Bảo tồn di tích đừng để “tam sao thất bản”!

Khó hình dung cảnh tượng ở mặt tiền chùa Phụng Sơn - một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia - Ảnh: Bảo Toàn
Khó hình dung cảnh tượng ở mặt tiền chùa Phụng Sơn - một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia - Ảnh: Bảo Toàn
GNO - Nhiều ý kiến quan tâm bày tỏ sự lo lắng về tình trạng hư hoại, hoang phế, bị lấn chiếm ở các ngôi chùa cổ có giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc đối với vùng đất Gia Định - Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh.

Loạt phóng sự “Thấy gì qua các ngôi cổ tự là di tích quốc gia?” được đăng tải trên báo Giác Ngộ 3 kỳ liên tiếp gần đây, qua những điều “tai nghe mắt thấy” được phóng viên ghi nhận chỉ qua 2 ngôi chùa cổ là Giác Viên và Phụng Sơn, khiến không ít người quan tâm tới lĩnh vực bảo tồn di sản ngỡ ngàng.

Một số ý kiến cho rằng thật không ngờ tình trạng xuống cấp trầm trọng ở các di tích được công nhận là “di tích quốc gia”. Nhiều ý kiến quan tâm bày tỏ sự lo lắng về tình trạng hư hoại, hoang phế, bị lấn chiếm ở các ngôi chùa cổ có giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc đối với vùng đất Gia Định - Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh.

Tình trạng đó cũng không phải chỉ có ở thành phố - trung tâm văn hóa, kinh tế lớn nhất nước này, mà có thể nói phổ biến ở nhiều nơi khác.

Còn nhớ năm 2009, Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN đã tổ chức Tuần văn hóa Phật giáo tại Nha Trang, trong đó có diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo Cục Di sản, các vị trụ trì các ngôi chùa được công nhận di tích và các nhà nghiên cứu, các kiến trúc sư giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn di tích ở trong nước cũng như hải ngoại. Nhiều vấn đề thực tế nhức nhối đã được đặt ra, nhưng không có câu trả lời thỏa đáng. Nói thẳng ra là mạnh ai nấy xoay xở, mặc cho di sản bị mất mát, di tích bị biến dạng và biến mất theo thời gian, sự tùy tiện, thiếu hiểu biết trong bảo tồn, phục chế, xây dựng thêm…

Qua những quy định về pháp lý, một di tích muốn được công nhận, chẳng hạn ở cấp quốc gia, phải trải qua lộ trình với nhiều bước phức tạp. Sau khi được công nhận, các di tích phải chịu ràng buộc về pháp lý. Đối với một ngôi chùa được công nhận là di tích cấp quốc gia, nó không phải chỉ là mang ý nghĩa như một “bảo tàng”, mà còn phải có sức sống của một ngôi chùa - cơ sở tôn giáo, nghĩa là vẫn phải duy trì nếp sinh hoạt thiền môn, các hoạt động tín ngưỡng hàng ngày. Mái ngói chùa bị hư ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hiện vật nội thất, nhưng muốn sửa chữa thì phải xin phép các cơ quan quản lý và chờ sự cho phép…; vào mùa mưa, nước ngập tràn vào chánh điện cũng đành chịu, không thể làm gì khác ngoài việc chờ cấp có thẩm quyền cho phép, v.v… Vô số những phiền toái bởi sự mâu thuẫn giữa pháp lý và yêu cầu thực tế chưa có giải pháp.

Theo thông tin của Phòng Di sản thuộc Sở Văn hóa và Thể thao TP.Hồ Chí Minh, tính đến tháng 12-2015, toàn thành phố có 164 di tích đã quyết định xếp hạng (2 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia, 106 di tích cấp tỉnh). Trong đó có 70 di tích là cơ sở tín ngưỡng, 31 di tích là công trình - cơ sở tôn giáo - Phật giáo.

Với giới hạn của dung lượng, loạt phóng sự đã đăng trên báo Giác Ngộ chỉ mới phản ánh 2 trong số đó, còn nhiều di tích khác nữa, qua phản ánh được biết cũng ở trong tình trạng dở khóc dở cười. Mong rằng, các cơ quan chức năng, và dĩ nhiên cả Giáo hội, cần có sự quan tâm sâu sát hơn nữa, cân nhắc giá trị thực tế, có biện pháp kịp thời nhằm bảo tồn những giá trị cần bảo tồn, bởi di sản văn hóa là linh hồn của một vùng đất, đừng để khi có điều kiện trùng tu, mang danh là di tích quốc gia mà thực chất chỉ là bản sao vô hồn, “tam sao thất bản”!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày