Thêm một bộ phim tái hiện Đức Phật lịch sử

GN - Tối 7-10 vừa qua, mặc dù thời gian chiếu phim ấn định lúc 18g30 nhưng từ sớm, khán giả là Phật tử các đạo tràng trên địa bàn thành phố cũng như khán giả trẻ đã đến chật kín các dãy lầu, xuống đến tận tầng trệt của Nhà Truyền thống-Văn hóa Phật giáo TP.HCM (chùa Phổ Quang, Q.Tân Bình). Điều gì đã đưa các khán giả đến đông như vậy? 

>>> Chiếu miễn phí phim "Cuộc đời Đức Phật"

phim 2.jpg

Cảnh trong phim: Thái tử trầm tư thiền định - Ảnh: Nhà sản xuất phim cung cấp

Câu hỏi được chúng tôi đặt ra và hầu hết khán giả đều trả lời rằng, “vì câu chuyện của Đức Phật được tái hiện luôn làm cho người xem, đặc biệt là những người học Phật có cảm xúc chân thành, đánh động tâm thức, chuyển hóa nội tâm”. Nói như TT.Thích Nhật Từ, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM, trước khi trình chiếu bộ phim, thì, “xem phim Cuộc đời Đức Phật cũng giống như nghe pháp, câu chuyện về sự từ bỏ của Ngài luôn là bài pháp lành, để chúng ta chiêm nghiệm và thực hành trong đời sống hàng ngày”.

Điều thú vị hơn nữa là sự có mặt của nhà sản xuất phim người Sri Lanka Vinodh Seneviratne và diễn viên chính thủ vai Thái tử Tất Đạt Đa - diễn viên Ấn Độ Gagan Malik.

Làm phim để truyền tải thông điệp Đức Phật

Trong cuộc gặp gỡ giao lưu trước đó tại tòa soạn Báo Giác Ngộ, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, xoay quanh việc làm bộ phim, và nhà sản xuất Vinodh Seneviratne đã khẳng định rằng: “Chúng tôi làm bộ phim này để chuyển tải thông điệp từ bi, trí tuệ của Đức Phật - người đã từ bỏ mọi quyền lực, danh vọng, sắc dục, vợ đẹp con ngoan… để đi tìm chân lý cứu khổ cho nhân loại và chúng sinh. Bản thân lịch sử Đức Phật đã là bài học minh triết về việc chọn con đường từ bỏ để có được hạnh phúc tuyệt đối, giải thoát khỏi mọi nỗi khổ niềm đau”.

Có lẽ, vì chính ý niệm đó mà bộ phim kể từ khi khởi sự đến khi hoàn thành (khoảng 6 năm) đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, như Tổng thống Sri Lanka trực tiếp bảo trợ, các diễn viên và ê-kíp thực hiện nhiều người làm bằng cái tâm cống hiến, không nhận thù lao.

Phim 1.jpg
phim 3.jpg

Bộ phim do Sri Lanka - một đất nước có nền văn hóa tương đồng Ấn Độ sản xuất

Bên cạnh đó, sự cố vấn đắc lực về mặt nội dung, sử liệu, tư tưởng của Hội đồng Tăng-già tối cao Sri Lanka đã làm cho bộ phim thật sự có “chất”. Lịch sử vì thế được tái hiện sống động qua việc thực hiện bộ phim nghiêm túc của tổ chức Ánh sáng Á châu (Light of Asia Foundation) kết hợp cùng Bollywood (Ấn Độ). Khi xem phim và nghe những chia sẻ của nhà sản xuất, khán giả và Phật tử Việt Nam cho biết: “Rất ấn tượng với cái tâm làm nghề, tinh thần phụng sự của nhà sản xuất. Thích nhất là khi nghe ông nói, tôi không phải đạo Phật, nhưng tôi học giáo lý đạo Phật, làm phim về Ngài để tôi sống tốt hơn với gốc rễ tâm linh của mình. Dù bạn là đạo nào thì khi học giáo lý Đức Phật bạn cũng sẽ trở nên hoàn hảo hơn với truyền thống của mình…”.

Diễn viên Gagan Malik và câu chuyện chuyển hóa tâm thức

Gagan Malik đã chia sẻ với khán giả, Phật tử Việt Nam như thế khi có người hỏi về cuộc sống của chính mình có thay đổi gì khi nhận đóng bộ phim này, đặc biệt là sau khi thủ vai thái tử Tất Đạt Đa từ thời thanh niên cho đến khi thành đạo (35 tuổi). Gagan Malik nói: “Tôi đã được chuyển hóa! Trước đây, khi bước vào nghề, tôi mơ ước và khao khát chinh phục đỉnh cao danh vọng, mong muốn mình sẽ nổi tiếng, thành siêu sao, kiếm được thật nhiều tiền. Nhưng, kể từ khi thủ vai Đức Phật, tôi học được ở Ngài hạnh xả bỏ, sự từ bỏ của Ngài đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều, từ đó, tôi quyết định mình cũng cần phải từ bỏ ham muốn để dấn thân phục vụ, giúp cho nhiều người thay vì chỉ lo cho sự nghiệp riêng của mình”.

Gagan Malik kể, sau khi đóng bộ phim này, anh đã lập ra tổ chức Thế giới Hoa Sen, đây là tổ chức nhằm giúp đỡ mọi người trong tinh thần sẻ chia, lòng từ bi, tình bạn và sự chuyển hóa… Theo đó, một ngôi làng nghèo nơi quê hương Sri Lanka của anh đã được đổi thay từ sự hỗ trợ tích cực của tổ chức này.

Xúc động nhất trong những chia sẻ của Gagan Malik chính là việc dự tuyển vào vai thái tử, anh nói: “Khi tôi đến gặp ông Vinodh Seneviratne, ông không hỏi gì về kinh nghiệm làm diễn viên của tôi, mà ông hỏi về việc gia đình tôi, bản thân tôi có ăn chơi, có hút thuốc, có đua đòi, có nhậu nhẹt không… Tôi rất ngạc nhiên, và ông bảo, ông muốn tìm một nhân cách tốt chứ không phải chỉ tìm một người diễn xuất tốt. Ngay khi ấy, tôi ý thức về nhân vật mình sắp thủ vai là một bậc vĩ nhân, tôi cần phải thực tập để ít nhiều được gần với Ngài. Và tôi đã làm được… Tương lai, tôi cũng sẽ học và sống theo lời Phật dạy!”.

Cuộc đời Đức Phật (tên nguyên tác: Sri Siddhartha Gautama): 2 triệu USD là kinh phí sản xuất bộ phim, 6 năm là thời gian thực hiện, 200 là số người tham gia casting vai Đức Phật và Gagan Malik là người có duyên lành được chọn. Danh sách các diễn viên chính bao gồm một dàn diễn viên quốc tế, đứng đầu là Gagan Malik, Anchal Singh, Gautam Gulati (Ấn Độ); Ranjan Ramanayake, Roshan Ranawana, Saranga Disasekara, Wilson Gooneratne (Sri Lanka); Dilhani Perera, Anjani Perera (Hoa Kỳ).

Bộ phim được chiếu miễn phí tại TP.HCM gồm chùa Phổ Quang (Q.Tân Bình, tối 7-10-2013), tu viện Tường Vân (H.Bình Chánh, lúc 8g ngày 13-10-2013), chùa Hoằng Pháp (H.Hóc Môn, lúc 14g cùng ngày) và một số tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày