Cần quyết liệt và rõ ràng trong công tác bảo tồn - tu bổ di tích

Phần mái ngói ở hậu chánh điện bị tuột hoàn toàn trong mùa mưa - Ảnh: Diệu Tạng
Phần mái ngói ở hậu chánh điện bị tuột hoàn toàn trong mùa mưa - Ảnh: Diệu Tạng
GNO -  Trước tin vui cho cổ tự Giác Viên như vậy, thì cách đó không xa, chùa Phụng Sơn, cũng là một trong những di tích nổi bật tại TP.HCM, lại phải đang “nau náu chờ” giấy phép tu bổ từ chính quyền.

Sau loạt bài phản ánh thực trạng về các cổ tự là di tích quốc gia trên địa bàn TP.HCM xuống cấp trầm trọng, được đăng tải trên báo Giác Ngộ (số 837, 838, 839 và 843, 845), vừa qua, chùa Giác Viên và Phụng Sơn (cùng tọa lạc tại Q.11) bước đầu đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía cơ quan Nhà nước trong vấn đề bảo tồn - tu bổ di tích. Tuy nhiên, vẫn còn tồn đọng nhiều khúc mắc.

Có phê duyệt, thẩm định vẫn phải chờ

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích, thuộc Sở Văn hóa-Thể thao (VHTT) TP.HCM, cổ tự Giác Viên, với đề án tu bổ toàn bộ kiến trúc di tích, sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước, sẽ bắt đầu được khởi công vào đầu tháng 8 năm nay. Công trình được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, dự tính hoàn tất trong vòng hai năm.

Trước tin vui cho cổ tự Giác Viên như vậy, thì cách đó không xa, chùa Phụng Sơn, cũng là một trong những di tích nổi bật tại TP.HCM, lại phải đang “nau náu chờ” giấy phép tu bổ từ chính quyền. HT.Thích Trí Định, trụ trì chùa Phụng Sơn, chia sẻ: “Chúng tôi không hiểu vì sao Sở VHTT và Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã phê duyệt cho dự án tu bổ của Phụng Sơn tự từ tháng trước, hiện hồ sơ trình UBND TP.HCM xem xét, cấp phép, thì lại bị chuyển sang Sở Xây dựng thẩm tra một lần nữa”.

Khác với Giác Viên, chùa Phụng Sơn có đề án tu bổ dựa trên 100% nguồn vốn xã hội hóa, do Phật tử và các mạnh thường quân hỗ trợ. Theo đó, trong lần trả lời cho báo Giác Ngộ, ông Phạm Thành Nam - Trưởng phòng Di sản văn hóa và ông Trương Kim Quân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TP. HCM đều cùng đưa ra nhận định rằng, khó khăn tương đối lớn trong công tác tu bổ di tích có thể kể đến là kinh phí; giải quyết được vấn đề này, hồ sơ thẩm định phê duyệt sẽ dễ dàng hơn, vì bớt đi phần gánh nặng về kinh tế lên nguồn ngân sách nhà nước.

Đây không chỉ là những nhận xét từ các vị đại diện Sở VHTT TP, mà còn là ý kiến chung từ kinh nghiệm của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn - tu bổ di tích. Như phát biểu mới đây của Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích Việt Nam - KTS.Lê Thành Vinh, cho biết: “Sự quản lý của nhà nước bằng các chế độ chính sách thì nó chỉ giải quyết được một số các công trình. Tình hình chung, chúng ta không nên chỉ trông chờ vào nguồn quản lý chính thống ấy, nếu không sẽ tạo ra những điều bất cập khác”.

Như vậy, xét trường hợp chùa Phụng Sơn, đã nhận được phê duyệt từ cơ quan chuyên ngành văn hóa cao nhất, là Bộ VH-TT-DL. Đồng thời, cùng với lợi thế về nguồn vốn xã hội hóa, giải quyết được vấn đề về ngân sách quốc gia, những tưởng sẽ có thể rút ngắn thời gian cấp phép trùng tu, thì thực tế lại có phần trái ngược, khi hồ sơ trình UBND TP.HCM đang vấp phải nhiều vướng mắc.

Khúc mắc nằm ở đâu?

Qua ghi nhận, Bộ VH-TT-DL đã gửi Công văn số 1198/BVHTTDL-DSVH ngày 8-4-2016, phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ di tích chùa Phụng Sơn, đến Sở VHTT TP.HCM. Theo đó, Sở VHTT TP.HCM có Tờ trình ngày 17-5-2016 lên UBND TP.HCM để xin phê duyệt, cấp phép cho dự án. Tuy nhiên, sau đó, hồ sơ lại được chuyển về Sở Xây dựng TP. HCM một lần nữa thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ chùa Phụng Sơn.

Trả lời cho UBND TP về đề án này, ngày 27-6 vừa qua, Sở Xây dựng đã có những kiến nghị với nội dung tóm lược như sau:

- Chủ đầu tư (chùa Phụng Sơn) phải chọn 1 trong 3 đơn vị tư vấn theo yêu cầu của Sở Xây dựng tại Văn bản số 10328/SXD-TĐDA, để thẩm tra thiết kế xây dựng, dự toán theo quy định.

- Chủ đầu tư liên hệ cơ quan có thẩm quyền để có ý kiến về các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tổng mặt bằng công trình di tích theo quy định, và bổ sung vào nội dung Báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ chùa Phụng Sơn trình Sở VHTT thẩm định.

- Sở VHTT căn cứ kết quả thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công, dự toán nêu trên và các quy định có liên quan thực hiện thẩm định, trình UBND TP phê duyệt.

Trong ngày 18-7-2016, theo Công văn số 3741/UBND-ĐT, UBND TP.HCM đã đề nghị phía nhà chùa liên hệ Sở Xây dựng để được hướng dẫn các thủ tục theo quy định, rồi trình Sở VHTT thẩm định, trước khi đưa lên UBND phê duyệt cấp phép. Qua đó, một lần nữa dấy lên sự hồ nghi và băn khoăn về công tác bảo tồn - tu bổ di tích của nhà nước. Liệu rằng, quy trình này có đi theo đúng như văn bản pháp luật đã quy định? Trong báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ di tích (đối với di tích 100% nguồn xã hội hóa) vai trò thẩm định của Sở Xây dựng và nhiều sở ngành khác có tên trong Luật Di sản văn hóa là cần thiết chăng, khi Sở và Bộ VH-TT-DL đã đồng phê duyệt?

giaohao1.jpg

Công văn của UBND TP.HCM đề nghị tái thẩm định việc tu bổ chùa Phụng Sơn

Như từng đề cập trong các loạt bài về di tích trước đây, Luật Di sản và những luật khác liên quan đến vấn đề di tích đã vô tình tạo nên một hành lang pháp lý khá nhập nhằng, có thể nói là gây chồng chéo trách nhiệm lẫn nhau. Điều đó phản ánh rõ qua việc cấp phép cho dự án tu bổ cổ tự Phụng Sơn lần này. Đáng nói hơn, đề xuất tu bổ khởi điểm từ năm 2015, đến nay đã hơn một năm. Việc di tích chờ đợi trong khoảng thời gian kéo dài như vậy, hẳn ai cũng hiểu tình trạng xuống cấp sẽ trở nên trầm trọng như thế nào.

Cần cái tình trong cái lý

Để trùng tu các hạng mục là hậu chánh điện và trai đường, với các phần mái và cột kèo bị hư hỏng nặng, phía nhà chùa đã phải vận động nguồn vốn xã hội hóa từ tấm lòng của bà con, Phật tử và các mạnh thường quân. Đồng thời, theo chia sẻ của HT.Thích Trí Định, hiện nay, để có thể lợp được mái chùa vừa nghệ thuật mà bền chắc, lại đảm bảo được tính nguyên bản, nhà chùa đã phải mời đến những người thợ từ miền Trung, có kinh nghiệm trong việc lợp kiểu mái như kiểu mái cổ của chùa Phụng Sơn.

Theo đó, đội ngũ này hoàn toàn được nhà chùa lo lắng các chi phí cơ bản để thực hiện tốt công việc trong thời gian nhanh nhất. Nhắm mắt cũng có thể thấy, chi phí sửa chữa cho đến vật liệu thôi đã là con số không nhỏ, khi nhà chùa chọn những loại gỗ quý, gạch men, đá tốt nhất, vừa bền lại đẹp để tu bổ và giữ được giá trị di tích lâu nhất có thể cho di tích, huống hồ là chi phí cho con người. Trước một gánh nặng như vậy, việc nhà chùa phải giữ chân thợ và chờ giấy phép sẽ phát sinh thêm một khoản chi phí rất lớn.

Hòa thượng trụ trì chia sẻ: “Nếu có được giấy phép thì với đội ngũ hiện nay, tôi nghĩ đã hoàn thành việc tu bổ chánh điện và cả trai đường. Đợi đến bây giờ đã là quá lâu, nhất là trong mùa mưa đang đến đây. Tình trạng dột nát, sụp đổ ngày một nghiêm trọng hơn. Chúng tôi cũng rất lo lắng về việc bảo quản vật liệu gỗ quý như thế nào, giữ nhân công làm sao, rồi còn đời sống của Tăng Ni, Phật tử ở đây nữa. Thật sự chỉ mong chính quyền xem xét, để việc trùng tu chùa được nhanh chóng hoàn thiện”.

Thực tế cần nhìn nhận rằng, bất cứ công trình nào cũng phải có sự báo cáo và thẩm tra từ đơn vị các cấp, đặc biệt là các công trình liên quan đến di tích. Đó là xét về lý; về tình mà nói, chúng ta cần đặt vấn đề nhân sinh lên làm đầu. Chưa kể việc đây là một di tích, nếu chỉ là một nơi nương trú, khi bị dột lở, hư hỏng nhẹ, chúng ta đã cần phải tiến hành sửa chữa, huống là nơi thờ tự, linh thiêng.

Vậy, phải chăng chúng ta cần một lần nữa rõ ràng và linh hoạt hơn trong các vấn đề hành chính, để không làm kéo dài thời gian tu bổ di tích. Sự kéo dài các thủ tục thẩm tra, kiểm duyệt như vậy, đã khiến cổ tự Giác Viên từ hư hỏng bán phần, đến xuống cấp toàn diện. Đó hẳn phải là bài học đắt giá và nên như vậy, trước số tiền trùng tu - tôn tạo từ ngân sách nhà nước khá lớn như hiện nay.

Tất nhiên, quyết liệt và nhanh chóng ở đây không có nghĩa là dễ dãi. Và không thể nói là sơ sài trong các bước phê duyệt, khi mà hầu như từ Sở, Cục đến Bộ đều đã thẩm định qua hồ sơ và trình UBND TP.HCM. Thật sự cần nhiều hơn nữa cái tình trong cái lý và sự minh bạch từ những người cầm cân nảy mực, trước những vấn đề về di tích và con người.

>>
Xem thêm: Chùa Phụng Sơn: Bộ đã đồng ý, đang chờ ý kiến của TP ||

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày