Tháp - Cúng dàng tâm

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1221 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1221 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tháp (Stupa , Sanskrit; Chorten, Bhutan) là biểu tượng của tâm Phật và là hình ảnh phổ biến nhất ở vùng Thánh địa Himalaya.

Mục đích tối thượng của sự tu tập là đạt giác ngộ. Khi một chúng sinh đạt giác ngộ tối thượng, những cấu nhiễm làm lu mờ thân, khẩu, ý của chúng sinh sẽ bị đoạn trừ và có được thân, khẩu, ý thanh tịnh của một vị Phật. Trên thực tế, công đức của thân, khẩu, ý Phật rất lớn lao; chúng sinh sẽ hoàn toàn thoát khỏi mọi phiền não chỉ bằng cách thể nhập tương ưng được với thân, khẩu và ý của Đại Nhật Như Lai.

Trong biểu tượng học Phật giáo, thân, khẩu và ý Phật được biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Hình ảnh Đức Phật được thể hiện trên các bức Thangka, điêu khắc và hình vẽ trên đá. Kinh văn tượng trưng cho lời dạy từ kim khẩu của Đức Phật, còn tháp (Stupa) là biểu tượng của Tâm Phật.

Tháp có ý nghĩa đặc biệt vì đó là “lời tán thán đấng giác ngộ tối thượng”. Tháp là biểu tượng của sự hoàn toàn thoát khỏi đau khổ và vị kỷ, là sự mãn khai của tình thương và từ bi, là nhận thức của tâm về trí tuệ vô biên mà mọi chúng sinh đều có thể đạt được.

Tháp còn được Phật tử vùng Himalaya gọi là Chorten hay “vật cúng dàng”, được xây dựng đầu tiên ở Ấn Độ. Dưới thời vua Ashoka, trên mười triệu tháp đã được xây dựng khắp nơi. Tháp chứa các xá-lợi thiêng liêng, ghi dấu những thánh địa, và kỷ niệm những sự kiện trong cuộc đời Đức Phật.

Tháp tuy có kiến trúc theo các dạng thức khác nhau, dù hình vuông hay hình tròn, hình tam giác nhưng đều có một mục đích chung như nhau là biểu tượng kết cấu vật chất của tâm Phật. Tháp là nơi để chúng sinh chiêm bái kính ngưỡng và thanh lọc những ý nghĩ tham sân, si. Ở Bhutan, cụ thể là ở các chùa và Dzong, ta thấy có tám dạng tháp khác nhau:

Tháp Liên Hoa (Padma Pungbai Chorten): Vua Sudhodhana và dân chúng xây tháp này tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) để đánh dấu đất lành nơi Đức Phật đản sinh. Do hoa sen được coi là biểu tượng của cát tường và sự tinh khiết nên trông ngọn tháp như được mọc lên từ những cánh sen.

Tháp Giác Ngộ (Jangchub Chorten): Khi Đức Phật đạt giác ngộ tối thượng dưới gốc bồ-đề, theo truyền thuyết chư thiên và con người đã chung tay xây tháp để đánh dấu sự giác ngộ của Đức Phật ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya). Tháp Kỷ niệm quốc gia (National Memorial Chorten) ở Thimphu(1) là dạng tháp Giác Ngộ được dựng xây ở Bhutan.

Tháp Chuyển Pháp Luân (Choeki Khorlo Korwai Chorten hay Tashi Gomang Chorten): Sáu tuần sau khi giác ngộ, Đức Phật tới thành Varanasi và chuyển pháp luân lần đầu tiên vì lợi ích của chúng sinh. Ngài giảng pháp lần đầu tiên về nguồn gốc khổ đau và con đường đạt đến giác ngộ tối thượng (Tứ Thánh đế). Năm đệ tử đầu tiên của Đức Phật và các đệ tử khác đã xây tháp Chuyển Pháp Luân. Tháp được thiết kế dưới dạng có nhiều lối vào, tượng trưng cho những con đường tu tập khác nhau để đạt giác ngộ. Tháp Chuyển Pháp Luân được xây ở Lộc Uyển, thành Varanasi. Tháp Chendebji ở Bhutan là dạng tháp Chuyển Pháp Luân.

Tháp Huyền Diệu (Choetrul Chorten): Tháp được người dân thành Lichchavi xây vào thời điểm Đức Phật hàng phục các tín đồ ngoại đạo bằng cách thực hiện thần thông ở rừng Jetavana, thành Sravasti. Tháp Huyền Diệu chứng thực thắng lợi của Đức Phật trong sự nghiệp giáo hóa, hàng phục tín đồ ngoại đạo.

Tháp Hồi Quy (Lhabab Chorten): Theo truyền thuyết, tháp được người Kashi xây khi Đức Phật 42 tuổi, vào kỳ kiết hạ thứ 10, Ngài đã từ giã Tăng đoàn, một mình an cư trong rừng. Cũng trong thời gian này Ngài đã lên cung trời Đao Lợi để giảng pháp cho mẫu thân và các thiên nữ. Để ghi nhớ sự quay về của Đức Phật, ngôi tháp này đã được xây dựng theo thiết kế đặc biệt.

Tháp Hòa Hợp (Oendhum Chorten): Tháp được xây khi hai Đại đệ tử của Đức Phật hòa giải Tăng chúng sống ở Magadha sau khi nghe theo Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) gây ra bất hòa trong cộng đồng Tăng chúng.

Tháp Trường Thọ (Namgyel Chorten): Theo thỉnh cầu của các đệ tử, Ngài quyết định nhập Niết-bàn chậm đi ba tháng. Để ghi dấu pháp lực kéo dài Ứng thân của Đức Phật, các đệ tử đã xây tháp Trường Thọ ở thành Vaishali.

Tháp Niết-bàn (Nyangde Chorten): Vào tuổi 80, sau khi quy y cho hai đệ tử cuối cùng là Diza Rabga và Kuentuju Rabzang, Đức Phật nhập Vô dư y Niết-bàn. Hai đệ tử của Ngài xây ngôi tháp hình bát úp này để tỏ lòng thương tiếc khi Đấng Giác Ngộ vào Niết-bàn tại Kushinagar.

Phật tử hành hương nhiễu quanh tháp, lễ năm vóc sát đất và cúng dàng tháp để tích lũy công đức và ngày càng tinh tiến hơn về tinh thần. Tích lũy công đức là làm những hành động đức hạnh vì lợi lạc của người khác. Chúng sinh cũng có thể tích lũy công đức bằng cách xây tháp vì tháp là tượng trưng cho mục đích của Phật tử, là sự chứng đạt tối thượng, là sự hoàn thiện tâm cao nhất: giác ngộ tối thượng vì lợi lạc của tất cả chúng sinh.

Theo quan điểm Phật giáo, càng tích lũy được nhiều công đức thì tâm càng ít bị nhiễm ô. Đó là điều kiện cần để đạt giác ngộ viên mãn - có được tâm thanh tịnh, không tì vết, thông suốt vô biên. Vì thế, tháp mang lại thiện duyên cho chúng sinh thay đổi tâm. Hành giả cầu nguyện, nhiễu quanh, cúng dàng và lễ năm vóc sát đất trước tháp sẽ có cơ hội thanh tịnh tâm. Nếu không có hình thức tích lũy công đức này, chúng sinh không thể chứng đắc Phật tính. Đó là lý do giải thích tại sao tháp là biểu tượng quan trọng, có ý nghĩa khích lệ Phật tử. Tháp là tượng trưng cho thệ nguyện đạt giác ngộ tối thượng viên mãn, là trạng thái tâm chúng sinh không tách rời với tâm Phật.

Ngay cả với những ai chưa là Phật tử đi nữa thì tháp cũng đều có ý nghĩa quan trọng. Một người vẫn có thể được hưởng lợi lạc khi liên hệ với tháp vì phúc lành và những tác động tinh thần tích cực từ tháp tỏa ra mà không có phân biệt. Chỉ cần nhìn thoáng qua một ngọn tháp cũng có thể thấy rằng đó là sự kết tinh cao cả của trí tuệ vô biên và tình thương bao la, để rồi có thể chứng đạt được Bồ-đề tâm.

Trên đất nước Bhutan, trong những ngày chúng tôi lưu lại và qua những địa danh chúng tôi đã đến, ở đâu cũng có những ngôi tháp - một trong những biểu tượng tâm linh của người dân mà tư tưởng Phật giáo Đại thừa đã thấm tận xương tủy của họ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày