Thống nhất nghi thức khi hành lễ chung của Giáo hội

GN - Phật giáo TP có một đặc trưng riêng và đặc thù - là nơi hội ngộ của nhiều dòng văn hóa từ các vùng miền. Các nền lễ nghi Phật giáo đều có mặt đầy đủ tại đây. Có thể nói đây là một lợi thế bởi sự phong phú và đa dạng mà ít nơi nào có được. Chúng ta nên tôn trọng và giữ gìn sự phong phú, đa dạng này.

“Cố gắng thống nhất một nghi thức cho các truyền thống Phật giáo tại TP khi hành lễ chung...”. Đó là lời chia sẻ với PV Giác Ngộ của TT.Thích Lệ Trang, Trưởng ban Nghi lễ GHPGVN TP.HCM, khi nói về thành tựu nhiệm kỳ qua của Ban nghi lễ TP do Thượng tọa phụ trách.


Le Trang.JPG
Theo Thượng tọa, Phật giáo TP có một đặc trưng riêng và đặc thù - là nơi hội ngộ của nhiều dòng văn hóa từ các vùng miền. Các nền lễ nghi Phật giáo đều có mặt đầy đủ tại đây. Có thể nói đây là một lợi thế bởi sự phong phú và đa dạng mà ít nơi nào có được. Chúng ta nên tôn trọng và giữ gìn sự phong phú, đa dạng này. Bởi mỗi vùng miền đều có nét đặc trưng văn hóa riêng thẩm thấu vào nghi lễ Phật giáo, âm nhạc Phật giáo; đó là sự kết tinh qua thời gian và nhiều thế hệ. Đây là cái mà người ta hay gọi là bản sắc. Người ta tìm đến mình vì “cái gì” khi mà người ta không có? Đó là bản sắc riêng của chúng ta. Vì thế, mọi bản sắc riêng, truyền thống nghi lễ riêng của vùng miền, sơn môn… nên giữ nét đặc trưng. Trong sự lựa chọn để đưa ra một nền nghi lễ chung cho Phật giáo Việt Nam, hay nhỏ hơn là tại TP, thì sự lựa chọn những cái chung về kinh văn, kệ văn, điệu thức xướng - tán tụng… sao cho phù hợp với đại chúng có thể chấp nhận được, dung hòa được. Đặc biệt, với những gì liên quan đến nghi lễ du nhập từ bên ngoài mình cũng nên có chánh kiến trong xem xét, chọn lựa lại. Tất cả những công việc này đều nhằm mục đích làm trong sáng nghi lễ Phật giáo Việt Nam. Đó cũng là cách ứng xử văn hóa trên tinh thần tôn trọng và kế thừa.

Để Phật giáo cả 3 miền hoặc các nền nghi lễ vùng miền, cùng có thể hòa hợp chung trong một buổi lễ của đại chúng thì việc thống nhất văn bản là trước tiên. Ở trường hợp này, mình sẽ áp dụng tính đại chúng, tức là không đi vào tính chuyên môn trong nghi lễ. Một buổi lễ đại chúng hạn chế nhiều mặt, trong đó có thời gian; vì thế không cho phép mình ngâm nga hay kéo dài. Buổi lễ của đại chúng chỉ xướng và tụng đọc kinh văn, không tán hay ngâm như chúng ta thường thực hiện. Tại các buổi lễ tưởng niệm chư tôn đức tại Văn phòng II hay tại các buổi lễ khác của TP, chúng tôi thường làm rất ngắn ngọn nhưng đầy đủ ý nghĩa nghi lễ. Trong một buổi lễ mà phần nghi lễ 15 phút đã là dài, vì ngoài nghi lễ còn phần lễ hành chánh. Cho nên cần có sự ngắn gọn mà vẫn chuyển tải được nội dung của nghi lễ trong buổi lễ.

Trong khi thực hiện việc tập thành, soạn thuật một nghi lễ riêng cho Phật giáo TP, chúng tôi tiếp cận, trao đổi với các vị rành về nghi lễ để có sự học hỏi, tiếp nhận để hòa đồng các nền nghi lễ Phật giáo tại Việt Nam. Hòa thượng Phó Pháp chủ - Trưởng BTS Phật giáo TP có dạy chúng tôi nghiên cứu, sưu tầm để soạn thuật ra một nghi lễ chung cho Phật giáo TP nhưng dựa trên nghi lễ miền Nam làm chính. Về khoa nghi, những năm trước tại chùa Viên Giác đã cho tụng kinh Việt văn (từ năm 1996), tại chùa Định Thành sau này, và mới đây tại khóa cấm túc 10 ngày ở Việt Nam Quốc Tự cũng tụng kinh sám Việt văn, ngoài phần Mật chú ở thời công phu khuya - chiều. Các bản kinh văn, khoa nghi đều lựa chọn các bản Việt hóa của quý ngài HT.Thích Trí Quang, HT.Thích Trí Tịnh, HT.Thích Nhất Hạnh, HT.Thích Huyền Quang, HT.Thích Minh Châu, HT.Thích Viên Giác… Những bản chưa dịch, chúng tôi mạo muội tạm Việt hóa để sử dụng. Những thời kinh, thời công phu trong tự viện sẽ có một bản kinh tụng phù hợp. Bản tập thành này của Ban Nghi lễ TP đã cho ấn hành thử nghiệm ở một số đạo tràng. Đến nay đã được ấn hành lần thứ 4 và cũng được sự hưởng ứng của rất nhiều chùa.

Về phần biên soạn một nghi thức chung cho các buổi lễ có sự tham dự của đại chúng cả ba hệ phái chính: Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ, chúng tôi cũng có nhiều trao đổi và thảo luận. Trước đây mỗi lần làm nghi lễ như Phật đản thì chia làm 2 phần: Bắc tông (hệ phái Khất sĩ cùng làm chung) và Nam tông. Việc làm nghi lễ chung có những điều tế nhị về kinh kệ và nghi thức hành lễ. Hai năm trở lại đây vào dịp lễ Phật đản, chư Tăng tại TP làm lễ tại lễ đài chính đã cùng làm lễ chung. Sau phần niêm hương và xướng cung văn thì chư Tăng cùng hòa chung câu đảnh lễ Đức Thế Tôn 3 lần bằng tiếng Pali, sau đó cùng tụng bài sám Khánh đản. Đây là một sự cải tiến lớn trong nghi lễ đại chúng.

Nói chung, công việc của Ban Nghi lễ tương đối hạn hẹp và khiêm tốn. Ngoài công việc biên soạn lại các nghi thức chung nhất cho đại chúng tụng đọc, Việt hóa một số bản kệ văn… thì đa phần công việc vẫn là đáp ứng nhu cầu của quý ngài dạy bảo thực hiện lễ nghi trong các buổi đại lễ, tưởng niệm… Công tác nghi lễ phải cần thời gian mới có thể hoàn thành điều mình mong muốn. Bởi cần có sự hiểu, cảm thông và chấp nhận lẫn nhau. Mà việc này thì không thể ngày một ngày hai có thể làm xong được.

Bài liên quan: Tận tâm hoàn thành công việc Tăng sai ||

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày