Thiền của bà nội trợ

Thiền của bà nội trợ
0:00 / 0:00
0:00
GN - Thật không thể tin được, gần 50 tuổi, lần đầu tiên trong đời tôi phát hiện ra vẻ đẹp của những hạt đậu đỏ tươi.

Màu đỏ rượu sáng rực sau lớp vỏ nâu bình thường đến ngạc nhiên. Có lẽ một phần của vẻ đẹp đến từ sự bất ngờ. Tôi đã không ngờ một trái đậu bình dị như bất kỳ trái đậu nào lại ẩn trong mình một “nhan sắc” lộng lẫy đến như vậy. Không hạt đậu nào giống hạt nào. Vỏ càng khô hạt càng đỏ rực rỡ. Trái tươi hơn hạt màu đỏ nhạt. Có trái khô quéo, có trái nâu ẩm, như thể còn mang trong người dấu tích một cơn mưa, có trái 4 hạt đều đặn, trái 2 hạt hơi mẩy hơn. Mỗi một trái đậu mỗi sắc độ, làm kẻ lột đậu phấn khích đến mức cứ chốc chốc lại reo lên: trời ơi đẹp quá!

Không cam tâm ngắm vẻ đẹp của đậu một mình, tôi bèn “hú hét” cô con gái đang ngồi đọc sách kế bên: “Nè, con nhìn xem hạt đậu đẹp chưa nè”. Con bé cũng từ bi nhìn qua và nói đẹp thiệt. Chút xíu lại bị mẹ không cầm lòng được khều khều: coi cái màu nè con, ai có thể tưởng tượng được trái đậu nâu bình thường như điều bình thường nhất lại chứa trong lòng những viên đá đỏ đẹp đến nhường này. Xuýt xoa một mình chưa đủ, khoe với con thôi chưa đủ, tôi còn khoe với tất cả mọi người xung quanh như thể mình vừa phát hiện ra một mỏ đá hay vừa mới tìm thấy một đứa con. Ông ngoại mấy đứa nhỏ ghé chơi cũng bị “khoe” mấy hạt đậu. Ông cười bao dung: “Cái nết y chang hồi nhỏ, cứ đọc được cái gì hay hay, cuốn sách gì hay ho là chạy theo bắt mấy người trong nhà phải nghe cho kỳ được”.

Từ lúc chọn ăn chay, bếp và bàn ăn của tôi cũng chia thành hai phe đảm bảo món mặn cho chồng con và món chay cho mình. Mấy người bạn nhỏ cũng ngỏ ý ăn chay theo mẹ, nếu mà mẹ nấu món chay cũng ngon như món mặn...

Tôi cười rồi lại tiếp tục khoe đậu Hà Lan, đậu cúc, đậu ngự... mỗi loại đậu lại có hình dáng màu sắc, và những đường vân riêng, một nét đẹp riêng. Khi nhắn người bạn làm “farm” giao cho mình tất cả các loại đậu mà cô ấy có để về hấp với cơm trắng, cho bữa ăn thêm đẹp và thêm dinh dưỡng, tôi không biết có nhiều hạt đậu đẹp lạ thường như vậy. Trước giờ tôi chỉ quen biết các loại đậu khô, phổ biến như đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, đậu nành... Nhận một túi ba gang các loại đậu, đủ hình dáng, màu sắc,… cảm giác đầu tiên của tôi là “ngán” khi nghĩ đến việc lột chừng ấy đậu. Sáng hôm đó, biết không thể nào lột hết mớ đậu rồi mới cho con ăn sáng được, tôi quyết định túm túi đậu mang theo vô quán cà-phê.

Con ăn sáng, mình vừa uống trà, vừa trông chừng con, vừa lột đậu. Cuộc sống với rất nhiều giờ trong bếp đôi khi buộc mình phải tận dụng từng phút. Trong khi chiên nồi cá làm món mặn lại phải vừa lo rửa rau nấu canh hoặc cắt gọt sơ chế rau củ trái cây, làm món salad hoặc xào chay. Từ lúc chọn ăn chay, bếp và bàn ăn của tôi cũng chia thành hai phe đảm bảo món mặn cho chồng con và món chay cho mình. Mấy người bạn nhỏ cũng ngỏ ý ăn chay theo mẹ, nếu mà mẹ nấu món chay cũng ngon như món mặn. Khổ nỗi mẹ thường nấu chay qua quýt phần mình, vì vậy mấy món chay ít có dịp phô bày sự thu hút của chúng. Và rồi vừa lo nhà cửa cơm nước vườn tược, và cả việc cá nhân, đôi khi tôi cũng ngổn ngang ngột ngạt với cả một nùi việc không tên, tưởng chừng như mình bị tắc vào mớ bòng bong không lối thoát. Rồi sáng nay khi ngồi “giải quyết” mớ đậu, đột nhiên tôi đã được “khai thị”. Không biết vẻ đẹp của đậu, không gian đầy nắng của quán cà-phê, năng lượng đầu ngày hay tất cả những điều ấy cộng lại, một niềm hạnh phúc bình dị và chân thật đã khởi lên trong tôi. Là người thường xuyên quan sát mình trong các hoạt động, tôi ngay lập tức nhận ra đó chính là hỷ lạc.

Cũng ngay lập tức tôi nhớ lời dạy của Phật: “Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri (biết): Tôi thở vô dài; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri (biết): Tôi thở ra dài; hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri (biết): Tôi thở vô ngắn; hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri (biết): Tôi thở ra ngắn”. Chánh niệm ở đây chính là ghi nhận, biết hơi thở diễn ra như nó đang là. Không có suy nghĩ, không có mong muốn, không có phán xét, không có can dự và không có áp đặt. Để thân, tâm, hơi thở và ngoại giới tự nhiên, người hành thiền chỉ có một yêu cầu là “quan sát và ghi nhận”. Mục đích của chánh niệm là đạt tới tâm giải thoát. Tôi cũng nhớ lời thầy mình dạy: “Bất kỳ điều gì đó khởi lên trong tâm không bám luyến cũng không buông bỏ, chỉ an trú trong tánh giác tự nhiên”.

Và rồi như vậy cảm giác bực bội khi phải cơm nước dọn dẹp ngày ba bữa khởi lên và được ghi nhận. Cảm giác “đâu phải ngày nào mình cũng thích nấu” cũng được quan sát và ghi nhận. Tất nhiên không phải cảm thọ nào cũng được quan sát và ghi nhận (được vậy tôi hẳn đã không còn lang thang phiêu bạt qua bao kiếp sống, trong phiền não và vô minh như thế này). Cũng may mà buổi sáng “thiền đậu” nọ, tôi đã “nấu ăn trong minh triết” trong sự quan sát và nhận biết tâm mình trong tâm của hạt đậu.

Tôi cũng nhận ra hôm nào mình bực bội, cuối giờ, đồ ăn còn cả thửa. Hôm nào đồ ăn được các con tôi “thanh toán” sạch sẽ là những ngày mẹ chúng vừa nấu ăn vừa hát... “Món đậu hạnh phúc” được mang đi hôm thì hấp cơm, hôm thì nấu cà ri, hôm thì làm salad. Kể cả khi mang cho đứa em một ít, nó hỏi, chị mua đậu ở đâu ngon quá, sao em cũng mua mà không thấy ngon. Tôi đã rất trang nghiêm mà nói với em rằng, đó là những hạt đậu đã được lột trong chánh niệm. Giờ tôi mới hiểu khi tự mình trồng một trái bí cọng rau, những thức ấy ăn ngon hơn hẳn. Đó nhất định không phải là ngụy biện mà đơn giản là chúng ta, người trồng đã vô tình chăm sóc nó trong chánh niệm, trong hoan hỷ. Sao mà không ngon cho được. Và rồi từ buổi “thiền đậu” ấy, bất cứ lúc nào gọt khoai, tước xơ đậu cô-ve hay lặt đọt bí... thay vì cặm cụi làm lẹ làng nhất có thể rồi phắng qua việc khác, tôi đã chọn cách làm từng việc một thong thả đủ để có thể quan sát và ghi nhận. Đến mức anh bạn lâu lâu qua nhà chơi cũng đùa: Nhìn mày lặt mớ rau ngứa mắt quá, bộ sợ nó đau không dám lặt hả cưng? Tôi chỉ cười cười, ai sốt ruột thì kệ, mình cứ làm khi nào xong thì xong thôi. Không biết có phải từ lối nấu ăn được “đổi mới” này mà một ngày lũ trẻ đòi ăn “heathy”, chúng ăn chọn lọc, cân nhắc luôn biết mình đang ăn gì, ăn như thế nào... Chúng còn thúc đẩy mẹ tập luyện cũng như chọn lựa những món ăn có xuất xứ tin cậy... Mẹ được dịp “lên lớp” con chăm sóc cho thân thì cũng dành sức cho tâm nghen! Con cũng được dịp trả treo: thân có khỏe thì tâm mới khỏe mẹ ơi. Con thấy ai ăn uống “heathy” một thời gian cũng khỏe lên và sức khỏe tâm thần nhờ đó cũng tốt lên cả.

Với một bà nội trợ, xem việc chăm sóc gia đình xếp hàng đầu, đây chính là một diễn tiến tích cực. Điều đó đủ để an lòng rằng sau thiền đậu sẽ tiến tới thiền rau, thiền lá, thiền nước...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày