Thư tháng Tư

GN - Tháng Tư. Đó là thời điểm nào của thời gian dằng dặc, dù tính theo lịch… Ai Cập, Do Thái hay Hindu? Không biết. Mà biết để làm gì: Có nghĩa gì đâu một điểm vi trần giữa vô tận thời gian? Mà thời gian cũng là điều không có thực, cũng chỉ là sản phẩm của tâm thức. Nhưng trong vòng hữu hạn của mấy mươi năm đời người, cái điểm li ti ấy lại lóe lên ánh sáng của sự vĩnh cửu với dấu ghi ngày ra đời của một Con Người Lớn, vào năm thứ 624 trước Tây lịch: ngày hành tinh này đón chào sự ra đời của bậc đạo sư vĩ đại: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
sen dep.jpg

*

Tháng Tư. Không hiểu vì sao, tôi lại nhớ đến anh, người mới quen. Biết tên anh thì cũng đã lâu nhưng mãi đến năm ngoái tôi mới gặp. Người ta vẫn thường gọi, như thế là thuộc về loại… duyên chậm. Có lẽ đúng, vì cũng có lẽ, cả tôi và anh dường như đều có vẻ… chậm. Chậm trong cái vẻ bên ngoài. Chậm cả trong cuộc sống. Cũng có lẽ vì thế, mà ngay trong lần gặp đầu tiên ấy, không hiểu sao tôi lại có cảm giác cả anh và tôi có lẽ đều thuộc loại người… thất bại.

Ngoài tên khai sinh, anh còn có tên khác nữa, trong đó có chữ Tịnh. Tịnh, là yên, có lẽ? Yên, cũng là… chậm, có phải? Rốt lại, tôi mơ màng: dường như cái cảm giác đầu tiên ấy có lẽ… không sai!

Cái cảm giác ấy còn đọng lại trong tôi đến vài ngày. Có thể cho rằng đó là điều lạ; nhất là khi đã ở độ tuổi tiến gần đến cái ngưỡng thất thập nhi tòng sở dục bất du củ (*) này. Rồi một hôm, anh gọi điện thăm tôi. Chỉ mới sơ kiến, mà nói chuyện khá lâu. Điều này, có thể xuất phát từ sự chân thành. Anh nhắc đến một câu viết về người bạn chung của cả hai chúng tôi, là thầy Tấn Tuệ: “Thơ, vừa chẳng là điều gì quan trọng, vừa không thể lơ là...”. Có vẻ như một cuộc trò chuyện về văn chương, nhưng cũng có thể không phải chỉ nói đến thơ; mà như một sự chia sẻ đôi chuyện “sống ở đời”. Tôi hiểu, như thế là quý, quý lắm. Và tất nhiên, tình cảm nảy sinh trong tôi là sự gần gụi. Để có thể tiến thêm đến chỗ thân tình… Nghĩa là, anh đã cho tôi, thêm một lần nữa, có dịp để có thể thâm cảm rằng: khi đến gõ lên những cánh cửa khác bằng lòng chân thực, ta có thể nghe được tiếng trả lời.

*

Tháng Tư. Những có thểcó lẽ. Mà không phải chỉ có tháng Tư mới đem đến những câu hỏi như thế. Có thể có lẽ dường như thuộc về phạm trù thời gian. Hoặc là điều gì gần giống xác suất của sự tương tác giữa cái này và cái khác, giữa sống-chết, được-không, thành-hoại… Rồi sau khi “lang thang” qua những tìm kiếm… xa vời vợi ấy, xuất hiện câu hỏi muôn thuở: Hạnh phúc là gì? Dường như đó là một bài toán có mùi vị chua và chát, cứ lăn đi như viên bi trượt dài trước bàn tay với theo của cậu bé. Trong khi đó, hạnh phúc đang đứng bên cạnh, mỉm cười xót thương!

Bài toán và đáp án của câu hỏi muôn đời ấy dường như đơn giản, khi người biết lắng tâm. Để lòng dịu đi trước ánh mắt của người thương. Để những mạch máu thầm bên dưới làn da rung động khi bàn tay tìm đến bàn tay… Không dưng mà nhớ lại chuyện về chậu nước dùng rửa chân cho Đức Phật: - Này La-hầu-la, nước này dùng xong, có uống được không? - Thưa không. - Có dùng để nấu cơm được không? Thưa không. - Vậy thì phải đổ đi, phải không?...

Nghĩa là, phải triệt để “làm mới”. Nhưng làm sao có thể “cách mạng” được cái tâm của mình?

Câu trả lời không thể tìm thấy, ít nhất đến khi người còn mải mê đuổi theo những giá-trị-bào-ảnh.

*

Đêm tháng Tư, nhìn lên bầu trời. Có nhiều ngôi sao lắm, ai mà đếm được! Thử nhìn lui về phía trước chỉ một năm thôi, thì… may mắn thay, đất Việt nằm trong vùng có thể thấy được cả chòm sao Bắc đẩu và chòm sao Nam tào (Thập tự). Nhìn thấy để làm gì, nếu không là để biết đâu là Nam-Bắc, để tạm “định vị” cho chính cuộc-trôi-lăn mờ mịt của bản thân mỗi người, chẳng phải như thế ư? Vào khoảng thời gian này năm ngoái, nhiều người Việt chứng kiến hiện tượng nguyệt thực toàn phần và mưa sao băng Lyrid.

Rồi thử nhìn xa hơn về 10 năm trước nữa và “bóc” ra chỉ một-hai trong vô số sự việc diễn ra trên quả đất này: Giới khảo cổ tìm thấy nhiều bản viết bị mất của các triết gia cổ đại Sophocles, Euripides, Archilochus và một số sách Phúc âm Kitô giáo từ những sách giấy cói tại Ai Cập. Cũng trong 10 năm trước ấy, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, trong năm, có ít nhất 3.797 người bị hành quyết và 7.395 người bị kết án tử hình. Đó là con số trong phạm vi tư pháp được công bố; còn sự thật về số người chết do các nguyên nhân thì làm sao tính đếm được!

Rồi 100 năm? Và nhiều hơn nữa? Hoặc nhìn về phía-chưa-đến, 10 năm sau nữa? Để hiểu rằng, mãi mãi là cái “cõi” này, với vô vàn đục-trong, còn-mất… Thôi vậy!

Thôi thì, nếu nhìn lên bầu trời đêm, có lẽ chỉ nên dõi tâm vào một-hai vì sao nào đó. Để có thể nghe câu chuyện của vì tinh tú ấy. Để “rút ra”, rằng, trời là ảnh chiếu của tâm thức. Như hình ảnh chòm sao Orion, xuất hiện trong rất nhiều nền văn hóa. Với Ai Cập, thì hình ảnh ba ngôi sao thắt lưng của chòm sao Orion tương ứng với ba kim tự tháp chính tại Giza. Với thần thoại Hy Lạp-La Mã, thì Orion là một thợ săn nổi tiếng và tự phụ, đã bị nữ thần Hera (vợ thần Zeus) đã phái bọ cạp đến giết chết rồi được thần Zeus thương tình đưa cả hai lên bầu trời, biến thành hai kẻ tử thù chẳng muốn thấy mặt nhau (khi chòm sao Thợ Săn mọc nơi chân trời đông cũng là lúc chòm sao Bọ Cạp khuất dần ở phía tây).

Những ngôi sao, với tiếng nói thầm, là lời của những người bạn ở xa, đang nhắn gửi đến ta một điều gì. Đó là hạnh phúc của mối tương liên giữa nhân quần. Và vượt qua những đớn đau của cuộc hệ lụy này, có thể tin rằng, có lẽ chúng ta cũng đã có được chút ít hạnh phúc!

*

Tháng Tư. Người bạn của tôi sắp 70, là vui. Có lẽ nhiều người vui, khi đến độ tuổi ấy. Vì đã đi qua một chặng, trên Con Đường. Chặng của đời này, như thế là đã dài, dài lắm! Nhưng Con Đường, thì hãy còn xa. Xa bao nhiêu, không ai có thể biết được, ngoại trừ những bậc đã “đắc”. Bảy mươi năm bước đi, nhìn thấy, lắng nghe; đôi lúc nói lên vài tiếng gì, khi thì cúi đầu yên lặng... Tất cả, cũng chỉ là để hướng về cái phía đã mơ hồ cảm nghiệm mà chưa thể “nắm” được. Tất cả cái-gọi-là cuộc nhân sinh, nó như thế đấy…

*

Tháng Tư. Nhìn lên bầu trời đêm. Tôi biết, nhiều người cũng đang như thế.

 Nguyễn Đông Nhật

_________________________

(*) Ở tuổi 70 thì sống theo sở thích của bản thân nhưng không vượt ra ngoài khuôn khổ (Luận ngữ).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày