Tây Đông - Tuyết và hoa thả hồn cùng phố biển

Giác Ngộ - “Nhất hoa nhất thế giới/Nhất diệp nhất như lai”. Đó là thông điệp mà Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phật giáo Thích Minh Hiền muốn gởi đến công chúng thưởng ngoạn thông qua 108 tác phẩm được trưng bày triển lãm tại số 07 Trần Phú, TP. Nha Trang nhân sự kiện Tuần văn hóa Phật giáo diễn ra từ 29/ 11 – 05/12/ 2009 do Ban Văn hóa TƯGH phối hợp cùng BTS THPG Khánh Hòa tổ chức chào mừng 1000 Thăng Long – Hà Nội.
TD (1)_resize.jpg

Tác giả Thích Minh Hiền

Đây là triển lãm lần thứ 7 của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phật giáo Thích Minh Hiền. Và, “Tây Đông Tuyết và Hoa” là tên gọi của mỗi cuộc triển lãm. Một liên thông ẩn ngữ được đan kết bởi các tác phẩm nhiếp ảnh đã đưa hai dòng Tây Mật và Đông Mật của Phật giáo giao thoa vào nhau trong một không gian huyền ảo của sắc màu và ánh sáng. Tác giả Thích Minh Hiền đã vân du khắp dải Tây - Đông Mật giáo. Bằng con mắt thiền trầm mặc và sâu lắng, tác giả đã khéo chọn cho mình cách biểu đạt giàu tính nhân văn và triết lý Phật giáo, nhưng cũng rất tươi sáng, đầy sức sống hiện hữu của cõi nhân gian.

Theo tác giả Thích Minh Hiền, “Tây Đông tuyết và hoa” là một ẩn ngữ để biểu đạt hai dòng tu mật tông Tây Mật và Đông Mật của Phật giáo. Dòng Tây Mật xuất xứ từ vùng tuyết trắng Himalaya , và những màu sắc huyền bí của bức tranh mandala và thangka. Dòng Đông Mật ở xứ Phù Tang, thấp thoáng những mái chùa cổ kính uy nghiêm nổi bật trên nền trời xanh mây trắng, hòa diệu cùng sắc hoa Sakura trắng thuần khiết.

TD (3)_resize.jpg
TD (2)_resize.jpg
TD (4)_resize.jpg

Các tác phẩm triển lãm

Đến với triển lãm, người xem được chiêm ngưỡng những khoảnh khắc sống động trong sự trầm uẩn của không gian và thời gian, cùng sự quán chiếu mang chiều sâu triết học. Từ thế gian cho đến xuất thế gian đều chan chứa nhân sinh quan Phật giáo. Phật pháp thấm đẫm và lan tỏa trong mọi ngóc ngách của cuộc sống xã hội ở Tây Tạng, đã làm nên dòng Tây Mật kỳ bí, trải suốt nhiều vùng lãnh thổ quanh dãy Hymalaya (Népal, Bhutan, Tây Tạng, Mông Cổ). Nhưng chính thiên nhiên là khởi thủy cho nét huyền phiêu của xứ sở Tây Tạng, nơi tuyết trắng mù sa, nơi mặt trời đi ngủ muộn. Mật giáo Tây Tạng đã tạo nên những cảm xúc bất ngờ cho những ai có duyên lành, một lần đến để một lần thấy. Tây Tạng trùng điệp núi tuyết và hoang mạc, ngắm nhìn những tấm ảnh khiến ta phải ngưỡng vọng trước cuộc sống diệu kỳ của nắng, gió, tuyết… và mây.

TD (5)_resize.jpg
TD (6)_resize.jpg
TD (7)_resize.jpg

Các tác phẩm triển lãm

Mỗi bức ảnh là một thông điệp mà tác giả muốn gởi đến người xem như thể mượn cảnh tả tình, lấy sự hữu vi để biểu đạt cái vô vi bất diệt. Chiêm ngưỡng bức ảnh Bạch vân thụy tuyết, ta vô cùng kinh ngạc trước vẻ đẹp kỳ lạ của mùa Xuân. Không một lá cây ngọn cỏ, chỉ có những núi tuyết, tưởng như không gian chìm lút trong sắc Đông u ám. Nhưng có phải tuyết đang muốn tan chảy, mùa Xuân ẩn náu trong những đám tuyết mềm mại kia, để khoe cùng đất trời cảnh tượng kỳ vĩ: mây trắng tuyết trong màu xuân sắc, bích thủy hồng mai tận triều huy. Bức ảnh Bạch vân thanh sơn (mây trắng núi xanh) đem đến cho người xem một chân lý, dù vĩnh cửu như núi, dù vô thường như mây, nhưng cả hai đều nương vào nhau trong một tổng thể bất biến của thiên nhiên: núi. Nhiều bức ảnh tại triển lãm khiến ta thán phục trước vẻ đẹp kỳ bí của thiên nhiên, tuyết và hoa. Song hành cùng Tây Mật là Đông Mật, một nửa triển lãm đưa ta đến xứ Phù Tang, nơi tôn nghiêm những mái chùa cổ kính. Những sắc hoa Sakura trắng thuần khiết an trụ trong tĩnh lặng và bình yên. Hoa Sakura (anh đào gồm: mận, mơ, đào…) ở Nhật Bản là biểu tượng của không gian và thời gian, làm nên sức sống bất tận của mùa Xuân. Dọc những bờ sông, ven đường, trong khuôn viên cổ tự, nơi đâu cũng hiện hữu những hàng anh đào nở hoa trắng muốt như sương khói mờ ảo. Thấp thoáng dưới bóng anh đào là mái chùa cổ kính, con đường uốn khúc quanh quanh, tạo cảm giác bình yên.

Có thể nói, Tây Đông tuyết và hoa là một không gian thưởng ngoạn giúp tâm hồn ta lắng lại khi vân du trong thế giới của tuyết, mây, hoa, lá để cảm nhận hết những vẻ đẹp nguyên sơ và tinh khiết, cũng như sức sống mãnh liệt của thiên nhiên và con người.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

[Video] Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Phát biểu khai mạc, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn có lời chào mừng đến các vị đại biểu, chư vị khách quý; đồng thời nêu ý nghĩa của Hội nghị sinh hoạt Giáo hội năm 2024. Trưởng lão Hòa thượng cho biết năm 2024 là năm thứ hai thực hiện Chương trình mục tiêu hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IX...
Chư Tăng Ni chỉ chuyên tâm tu học và làm các Phật sự mà thôi - Ảnh minh họa

Chư Tăng có thể đi làm việc ngoài xã hội không?

GNO - Tôi thấy ở nước ngoài, các tu sĩ Phật giáo vẫn đi ra ngoài làm việc để kiếm thêm thu nhập nhằm trang trải cuộc sống và học hành. Vậy ở nước ta, các thầy có được phép ký hợp đồng lao động với các doanh nghiệp để làm việc không?

Thông tin hàng ngày