Thăm chùa Kim Tiên: Qua "Ai tư vãn" của Công chúa Ngọc Hân

Thăm chùa Kim Tiên:  Qua "Ai tư vãn" của Công chúa Ngọc Hân
Sách Đại Nam  nhất thống chí  của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi: Chùa Kim Tiên ở ấp Bình An, huyện Hương Thủy (nay thuộc phường Trường An, TP.Huế) tương truyền do Hòa thượng Bích Phong dựng (khoảng cuối thế kỷ XVII), bản triều Thế Tông (chúa Nguyễn Phúc Khoát, 1735-1765) sửa lại, sơn thếp xanh vàng rực rỡ. Phía trước chùa dựng lầu Vọng Tiên, có giếng cổ sâu hơn 30 trượng, nước rất trong mát, tương truyền các tiên nữ thường tắm đêm ở đây nên gọi là giếng Tiên.

Theo sự mô tả trên thì chùa Kim Tiên dưới thời các chúa Nguyễn là một trong những ngôi chùa đẹp tại kinh đô với phong cảnh u nhã, lầu gác huy hoàng tráng lệ.  Có lẽ cũng vì đẹp đẽ, tráng lệ nên chùa Kim Tiên phải trải qua bao nỗi thăng trầm cùng xứ sở để đến bây giờ còn lưu truyền câu ca dao “Vì ai nên nỗi sầu này/Chùa Tiên vắng vẻ tớ thầy xa nhau”. Đáng chú ý hơn hết là chùa Kim Tiên trở thành phủ công chúa Ngọc Hân-Bắc Cung Hoàng hậu của vua Quang Trung.

Thời Tây Sơn chiếm đóng Phú Xuân, một loạt những ngôi chùa danh tiếng như Báo Quốc, Thiền Lâm… bị trưng dụng cho quan lại Tây Sơn làm dinh thự, thủ phủ và chùa Kim Tiên được chọn làm phủ của công chúa Ngọc Hân.

chuakimtien-2.gif

Để một ngôi chùa lớn trở thành phủ ở của một vị công chúa với nhiều người hầu kẻ hạ và là nơi vua Quang Trung thường xuyên ngự giá, đương nhiên chùa phải bị sửa chữa, thay đổi cho phù hợp. Công chúa Ngọc Hân ở tại chùa Kim Tiên một thời gian khá dài nên cũng có biệt hiệu là Bà chúa Tiên và chùa Kim Tiên còn được gọi là phủ Bà chúa Tiên.

Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc để phù Lê diệt Trịnh. Ngọc Hân vâng lời cha mà sánh duyên với Nguyễn Huệ và theo ông về Thuận Hóa. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế trước khi ra Bắc lần thứ ba để diệt quân Thanh, lấy niên hiệu Quang Trung, phong Ngọc Hân làm Hữu Cung hoàng hậu. Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ lại phong bà làm Bắc Cung hoàng hậu. Năm 1792, hoàng đế Quang Trung đột ngột băng hà. Ngọc Hân đã viết “Ai tư vãn” để bày tỏ nỗi lòng đau khổ và tiếc thương chồng tại ngôi chùa Kim Tiên lịch sử này.

Bởi vậy, ngày nay đọc “Ai tư vãn” chúng ta thấy thấp thoáng một ngôi chùa Kim Tiên vừa xinh đẹp như cõi tiên nhưng cũng vừa đượm buồn:

Nọ trông trời đất bốn phương

Cõi tiên khơi thẳm biết đường nào đi.

Hoặc là:

Não người thay cảnh tiên hương

Dạ thường quanh quất,

mắt thường ngóng trông.

Ngày ngày Bắc Cung hoàng hậu Ngọc Hân ra đứng trước cây “cầu Tiên” ngóng chờ Nguyễn Huệ trong cảnh buồn vời vợi và chứa chan kỷ niệm.

Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo,

Trước thềm lan hoa héo ron ron

Cầu Tiên khói tỏa đỉnh non

Xe rồng thăm thẳm bóng loan rầu rầu.

Tiếc rằng, cây “cầu Tiên” trong câu thơ trên mà theo nhiều nhà nghiên cứu Huế cho rằng nó được bắc ngang qua khe Chùa Tiên ngay trước chùa Kim Tiên, ngày nay đã không còn.

Sau khi Gia Long chiếm lại Phú Xuân, trong chiến dịch trả thù Tây Sơn, cùng với sự phá quật lăng mộ Quang Trung, một số chùa chiền có liên quan đến Tây Sơn cũng bị triều Nguyễn triệt phá, trong đó chùa Kim Tiên bị tàn phá nặng nề nhất, chỉ còn lại nền cũ mà thôi.

Một thời gian sau, các bà hoàng và công chúa nhà Nguyễn chạnh lòng mới mở cuộc vận động trùng tu, nhiều chùa đã được xây dựng mới trở lại. Tuy vậy, chùa Kim Tiên vẫn bị bỏ hoang phế trong một thời gian dài nữa, sau được Thừa Thiên Cao hoàng hậu tức mẹ hoàng tử Cảnh (vua Minh Mạng) xuất của riêng trùng tu và sửa sang lại.

Qua thế kỷ XIX, XX, dưới thời các vị Hòa thượng Thích Đạo Thành, Thích Nhất Trí, Thích Hải Từ, Thích Tâm Khoan, Thích Trừng Gia, Thích Hưng Dụng... kế thế trụ trì, thời nào cũng có trùng tu tôn tạo.

Đến nay, chùa Kim Tiên từng bước tu sửa, làm mới thêm nhiều hạng mục như chánh điện, nhà Tổ, Quan Âm các, Tăng xá, trai đường, nhà trù (nhà bếp) trở thành một hệ thống kiến trúc thiền tự hoàn chỉnh khang trang, bề thế có tiếng ở Huế.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.

Thông tin hàng ngày