Thái Lan: Nhà sư và cuộc hành trình tái sinh dòng sông

Hai bờ sông Chao Phraya đoạn chảy qua Bangkok - Ảnh: Eurasia Review
Hai bờ sông Chao Phraya đoạn chảy qua Bangkok - Ảnh: Eurasia Review
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong khi nhiều người dân đang chìm trong nỗi tuyệt vọng về việc khôi phục sông Chao Praya về trạng thái nguyên sơ, một vị trụ trì ở thủ đô Thái Lan đã bắt đầu công việc tái chế trong ngôi chùa của mình. Bây giờ sư đã có một nhóm người cùng chung chí hướng làm sạch lòng sông.

Ngày xưa, sông Chao Phraya ở Bangkok là dòng sông trong lành, người dân có thể thỏa sức bắt cá, trẻ em chơi đùa trong dòng nước sạch sẽ, và thậm chí có thể uống nước múc lên từ sông. Nhưng theo thời gian, dòng sông đã dần biến thành biểu tượng buồn của ô nhiễm và suy thoái môi trường. Trụ trì Wat Chak Daeng, sư Phra Mahapranom Dhammalangkaro, là một trong những người đã chứng kiến sự thay đổi đáng buồn này. Khi sư đến Wat Chak Daeng, ngôi chùa hơn 240 năm tuổi, sư không khỏi xót xa khi nhìn thấy dòng sông đen đục và khuôn viên chùa đầy rác thải nhựa.

Khi cảm thấy rằng không thể đứng yên nhìn dòng sông ngày càng ô nhiễm, sư Dhammalangkaro đã quyết định hành động. Sư xây dựng một trung tâm tái chế ngay trong chùa. Ban đầu, trung tâm chỉ thu gom một số ít chai nhựa, nhưng sau đó phát triển thành cơ sở tái chế lên tới 300 tấn nhựa mỗi năm. Dù cũng đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng sư Dhammalangkaro vẫn không thể tự mình làm sạch toàn bộ rác thải của dòng sông.

Sư Phra Mahapranom Dhammalangkaro

Sư Phra Mahapranom Dhammalangkaro

Một bước ngoặt lớn xảy ra khi sư gặp được Tom Peacock-Nazil, Giám đốc Tổ chức Seven Clean Seas–một tổ chức chuyên tìm kiếm giải pháp cho ô nhiễm nhựa. Hai người đã hợp tác và tạo ra “Hippo”, một con tàu chạy bằng năng lượng mặt trời, với mục tiêu loại bỏ 1,4 triệu kg nhựa mỗi năm khỏi dòng sông Chao Phraya.

Hippo được thiết kế đơn giản nhưng hiệu quả. Con tàu này sử dụng một băng chuyền chạy bằng năng lượng mặt trời để kéo rác từ sông lên và đưa vào một thùng chứa nằm dưới mái tàu. Rác thải như lục bình, hộp đựng thức ăn, chai nhựa và túi sau đó được phân loại thủ công và tái chế tại chùa Wat Chak Daeng.

Bà Chalatip Junchompoo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên Biển và Bờ biển, tin rằng sự hiện diện của Hippo sẽ có tác động rất lớn trong việc nâng cao nhận thức về chất thải nhựa. Bà hy vọng rằng sự tò mò của người dân về con tàu sẽ thúc đẩy họ tìm hiểu và từ đó ý thức hơn về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Thái Lan đã đặt mục tiêu tái chế tất cả nhựa vào năm 2027, tăng từ mức 37% hiện tại. Nhóm Hippo sẽ làm việc tối đa tám giờ mỗi ngày trên sông và phải tính toán thời gian làm việc dựa trên thủy triều để đạt hiệu quả cao nhất.

Nhựa được thu gom tại chùa Wat Chak Daeng không chỉ đơn giản là tái chế. Một phần nhựa được chuyển đổi thành vải, từ đó may thành các tấm vải và nhuộm màu y vàng cho các nhà sư, cũng như chăn và túi xách. Sư Dhammalangkaro đã tìm ra cách khuyến khích người dân đóng góp rác thải nhựa bằng cách liên kết việc này với việc tu tạo công đức trong Phật giáo.

Với sự xuất hiện của Hippo, Wat Chak Daeng đã hoàn thiện nền kinh tế tuần hoàn của mình. Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ mở rộng mô hình này, xây dựng thêm những con tàu Hippo để giải quyết ô nhiễm trên các dòng sông khác ở Thái Lan và Đông Nam Á. Tuy nhiên, như ông Peacock-Nazil đã nhấn mạnh, việc giải quyết ô nhiễm sông ngòi chỉ là một phần của giải pháp. Cần phải có sự chung tay từ các cộng đồng ven sông và cơ sở hạ tầng cần thiết để ngăn chặn nhựa bị quăng bỏ vào môi trường ngay từ đầu.

Nhóm Seven Clean Seas cũng đang lên kế hoạch tạo ra các chương trình giáo dục ở cấp địa phương và sử dụng Hippo như một phòng thí nghiệm nổi cho các trường đại học trong tương lai. Ông Peacock-Nazil hy vọng rằng một ngày nào đó, những con tàu như Hippo sẽ không còn cần thiết nữa, con người sẽ tự ý thức được và bảo vệ môi trường tốt hơn. Nhưng cho đến khi điều đó xảy ra thì nhóm vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực để làm sạch môi trường.

Câu chuyện về sư Dhammalangkaro và con tàu Hippo là một minh chứng sống động cho sự hợp lực giữa con người và công nghệ trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa. Nó cũng là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai. Sự kết hợp giữa tấm lòng thiện lương và sáng kiến công nghệ có thể mang lại những thay đổi lớn lao, không chỉ cho dòng sông Chao Phraya mà còn cho toàn thế giới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày