Thấy gì qua các ngôi cổ tự là "Di tích quốc gia"? (Kỳ 3)

Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa chùa Giác Viên - Ảnh: Bảo Toàn
Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa chùa Giác Viên - Ảnh: Bảo Toàn
GNO - Chúng ta đang thiếu đi những nhận thức về giá trị của một di tích, sự thiếu sót trong vấn đề giáo dục.

“Đợi có một ngày”

“Di tích”, về nghĩa chuyên môn, là dấu vết của quá khứ còn được lưu lại trong lòng đất hoặc trên mặt đất, có ý nghĩa về mặt văn hóa - lịch sử của một dân tộc. Vậy, việc bảo tồn di tích đồng nghĩa với việc giữ gìn những giá trị văn hóa - lịch sử của ông cha ta để lại. Và trong cuộc bảo tồn ấy, điều gì là vấn đề nên được lưu tâm nhiều nhất?

Những năm trở lại đây, nhiều dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích của chính phủ, đặc biệt là di tích chùa cổ, đã vấp phải không ít chỉ trích, phê phán từ dư luận. Bài viết đăng tải trên trang web của Ban Tôn giáo Chính phủ với nhan đề “Công tác quản lý nhà nước về trùng tu di sản, di tích, các công trình tôn giáo”, đã nêu ra một số yếu kém, hạn chế trong tu bổ hiện nay.

Đáng chú ý là sự bất cập trong công tác quản lý của nhà nước, thể hiện qua việc nhiều di tích đang đi từ “biến dạng” đến “mất dạng”.

Nhập nhằng về luật

Quy định tại khoản 3, Điều 16, Chương II, Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 của Quốc hội: “Thông báo kịp thời cho chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước gần nhất khi DSVH bị mất hay có nguy cơ bị hủy hoại”. Căn cứ theo đó, nhiều di tích chùa cổ, khi bị xâm chiếm và xuống cấp họ đã tuân thủ đúng theo luật định, gởi đơn lên cơ quan nhà nước gần nhất cùng các ban ngành cấp cao.

“Cần có một quy trình xét duyệt di tích nghiêm ngặt hơn để tránh gây mất hiệu quả kiểm soát" - Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Phó ban Văn hóa T.Ư GHPGVN

Tuy nhiên, cần nhận thấy thời gian chờ đợi những thủ tục hành chính theo luật đó là quá lâu trước thực trạng xuống dốc nhanh chóng của di tích, dẫn đến hệ quả di tích không còn là “nguy cơ bị hủy hoại” mà “đã bị hủy hoại” rồi, như chùa Phụng Sơn và đặc biệt là chùa Giác Viên.

Trước phản ánh này, ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TP. HCM, cho biết: “Đối với trường hợp các di tích phải đợi lâu là bởi hai lý do: 1. Hồ sơ không đúng quy định (dù chúng tôi đã trực tiếp mời người quản tự lên văn phòng để hướng dẫn trình tự lập hồ sơ và những giấy tờ cần thiết). 2. Di tích nằm trong dự án quy hoạch đô thị của thành phố. Do đó, dù hồ sơ có đúng quy định, nhưng vẫn không thể tiến hành tu bổ vì phải đợi các công trình trong dự án của nhà nước hoàn tất. Sự liên đới giữa các công trình là rất quan trọng, nên nếu chỉ tu bổ di tích mà không quan tâm đến quy hoạch xung quanh thì sẽ làm mất đi sự đồng bộ chung của khu vực, đồng thời gây ảnh hưởng trực tiếp đến di tích sau khi quy hoạch các công trình lân cận”.

Đồng thời ông Quân cũng nhìn nhận: “Hiện nay, việc tu bổ di tích đang gặp nhiều nhập nhằng giữa Luật di sản văn hóa và Luật xây dựng. Theo Quyết định số 126/2007/QĐ-UBND của UBND TP.HCM: Ban hành quy định quản lý thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước của TP. HCM, Sở VH-TT không được phân cấp quyền thẩm định các dự án xây dựng. Tuy nhiên, theo Luật Di sản, Sở VH-TT phải thẩm định các dự án của di tích và cơ quan phê duyệt là UBTP. Nhưng UBTP lại dựa trên Luật 126 để phân cấp phê duyệt cho các Sở ngành khác. Từ đó mới xảy ra sự chồng chéo trách nhiệm lẫn nhau”.

Phó ban Văn hóa T.Ư GHPGVN đặc trách về lĩnh vực di sản Phật giáo, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn chia sẻ: “Luật pháp được đưa ra nhằm bảo vệ con người và tài sản, điều này không sai. Luật DSVH hay những luật liên quan đến bảo tồn, trùng tu di tích đều vì mục tiêu bảo vệ và phát huy những giá trị còn sót lại của lịch sử. Tuy nhiên, luật thì đúng, nhưng người ta có chấp hành đúng theo đó hay không mới là điều đáng nói”.

Thiếu sót trong giáo dục

Chúng ta đang thiếu đi những nhận thức về giá trị của một di tích, sự thiếu sót trong vấn đề giáo dục. Sở dĩ những thực trạng đáng tiếc diễn ra, đang phá hoại một cách trực tiếp hay gián tiếp di tích, là do chúng ta chưa có được sự hiểu biết đầy đủ về bảo vệ di tích, không nắm được luật, thậm chí không có kiến thức về trùng tu di tích mà chỉ xây dựng dựa theo kinh nghiệm.

GS.TS-KTS.Hoàng Đạo Kính, một chuyên gia về bảo tồn và trùng tu di tích, di sản kiến trúc và đô thị đã từng lên tiếng: “Tôi làm việc trong lĩnh vực bảo tồn di sản từ năm 1971. Tôi nhận ra, chúng ta càng ngày càng ít khả năng bảo tồn được những gì thực sự là tinh hoa DSVH dân tộc. Chúng ta đang có nguy cơ trông thấy về việc không bảo tồn được những gì đích thực là tinh hoa DSVH”.

Như vậy, trước khi tuyên truyền về luật, vận động mọi người cùng tham gia bảo tồn và trùng tu di tích, cần có sự giáo dục về ý thức bảo vệ và gìn giữ “của chung” ngay từ bậc giảng đường. Thực tế, ở Việt Nam hiện nay, chưa có một chuyên ngành riêng biệt nào về bảo tồn và trùng tu di tích. Do đó, những di tích vốn dĩ phải được tôn tạo, tu bổ lại bị tân tạo, một giá trị lịch sử vô tình bị đánh sập trong tay những người mang sứ mệnh tạo dựng.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nhận định: “Trước hết cần chú trọng khâu giáo dục, trong đó bộ môn Lịch sử phải làm tiền đề, tạo cho thế hệ trẻ kiến thức về di tích, di sản và giá trị lịch sử của nó. Qua đó, giữa con người với văn hóa cội nguồn mới nảy sinh sự gần gũi. Từ gần gũi mới có tình thương, dẫn đến ý thức bảo vệ điều mình yêu thương. Sau, cần bồi dưỡng, giáo dục về công tác bảo tồn và trùng tu di tích để biết bảo vệ đúng cách”. Tránh những trường hợp đã xảy ra như ở chùa Hội Sơn (Q.9, TP.HCM) - vì không có bất kỳ một biện pháp phòng cháy chữa cháy nào khi xảy ra hỏa hoạn ở nơi có kết cấu hầu hết từ gỗ và những vật liệu dễ bắt lửa, hậu quả là một di tích quốc gia được gìn giữ trong 300 năm với nhiều giá trị lịch sử, bị xóa sổ chỉ trong một đêm, gây mất mát lớn về vật chất lẫn tinh thần.

Nên là lời cảnh tỉnh

Trên cả nước nói chung và địa bàn TP. HCM nói riêng, số lượng di tích đã được công nhận và xếp hạng hiện tại là không hề nhỏ. Thế nhưng, chúng ta dường như chỉ đang ra sức “gieo trồng” bằng những bản đề xuất công nhận di tích và “thu hoạch” những di tích đã được công nhận với danh tiếng và lợi nhuận đi kèm, mà quên mất công đoạn “chăm bón” cũng vô cùng quan trọng, tức bảo tồn và trùng tu di tích.

Cần nhận thấy việc “treo bảng” di tích tràn lan như hiện nay đang mang đến một gánh nặng mỗi lúc một lớn cho ngân sách quốc gia, bên cạnh đó là sự quá tải trong công tác quản lý của từng cấp bậc ban ngành, điều này đã được minh chứng thực tế qua những di tích chùa chiền dần bị mai một suốt thời gian vừa qua.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nhận xét: “Cần có một quy trình xét duyệt di tích nghiêm ngặt hơn để tránh gây mất hiệu quả kiểm soát. Không phải một công trình lâu năm nào cũng mang đầy giá trị văn hóa - lịch sử, hay kiến trúc nghệ thuật. Đối với những hiện vật, nơi chốn... nếu ở thời điểm hiện tại đã xuống cấp đến mức không nhận diện được kết cấu, chúng ta không nên khăng khăng đưa vào di tích, di sản vì có phục hồi thì đó cũng chỉ là bản sao. Nhất là đối với chùa chiền, về mặt tín ngưỡng, đây là nơi để những người con Phật có nhu cầu tu học và sinh sống. Như vậy, việc sao chép sự cổ kính, âm u, nhỏ hẹp trên một tàn tích, vô tình làm hạn chế sinh hoạt Phật sự, không phù hợp với hiện tại”.

Trong công tác phục dựng, bên cạnh vật liệu, kiến trúc đúng với nguyên bản, thì kinh phí luôn là vấn đề lớn. Siết chặt được số lượng di tích, ngân sách sẽ không bị dàn trải, do đó việc quản lý, tu bổ sẽ hợp lý hơn. Đồng thời, cũng cần linh động tiến hành “xã hội hóa” nguồn vốn đầu tư cho trùng tu.

Như trường hợp chùa Phụng Sơn, nhờ có sự hỗ trợ nhanh chóng từ Phật tử, các mạnh thường quân mà chính điện của chùa được trùng tu kịp thời. Chúng ta nên công nhận sự hỗ trợ cấp thiết của nguồn vốn xã hội hóa về mặt rút ngắn quá trình xét duyệt trùng tu, sớm cứu di tích thoát khỏi nguy cơ bị đổ nát, tạo cho người dân sự quan tâm và trách nhiệm cần thiết đối với các di tích của quốc gia.

Ngoài ra, hàng năm cần tiến hành kiểm tra chất lượng, hiện trạng di tích để có kế hoạch bảo tồn và trùng tu sớm. Đặc biệt, việc phân cấp quản lý và trách nhiệm đối với di tích nên thực hiện chặt chẽ và cụ thể hơn để tránh chồng chéo trách nhiệm. Từ đó, giảm bớt các thủ tục rườm rà không cần thiết trong việc xem xét hồ sơ và cấp phép xây dựng, tạo điều kiện cho cơ sở thực hiện trùng tu trong thời gian sớm nhất.

Trước ý kiến kể trên, ông Trương Kim Quân cho biết: “Hiện nay, Sở VH-TT đang dần hoàn thiện hồ sơ rút ngắn thủ tục xét duyệt tu bổ di tích. Đồng thời cũng đã tiến hành rà soát và loại bỏ nhiều nơi ra khỏi danh sách di tích để tập trung không chỉ vào việc giữ gìn mà còn phát huy được giá trị của các di tích. Cá nhân tôi rất hoan hỷ việc phổ cập giáo dục về di sản, di tích và công tác bảo tồn và trùng tu”.

>> Xem thêm 2 kỳ đầu của loạt bài:

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng toạ Thích Tĩnh Triệt

Đồng Tháp: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh có tân Trưởng ban sau khi Hoà thượng Thích Chơn Minh viên tịch

GNO - Nguồn tin của Báo Giác Ngộ, ngày 14-11, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ấn ký Quyết định số 444/QĐ-HĐTS bổ nhiệm Thượng tọa Thích Tĩnh Triệt làm Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp.

Thông tin hàng ngày