gần nửa nhiệm kỳ IX (2017-2022), trong hoàn cảnh xã hội bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Giáo hội, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chánh quyền, Tăng sự ổn định và đoàn kết trên dưới một lòng. Đặc biệt ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra khắc nghiệt nhất, Phật giáo tỉnh Long An vẫn duy trì, thực hiện được song song những công tác trọng tâm, Tăng Ni vừa tu học và tham gia thực hiện hoạt động an sinh xã hội, thực hiện rất tốt sứ mệnh hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc. Đó là một trong những thành tựu nổi bật của Phật giáo tỉnh nhà trong nhiệm kỳ 2017-2022.

Hòa thượng Thích Minh Thiện, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An

Hòa thượng Thích Minh Thiện, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An

* Hòa thượng có thể chia sẻ thêm về những hoạt động trong sứ mệnh hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo tỉnh nhà?

- Long An là cửa ngõ của miền Tây Nam Bộ và tiếp giáp với TP.HCM. Long An có 10 tôn giáo đang hoạt động, trong đó Phật giáo có số lượng tín đồ đông nhất. Với tinh thần hộ quốc an dân, từ khi có mặt, Phật giáo Long An đã hòa mình vào dòng chảy và tô bồi cho nền văn hóa, xiển dương các giá trị đạo đức, nhân văn vì hạnh phúc của số đông, vì sự an bình của đất nước.

Thế mạnh của Phật giáo tỉnh Long An, thứ nhất phải kể đến tính kế thừa, phát triển những hoạt động Tăng sự. Trong nhiệm kỳ qua, số lượng Tăng Ni xuất gia có thọ giới ổn định, Ban Trị sự vẫn duy trì tổ chức Đại giới đàn trong nhiệm kỳ; khóa an cư kiết hạ song song với khóa tập huấn trụ trì do Ban Trị sự mở ra từ năm 1989 đến nay được duy trì không gián đoạn. Dịch Covid-19 bùng phát, Phật giáo tỉnh vẫn có 11 điểm an cư tập trung cho hơn 500 Tăng Ni, khoảng 400 người tùng hạ ở chùa tu học.

Tu và hành luôn đi đôi, để phát triển thêm cơ sở mới Phật giáo địa phương, Ban Trị sự chủ trương xin phép mở thêm các điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo mới ở vùng sâu vùng xa, những xã có nhu cầu.

7 cơ sở tôn giáo mới đã được ra đời trong nhiệm kỳ IX. Hướng đến sự phát triển Phật giáo vùng xa, vùng biên giới, nhiệm kỳ X, các đơn vị Phật giáo liên huyện được tách ra huyện nào độc lập huyện nấy và khi tách ra như vậy mới có định hướng là xin cơ sở mới. Cụ thể như ở huyện Đức Huệ chỉ có 2 cơ sở, trước đó là liên huyện Đức Hòa, Đức Huệ bây giờ tách ra, Ban Trị sự dự kiến sẽ thành lập thêm 3 điểm nữa ở Đức Huệ. Ở thị xã Kiến Tường hiện chính quyền tách ra thêm huyện Mộc Hóa, Mộc Hóa chưa có điểm nào, Ban Trị sự muốn thành lập thêm điểm nhóm tại đây và cũng đã làm hồ sơ.

Ban Trị sự chủ trương, mục đích tách ra thành các điểm, mở rộng các cơ sở tôn giáo để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo tại địa phương và góp phần cùng chính quyền giải quyết tốt công tác an sinh xã hội.

* Công tác an sinh xã hội mà Phật giáo tỉnh Long An thực hiện trong tinh thần cứu khổ ban vui được thực hiện cụ thể như thế nào trong nhiệm kỳ 2017-2022, thưa Hòa thượng?

- Sự chủ động và linh hoạt của Ban Trị sự, Tăng Ni đã thực hiện được nhiều Phật sự rất ý nghĩa. Chỉ riêng trong giai đoạn dịch Covid-19, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức chuyến thăm, tặng quà cho 106 đơn vị biên giới, các đơn vị đang làm nhiệm vụ và hộ dân liền kề chốt biên giới tại các huyện Đức Huệ, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường. Hơn 20 căn nhà đại đoàn kết, nhà quân dân, nhà tình thương được Ban Trị sự đặc biệt quan tâm và chung sức xây dựng.

Trong đợt tái bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ 4 (năm 2021), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh vận động Trung ương Giáo hội, Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, Nhóm từ thiện “Chia sẻ-Sharing” của bà Mai Thị Hạnh - Phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thượng tọa Thích Thanh Phong, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Kinh tế Tài chính Trung ương; Hòa thượng Thích Chơn Tịnh , Phó ban Từ thiện - Xã hội Báo Giác Ngộ, chư tôn đức Tăng Ni, mạnh thường quân trao tặng nhiều trang thiết bị y tế, máy thở đa năng, máy tạo oxy, xe cứu thương, 155 tấn gạo, nhu yếu phẩm, thăm tặng quà nhiều bệnh viện điều trị Covid-19, bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh Long An.

Những hoàn cảnh khó khăn, sinh viên và học sinh nỗ lực vượt khó chúng tôi luôn chủ trương quan tâm đặc biệt. Ngoài các cơ sở tự viện khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, thì chúng tôi còn có những bếp ăn tình thương chia sẻ với các mảnh đời, tiếp sức những hoàn cảnh ngặt nghèo, có trường Bồ Đề Phương Duy cho các em có hoàn cảnh khó khăn học từ lớp 1 đến lớp 12. Số liệu thống kê chưa đầy đủ, tổng giá trị từ thiện, đóng góp cho an sinh xã hội nhiệm kỳ IX vượt 380 tỷ đồng.

* Trong 5 năm của khóa IX, Hòa thượng ưu tiên lĩnh vực nào để Phật giáo tỉnh phát triển, đóng góp vào ngôi nhà chung GHPGVN?

- Phật giáo Long An rất xem trọng vấn đề đào tạo con người, quan tâm đặc biệt đến công tác tu học, nuôi dưỡng và trau dồi giới - định - tuệ cho Tăng Ni. Đó là lý do Ban Trị sự luôn tổ chức khóa an cư kiết hạ và bồi dưỡng trụ trì hàng năm.

Năm nay do Đại hội, Ban Trị sự kết hợp mở Khóa tập huấn hành chánh Giáo hội cho tu sĩ vừa đắc cử nhiệm kỳ X ở cấp huyện, thị về tập huấn, để họ nắm được đường hướng của Giáo hội, những vấn đề liên quan đến luật pháp Nhà nước, tạo điều kiện để họ điều hành tốt Phật sự chung.

* Hòa thượng có thể chia sẻ định hướng phát triển của Phật giáo tỉnh nhà trong thời gian tới?

- Tiếp tục kế thừa và phát huy mọi mặt thành tựu từ nhiệm kỳ IX, xem trọng việc tổ chức hành chánh Giáo hội vững mạnh đủ đáp ứng nhu cầu Phật sự trong thực tại đúng tôn chỉ “Kỷ cương, Trách nhiệm, Đoàn kết, Phát triển” mà Trung ương GHPGVN đã đề ra qua 12 chủ đề trọng tâm được đưa vào phương hướng nhiệm kỳ X (2022-2027).

Riêng về mặt giáo dục, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Long An luôn khuyến khích Tăng Ni ngoài chương trình Phật học nên tham gia những chương trình mang tính chất chuyên môn để có thể phục cho công tác an sinh xã hội.

Những chỗ nuôi dạy trẻ, nuôi người già, chủ trương của chúng tôi là phải cử Tăng Ni nơi đó đi học để có chuyên môn theo quản lý nhà nước, các trung tâm đi vào những hoạt động xã hội chuyên nghiệp hơn và thực hiện đúng theo quy định pháp luật.

Ở Long An có Trường Bồ Đề Phương Duy, thị trấn Thủ Thừa, đây là một ngôi trường đặc biệt do chùa Long Thạnh - Phật giáo Long An xây dựng và quản lý, điều hành nhưng về mặt chuyên môn Sở Giáo dục tỉnh Long An cũng cử người đến dạy và xem nó như ngôi trường chính quy, có đủ 12 lớp.

Theo chương trình trước đây thì các tu sĩ có thể đứng lớp dạy cho các em với điều kiện là có tốt nghiệp sư phạm. Cho nên Ban Trị sự cũng có khuynh hướng khuyến khích các vị Tăng Ni tham gia học những lớp như vậy để về dạy bộ môn như: Anh văn, Văn, Tâm lý giáo dục, những môn gần gũi với Phật giáo, để có thể đóng góp thiết thực hơn cho công tác xã hội.

* Xin cảm ơn Hòa thượng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Võ Dũng

Tỳ-kheo-ni Tô-ma

NSGN - Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Tô-ma2  ngụ tại tinh xá của chúng Tỳ-kheo-ni, ở trong ngự viên, thuộc nước Xá-vệ.

Thông tin hàng ngày