Thông thường khi nói về thức ăn, chúng ta chỉ nghĩ đến các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật hay thực vật. Người Ấn Độ xưa thường vò thức ăn lại thành viên tròn trước khi đưa vào miệng ăn nên gọi chung cách ăn uống thông thường là đoàn thực.
Trên thực tế, chỉ có đoàn thực thôi thì chưa đủ để nuôi dưỡng thể xác và tâm hồn con người, giúp con người sống với những hoạt động phong phú của thể chất và tinh thần. Sáu căn của con người (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) luôn tiếp xúc với sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp (màu sắc, hình dáng, âm thanh, mùi vị, cảm giác khi xúc chạm, các đối tượng suy tư của tâm ý), sự tiếp xúc ấy được gọi là xúc thực.
Căn và trần tiếp xúc với nhau sinh ra nhận thức, phân biệt, hiểu biết gọi là thức. Nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức; những nhận thức ấy được gọi là thức thực.
Những hồi ức, suy tư, nghĩ tưởng, mơ ước và mong muốn của con người được gọi là tư niệm thực.
Trong bốn loại thức ăn trên, con người thường chỉ quan tâm đến đoàn thực. Ăn uống là một trong năm thứ tham muốn cơ bản của con người: tiền của (tài), sắc đẹp (sắc), sự nổi tiếng (danh), ăn uống (thực), ngủ nghỉ (thùy). Con người luôn tìm kiếm những món ngon vật lạ để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ, sở thích ăn uống. Người ta sẵn sàng bỏ công sức, thời gian, không ngại đường sá xa xôi để lặn lội tìm đến nơi có món ăn yêu thích. Mỗi ngày có biết bao chúng sinh bị sát hại để cung cấp thực phẩm cho con người. Có nhiều người thèm khát đủ thứ nhưng không phải vì đói mà vì họ thích ăn, thói quen hưởng thụ đã trở thành tập khí khó bỏ. Càng tham đắm ăn uống thì càng tạo nghiệp, càng khổ thân, phải làm lụng vất vả để kiếm tiền, và nếu không được thỏa mãn sở thích thì buồn phiền, khổ não vô cùng.
Vẫn biết ăn uống là một nhu cầu của sự sống, nhưng ăn uống như thế nào để nuôi dưỡng và phát triển thể chất, làm thăng hoa tinh thần của con người đồng thời không tạo ra nghiệp sát mới là vấn đề cần phải lưu tâm.
Con người không chỉ cần hấp thu dưỡng chất để nuôi dưỡng thân thể mà còn rất cần hấp thu "dưỡng chất" để nuôi dưỡng tinh thần. Khi chúng ta tiếp xúc với thế giới bên ngoài làm phát sinh nhận thức, sau đó là quá trình suy tư, chọn lựa và quyết định… làm nên những yếu tố nuôi dưỡng đời sống tinh thần. Do đó phải biết dung nạp những loại thức ăn có lợi cho tâm hồn như bồi dưỡng nhân cách, tình cảm, trí tuệ để nâng cao đời sống tinh thần.
Hàng ngày chúng ta hấp thu vào cơ thể những loại thức ăn nào? Để nuôi dưỡng cơ thể, chúng ta thường ăn các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật. Tuy nhiên, muốn tốt cho cơ thể, chúng ta phải ăn uống phù hợp với chế độ dinh dưỡng, các loại thức ăn phải đảm bảo an toàn vệ sinh, thức ăn không chứa độc tố, không mang mầm bệnh. Việc chọn lựa thực phẩm một cách khoa học để thiết lập quân bình cho cơ thể, tăng cường sức khỏe, duy trì sự sống là điều quan trọng. Bởi vì có thân thể khỏe mạnh chúng ta mới có thể làm việc, phụng sự. Thân thể của chúng ta cũng chính là phương tiện để rèn luyện, tu tập làm thăng hoa đời sống tâm linh.
Về phương diện tinh thần, chúng ta nuôi dưỡng tâm hồn của mình bằng những loại thức ăn nào? Con người hay quan tâm đến các loại thức ăn nuôi dưỡng thể xác mà ít khi quan tâm đến các loại thức ăn nuôi dưỡng tâm hồn. Cũng như thân thể, nếu không được nuôi dưỡng, chăm sóc đúng cách thì tâm hồn sẽ ốm yếu và bệnh hoạn, đời sống tinh thần sẽ nghèo nàn, con người trở nên khô khan, nhận thức sai lầm, tư duy lệch lạc, trí tuệ không phát triển…Và nếu không có sự chọn lựa các loại thức ăn lành mạnh trong quá trình tiếp xúc, nhận thức và suy niệm thì tâm thức chúng ta cũng bị nhiễm độc tham sân si cùng vô số phiền não khác.
Tiếp xúc nhiều với thế giới, với con người, với tự nhiên đồng thời chịu khó nghiên cứu học hỏi, chúng ta sẽ nhận thức được nhiều điều, tăng thêm hiểu biết cùng vốn sống. Nếu chúng ta biết tiếp xúc với những nhân tố có lợi, hấp thụ những điều bổ ích cùng với sự tư duy chơn chánh thì tâm thức chúng ta trong sạch, thanh cao. Như khi tiếp xúc với âm nhạc qua những âm điệu trầm bổng du dương là chúng ta đang nuôi dưỡng tâm hồn bằng những rung động, cảm thụ tinh tế về tình yêu, về cuộc sống và con người…
Ngày nay con người có rất nhiều điều kiện cho xúc thực, thức thực và tư niệm thực. Cũng chính vì thế mà việc chọn lựa để hấp thu những gì có lợi cho đời sống tinh thần, nuôi lớn tâm hồn con người là điều cần phải đặc biệt quan tâm. Nhiều thông tin mới đây cho biết, tình trạng nghiện game online đã dẫn đến những căn bệnh tâm thần, rối loạn hành vi và nhận thức. Không chỉ ở nước ta, nhiều nước trên thế giới đang báo động về mối nguy hại của việc nghiện game online. Tiếp xúc quá nhiều với những trò chơi mang tính bạo lực sẽ hấp thu những cảm xúc bất thiện, khiến cho nhận thức và tư duy lệch lạc, có xu hướng bạo lực. Những người này thường dễ bị kích động, thích bạo lực, tâm đầy sân hận. Đối với người tiếp xúc quá nhiều với game "đen" và web "đen", do hấp thu những yếu tố không lành mạnh, nuôi lớn khát vọng nhục dục nên đã có trường hợp bị rối loạn tâm thần, luôn bị nhục dục ám ảnh trong các phương diện cảm xúc (xúc thực), nhận thức (thức thực) và nghĩ tưởng (tư niệm thực), từ đó họ gây ra những hành vi bại hoại.
Trong các cửa hàng quà lưu niệm có bộ tượng ba con khỉ rất ngộ nghĩnh, một con dùng tay bịt mắt, một con bịt tai, còn một con bịt miệng của mình. Ý nghĩa của bộ tượng này là gì? Tượng con khỉ bịt miệng khuyên chúng ta phải biết thận trọng trong lời nói, không nên nói bậy, nói bừa bãi, nói lời không chân thật, giả dối, nói lời xấu ác. Tượng con khỉ bịt tai khuyên chúng ta đừng nghe bậy, những điều không hay, không tốt. Tượng con khỉ bịt mắt khuyên chúng ta đừng nhìn những gì không nên nhìn, những gì có hại, có tác động không tốt cho nhận thức, tâm tư, tình cảm của mình. Ý nghĩa giáo dục của ba bức tượng này rất hay, bởi vì nếu không tiếp xúc với những điều xấu (không thấy, không nghe), không suy nghĩ, không nói, không làm những điều xấu thì tâm ý trong sạch, đời sống tinh thần thăng hoa và an lạc.
Đức Phật nói về bốn loại thức ăn dùng để nuôi dưỡng thân tâm với mục đích giúp con người nhận thức về tầm quan trọng của nó để chọn lựa những loại thức ăn có lợi cho cơ thể và tâm hồn. Về nuôi dưỡng cơ thể, Đức Phật dạy chúng ta xem ăn như là dùng thuốc chữa bệnh đói, để duy trì sự sống chứ không phải sống để ăn uống hưởng thụ, đừng vì tham đắm ăn uống mà tạo nghiệp ác, đừng vì tham đắm ăn uống mà bất chấp nguy hại. Về thức ăn nuôi dưỡng tâm hồn, Đức Phật dạy thực hành các pháp như Bát chánh đạo, từ bi hỷ xả, tinh tấn, trí tuệ v.v… Đó chính là những loại thức ăn cần có để nuôi dưỡng tâm thức, làm thăng hoa đời sống con người.