Tiếng chuông chùa Kuthodaw

GN - Ở Mandalay có nhiều chùa, tháp và tự viện do vua Mindon xây. Các chùa và tự viện nổi tiếng tập trung dưới chân đồi Mandalay, gần hoàng thành, như tự viện Shwe Nandaw Kyaung, còn có tên là Kim Các tự vì toàn tự viện được dát vàng, bây giờ tuy chỉ còn gỗ, nhưng đường nét chạm khắc trên toàn bộ kiến trúc tinh xảo và công phu. Nhưng một ngôi chùa không thể không viếng là Kuthodaw, được coi là Cuốn Sách Lớn Nhất Thế Giới.

Kuthodaw_paya.JPG

Tháp chùa Kuthodaw

Trong cuốn The Way of the White Clouds, Đại sư Anagarika Govinda mô tả chùa Kuthodaw (tác giả viết là Kuthawdaw) như sau:

“… vua Mindon cho khắc kinh Phật lên những phiến cẩm thạch lớn và nặng để kẻ trộm hay quân xâm lược không khởi lòng tham, mà lại giữ cho kinh được truyền đời. Nhà vua cũng muốn dân chúng, từ quan cho chí dân, có thể đến xem kinh dễ dàng và thuận tiện. Vì vậy mỗi phiến cẩm thạch đều được dựng trong một ngôi tháp riêng, trên có mái che và người ta dễ vào đọc, mỗi ngôi tháp giống như một cái chùa nhỏ thu nhỏ. Người hiếu kinh có thể thoải mái nghiên cứu bất kỳ đoạn kinh nào bằng cả hai thứ tiếng Pali và Miến ngữ”.

“Với mục đích đó nhà vua cho xây Đại tự Kuthawdaw, xung quanh bao bọc bởi 799 ngôi chùa nhỏ hơn, mỗi tiểu tự này đều được thiết kế tỉ mỉ giống nhau để chứa toàn bộ kinh điển Phật giáo (Tam tạng kinh điển)”.

Thực ra chỉ có 730 bia đá (không phải 799), trong đó có một bia tóm tắt toàn bộ công trình khắc kinh lên đá. Như vậy toàn bộ Tam tạng kinh điển chỉ khắc trên 729 bia. Các chi tiết về bia đá và tháp cũng hơi khác với cách Govinda mô tả.

Tôi dành trọn nửa ngày để viếng chùa Kuthodaw. Chùa nằm dưới chân đồi Mandalay, trong một cụm gồm nhiều ngôi chùa lịch sử. Chùa có bốn cổng vào, nhưng cổng chính ở phía Nam (tức từ hướng hoàng thành), hình vòm cung, trên đỉnh và hai bên cửa có nhiều tháp nhỏ màu vàng sáng, khung cửa màu gạch sậm, màu áo của nhà sư Miến Điện. Từ cổng chính, có một hành lang dài gồm nhiều cột gỗ tếch chạm trổ hoa văn và hình các thần Nat (thần địa phương), trên có che mái dẫn vào một điện thờ Phật Thích Ca. Tượng Phật bằng đồng ngồi kiết-già, không lớn nhưng rất tinh xảo. Đặc biệt đôi mắt Phật khác hẳn các pho tượng mà tôi đã được xem ở Miến Điện và nhiều nước khác: đôi mắt Phật trầm ngâm và buồn, lạ thật, cả tôn tượng ưu tư chứ không mỉm cười như thường thấy trong các chùa. Không thấy biển ghi, và hỏi cũng không ai biết, tôn tượng này được làm năm nào.

Bên phải tượng Phật là bức họa chân dung vua Mindon, vị vua hộ pháp cho Phật giáo Miến Điện. Ông ngồi, một tay cầm phất trần, đầu chít khăn trắng chứ không đội vương miện, trông ông như một người Miến Điện nhỏ nhắn bình thường chứ không phải vị minh quân cuối cùng của Miến Điện (kế vị ông là hôn quân Thibaw, làm vua được vài năm thì bị thực dân Anh đày qua Ấn Độ).

Tôi đi xem các bia đá khắc kinh, đi theo chiều kim đồng hồ, bắt đầu từ bên trái.

Tất cả 729 bia đá bằng cẩm thạch trắng đều được dựng riêng trong từng ngôi tháp nhỏ giống hệt nhau. Phần dưới tháp hình vuông, mỗi bề khoảng hai thước, đỉnh tháp hình quả chuông úp trên hai tầng hoa sen, trên đỉnh quả chuông trang trí một ‘cái dù’ bằng đồng đỉnh có viên đá xanh, xung quanh gắn năm chuông nhỏ. Ngôi tháp có bốn cửa chính mái vòm, chạm hoa văn và hình rồng đơn giản, bên trong mỗi tháp có dựng bia bằng đá cẩm thạch cao gần 1,68 mét. Bia đá không phải hình vuông như nhiều tài liệu viết, đỉnh bia hình dợn sóng và rộng hơn phần dưới. Hai mặt bia, dày khoảng 12 phân, khắc nội dung kinh, một mặt bằng chữ Miến Điện còn mặt kia chữ Pali. Nguyên ủy vua Mindon cho nạm vàng viền bia và chữ nhưng sau đó vàng bị cậy hết.

Các tháp trắng che bia được chia làm ba dãy cách nhau bằng một bức tường. Dãy thứ nhất gồm 42 tháp, dãy thứ hai (ở giữa) 168, dãy thứ ba gồm 519 tháp ở vòng ngoài cùng. Tháp thứ 730 ghi lịch sử hoàn thành công quả khắc kinh lên đá nằm ở góc Đông nam (từ cổng Nam vào phía bên tay phải). Các ngôi tháp nhỏ này bao quanh ngôi tháp chính bằng vàng rất lớn, cao gần 60 mét. Công trình xây chùa bắt đầu từ năm 1859, việc khắc kinh lên đá bắt đầu từ năm 1860 và hoàn tất năm 1868.

Mỗi tháp đều có đánh số thứ tự từ 1 cho đến 729, toàn bộ bia đá khắc Tam tạng kinh điển (tạng Kinh, tạng Luật, và tạng Luận theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy) được khắc theo thứ tự như sau:

Tạng Luật (Vinaya), tổng cộng 111 bia (từ bia số 1 đến bia 111).

Tạng Luận (Abhidhamma), tổng cộng 208 bia (từ bia 112 đến 319).

Tạng Kinh (Suttamta hay Suttanta), tổng cộng 410 bia (từ bia 320 đến 729).

Sau công trình vĩ đại này, vua Mindon tổ chức đại hội kiết tập kinh điển theo hệ Pali (Phật giáo Nam tông) vào năm 1871 tại kinh đô Mandalay. Ông triệu tập 2.400 cao tăng Miến Điện để khảo chứng, đối chiếu những điểm dị và đồng (khảo đính) trong kinh điển thuộc hệ Pali. Đại hội kiết tập kéo dài năm tháng, thường được gọi là Đại hội Kiết tập kinh điển lần thứ 5, nhưng không được các nước khác công nhận vì các nhà sư tham dự đại hội đều là người Miến Điện.

Tuy nhiên một điểm lịch sử cần ghi chú ở đây, là trái với một số tài liệu Phật giáo cho rằng sau đại hội kiết tập, vua Mindon mới cho khắc toàn bộ Tam tạng kinh điển lên bia đá. Thật ra, công tác khắc kinh lên bia đá dựng trong chùa Kuthodaw đã hoàn tất vào năm 1868, và ba năm sau đại hội kiết tập mới diễn ra, tức năm 1871.

Tôi ở lại chùa Kuthodaw đến quá trưa, ngồi dưới các tàng cây star flower rợp bóng. Trong sân chùa có một cây star flower trên 250 tuổi, nhưng đặc biệt nhất giữa các dãy tháp bia là những cây star flower có tàng lá xòe ra như một cái lọng. Dưới các tàng lá người ta xây nhiều zayat, một loại nhà mở của người Miến Điện thường xây dọc đường, hay trong mỗi ngôi làng đều có, dùng để khách lỡ đường lỡ xá nghỉ chân, hoặc nếu trong làng thì công dụng như cái đình bên mình, dân làng tụ họp trong zayat bàn tán, nếu ở trong sân chùa hay ngoài cổng chùa (ngoài cổng Nam chùa Kuthodaw có một zayat cất trên một cái hồ như nhà thủy tạ) thì zayat là nơi khách dừng chân núp mưa hay tránh nắng, có nước uống. Zayat nào cũng xây bằng gỗ, vuông vức mỗi bề khoảng năm sáu mét, có bốn cửa vào, ván bằng sàn, lan can thấp nửa thước sơn vàng còn cột màu đỏ gạch, từ lan can lên nóc để trống, nóc theo hình bánh ú đội lên nhau cả bốn mặt.

Tôi nằm trong một zayat giữa hai dãy bia đá, không gian hoàn toàn yên lặng vì là ban trưa, thỉnh thoảng mới có một hai người vào các zayat khác ngủ, hoặc nằm ngay dưới gốc cây star flower. Loại cây này không cao nhưng tán rộng, không thấy hoa, lá cây như có hương thơm thoang thoảng của hoa nhài. Những cái chuông nhỏ treo xung quanh đỉnh tháp rung rinh âm thanh trong và cao, thỉnh thoảng ở ngoài tháp chính tiếng hồng chung ngân nga rền rền như giữ nhịp cho tiếng chuông cao.

Kuthodaw_Bell.JPG

Chùa nào ở Miến Điện cũng có nhiều chuông. Không kể rất nhiều chuông nhỏ treo trên cao, quanh các tháp, mà xung quanh chính điện họ cũng đặt các dãy hồng chung, thường là ba cái làm một cụm, quanh bốn góc. Khách thập phương sau khi vào điện lạy Phật, đều có thể ra lấy dùi gỗ dộng hồng chung. Lệ này khác hẳn các chùa Việt Nam, chỉ có các thầy trong chùa mởi thỉnh chuông, và phải thỉnh đúng thời. Người Miến Điện quan niệm về chuông khác với người mình nhiều điểm.

Các thầy ở Việt Nam khi đánh hồng chung có bài kệ thỉnh chuông, đại khái, nguyện cho tiếng chuông vang khắp các cõi, đến tận địa ngục để phá tan u minh và để cho hương linh nơi địa ngục vơi bớt khổ đau. Chuông đều có trong các chùa và các nhà Việt Nam theo Phật giáo. Ở Miến Điện, chuông chỉ có trong chùa, không có nhà nào có chuông, nếu có thì - người ta tin - cũng không có công dụng gì về mặt tín ngưỡng. Khi cầu nguyện xong, khách ra bên ngoài điện, đến chỗ treo hồng chung và dộng ba tiếng chuông, không phải để ‘thượng thông thiên đường hạ triệt địa phủ’ (bài kệ đóng Đại hồng chung), mà để thông báo cho chư Phật và chư thần thổ địa biết là người đánh vừa thực hiện một công đức (lễ Phật). Vì vậy, đánh xong ba tiếng chuông, người Miến Điện còn dộng dùi chuông xuống đất một cái. Mục đích của các chuông nhỏ treo quanh các đỉnh tháp chùa lớn cũng như vậy, là để thường xuyên ‘nhắc’ thế giới mười phương biết về hành động tu hành của người đi chùa. Chuông nhỏ không trầm, nghe vui tai vì tiếng linh-kinh suốt ngày đêm nhờ gió thổi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày