Tết ở xứ người

Đón Tết xa nhà, những du học sinh như chúng tôi thấy thèm lắm cái không khí ấm cúng khi cả nhà được quây quần bên mâm cơm.

Một xuân nữa lại về và cái Tết thứ hai con không được cùng gia đình quây quần bên mâm cơm, không được ăn những món mẹ nấu, không được nghe những lời khuyên của bố. Những khoảnh khắc đó một thời con coi là lẽ đương nhiên nhưng giờ sao ấm áp và con thấy thèm đến thế. Mấy ngày này, con lên mạng tìm đọc các bài viết về không khí Tết ở Việt Nam và rồi ngồi tưởng tượng cảnh mình được hoà chung vào không gian đó. Nỗi nhớ gia đình, bố mẹ bỗng ngập tràn trong lòng con và con nhớ cái ngày khi con bước chân ra đi.

Hai năm trước, cầm được quyết định đi du học, con cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Con nói với bố mẹ rằng "Con xin phép bố mẹ cho con đi học tiếp", còn bố mẹ chỉ im lặng. Nhưng có lẽ lúc đó, sự háo hức đã chiếm trọn trong con và con không tài nào biết được đằng sau sự im lặng của bố mẹ là những suy nghĩ gì.

Từ lúc thông báo tin tức đến lúc con lên máy bay chỉ vỏn vẹn hơn một tuần. Con đi thật nhanh mà không suy nghĩ gì nhiều. Thậm chí, con còn nhớ lúc bước vào phòng chờ của sân bay, con cũng chẳng quay đầu lại để nhìn bố mẹ thêm một lần. Con đã quá vô tâm. Một thằng con trai như con chỉ biết ăn, học, đi làm, được bố mẹ chăm sóc, rồi lại tụ tập bạn bè... Cuộc sống bị cuốn theo những guồng quay của những cuộc vui, rồi lại đi thật xa để tìm cho mình chân trời mới mà không để ý những tình cảm rất gần gũi đang có xung quanh mình.

Ảnh: Nguyễn Đức
Ảnh: Nguyễn Đức

Những ngày này ở nhà, chắc bố mẹ và em đang tất bật dọn dẹp, sắm sửa thứ này, thứ kia. Đó là những công việc ngày trước con đã làm với tâm lý bị ép buộc. Khi bố bảo con dọn chỗ kia, con chẳng muốn làm chút nào mà chỉ muốn đi chơi. Dù không nói nhưng trong đầu con lầu bầu một ý nghĩ rằng "Năm nào chả có Tết, sao mà phải dọn dẹp nhiều thế?". Khi mẹ lụi cụi trong bếp nấu nướng, con đã phàn nàn rằng: "Tết nhất có ăn được máy đâu, sao mẹ nấu nhiều thế?".

Nhà toàn con trai nên bố mẹ dạy con làm tất cả mọi việc. Bố bố dạy con gói bánh chưng sao cho vuông; mẹ chỉ con cách bóc bánh trưng sao cho khéo, làm thế nào để bày một mâm ngũ quả đẹp đẽ trên bàn thờ. Nhưng con chỉ đứng nhìn, nghe rồi lại bỏ ngoài tai lúc nào không hay. Lúc đó con chưa cảm nhận được và giờ khi con xa nhà, con mới hiểu được vì sao bố mẹ làm điều đó.

Con xa nhà, có biết bao nhiêu điều thay đổi trong gia đình của mình. Lúc vui, lúc buồn, con cũng chỉ biết đọc và nghe kể lại qua tin nhắn và những cuộc điện thoại của bố mẹ. Còn nhiều điều mà bố mẹ chẳng nói ra khi không có con ở nhà. Nhiều khi con thắc mắc “Tại sao nghe giọng bố mẹ buồn thế?"; "Có chuyện gì xảy ra ở nhà hả bố mẹ?”. Lúc đó con chưa cảm nhận được và giờ con hiểu rằng chẳng có chuyện gì xảy ra cả, chỉ vì bố mẹ đang nhớ đến con.

Năm mới tới, bố mẹ lại già thêm một tuổi, cùng với đó là những căn bệnh của tuổi già. Con còn nhớ cứ mỗi dịp gần Tết, thời tiết thay đổi làm cái lưng của mẹ lại đau. Hôm qua gọi điện về, mẹ bảo mẹ đỡ rồi, không bị đau nữa, bố mẹ vẫn đi làm bình thường. Con vui khi nghe thấy điều đó nhưng con biết có thể đó là lời nói dối để của mẹ để con yên tâm học hành.

Bố mẹ biết không, giờ con đã biết gói bánh chưng thật vuông vức, chặt tay như bố bảo. Ở xa, con cũng tự học cách nấu những món ăn ngày Tết giống mẹ. Và còn nhiều hơn thế nữa. Con đã tự biết chăm sóc bản thân lúc ốm đau như những lúc mẹ đã chăm con, biết tự giặt quần áo, biết thắt cà vạt... biết làm những việc mà từ trước bố mẹ vẫn làm cho con. Cho dù cái bánh chưng mà con gói chẳng bao giờ được đẹp như bố đã làm, cho dù những món con nấu chẳng thể ngon được bằng mẹ nhưng khi chính tay mình làm những việc đó, con mới cảm nhận hết được thế nào là một gia đình, thế nào là tình yêu của bố mẹ đã dành cho con.

Ngày đầu năm, mọi người luôn dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Còn con, con chỉ biết cảm ơn bố mẹ đã luôn chỉ bảo và dạy con mọi điều trong cuộc sống, từ những điều đơn giản nhất. Con cảm ơn bố mẹ đã luôn bên con và động viên con khi con khó khăn, mệt mỏi. Cám ơn bố mẹ đã sinh ra con và đã giúp con nhìn ra được bản thân mình.

Mẹ ơi, mẹ đừng đau lưng nữa nhé! Bố ơi, hãy tin tưởng rằng "thằng con trai vô tâm" của bố đang trưởng thành lên từng ngày như lời bố đã dạy.

Một Tết nữa thôi là con sẽ về... Con yêu bố mẹ thật nhiều!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày