Thấy gì qua các ngôi cổ tự là "Di tích quốc gia"? (Kỳ 2)

Khó hình dung cảnh tượng ở mặt tiền chùa Phụng Sơn - một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia - Ảnh: Bảo Toàn
Khó hình dung cảnh tượng ở mặt tiền chùa Phụng Sơn - một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia - Ảnh: Bảo Toàn
GNO - Việc xâm lấn, trưng dụng đất là một thực trạng phức tạp đang diễn ra hàng ngày tại các khu di tích...

“Gần như niềm tuyệt vọng”

Chúng ta có thể nhận thấy sự suy sụp, xuống cấp của một công trình kiến trúc bắt nguồn từ hai yếu tố: khách quan (thời gian, khí hậu, nguyên vật liệu) và chủ quan (con người, các công trình liên đới). Tuy nhiên, cần nghiêm túc nhìn nhận, bên cạnh sự “già đi” theo năm tháng, thì một di tích “tàn úa” còn là kết quả không nhỏ từ chính những tác động tiêu cực của con người.

Những ứng xử “chưa đẹp”

Việc xâm lấn, trưng dụng đất là một thực trạng phức tạp đang diễn ra hàng ngày tại các khu di tích, đặc biệt là di tích chùa cổ. Kéo theo đó là nhiều hệ lụy, gây không ít khó khăn cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - lịch sử tại đây. Riêng trên địa bàn TP.HCM, nếu ở di tích chùa Giác Viên, tồn đọng các hộ dân lấn chiếm đất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thì tại Phụng Sơn cổ tự (tọa lạc tại số 1408 đường 3 Tháng 2, P.2, Q.11) tình trạng này lại diễn ra phức tạp hơn.

Như dư luận đã từng lên tiếng nhiều năm trước đây, khu vực di tích chùa Phụng Sơn là nơi thường xuyên xảy ra nhiều tệ nạn về trộm cắp, cướp giật và thậm chí là hút chích, mại dâm… không những gây rối loạn an ninh trật tự xã hội mà còn làm mất đi sự trang nghiêm thanh tịnh nơi cửa Phật. Trước những vấn nạn này, nhà chùa đã tiến hành hợp tác với lực lượng dân phòng, cố gắng quy hoạch quán xá trước cổng chùa, thiết kế khu giữ xe ô-tô, xe du lịch bên hông và bãi giữ xe máy trong khuôn viên chùa... Điều này, đồng thời cũng vấp phải những ý kiến trái chiều cho rằng người điều hành chùa tự ý trưng dụng tài sản di tích.

HT.Thích Trí Định, trụ trì chùa Phụng Sơn, giãi bày: “Phải nói trong quá khứ, trước chùa mình không có ô uế nào là chưa từng. Chùa chiền là nơi linh thiêng, sao đứng nhìn mà không làm gì được. Nghĩ vậy nên chúng tôi mới linh động cho làm chỗ giữ xe, vừa có được nguồn công quả trang trải cho việc tu học của huynh đệ, lại vừa tạo điều kiện cho người dân yên tâm ra vào chùa thường xuyên, có vậy mấy người nghiện ngập, đàn đúm mới ngại đông mà tránh đi”. Bên cạnh đó, hàng tháng, nhà chùa còn cho mở những khóa lễ, thu hút đông đảo Phật tử tham gia, tình trạng rác thải cũng giảm đi đáng kể, vấn đề tệ nạn hầu hết đã được giải quyết, đem lại cho di tích một luồng không khí mới.

Được biết, những năm 1996 - 1997, chùa có tiến hành xây vòng rào tạm thời để phân cách, nhưng đến nay ngoài vòng rào vẫn còn 130 hộ dân đang cất nhà trên khu vực được xét là đất của di tích. Trăn trở về vấn đề này, HT.Thích Trí Định chia sẻ: “Chùa đã nhiều lần đề đơn kiến nghị, xin ý kiến giải quyết. Nhà nước lúc đó cũng bàn, lên kế hoạch đủ thứ để bảo vệ khu vực I - II - III. Nói vậy thôi chứ đâu có làm, cứ nói tới nói lui, họp bàn biết bao nhiêu lần cũng không giải quyết được”.

Đáng lo ngại hơn là hiện nay vẫn còn một hộ định cư bất hợp pháp ngay khu vực I của chùa, hộ này trước đây chuyên nghề trộm cướp, gây không ít khó khăn cho nhà chùa trong công tác bảo vệ di tích. “Quận đã nhiều lần mời lên UB để giải quyết di dời nhưng không được. Họ nói hộ này thuộc diện khó di dời. Thiết nghĩ di dời 130 hộ là chuyện khó vì còn xét đến đền bù và tái định cư cho họ, nhưng ở đây chỉ có một hộ thì cả UBND TP, sở, quận chẳng lẽ không thể làm gì được ư? Tôi thật sự mong chính quyền nhanh chóng có biện pháp giải quyết để di tích chùa được an toàn hơn”, Hòa thượng trụ trì băn khoăn.

BTN_0043.JPG

Hiện trạng một trong nhiều hạng mục ở di tích chùa Phụng Sơn bị xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn phải giữ nguyên chờ... giấy phép của các cấp quản lý nhà nước - Ảnh: Bảo Toàn

Không chỉ riêng Phụng Sơn, Giác Viên, mà còn có rất nhiều những di tích chùa cổ khác đang khẩn thiết kêu cứu khỏi sự lấn át bất hợp pháp này. Chính những hành vi, sự sinh hoạt đi kèm với việc “tạm trú” như vậy đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự xuống cấp trầm trọng của di tích về mặt tinh thần, tâm linh. Thử hỏi, một ngôi chùa với nhiều ứng xử “chưa đẹp” thì dù là Phật tử mộ đạo cũng liệu có can đảm để bước vào?

“Cơn ác mộng” của di tích

Đối với các công trình di tích kiến trúc - nghệ thuật, thì việc cần thiết nhất là giữ gìn tính nguyên bản trong kết cấu của nó. Vì lẽ đó, khi một di tích với kiến trúc xuống cấp, cần nhanh chóng đưa ra những biện pháp tu sửa kịp thời để giữ lại được nhiều nhất giá trị vốn có. Tuy nhiên, tại Việt Nam, công tác bảo tồn và trùng tu di tích vẫn còn diễn ra hết sức nhập nhằng.

Khu vực trai đường và hậu Tổ của di tích chùa Phụng Sơn hiện nay đã xuống cấp khá nghiêm trọng, với mái ngói thường xuyên rơi vỡ và cột kèo sắp ngã đổ. Nhà chùa đã tiến hành dọn dẹp các bàn thờ, phong tỏa khu vực ra vào hai nơi này để tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra. “Hiện tại, chúng tôi đã đệ đơn lên các cấp chính quyền, UBTP rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt. Vật liệu xây dựng, gỗ căm xe thuộc hàng bậc nhất, nhà chùa đều đã chuẩn bị sẵn sàng hết, mà giờ phải đợi giấy phép, chúng tôi cũng không dám làm gì. Nếu có giấy phép thì đã khởi công được lâu rồi”.

Căn cứ Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 của Quốc hội (29-6-2001) và Nghị định số 70/2012/NĐ-CP của Chính phủ (15-11-2012) về Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, Luật sư Trương Văn Nhứt - Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế Trung ương GHPGVN, Phó ban Pháp chế GHPGVN TP. HCM - nói rõ: “Đối với di tích quốc gia, người trực tiếp quản lý di tích cần báo cáo lên UBTP bằng văn bản tình hình di tích, sau đó UBTP có trách nhiệm làm văn bản báo lên Bộ Văn hóa - Thông tin về sự việc. Theo luật định, 30 ngày sau khi nhận được đơn, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xử lý hồ sơ. Tuy nhiên, cũng tùy theo lượng công việc của các ban ngành sở tại, trình tự của đơn từ, mà thời gian có thể kéo dài hơn. Sau khi đã tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành khảo sát, thẩm định mức độ xuống cấp, lên kế hoạch trùng tu... thời gian này dao động từ 6 tháng đến 1 năm, tùy vào mức độ và quy mô của dự án trùng tu”.

Được hỏi về vấn đề của chùa Giác Viên, LS giải thích thêm: “Nếu thời gian xử lý đơn và tiến hành trùng tu bị kéo dài quá lâu thì có thể do gặp trục trặc về thủ tục hành chánh. Như trong quá trình đơn vị chủ quản gửi đơn báo cáo, đề nghị trùng tu đã gửi không đúng nơi tiếp nhận, hoặc bị thất lạc từ cơ quan này qua ban ngành khác... nhưng nếu đã nhận được đơn mà để đến mười mấy năm thì vô lý, di tích sụp đổ luôn rồi!”. Đồng thời, luật sư Nhứt cũng nhìn nhận tính phức tạp nhưng thiếu chặt chẽ trong khâu quản lý di tích ở nước ta, dẫn đến nhiều di tích đã và đang dần trở thành “phế tích”.

Bên cạnh đó, kinh phí cũng là một vấn đề gây không ít trở ngại cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích. HT.Thích Thiện Xuân, Ban Quản tự chùa Giác Viên chia sẻ: “Nếu chính quyền chưa có ngân khoản hỗ trợ cho việc tu bổ thì cứ để nhà chùa chúng tôi tổ chức vận động Phật tử hảo tâm, kẻ ít người nhiều làm vẫn được, nhưng bên chính quyền họ không cho, mình cũng đành chịu. Nếu chùa không bị liệt vào di tích thì chúng tôi đã sửa lâu rồi, đằng này phải chịu ngồi nhìn”.

Cùng ý kiến, HT.Thích Trí Định nghẹn lời: “Năm 2015, được UBND TP duyệt cho tu sửa chánh điện, với nguồn vốn là do chùa tự lực huy động, chứ cũng không dám đợi đến khi chính quyền rót tiền, đợi mười mấy năm thì chánh điện sập mất”. Như vậy, việc “xã hội hóa” bảo tồn di tích là vấn đề cần thiết và cũng là một trong những biện pháp tối ưu, hỗ trợ nhanh cho công tác tiến hành trùng tu.

Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận, cơ sở vật chất đầy đủ phải đi đôi với kiến thức đầy đủ. Bởi lẽ, một công trình có được phục chế đúng hay không, ngoài việc tìm mua được những nguyên vật liệu chất lượng còn cần những “người thợ” thật sự có kiến thức và ý thức về trùng tu.

Thông tư số: 18/2012/TT-BVHTT&DL của Bộ VH-TT&DL Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nói rõ: những tổ chức, cá nhân tham gia quy hoạch, tu bổ di tích phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về di sản văn hóa, qua đó phải được cấp giấy chứng nhận hành nghề và chứng chỉ hành nghề do Bộ VH-TT&DL cấp phép. Thế nhưng, những câu chuyện đáng tiếc như “Trùng tu sai quy cách”, “Trùng tu - cứu hay phá”, “Trùng tu ngôi chùa trăm tuổi thành một tuổi”, hay thậm chí là “Có chứng chỉ hành nghề trùng tu vẫn phá di tích”… vẫn còn được phản ánh trên nhiều trang báo.

Vậy, sau những tháng ngày mòn mỏi chờ đợi lại tiếp tục là một hồi chuông “kêu cứu”, và ẩn trong đó luôn kêu gọi nhận thức đúng đắn của con người. Nhưng, chúng ta cần xét kỹ, nhận thức ấy từ đâu để có được?

BTN_0035.JPG

Mái ngói trai đường bị trụt, phơi giữa nắng mua khắc nghiệt - Ảnh: Bảo Toàn

BTN_0045.JPG

Mái ngói nhà Tổ chùa Phụng Sơn bị hư hỏng nặng - Ảnh: Bảo Toàn

BTN_0037.JPG

Hệ thống kèo cột ở chùa Phụng Sơn bị mối mọt, hư hoại - Ảnh: Bảo Toàn

BTN_0044.JPG

“Chùa đã nhiều lần đề đơn kiến nghị, xin ý kiến giải quyết. Nhà nước lúc đó cũng bàn, lên kế hoạch đủ thứ để bảo vệ khu vực I - II - III. Nói vậy thôi chứ đâu có làm, cứ nói tới nói lui, họp bàn biết bao nhiêu lần cũng không giải quyết được” - HT.Thích Trí Định cho biết

>> Kỳ 1: "Nghe những tàn phai"

__________________

* Xem tiếp kỳ sau: “ĐỢI CÓ MỘT NGÀY” - Các chuyên gia, nhà quản lý nói gì về thực tế công tác bảo tồn, trùng tu di tích tại nước ta hiện nay?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày