Thúng khoai của bà

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1260 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1260 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đang hưởng thú điền viên yên lành, ngày chăm sóc cây cảnh, tối nghe cải lương, đột nhiên bà đề nghị với ba mẹ: "Mẹ muốn đi bán khoai lang, khoai mì". Ba tôi giật bắn mình vì điều đó.

- Nay mẹ sao vậy? Ở không sướng cái thân sao không chịu? Già cả lụm cụm rồi bán buôn nỗi gì nữa. Thôi, con không tán thành đâu.

Bà chau mày cau có:

- Tụi bây tưởng mẹ ngồi không là vui sướng lắm sao? Thử bằng tuổi mẹ đi rồi biết. Trước đây làm lụng vất vả quen tay quen chân, vậy mà khỏe chán. Bây giờ cứ ra vô hoài, tay chân không vận động, nhức mỏi khắp người, muốn phát bệnh. Mà cho dù tụi bây không đồng ý thì mẹ cũng làm. Được rồi, để mẹ tự lo liệu, khỏi cần đến ai giúp đâu.

Thấy không can ngăn được nên cả nhà chiều theo. Rồi ba chạy ra chợ mua cho bà nồi gang nấu khoai to thiệt to. Đồng thời đặt bạn hàng giao khoai ngon tận nhà. Thế là buổi tối hôm đó, cả nhà xúm xít lại rửa khoai giúp bà. Bà vui ra mặt, yêu đời, tay chân làm lia lịa mà không mệt mỏi. Dù miệng bà bỏm bẻm nhai trầu nhưng vẫn cứ huyên thuyên trêu chọc mọi người:

- Rửa khoai nhiệt tình nhưng tôi không có trả công đâu à nghen. Nói trước cho biết, “mếch lòng trước, đặng lòng sau” đấy!

Tôi hưởng ứng câu nói của bà:

- Nội, con không cần trả lương. Sáng đi học, nội cho con vài củ ăn điểm tâm nhé!

- Sẵn sàng thôi, ông tướng ạ! - Nội rổn rảng bảo thế.

Sáng hôm sau, mẹ gánh thúng khoai lang, khoai mì ra đầu hẻm cho nội bán. Nói là sáng nhưng mới 4 giờ, trời còn tờ mờ là mẹ đã dậy nấu khoai sẵn rồi. Nội dậy sau, ngạc nhiên:

- Bây dậy sớm còn hơn mẹ nữa. Mẹ cảm ơn bây đã chuẩn bị tươm tất. Giờ để mẹ gánh hai thúng khoai ra đầu ngõ.

Khỏi phải nói cũng biết mẹ tôi không đồng tình:

- Mẹ già rồi, xương giòn lắm, rủi có gì thì biết làm sao! Thôi để con gánh ra cho, nhiệm vụ của mẹ chỉ việc ngồi bán và chào mời sao cho người ta mua đắt, hết sớm.

Nội cười, nụ cười giòn tươi màu trầu:

- Ừ, cũng được! Mẹ làm mà tụi bây cứ “dọn ổ” sẵn, thiệt là…

Mẹ đi trước, nội nối bước theo sau. Nội ngồi sau hai thúng khoai, cung cách đon đả với khách như một bà bán hàng thứ thiệt. Bà kỹ tính, nên củ khoai lang, khoai mì, khoai từ nào cũng sạch láng, không dính tí bùn đất, râu ria gì cả. Khu này sinh viên, công nhân ở trọ đông nên chỉ đến 8 giờ sáng là mẹt khoai đã hết sạch sành sanh. Vả lại đây là ngày đầu tiên nội bán nên bà con trong xóm xúm nhau ủng hộ rất nhiều. Chỉ có điều, mắt nội kèm nhèm nên mỗi lần cân khoai hơi lâu. Dù vậy khách không phàn nàn gì, ai cũng cảm thông cho bà già xấp xỉ tuổi bát tuần.

Ngày đầu “thắng lợi vang dội”. Nhưng bán đến ngày thứ 2, thứ 3… thì chậm dần, thưa dần và rồi ngày nào nội cũng ế ít nhất 1kg khoai. Những hôm trời trở chứng đỏng đảnh mưa to lúc sáng sớm, thấy nội ôm hai thúng khoai sợ ướt khiến cho cả nhà rơi nước mắt. Cây dù to nhưng không che trọn tấm thân gầy còm của nội. Hôm ấy cả nhà ăn khoai trừ cơm, còn nội thì cảm lạnh, hắt xì liên tục. Ba thấy vậy nên đề nghị:

- Mẹ nghỉ bán đi. Lời chẳng được bao nhiêu nhưng cứ ế trường kỳ. Mẹ cứ cực nhọc thức khuya, dậy sớm, làm nặng, dầm mưa dãi nắng hoài làm tụi con đau lắm!

Bà nói giọng mệt mỏi:

- Ừ… thì nghỉ!

Ba hô to:

- Thật hả mẹ?

- Mẹ mày không lẽ nói xạo. Nghiêm túc đó. Mẹ già thật rồi, không còn khỏe mạnh như ngày xưa. Ghét nắng, kỵ mưa, hở một tí là bệnh. Nhưng nhờ vậy mẹ mới hiểu được tình cảm của mọi người. Biết quan tâm lẫn nhau, lo lắng cho nhau là điều tốt, cần được phát huy. Cách mà tụi con chạy đi mua dụng cụ nấu khoai, rửa khoai và mang khoai ra chợ bán làm mẹ xúc động lắm. Nhiêu đó cũng đủ lấy lời rồi, dù khoai còn ế khá nhiều.

- Cả nhà yêu thương nhau là lẽ tất nhiên rồi, có gì mà mẹ phải bận tâm! - Ba vỗ về nội - Con tính thế này nhé. Giờ con mua hạt giống rau về cho mẹ và mấy cháu gieo trồng an thú điền viên. Sẵn nhà mình có thêm mớ rau sạch cải thiện bữa cơm gia đình. Như vậy mẹ khỏi phải lo ngồi không khó chịu.

- Ừ, con tính vậy cũng được. Hồi con gái mẹ cũng mê trồng trọt, mát tay lắm đấy.

Tôi giơ tay ý kiến:

- Ba nói hay đó nội. Con cũng thích trồng rau lắm! Bà cháu mình hợp tác canh nông nha, có nhiều thì mang rau chia sẻ với người, còn ít thì để nhà dùng.

- Lại buôn bán à? - Bà bỏm bẻm cười.

- Dạ… Ý con là mình biếu họ ăn lấy thảo chứ không bán ạ!

- Vậy thì được. Mà thôi vụ trồng rau sau này hẵng tính. Mẹ nghỉ bán, chắc chắn rồi. Nhưng còn hai mẹt khoai này tính sao đây?

Mẹ tôi nhanh nhẩu nói:

- Mẹ đừng lo, con tính nấu chè và nướng bánh. Rồi sau đó mang biếu cho họ hàng, láng giềng một ít ăn lấy thảo chứ không bỏ lãng phí đâu má.

- Thế thì còn gì bằng. À, tiền lời mẹ bán trong mấy ngày qua để trong ngăn tủ dưới, con lấy mà mua nguyên liệu làm bánh.

- Thôi mẹ cứ giữ mua trầu cau ăn.

- Cau trầu ngoài vườn ăn cả đời không hết. Giờ dành dụm tiền làm gì nữa? Chết có mang theo được đâu. Mẹ định bỏ ống để cho tiền cháu của mẹ đi học, nhưng chẳng có là bao. Thôi coi như mẹ hùn tiền đường, tiền bột vậy! Không lấy là mẹ giận, mai đi bán tiếp.

Cả nhà hoảng hốt, vội đồng thanh đồng thủ hô to:

- Xin vâng lời ạ!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ý nghĩa đời người

Ý nghĩa đời người

GNO - Mục đích của đời người là gì? Đây là câu hỏi rất phổ biến mà người ta thường hay hỏi. Có một số người đã trả lời câu hỏi này theo cách của họ, nhưng vẫn chưa làm thỏa mãn các bậc thức giả.
[Video] Tăng Ni, Phật tử TP.HCM về Việt Nam Quốc Tự ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ

[Video] Tăng Ni, Phật tử TP.HCM về Việt Nam Quốc Tự ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ

GNO - Sáng ngày 16-9, tại Trụ sở Ban Trị sự - Việt Nam Quốc Tự, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM phát động đóng góp ủng hộ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra tại các tỉnh thành phố. Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng quang lâm phát biểu kêu gọi và đóng góp ủng hộ.

Thông tin hàng ngày