Thầy Không Hạnh, người quản lý chính của thư viện Huệ Quang đang biên soạn bộ Tổng mục lục cho tạp chí Tư Tưởng. Báo chí Phật giáo trước năm 1975 tại thư viện Huệ Quang sẽ được in lại để phát hành và đó là nguồn kinh phí quay vòng phục vụ lại cho thư viện - Ảnh: N.D
Ấn tượng về cách phục vụ
Lần đầu tiên được biết đến thư viện Huệ Quang qua sự giới thiệu của một vị thầy, trong vai một bạn đọc tìm tài liệu nghiên cứu, sau khi đăng ký, tôi được phát một thẻ tạm trước khi có thẻ chính thức trong một tuần, và được mượn sách về ngay. Sách được mượn tối đa 3 cuốn và trả trong vòng hai tuần, nếu đọc chưa hết thì độc giả có thể gia hạn thêm thời gian mượn sách. Ngoài những sách mượn về nhà, ở đây có những bản sách chỉ đọc tại chỗ, các sách chỉ có một bản, báo chí, sách xưa, sách Hán Nôm, tủ sách cá nhân và sách các tác giả hiến tặng. Ngoài ra, ở đây còn phục vụ pho-to và scan trực tiếp cho độc giả tài liệu để tiện cho việc nghiên cứu.
“Mục tiêu của thư viện khi thành lập là để phục vụ bạn đọc, nếu không phục vụ tốt cho bạn đọc thì thư viện tồn tại cũng không có ý nghĩa gì hết”, thầy Thích Không Hạnh, người quản lý chính của thư viện Huệ Quang cho biết.
Với mục tiêu đó, thư viện rất chú ý đến cung cách phục vụ, “nhiệt tình, trung thực, giúp độc giả tìm kiếm được tài liệu họ đang cần, thậm chí những tài liệu thư viện không có thì phải ghi lại bổ sung thêm để phục vụ độc giả…” - Thầy Không Hạnh nói về tính chất của một thư viện ở chùa, nhằm tạo điều kiện tối ưu có thể cho bạn đọc.
Tài liệu phong phú
Thư viện được đặt tại lầu 2 của tu viện Huệ Quang, với trên 30.000 đầu sách, gồm sách nội ngoại điển mới, sách ngoại văn, báo chí, sách xưa, sách Hán Nôm, sách các tác giả đặc biệt và các tư liệu khác.
Phòng đọc và kho sách mới được sắp xếp chung
nên rất tiện lợi cho độc giả đọc sách và tìm sách - Ảnh: N.D
Phòng đọc thư viện được ưu tiên không gian rộng nhất, là nơi lưu giữ sách mới và phục vụ độc giả đến thư viện. Tư liệu báo chí được đặt tại Phòng Tiếp nhận và Xử lý tư liệu. Sách báo xưa, sách Hán-Nôm đặt tại Phòng Tư liệu tham khảo tại chỗ.
Được biết, hàng tháng, thư viện dành ngân sách 5 triệu đồng để mua sách mới, mua lại sách cũ quý. Biết việc làm phi lợi nhuận của thư viện, nhiều nhà sách cũ đã cho thư viện mua nợ…; ngoài ra, một phần sách bổ sung là từ các độc giả hiến tặng.
“Có nhiều đầu sách mới của Phật giáo biết là rất hay, muốn bổ sung để nguồn tư liệu phong phú phục vụ độc giả nhưng hiện tại do thư viện còn hạn chế về kinh phí nên chỉ bổ sung vừa đủ”, thầy Không Hạnh chia sẻ.
Đặc biệt, thư viện đang lưu trữ số lượng lớn báo chí Phật giáo trước năm 1975, hiện đang được số hóa. Thầy Không Hạnh cho biết: “Thư viện rất chú trọng vào công tác bảo tồn văn bản, nên chỉ chụp ảnh để lưu giữ văn bản trước sau như một, vẫn giữ giá trị về nghiên cứu, tra cứu nguyên bản sau này”.
Tài liệu số hóa hiện tại mới chỉ thực hiện được một phần ấn phẩm báo chí Phật giáo trước năm 1975, sau khi số hóa xong sẽ số hóa sách Hán Nôm, sách cổ văn, sách Đông y…, ngoài ra phần số hóa cũng kết hợp trang điện tử timsach.com để cùng chia sẻ tư liệu, và nhờ đó hiện thư viện có thêm nguồn này với khoảng 1.000 đầu sách ngoại điển được xuất bản trước năm 1975.
Nhân viên thư viện đang chụp ảnh số hóa sách Hán Nôm.
Máy để chụp ảnh do nhân viên tự mua phụ kiện và thiết kế - Ảnh: N.D
Nhân viên thư viện tìm sách cho độc giả - Ảnh: N.D
Thư viện Huệ Quang được những người chủ trương là HT.Thích Minh Cảnh, điều hành trực tiếp là thầy Không Hạnh định hướng theo mô hình một thư viện điện tử Phật giáo. Sau khi số hóa, tài liệu này sẽ được đưa lên trang web thuvienhuequang.vn phục vụ độc giả.
Để làm nguồn tư liệu phong phú, hàng năm thư viện đều tổ chức các chuyến sưu tầm tư liệu, đặc biệt là tư liệu Hán Nôm vừa để làm nguồn tư liệu cho trung tâm Hán Nôm, vừa giúp tư liệu không bị mai một. Việc làm này cũng nhằm khơi gợi tình yêu Hán Nôm đối với học viên theo học nơi đây cũng như khơi gợi ý thức bảo quản tư liệu của một số nơi đang sở hữu nguồn tư liệu quý hiếm.
Khó khăn và những thuận lợi
Thư viện Huệ Quang thuộc tu viện Huệ Quang (116 đường Hòa Bình, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú) bắt đầu mở cửa phục vụ độc giả từ năm 2007 với trên 7.000 đầu sách. Đến nay thư viện có trên 30.000 đầu sách được đặt tại lầu 2 của tu viện Huệ Quang. Nguồn sách ban đầu chủ yếu do nhị vị HT.Thích Huệ Hưng và HT.Thích Minh Cảnh để lại với ý nguyện thành lập một thư viện chung, để mọi người cùng tham khảo. Chủ trương là phát triển rộng rãi về các nguồn tư liệu nhưng có định hướng và tập trung có trọng điểm vào sách Hán Nôm, sách Phật giáo xưa, sách Phật giáo mới có giá trị, báo chí, kỷ yếu, nội san Phật giáo… |
Thầy Không Hạnh cho biết, khó khăn lớn nhất của thư viện là độc giả chưa biết nhiều về thư viện. “Độc giả ít biết đến thư viện là do chưa biết tu viện Huệ Quang có thư viện và mở cửa phục vụ. Quan trọng nhất hiện giờ là để độc giả biết thư viện có nguồn tư liệu rất phong phú và họ đến tham khảo. Nhiều người cứ nghĩ thư viện chỉ có một số sách về Phật học, thật ra thư viện có rất nhiều sách về các lĩnh vực tự nhiên, xã hội…”, thầy nói.
Hiện tại độc giả của thư viện chủ yếu là Tăng Ni sinh ở Học viện Phật giáo VN tại TP.Hồ Chí Minh, lớp Hán Nôm tại tu viện, Phật tử trung niên trong địa bàn quận, một phần nhỏ các bạn sinh viên và các nhà nghiên cứu. Trung bình mỗi ngày có 10 đến 20 độc giả đến, đa số mượn về nhà để đọc.
Hiện thư viện có 10 nhân viên, thường xuyên được tập huấn về nghiệp vụ tại Thư viện Tổng hợp TP.HCM, đa số đã tốt nghiệp đại học.
“Kế hoạch sắp tới sẽ phát triển thư viện theo hướng chuyên nghiệp, sẽ có những phòng chuyên trách về các mảng Hán Nôm, báo chí, sách quý hiếm… tất cả nhằm tạo ra một môi trường hữu ích hỗ trợ cho người học tập, nghiên cứu tiếp nhận tri thức một cách dễ dàng và hiệu quả hơn”, thầy Không Hạnh nói.
Như Danh