Theo chân cao tăng Pháp Hiển đến Patna

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1167 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1167 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Patna ngày nay được xây dựng từ thế kỷ V trước lịch Tây. Pháp Hiển đến đây năm 405, đúng vào triều đại Gupta vàng son của Ấn Độ. Cung điện do quỷ thần làm ra mà ngài tả, có còn không?

Trong Phật quốc ký, Pháp Hiển tả thành phố Patna vào thế kỷ V mà ngài gọi là Ba-liên-phất:

Qua sông Hằng, đi hướng Nam thêm một do-tuần (10 cây số) thì đến kinh đô Ba-liên-phất. Ba-liên-phất là kinh đô của vua Aśoka. Cung điện của vua toàn do quỷ thần làm ra, chất đá mà xây tường dựng cửa, khắc chạm văn vẻ, thế gian không thể làm được. Đến nay vẫn còn…

Patna ngày nay được xây dựng từ thế kỷ V trước lịch Tây. Pháp Hiển đến đây năm 405, đúng vào triều đại Gupta vàng son của Ấn Độ. Cung điện do quỷ thần làm ra mà ngài tả, có còn không?

Tôi đến Patna đầu thu năm 2022, được người bạn Ấn dắt lang bang trong thành phố đông đúc đủ bốn giai cấp Ấn Độ. Khu vực trước ga xe lửa Patna và bến xe quả nhiên cùng cực, tụ tập và qua lại của tầng lớp đứng cuối bảng. Sự cùng khổ của họ hiện trên bàn chân trần dẫm lên vũng nước đen, thản nhiên đi trong tiếng còi xe ré như báo động.

Các loại xe chạy không cần làn, cứ nhắm chỗ trống mà chui, lách qua những người cùng khổ, họ đi từng hàng dài, áo quần đen đủi, luồn chen với những chiếc tuk tuk đậu bừa bãi trong bến. Xe và người ở trên lộ lấn nhau, muốn đi cứ thấy chỗ trống mà lủi, cho nên giàu hay hèn phải va chạm nhau, không khỏe như cái thời ngài Pháp Hiển tả “giai cấp này bị coi là người ác, ở riêng. Khi vô phố hay đi chợ, họ phải gõ cây bằng gỗ để tự biểu thị giai cấp của họ cho dân chúng biết mà tránh, không tiếp xúc”.

Cung điện do quỷ thần xây, bắt đầu từ thời Phật tại thế kéo dài đến thời vua Aśoka bây giờ còn lại một phần trong khuôn viên Kumhrar, cách ga xe lửa chính chừng 5 cây số, cùng nằm trên đường Kankarbagh. Khuôn viên này rộng ước chừng 5 mẫu, tuy không còn một kiến trúc đồ sộ nào nhưng xanh mướt cỏ và các cây cổ thụ, nơi hẹn hò của tình nhân, con nít chạy nhảy, phụ nữ cắt cỏ ngó vu vơ.

Kumhrar là một phần của ngôi làng Pāṭaligāma, nơi Đức Phật dừng chân trên đường từ Linh Thứu đến Kushinagar (Câu-thi-na). Đầu thế kỷ XIX, người ta khai quật được nhiều nền móng lâu đài, các trụ đá tròn láng bằng sa thạch đã đứt khúc trong đó có một trụ gần như còn nguyên, từ đó dựng lại được hình hài của một đại điện được chống đỡ bởi 80 trụ đá, mỗi trụ cao gần 3 mét. Pháp Hiển đến đây, chứng kiến dấu tích huy hoàng của cung điện xây từ thế kỷ IV trước lịch Tây.

Người ta cũng cho rằng chính trong khuôn viên Kumhrar đã diễn ra Đại hội Kiết tập kinh điển lần thứ 3. Người bạn Ấn, am hiểu Phật sử, nhờ vợ là giáo sư Phạn ngữ và đọc thông thạo chữ Brahmin, khẳng định Đại hội đã diễn ra ở khu vực phía Đông nam của khuôn viên. Hiện nay không còn dấu vết gì ngoài một bãi đất trống bằng phẳng, nằm cách chỗ trưng bày các trụ đá non 100 mét. Trong khuôn viên còn di tích nền móng của một nhà thương thời đại Gupta. Mới đây, chính phủ xây một bảo tàng nhỏ trưng bày một số di vật được khai quật, và một mô hình 4D dựng lại đại điện gồm 80 trụ đá chống lên trời xanh mây trắng, nhìn khá hài hòa và sống động.

Thành phố không còn như xưa nữa, điều đó dĩ nhiên rồi. Nhưng vẫn là là, nói theo Bùi Giáng. Nối đuôi khởi sự từ đầu / Ví dù kết thúc trước sau vẫn là. Bên ngoài bức tường bao quanh khuôn viên, thành phố bụi bặm, xe cộ rối loạn, người cùng khổ váng vất, những mặt người tro bụi. Bên trong, những hàng lớp nền gạch nâu thẳm, trụ đá trắng phơi trên nền trơ trọi. Và mặt đất, chân Phật, Đại tăng Pháp Hiển đã đi qua, “vẫn là là”.

Giếng không đáy hay địa ngục thành do vua Aśoka xây dựng

Giếng không đáy hay địa ngục thành do vua Aśoka xây dựng

Từ Kumhrar đi về hướng Đông một cây số thì đến địa ngục thành do vua Aśoka xây dựng. Bây giờ có tên nghĩa đen là một cái Giếng không đáy (Agam Kuan), xung quanh giếng xây tường bằng gạch đỏ cao gần 10 mét. Nước giếng dâng lên gần mặt đất, phủ rong rêu và bèo con. Pháp Hiển kể “trong địa ngục này có một trụ đá cao hơn ba trượng, trên có tượng sư tử”, nhưng giờ không thấy đâu, chỉ thấy một cái đền Hindu. Toàn bộ giếng và đền Hindu nằm trong tường rào, sát bên chợ và bến xe tuk tuk.

Người bạn nói các cặp đôi sau đi hẹn hò ở Kumhrar, nếu tình hình thuận lợi, họ sẽ dắt nhau đến đền Hindu này để thề thốt này nọ, xin xỏ chuyện cưới hỏi. Nói chung là hẹn hò ở cung điện Kumhrar, rồi đến địa ngục thành để xin lễ cưới. Các cô gái ế cũng đến đây, đốt nến, rải hoa ở bàn thờ linga, hoa vạn thọ và các loại hoa khác nhiều đến mức ong mật bay vù vù như ruồi.

Tôi lò dò theo chân ngài Pháp Hiển, đến đây chỉ thấy người địa phương xin xỏ ở đền Hindu, cái giếng địa ngục bên cạnh không ai lai vãng. Nghe nói uống nước giếng trị được bệnh đậu mùa (gà), nhưng chắc không trị được đậu mùa khỉ đang hoành hành.

Từ nơi này chúng tôi đến bờ sông Hằng nơi Phật cùng chư đệ tử băng qua sông trên đường đến Kushinagar. Pháp Hiển tả “trong các nước thuộc Trung Quốc (trung Thiên Trúc/Ấn Độ), chỉ kinh đô Ba-liên-phất là lớn nhất. Dân chúng giàu thịnh, đua nhau làm nhân nghĩa”. Hơn mười lăm thế kỷ sau quang cảnh tráng lệ ấy, Patna giờ đây vừa thịnh vượng trên thành cầu vừa vô ngần thê thảm dưới gầm.

Cầu JP Setu dài bốn cây số rưỡi gồm hai tầng nối hai bờ Nam-Bắc sông Hằng. Tầng trên xe hơi tầng dưới xe lửa. Dưới gầm cầu phía Nam thuộc Patna, hàng lớp lớp dãy nhà làm bằng đủ thứ vật liệu, tôn, ván, bạt ni lông, chắp nối nhau thành chỗ ở của không biết bao nhiêu gia đình cùng khổ. Nước thải đổ xuống mé sông đen nghịt.

Từ xa, chiếc cầu trông thật hùng vĩ băng ngang sông Hằng. Đến gần, bên dưới là những cảnh sống hết đà dơ bẩn và hôi hám mà chỉ đi ngang thôi cũng thấy khó để dừng lại dù giây lát. Cách chân cầu bờ Nam, đi về hướng Đông chừng hai cây số là chỗ Đức Phật băng qua sông Hằng trong hành trình cuối cùng của Ngài. Bến sông này trước đây có tên là Buddha Ghat (bến Phật), nay đổi thành Ragendra Ghat (lấy tên vị Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Ấn).

Tôi thuê tuk tuk đến bến Đức Phật vào buổi chiều, hy vọng thấy cảnh hoàng hôn trên sông Hằng. Sát bờ sông người ta xây một bệ đá vuông, trên che mái, kế bên dựng một tấm bia bằng Phạn ngữ. Từ chỗ bệ đá (phải đi chân trần), có thể thấy sông Hằng chỗ cái cồn nổi lên ngay nơi 5 dòng sông họp lại.

Cũng theo người địa phương, đây là nơi vua Aśoka tiễn hoàng tử Mahendra và công chúa Sanghamitra đi Tích Lan để truyền bá Chánh pháp Phật dạy vào giữa thế kỷ III trước lịch Tây. Tuy thánh tích này chỉ khẩu truyền, không có sự xác nhận của Cục Khảo cổ Ấn Độ, nhưng chính vì thế còn khả tín hơn vì không có nhà nước nhúng tay vào, như trường hợp Cục Khảo cổ Ấn nhận đại thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu) ở trên đất Ấn chứ không phải Nepal, bất chấp các bằng chứng khảo cổ khoa học.

Lúc đó cách bến Phật chừng mười mét có một xác người phủ khăn chờ gia đình làm lễ hỏa táng.

Ba-liên-phất một thời rực rỡ, tràn ngập thánh tích và dấu chân các thánh giả, giờ đây váng vất vàng nắng hoàng hôn, dường như vẫn thản nhiên như xác người nằm đợi nơi bến sông các bậc cổ đức đã qua bờ.

Lumbini

Rằm tháng 7, 2566

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày