Thảnh thơi bước giữa Ta-bà

GN - Có những lúc cần duy trì công phu nhịp độ đều đều, có những lúc cần tăng tốc, có những lúc cần thư giãn đi chậm, thậm chí có khi cần nghỉ ngơi một chút, nghỉ ngơi để đi tiếp, chứ không phải để dừng hẳn. Và nhìn rộng hơn cuộc đời, lối sống, lý tưởng cũng như con đường mình đang đi và bước tới.

Anh 1, Trang PGTT GN 789.jpg


Thảnh thơi bước tới với những bước chân chánh niệm - Ảnh: Đông Nguyên

“Một ngày mình đi được bao nhiêu bước và phẩm chất, trạng huống của những bước chân ấy như thế nào?”  là một câu hỏi khó có lời đáp chính xác. Tôi cũng vậy, nhất là trong những cuộc hiking (đi bộ) đường dài hơn 20km trong bảy giờ đồng hồ. Bởi khi này số bước chân khó mà kiểm đếm được. Và trong sổ công phu của mình, tôi chọn đi bộ như một cách rèn luyện sức khỏe và cũng là cơ hội cho thực tập nhìn sâu.

Đi bộ là một môn thể thao phù hợp với địa hình trung du - nơi mà tôi đang sống, với nhiều lợi ích thấy rõ như giảm căng thẳng, giúp giảm cholesterol trong cơ thể và cải thiện sức khỏe của gan. Hơn nữa, đi bộ giúp rèn luyện toàn bộ cơ thể, qua đó giúp cải thiện sức khỏe chung. Nhờ  được rèn luyện mà tất cả các khối cơ phía trên và dưới cơ thể được thả lỏng và giảm tình trạng căng cơ.

Cơ thể bạn sẽ được dễ chịu và có thể tăng khả năng chịu đựng. Vì thế năng suất và hiệu quả của lao động sản xuất cũng được tăng theo. Không cần tốn nhiều thời gian và tiền bạc tới những trung tâm thể dục thẩm mỹ để có được cơ thể khỏe mạnh, dáng chuẩn. Tất nhiên là một người tu, tôi quan tâm tới sức khỏe toàn diện hơn là vóc dáng!

Nếu bạn là người bận rộn thì chỉ cần chuẩn bị một đôi giày và tranh thủ đi bộ vào mỗi buổi sáng trước khi tới cơ quan làm việc. Không cần thiết là phải đi một quãng đường quá dài vào mỗi buổi tập mà chỉ đơn giản là phải luyện tập đều đặn hàng ngày.

Lần giở trang kinh, tôi như thấy hội Pháp Hoa bừng sáng lên khi Bồ-tát Tùng Địa Dũng Xuất và nhiều vị Bồ-tát khác xuất hiện từ dưới mặt đất ra trình diện Thế Tôn với hạnh nguyện sẽ ở lại mãi để chăm sóc hành tinh xinh đẹp và tuyên dương Chánh pháp ở cõi Ta-bà.

Còn nhớ thuở xưa, Thái tử Tất Đạt Đa cũng đi bộ tầm đạo. Trong suốt quãng đời tầm đạo, ngộ đạo, hành đạo, Ngài thường xuyên đi bộ như phép thực tập địa hành thần thông. Dấu chân của Ngài trải khắp lưu vực sông Hằng cùng những vùng lân cận khác.

Dấu chân ấy mang ánh sáng của tình thương, trí tuệ ban trải khắp nơi qua để ngày nay mình còn được thấy những bước chân thoát tục thực tập hạnh khất thực của quý sư Khất sĩ, Nam tông.

Với tôi, đi bộ cũng là cơ hội giúp tôi thực tập sự tương tác giữa động và tĩnh. Trong khi đi, tôi chỉ thực tập đơn giản là im lặng, theo dõi hơi thở, nhận diện, thưởng thức những gì mình đang bước qua. Nếu có những điều khác xen vào như suy nghĩ vu vơ thì mất sức lắm. Những lúc đi trong im lặng là những lúc trở về với chính mình nhiều.

Khi ấy, tôi có cơ hội lắng nghe cơ thể mình đang trong tình trạng nào. Sức dẻo dai, kiên nhẫn, chịu đựng của mình đến đâu. Nghị lực mình như thế nào. Mình có ngại đường xa dặm dài không. Nếu trong cuộc hành trình, chợt cơn mưa ghé qua thì mình có chùn bước, ngán ngẩm muốn quay về hay tiếc nuối cho những gì đã qua, cho những điều “giá như”, “phải chi”…

Một cách khác nữa mình có cơ hội được thực tập trạng thái vô lo, vô úy. Vì đã có người dẫn đường, có lộ trình hẳn hoi, mình không cần lo lắng sợ lạc đường. Cứ mỗi chặng đi 4-5km được dừng lại khoảng 5 phút để hồi sức và tập vài động tác đơn giản bổ trợ thêm cho hành trình kiên nhẫn này. Trong những lúc này tôi thấy đời tu mình cũng như cuộc đi bộ. Có những lúc cần duy trì công phu nhịp độ đều đều, có những lúc cần tăng tốc, có những lúc cần thư giãn đi chậm, thậm chí có khi cần nghỉ ngơi một chút, nghỉ ngơi để đi tiếp, chứ không phải để dừng hẳn.

Và nhìn rộng hơn cuộc đời, lối sống, lý tưởng cũng như con đường mình đang đi và bước tới. Có những con đường thênh thang, có những con đường hẹp, xuyên qua những cánh rừng thông bạt ngàn, có những con dốc với nhiều độ cao khác nhau, có những vực thẳm.

Những cung đường mở ra cho tôi khung trời tươi đẹp tựa hồ tranh vẽ của những danh họa. Những lúc đi bộ như thế này là một đặc ân cho sở thích, tôi được ngắm nhìn những tuyệt tác nghệ thuật thiên nhiên. Cả vòm trời và mặt đất như mở ra trước mắt tôi một phòng triển lãm thênh thang với đủ gam màu đậm nhạt, đủ tông nóng lạnh - sáng tối, tùy theo mùa, theo tiết.

Những đồi cỏ mênh mang xanh, trên là trời cao xanh làm cho mắt người ngắm càng xanh hơn. Cành cọ vàng nào đã vẽ nên những tuyệt tác ấy? Đó là đất mẹ vĩ đại, là trời cha che chở, là cái quả tròn đầy của rất nhiều nhân duyên trùng điệp, của sanh-trụ-dị-diệt.

Nhân dạng của tôi trở nên nhỏ bé giữa đại ngàn, giữa thiên nhiên. Tôi thấy mình khiêm hạ hơn với vũ trụ bao la, với kho tàng quý giá mà mình chưa khám phá hết được.

Có khi trên lộ trình, tôi khâm phục và trân quý hình ảnh của những chú ngựa, chú bò bước đi nhẹ nhàng thận trọng như thể đang đi kinh hành. Mỗi bước chân đều thong dong. Nhởn nhơ gặm cỏ như chỉ có thưởng thức mà thôi. Thưởng thức vị ngọt mát của cỏ mùa xuân, vị bùi thơm của cỏ mùa hạ.

Bước chân của tôi hôm nay còn là sự tiếp nối của dòng giống tổ tiên từ thuở “bước chân Âu Cơ lên non - bước chân Tây Sơn thần tốc”. Và tự nói với mình rằng, hãy đi “những bước chân như hôn vào mặt đất”, hãy “in dấu chân như dấu ấn của vị quốc vương”. Đó cũng là bước chân mùa xuân với rất nhiều cảm hứng.

Đông Nguyên (Đức)

Trang Phật giáo - Tuổi trẻ chào đón tin, bài bạn đọc, cộng tác viên. Bài vở, tin tức cộng tác xin hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày