Thiên nhiên & con người

GN - Trong chuyến đi Côn Đảo vừa qua, tôi đã được đến thăm tận mắt những di tích trong chiến tranh cũng như những địa danh khác như Chuồng cọp, Chuồng bò, Nghĩa trang Hàng Dương trong đó có mộ phần chị Võ Thị Sáu, các đền thờ am miếu trong đó có đền thờ bà Phi Yến, vợ vua Gia Long…, các công trình xây dựng như cầu cảng, nhà cửa, biệt thự… Tất cả đều do sức người làm nên, đặc biệt là do những người tù khổ sai bị đày ra đảo.

Tôi thật sự bàng hoàng trước những tảng đá nặng hàng trăm tấn mà các người tù phải di chuyển bằng tay không để xây dựng những công trình. Chúng tôi đã được nghe thuyết trình về những nỗi thống khổ của người các thế hệ tù nhân ở nơi hòn đảo giữa biển xanh này.

thiennhien.JPG
Tự nhiên tôi muốn được như em bé quê trong trắng, mộc mạc dâng lên lời nguyện cầu:
Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống / Lấy ruộng tôi cày / Lấy đầy bát cơm / Lấy rơm đun bếp...      

Nhưng có một chi tiết nhỏ, nhỏ thôi, làm chúng tôi xúc động trong suốt thời gian tham quan. Ấy là sau một ngày lao động bên ngoài, những người tù trở về trại giam, cố ý đi chậm lại để nghe tiếng chim hót trong sân trại. Những tiếng hót đó rất cần thiết để làm quên đi trong giây lát, chỉ trong giây lát thôi, những âm thanh rên siết rợn người của người tù hoặc tiếng quát tháo của giám thị trại giam.

Chim gì đã hót? Chẳng có chim gì hót cả. Chúng tôi có thì giờ lang thang trong sân trại, cố ý quan sát thì chỉ thấy có những con chim sẻ kêu những tiếng lách tách gọi bầy, nhảy nhót trên tàng cây, trên mái nhà, và trên những ghế đá. Thế nhưng đối với người tù, đó là tiếng hót hay nhất của một loài chim.

Cũng có người tù ngắt vội một cây cỏ rồi ôm vào lòng như ôm cả thiên nhiên tươi đẹp. Họ nhớ ngày ra đi trên con tàu đưa ra đảo như trong một ca khúc Côn Đảo của nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã viết.

Nói về những người tù, tôi không quên được Ann Frank, một cô bé mười sáu tuổi, người Do Thái nổi tiếng đã sống chui trong hai năm ròng trên gác thượng một căn nhà ở Amsterdam để trốn lính Đức Quốc xã truy lùng người Do Thái. Những dòng nhật ký mà cô viết đã làm xúc động cả thế giới. Trong nhật ký đề ngày 23-2-1944, cô viết:

“Chúng tôi cùng ngắm màu xanh tuyệt diệu của bầu trời, ngắm cây hồ đào rụng hết lá, từng giọt nước nhỏ long lanh ánh nắng trên cành, ngắm mấy con hải âu và chim chóc cánh trắng như bạc liệng trong nắng, tất cả làm chúng tôi xúc động, nghẹn ngào, không nói nên lời”.

Mùa xuân đến cây ra lá. Nhật ký ngày 18-4-1944 ghi lại: “Tháng Tư đến thật rạng rỡ, không nóng lắm cũng không lạnh lắm, thỉnh thoảng mưa nhẹ như sương trắng. Cây hồ đào của chúng tôi đã bắt đầu trổ lá xanh, loáng thoáng hoa từng chùm chớm nở”.

Đến ngày 13-5-1944 hoa nở rộ:“Cây hồ đào của chúng tôi nở hoa rực rỡ, từ gốc đến ngọn, lá chen nhau trổ xanh, đẹp hơn cả năm qua”.

Đó là lần cuối cùng cây hố đào nở hoa cho cô gái tù ngục. Hai tháng rưỡi sau, ngày 4-8-1944 cô bị bắt.

Vậy là hai năm cô sống với cây. Hai năm cô không nói với ai, chỉ thổ lộ với cây:

“Chừng nào tôi còn thấy, chừng nào tôi còn hưởng được những tia  nắng kia với bầu trời không gợn mây ấy, chừng đó tôi không thể buồn được.

Tôi tin tưởng mãnh liệt rằng giữa bao nhiêu bất hạnh, thiên nhiên vẫn có thể xóa đi rất nhiều đau khổ”.

Thật vậy, hành động của người tù ôm một cây cỏ vào lòng đã có tác dụng vơi đi nỗi thống khổ nơi địa ngục trần gian.

Thiên nhiên bao dung, thiên nhiên luôn luôn biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của con người. Trong một tang lễ ở nơi thôn dã, tôi thấy các cây trong sân vườn được người nhà buộc dải khăn tang để cùng để tang với gia chủ.

Tôi còn nhớ bài tập đọc thời thơ ấu. Truyện kể rằng khi cha mẹ chết, anh em nhà kia bèn chia hết gia tài. Cây khế cổ thụ cuối sân cũng chung số phận phải chia. Sáng mai lại anh em thấy cây héo, rũ lá. Cây còn biết buồn khi chia ly, nỡ nào lại đốn bỏ? Anh em ôm nhau khóc. Từ đó mọi người thương yêu như xưa.

Trong khi thiên nhiên hào phóng và nhân hậu như thế, một thành phần không nhỏ con người lại đối xử theo hướng ngược lại. Họ chỉ xem thiên nhiên như một đối tác cần được khai thác. Từ lấp sông, lấn biển, bạt núi, phá rừng, bắn giết thú rừng… con người không từ bỏ một hành động nào đem lợi lộc cho mình, bất chấp mọi hậu quả.

Nhìn những bức ảnh phô bày thảm cảnh những cánh đồng khô héo, thú nuôi chết khát, con người dật dờ… không ai trong chúng ta cầm lòng được. Tự nhiên tôi muốn được như em bé quê trong trắng, mộc mạc dâng lên lời nguyện cầu: Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống / Lấy ruộng tôi cày / Lấy đầy bát cơm / Lấy rơm đun bếp...      

Trong ánh nắng chói chang của ngày hè, tôi nghe như vọng về tiếng mưa rơi lộp độp trên mái tranh nghèo ở một làng quê.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chân dung nhạc sĩ Giác An (1957-2024)

Nhạc sĩ Phật tử Giác An từ trần

GNO - Thông tin từ gia đình cho biết, nhạc sĩ Giác An - tác giả của nhiều ca khúc Phật giáo vừa từ trần hôm nay 11-5-2024 tại tư gia, hưởng thọ 68 tuổi.
Ảnh minh họa

Ly dị vợ có phạm tội không?

GNO - Ngày xưa chúng tôi yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên không đến được với nhau. Rồi cả hai đều có gia đình riêng. Chúng tôi vẫn liên hệ nhau nhưng không làm gì quá giới hạn. Mười mấy năm sau cô ấy ly dị chồng. Tôi rất thương cô ấy nhưng vì trách nhiệm gia đình nên vẫn cố chịu đựng...

Thông tin hàng ngày