Thất nhỏ dưới chân núi Chúa

GN - Tịnh thất nho nhỏ, ẩn mình giữa xóm thôn nơi chân hòn Vung núi Chúa là nơi nương náu tâm linh của bà con Phật tử thôn Trung Yên, một phần thôn Phước Bình (xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam).

Đặc biệt, đây là nơi đã gieo duyên Phật pháp cho những em nhỏ trong thôn (trước đây chưa từng biết Phật pháp là gì)…

anh bai cua An Lac, PGTT 683.JPG

Thất nhỏ vang tiếng kệ kinh hàng đêm - Ảnh: An Lạc

Mỗi đêm nơi thất nhỏ (vốn là chốn ẩn tu của Sư cô Thích nữ Tịnh Hòa, trước đây xuất gia tu học ở Đồng Nai, nhưng vì bệnh duyên nên về quê hương đất Quảng của mình ẩn tu, trị liệu) đều vang lên tiếng mõ, lời kinh vọng bình an cho thôn xóm.

Các Phật tử nhí có duyên với Phật kể từ ngày Phật tử Chúc Lực thỉnh Sư cô về lập thất trên mảnh đất của mình. Các em là học sinh tiểu học, trung học cơ sở trước đây chưa đi chùa vì chùa xa, nay đến thất tụng kinh (khoảng 3 năm nay) và đã thuộc làu chú Đại bi, Bát Nhã tâm kinh, Thập chú cùng nhiều bài sám khác. Vì thế, mỗi thời kinh, ngoài giọng đọc-tụng của Sư cô, Phật tử Chúc Lực thì tiếng kệ lời kinh còn được thể hiện bởi chất giọng mộc mạc, hồn nhiên của các em.

Chưa quy y, chưa có pháp danh, vì các em chưa hiểu hết ý nghĩa của quy y, tuy nhiên vẫn được dặn dò không sát sanh, không chơi bời lêu lổng, hiếu thảo với cha mẹ, học hành chăm ngoan và đi tụng kinh hàng đêm… Chiếc áo tràng vừa vặn được một sư cô ở Sài Gòn biết tới tịnh thất gửi tặng là món quà tâm linh ý nghĩa mà mấy bạn nhỏ ở đây thích thú, vẫn mặc đi tụng kinh và xúng xính khoe với gia đình về màu áo lam hiền dịu.

Bé Đỗ Thị Thanh Tuyền, Nguyễn Ngô Diễm Ly, Đỗ Thị Kim Triều, Hà Thị Thu Phượng, Nguyễn Thu Liên… là những “Phật tử chủ đạo” của thất, Sư cô nói đùa như thế. Nhưng, quả thật các em là những Phật tử tinh tấn nhất, thường có mặt mỗi đêm để đọc kinh, cầu nguyện, hồi hướng…

Từ mái tịnh thất, nuôi dưỡng trong lòng các em ý niệm từ bi, tha thứ, biết tôn trọng người lớn, hiếu thảo cha mẹ, học hành tử tế, sau này giúp mình, giúp đời… như là bài học được Sư cô và Phật tử Chúc Lực gửi gắm bên cạnh thời khóa, kinh kệ. “Chất liệu bình an, và những giá trị Phật dạy được kết tập từ nhỏ sẽ giúp cho các em vững chãi khi lớn”, Sư cô tâm niệm, nên dù biết là nơi đây còn nhiều khó khăn nhưng cô cũng cùng với Phật tử Chúc Lực tạo duyên cho các em đến đọc kinh, vui chơi, đọc sách, học giáo lý và học làm người.

Phụ huynh các em ai cũng nhận định là từ ngày đi tụng kinh, niệm Phật mấy đứa ngoan hơn, lo học hành tốt hơn. Còn các bé, mỗi khi Sư cô đi an cư (3 tháng ở chùa Bảo Thắng, TP.Hội An) vẫn tinh cần cùng đến thất đều đặn kệ kinh với Phật tử Chúc Lực. “Đó là duyên lành của tôi, cũng là duyên lành của mấy đứa, vì Phật pháp khó nghe, nhưng mấy đứa nghe, tin theo mà học hỏi ngay từ nhỏ như vậy là may mắn lắm. Mấy đứa cũng là bạn đồng tu của tôi đó”.

Riêng người viết thì thấy vui vì ở mảnh đất này, từ xưa tới nay chưa ai biết Phật pháp, mái chùa là nơi xa lạ, nhưng khi có Phật pháp, có hình ảnh chư Phật, Bồ-tát cùng tiếng chuông mõ đêm đêm đã tạo ra cho họ một niềm tin mới. Có thể sơ cơ là cầu nguyện gia hộ bình an, nhưng rồi cũng từ niềm tin đó, con cái họ sẽ tiếp nhận những giáo lý sâu hơn, mang Phật pháp vào đời sống. Như bé Tuyền, bé Ly, bé Triều… rồi sẽ tiếp nối những người có tâm đem Phật pháp về thôn xóm, nơi biên địa xa xôi như Phật tử Chúc Lực, Sư cô Tịnh Hòa cùng nhiều tấm lòng hảo tâm giấu tên, ẩn mình đã yểm trợ nơi này từng tượng Phật đến những viên gạch xây nên thất nhỏ ấm cúng, bình yên…

An Lạc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày