Thượng tọa Thích Đức Thiện trả lời phỏng vấn nhân dịp năm mới Nhâm Dần - 2022

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN - Ảnh: Bảo Toàn
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN - Ảnh: Bảo Toàn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Thượng tọa Thích Đức Thiện là một vị giáo phẩm lãnh đạo Trung ương Giáo hội, so với hiện tại, được xem là người trẻ khi được suy cử đảm nhiệm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN khi tuổi mới ngoài 50...

Ngay giữa lúc TP.HCM đang trong cao điểm của đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ 4, cũng là đợt bùng phát khốc liệt nhất ở nước ta tính cho tới nay, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự đã có mặt cùng với đại diện Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, tỉnh Long An đi thăm một số bếp ăn của Phật giáo phục vụ cho lực lượng tuyến đầu và các bệnh viện dã chiến, trung tâm điều trị người bệnh Covid-19.

Thăm và tặng quà đến các bác sĩ, chư Tăng tình nguyện viên tại Trung tâm Hồi sức điều trị người bệnh Covid-19 tại huyện Bình Chánh do Bệnh viện Việt - Đức đảm trách - Ảnh: Bảo Toàn

Thăm và tặng quà đến các bác sĩ, chư Tăng tình nguyện viên tại Trung tâm Hồi sức điều trị người bệnh Covid-19 tại huyện Bình Chánh do Bệnh viện Việt - Đức đảm trách - Ảnh: Bảo Toàn

Nhớ lại cảm xúc của thời điểm đặc biệt đó, Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ:

- Đến bây giờ, tôi không thể quên được ấn tượng của một chuyến đi đặc biệt với những cảm xúc chưa bao giờ có trước đó, và có lẽ cả sau này trong cuộc đời của mình. Đó là chiều ngày 1-9-2021, khi bước chân lên chuyến bay của Hãng VietJet, tôi lạnh người, vì không thấy một hành khách nào ngoài tôi và Đại đức trợ lý, cùng với vài thành viên của phi hành đoàn.

Máy bay được dùng để vận chuyển trang thiết bị y tế cấp tốc vào TP.HCM. Không một nụ cười rạng rỡ tiếp đón như thường thấy trên các chuyến bay, mà thay vào đó, là sự lạnh lẽo mông lung... Một cảm giác đè nặng trong lòng khiến tôi phần nào hình dung mức độ tang thương nơi tâm dịch mà cả nước đang hồi hộp dõi theo thông tin hàng ngày, với sự cầu nguyện “mong Sài Gòn mau khỏe lại”…

4 giờ chiều, khi máy bay đáp xuống Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất của TP.HCM phồn hoa, nơi được mệnh danh là thành phố không bao giờ ngủ, không khí trĩu nặng lại nhân lên bội phần. Ngoài một vài nhân viên mặt đất đón đoàn, cả sân bay mênh mông vắng lạnh, nhà ga tối tăm không ánh đèn…

* Ấn tượng của cuộc tiếp xúc đầu tiên với người ở tâm dịch lúc bấy giờ, Thượng tọa có thể chia sẻ…

- Ngay khi về đến chùa Vĩnh Nghiêm, 5 giờ chiều, tôi cùng với Thượng tọa Thích Thanh Phong và đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương đang ở TP.HCM tham gia đoàn trao các bình oxy hỗ trợ điều trị F0 tại quận Bình Tân. Gặp gỡ lãnh đạo quận, được biết chỉ riêng địa bàn quận Bình Tân tại thời điểm đó có hơn 30.000 F0, tôi thực sự choáng và phải hỏi lại lần nữa để xác nhận sự thật kinh khủng này.

Ai trong chúng ta cũng từng nghe nói về “lực lượng tuyến đầu” nhưng không phải ai cũng tiếp xúc và thấu hiểu hoàn cảnh khốc liệt cũng như những hy sinh của họ vào lúc cao điểm. Cũng tại quận Bình Tân, chúng tôi đến thăm một trung tâm y tế lưu động và được giới thiệu một bác sĩ quân y trong bộ dạng không thể tin được nếu không gặp trực tiếp: anh mặc quần xà lỏn, áo may-ô đẫm mồ hôi. Anh cho biết vừa mới đi cấp cứu cho các F0 nặng ở các khu phong tỏa cách ly về, vừa kịp trút bỏ bộ đồ bảo hộ. Nhìn con người đó, vóc dáng đó của anh mà nước mắt tôi cứ chảy. Lúc đó tôi đã khóc.

Hỏi chuyện, được biết anh là người Hà Đông, một trong những bác sĩ quân y được chi viện cho TP.HCM, trong hàng chục ngàn người thuộc các lực lượng ở các địa phương khác được lệnh về tâm dịch tham gia tuyến đầu, trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19. Họ đã đến đây trong tâm thái của một người lính, gác tất cả những lo toan, vướng víu của đời sống cá nhân để làm nhiệm vụ thiêng liêng: chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh, cứu mạng sống cho người dân, đem lại sự yên tâm, sức khỏe và bình an đến cho đồng bào, cho TP.HCM…

Đó cũng là cảm xúc cũng như suy nghĩ chung của tôi trong chuyến đi thăm các bếp ăn nhà chùa phục vụ lực lượng tuyến đầu như chùa Vĩnh Nghiêm, Nam Thiên Nhất Trụ, bếp chay Tường Nguyên, chùa Giác Ngộ, các Bệnh viện Dã chiến số 10, số 6, số 13, Trung tâm Hồi sức điều trị Covid-19 do Bệnh viện Việt - Đức phụ trách tại Bình Chánh - TP.HCM và Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tại Tân Uyên, tỉnh Long An…

Thượng tọa Thích Đức Thiện hỏi thăm và tặng quà cho lực lượng tuyến đầu (trong ảnh là với TS.BS Nguyễn Thanh Vinh, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 10) trong lúc TP.HCM ở cao điểm của đợt bùng phát thứ 4 - Ảnh: Bảo Toàn

Thượng tọa Thích Đức Thiện hỏi thăm và tặng quà cho lực lượng tuyến đầu (trong ảnh là với TS.BS Nguyễn Thanh Vinh, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 10) trong lúc TP.HCM ở cao điểm của đợt bùng phát thứ 4 - Ảnh: Bảo Toàn

* Thượng tọa nghĩ như thế nào những đóng góp của Phật giáo, cụ thể là Tăng Ni, Phật tử…

- Rất lớn! Không chỉ quý tôn đức lãnh đạo Giáo hội mà cả lãnh đạo đất nước cũng đã có những nhận định ban đầu về sự những đóng góp của Phật giáo nói riêng và tôn giáo, toàn xã hội nói chung cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam.

TP.HCM là một phần trong thân thể của đất nước, do đó, khi nơi này có vấn đề, cụ thể là dịch bệnh bùng phát, thì cả nước đều hướng về một cách tự nhiên và cố gắng làm tất cả những gì có thể để thành phố sớm được trở lại bình thường. Tăng Ni, Phật tử cũng không ngoại lệ.

Với Phật giáo, nền tảng giáo lý duyên sinh đã định hướng cho hành động thiện nguyện, nội hàm từ bi và trí tuệ là động cơ cho việc dấn thân phụng sự không vụ lợi, trong mục đích đem lại an vui cho số đông. Do đó, dẫu được phát động hay không thì Tăng Ni, Phật tử vẫn nỗ lực làm các công tác từ thiện một cách tự nhiên theo nhận thức và nhân duyên của mỗi người. Việc của Giáo hội là định hướng, gợi ý và chăm sóc để kết nối các công tác từ thiện cùng mang lại lợi ích thiết thực cho con người, cho xã hội và đất nước trong hoàn cảnh chung của thế giới.

Chẳng hạn trong đợt dịch vừa qua, sau khi Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN có công văn kêu gọi Tăng Ni, Phật tử dấn thân làm tình nguyện viên hỗ trợ việc chăm sóc bệnh nhân ở các bệnh viện dã chiến, điều trị Covid-19, thật xúc động là ngay lập tức, có hàng trăm đơn đăng ký của Tăng Ni trẻ gửi về Văn phòng I Trung ương, bày tỏ nguyện vọng tham dự phục vụ ở tuyến đầu.

Hàng trăm người, trong đó có nhiều Tăng Ni, đã luân phiên phục vụ không quản sự thay đổi nếp sống nhà chùa đã thấm vào người, cả nguy cơ nhiễm bệnh chực chờ đe dọa mạng sống của chính mình, không ngại cả việc làm vệ sinh cho người bệnh nặng, chăm từng thìa cháo, lắng nghe và chia sẻ để xoa dịu nỗi khổ niềm đau, kết nối giữa người bệnh trong cô đơn với thân nhân để họ được yên lòng, có nơi chư Tăng còn kiêm cả việc lo hậu sự, cầu nguyện cho người không may qua đời mà chưa thể mang đi hỏa thiêu vì các trung tâm hỏa táng bị quá tải…

Không thể kể hết từng chi tiết, nhưng ấn tượng nhất, với tôi, là những Tăng Ni, Phật tử tham gia lực lượng tuyến đầu. Họ đã cùng với đội ngũ y tế, các y bác sĩ chung một tấm lòng chăm sóc cho người bệnh để họ sớm phục hồi. Khi đến thăm, nghe và thấy việc làm của đội ngũ này, đặc biệt là các tình nguyện viên là Tăng Ni trẻ, tôi thực sự xúc động về chất tu đã thấm chuyển hóa thành sự tận tụy vô tư. Tôi cũng cảm nhận rất cụ thể về tình người và năng lượng vô biên của tinh thần phụng sự, không gì có thể so sánh và diễn đạt được.

Ảnh tác giả

“Lịch sử Việt Nam luôn ghi nhận những đóng góp to lớn của Đạo Phật đối với Dân tộc. Hơn hai nghìn năm hiện diện trên đất nước Việt Nam, qua những thăng trầm cùng lịch sử, Phật giáo đã sớm hòa nhập vào đời sống xã hội, hòa đồng với cuộc sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân và trở thành một tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam. Trải qua chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay, dựa trên nền tảng giáo lý mang tính nhân văn sâu sắc của tư tưởng từ bi, hỷ xả, “lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha”; lấy phương châm “Phật pháp bất ly thế gian giác”, “hộ quốc, an dân” cho đường hướng hành đạo, Phật giáo luôn luôn là thành viên tin cậy, có nhiều đóng góp quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực trên tất cả các mặt hoạt động kinh tế - xã hội, chung sức, chung lòng cùng toàn dân xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, cuộc sống yên vui”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (trích phát biểu tại Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN

* Thưa Thượng tọa, năm qua không chỉ là giai đoạn khó khăn đối với đất nước, mà cả GHPGVN cũng có nhiều sự kiện, cả sự mất mát lớn, đặc biệt về sự viên tịch của Đức Đệ tam Pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ…

- Đúng vậy. Mất mát lớn nhất đối với GHPGVN là sự viên tịch của Đức Đệ tam Pháp chủ. Tuy nhiên, những di huấn và chính đời sống phạm hạnh qua 105 năm trụ thế, gần 100 năm tu hành của Ngài là tấm gương sáng cho Tăng Ni, Phật tử noi theo cho giai đoạn khó khăn chung. Từ đó, tiếp tục phát huy nội lực của tâm từ bi và trí tuệ, trong trách nhiệm chung trang nghiêm Giáo hội, góp phần xây dựng quê hương đất nước ổn định, phát triển và hội nhập, đặc biệt là bằng chất liệu tu tập, tham dự và hiến tặng cho đời với những gì đặc trưng Phật giáo trong truyền thống gắn bó lâu đời với dân tộc.

Một sự kiện khác cũng mang dấu ấn quan trọng đối với Giáo hội, đó là lần đầu tiên từ khi GHPGVN được thành lập (1981) cho tới nay, chư tôn Trưởng lão Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh đã triệu tập các phiên họp để thực hiện các trách nhiệm thiêng liêng theo Hiến chương, thảo luận và thông qua Quy chế hoạt động của Ban Thường trực, thành lập Hội đồng Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh, đề cử Quyền Pháp chủ GHPGVN… Thật xúc động khi được chứng kiến cảnh chư tôn Trưởng lão các hệ phái nhóm họp trong tinh thần đoàn kết, thảo luận trong niệm hoan hỷ và thống nhất, vì sự ổn định và phát triển của Giáo hội.

Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN - một sự kiện đã được chuẩn bị kỹ lưỡng cả năm trước, nhưng do tình hình đại dịch bùng phát, phải chuyển đổi hình thức tổ chức trực tuyến. Điều đáng ghi nhớ là lần đầu tiên trong sự kiện kỷ niệm thành lập GHPGVN, đích thân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự, trao Huân chương Độc lập hạng Nhất và có bài phát biểu quan trọng khẳng định vai trò lịch sử của Phật giáo đối với dân tộc cũng như gợi ý hướng phát triển mang tính kế thừa cho giai đoạn tiếp theo, thể hiện trong tầm nhìn và và định hướng phát triển GHPGVN gồm 8 điểm mà Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã trình nhân Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập vào ngày 7-11-2021.

* Là một vị giáo phẩm lãnh đạo Trung ương Giáo hội, so với hiện tại, được xem là người trẻ khi được suy cử đảm nhiệm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự ở độ tuổi mới ngoài 50, Thượng tọa có trăn trở nào để chia sẻ trong tuổi mới nhân mùa xuân Nhâm Dần - 2022 này?

- Trong đời sống, tôi ngẫm rằng mọi sự đều là nhân duyên. Trước đây, khi xuất gia và sau đó được cơ duyên du học tại Đài Loan, Ấn Độ và Hoa Kỳ, tôi chỉ mong trở thành người nghiên cứu, trước hết thỏa mãn nhu cầu nhận thức của tự thân về Phật giáo và Phật giáo Việt Nam. Nhưng do duyên, được chư tôn Trưởng lão, quý Hòa thượng lãnh đạo chỉ định tham gia một số Phật sự, rồi giao một số công việc, suy cử Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, dù vậy, tôi vẫn cảm thấy mình nhỏ bé trong đại gia đình tâm linh là Giáo hội, luôn tâm niệm cố gắng hết sức để phụng sự.

Điều tôi thấy thật may mắn là trong tất cả các Phật sự luôn có sự hiện diện trực tiếp hoặc gián tiếp của chư tôn Trưởng lão, các bậc giáo phẩm của các truyền thống, hệ phái trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Ở góc độ tôn giáo, đặc biệt là đối với đạo Phật, sự hiện diện của các bậc đạo cao đức trọng, giới phẩm tinh nghiêm chính là sự bảo hộ tâm linh cho chúng tôi làm việc một cách yên tâm và mạnh mẽ. Bởi nói cho cùng, chất lượng cho các chương trình, hoạt động của Giáo hội góp cho đời chính là chất tu, là năng lượng của tâm từ bi không phân biệt và tầm nhìn trí tuệ vô quải ngại. Đó cũng là điều mà chúng ta thấy được qua đại dịch Covid-19, thể hiện một cách sinh động trong và sau đợt bùng phát khốc liệt nhất không chỉ cho TP.HCM mà ảnh hưởng lên cả nước, và chính trong hoàn cảnh thực tại đó, chúng ta thấy rõ nhất sức mạnh của tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau thật cảm động của người Việt. Đó cũng chính là sức mạnh lớn để Việt Nam vươn lên mỗi khi gặp hoàn cảnh khó khăn và trở nên hùng cường.

Chân thành cảm ơn Thượng tọa đã chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.

Thông tin hàng ngày