GNO - Chiều qua, 8-10, là buổi chia sẻ thứ 2 của TT.Thích Lệ Trang, UVTT BTS PG TP.HCM, Trưởng ban Nghi lễ GHPGVN TP.HCM với chủ đề "Sinh hoạt trong thiền môn", nhiều câu hỏi được đặt ra cho thấy đây là vấn đề được học viên rất quan tâm.
TT.Thích Lệ Trang thuyết trình buổi thứ 2 về sinh hoạt thiền môn
Mở đầu buổi giảng, Thượng tọa giảng sư đã chia sẻ những trăn trở của nhiều người cho rằng, có phải nghi lễ hưng thịnh, sẽ dẫn đến Phật giáo suy?
Thượng tọa nói, hàng năm ở các tự viện có rất nhiều nghi lễ diễn ra như: lễ Phật đản, Vu lan, húy nhật chư vị tổ sư, vía chư Phật, bồ-tát, lễ giao thừa, kỳ an hội… - với nhiều hình thức tổ chức khác nhau tại các tự viện như: tắm Phật, triển lãm, thuyết giảng, những nghi thức tán tụng xe hoa, kiệu hoa... nhưng sau những cuộc lễ đó ai về nhà nấy!
Chúng ta không gieo được hạt giống Phật trong tâm thức của họ. Hay nói cách khác, chúng ta chưa cho họ thấy được giá trị hiện sinh của đạo Phật (ly khổ - đắc lạc). Chúng ta phải hướng dẫn để họ cảm nhận được Đức Phật đang đản sanh trong họ, những lời dạy của Đức Phật đẹp nhất trong tâm họ, để từ đó làm kim chỉ nam trong đời sống.
Như thế, chúng ta mới thực sự thành công. Làm việc gì? Phải biết giáo nghĩa về việc đó, nên có câu: “Chánh nhơn hành tà pháp, tà pháp thị vi chánh; tà nhơn hành chánh pháp, chánh pháp thị vi tà”.
Chư Tăng tham gia Khóa bồi dưỡng trụ trì 2015
Thượng tọa cũng đã chia sẻ những câu trả lời đến học viên trong khóa học:
* Bạch Thượng tọa, hiện nay một số tự viện Ni khi hành lễ mặc hậu vàng như chư Tăng, việc này thì không tuân thủ theo Nội quy của ban Tăng sự T.Ư. Với cương vị người làm công tác nghi lễ, Thượng tọa suy nghĩ gì về việc này?
- TT.Thích Lệ Trang: Không phải màu vàng là lớn, vì thế chúng ta nên thống nhất những quy định sinh hoạt chung. Y của chúng ta là kiểu muôn thuở không đổi, màu vàng cũng muôn thuở không đổi. Phục sức của Tăng, Ni là áo thụng, áo tràng, áo nhật, vạt khách. Vì thế, nếu chư Ni giữ chiếc y vàng, áo thụng lam thì đẹp vô cùng, áo thụng đẹp nhất là màu khói hương, màu bùn non.
Vì thế đôi khi biết mặc hậu vàng là sai với Nội quy Tăng sự, sai với lễ phục của Hiến chương nhưng vẫn làm liều thì không nên. Vì thế để thống nhất khi xuất hiện giữa chốn đông người, trên tinh thần đoàn kết, hòa hợp đây là sức mạnh của Phật giáo Việt Nam.
Có thế trong giới đàn, hàng thập sư Ni mặc hậu vàng không sao, ngoài giới đàn ra thì chúng ta giữ chiếc y vàng áo thụng lam là đẹp nhất.
Nhiều câu hỏi từ Tăng Ni được TT.Thích Lệ Trang giải đáp
* Bạch Thượng tọa, y hồng, mão hiệp chưởng, mão tỳ lư là được chư tổ truyền thừa, người kế thế tuyên hành pháp sự trong nghi lễ Phật giáo nhưng hiện nay, có người chưa được các bậc tôn trưởng trao truyền lại mang y, đội mão phục vụ việc đưa tang ngoài đường, xin hỏi như vậy có đúng không? Giáo hội và Ban nghi lễ có cách nào để khắc phục và điều chỉnh cho trang nghiêm Tăng-già và Giáo hội?
- Thực ra vấn đề này không đúng và cũng không sai, chẳng qua chúng ta chưa có một cái nhìn đồng bộ. Lễ phục bản thân nó không sai, do bản thân người sử dụng khiến người ta nhìn không có trân trọng nữa. Về việc này (mang y, đội mão), chúng ta cũng chưa có luật gì cấm. Thực tế hiện nay không những chư Tăng đội mão, đắp y đi đưa tang, những người cư sĩ họ vẫn làm như vậy mà chúng ta cũng không cản được.
Vì thế để chấn chỉnh việc này, chúng tôi nghĩ là các chùa từ vị trụ trì cho đến chư vị lãnh đạo, cần phải có kiến thức tổng quan. Làm hành chánh cũng cần phải biết nghi lễ, vấn đề này hiện nay chúng ta bỏ ngõ (không quan tâm), còn ở đời hễ cầu thì cung. Nếu chúng ta quản lý kỹ Tăng Ni và trang bị cho họ những kiến thức cần và đủ từ khi mới phát tâm xuất gia thì tệ nạn này cũng có thể được dẹp.
* Thượng tọa cho biết nguồn gốc của chiếc hậu của chư Tăng Ni và áo nhật bình có phải xuất phát từ truyền thống Bắc tông Việt Nam không?
- Ngày xưa ở Trung Hoa người ta có chiếc áo được gọi là áo Trung Hoa mặc quá gối và không có yếm. Sau này, ngài Thanh Ninh - Tâm Tịnh khai sơn chùa Tây Thiên ở Huế mới chế lại dựa trên chiếc áo Trung Hoa, may thêm cái yếm và cổ lớn hơn lai, kết nút áo ngay giữ giống như chữ nhật, nên gọi là áo nhật bình (mặc hàng ngày), hễ rời Tăng phong phải mặc áo nhật chứ không mặc áo vạt khách.
Còn áo thụng (hậu) là được tổng hợp từ niết-bàn Tăng (y năm điều) và phú kiên y (áo che một vai), sau này thêm một vai bên còn lại. Có thể nói, áo thụng được cãi biên và hoàn chỉnh vào thời Đường. Vì chúng ta cũng ảnh hưởng nền văn hóa đó nên chúng ta cũng được thừa hưởng nhưng chúng ta đã cải biên. Về nguyên gốc thì ở giữa thân áo thụng có những nét gấp và dưới xòe ra như một chiếc đầm mà hiện nay Tăng sĩ Nhật Bản vẫn còn giữ.
Tăng Ni tham gia khóa học tại hội đường chùa Phổ Quang
* Hiện nay có nhiều đạo tràng niệm Phật của Phật tử tự thành lập, khi có người mất thì tự làm lễ, rồi khai thị cho người chết. Và đặc biệt khi người chết họ tổ chức niệm Phật từ 8 đến 12 giờ, khi người thân người đó mềm thì họ cho rằng người đó được vãng sanh. Nếu niệm hoài thân tướng người chết không mềm thì họ cho rằng người đó đọa địa ngục. Theo Thượng tọa, những đạo tràng hộ niệm như vậy có đúng không? Giáo hội cần làm gì, hướng dẫn cho Phật tử như thế nào?
- Trong sách có câu: “Vị tri sự sanh, yên tri sự tử” mình sống còn chưa biết ra sao, thì làm sao có thể nói đến chuyện chết. Thực ra trong khi gia đình có thân nhân qua đời, được quý thầy và Phật tử đến hộ niệm là tốt. Nhưng để biết là được vãng sanh hay đọa thì cần tử tế khai. Có người hỏi tôi: “Thầy có chắc đời sau thầy thành Phật không?”. Tôi trả lời tôi không biết nhưng hiện tại bây giờ tôi thấy tôi không thành quỷ.
Nếu một người cả đời không biết ăn chay, bố thí, làm thiện, ngược lại là kẻ đầu trộm, đuôi cướp, ăn chơi tội lỗi, khi chết, đạo tràng đến niệm Phật 8 giờ người mềm ra là vãng sanh, đây là chuyện cường điệu. Có nghiên cứu về y học chúng ta sẽ thấy, con người qua đời hơi nóng từ từ rút khỏi và tập trung vào đệ bát A-lợi-gia-thức, điểm nào sau cùng nó rút khỏi thì đó là điểm nóng cuối cùng.
Khi hơi nóng rút đi rồi thân thể từ từ lạnh và cứng lại, nhưng qua một thời gian 8 đến 10 giờ trở đi cơ thể trở lại bình thường không mềm nhũn nhưng cũng không cứng. Hộ niệm là tốt, khi cận tử nghiệp thân tứ đại bị phân tán và chi phối, những bất an sợ hãi trước đời sống hiện tiền, nên việc hộ niệm nhằm làm tăng thượng niệm lực cho người lâm chung, để họ nương theo đó.
Nếu hàng ngày, họ sống, họ có tu tập nhưng khi lâm chung họ đang phân vân chưa biết đi ngã nào thì lúc này thân hữu, đạo bạn gởi năng lượng đó. Họ sẽ tìm được định hướng cho kiếp sanh tử tiếp theo. Việc quyết định người đó được giải thoát hay không, là ngộ nhận không đúng giáo nghĩa của Đức Phật.
Bên cạnh đó, chúng ta phải xét, bản thân người trợ niệm có được thanh tịnh không? Niệm có an tịnh không? Bản thân mình không tịnh thì làm sao có thể đem lại an tịnh cho người khác. Nên, người hộ niệm phải tu tập nghiêm túc, nếu đã tu tập nghiêm túc thì sẽ không phát biểu linh tinh. Vô tình việc này lại phủ nhận việc có mặt của chư tôn đức Tăng Ni và các đạo tràng đến hộ niệm.
Thiết nghĩ, việc này không còn trong phạm trù của Ban Nghi lễ mà các ban, ngành khác của Giáo hội cũng phải có trách nhiệm. Như, Ban Hoằng pháp cần triển khai để Phật tử họ có cái chánh kiến trong việc họ làm. Khi đã có chánh kiến rồi tự khắc họ sẽ nhận ra đâu là chánh, đâu là tà để không bị ngộ nhận vì những lời phát biểu linh tinh của các Ban Hộ niệm đó.
Q.Hậu ghi