Tiểu Phước ngày xưa & câu hỏi về Bụt...

Giác Ngộ - Bé Tâm xuất gia tính đến hôm nay đã hơn tám năm. Cô bé Tâm ngày nào, 12 tuổi vào chùa với cái tên đạo là tiểu Phước, nay đã trở thành một Tỳ kheo ni trẻ, một sư cô chững chạc đang theo học trường trung cấp Phật học.

Bé Tâm ngày đó mồ côi mẹ khi mới ba tháng tuổi, cha đi lấy vợ khác, bà ngoại nuôi cháu chưa trưởng thành thì cháu đã quyết định xuất gia, mặc cho bà ngoại đã khóc hết nước mắt nhưng không thể can ngăn được...

anh 1 - Tieu - Le Dan.jpg

Tôi thật sự bất ngờ và lo lắng cho đứa cháu gái khi nghe cháu có ý định xuất gia, tôi hỏi: "Tại sao cháu thích đi tu?". Cháu trả lời một cách hồn nhiên: "Thưa cậu, cháu không muốn sau này sẽ giống như mẹ cháu, để lại một đứa con mồ côi như cháu thì khổ lắm!". Một đứa trẻ không ham muốn những đòi hỏi thường tình như những đứa trẻ khác, chỉ ước mong được xuất gia, trong lòng tôi vừa bất ngờ, vừa khâm phục, đành chiều theo ý cháu. Tôi đi lên chùa trình bày việc này và thỉnh ý sư cô trụ trì. Điều kiện thử thách sư cô đặt ra như sáu tháng ăn chay trường ở nhà, bé Tâm đều vượt qua được.

Ngày bé Tâm đi xuất gia, bà ngoại bảo: "Mai mốt cháu lên chùa rồi, bà biết ngủ với ai?". Bà khóc sụt sùi làm cho tôi và cả nhà rơi nước mắt, còn bé Tâm cúi mặt không nói gì, cháu ôm bà ngoại và khóc theo.

Sư cô trụ trì thấy cháu thông minh "có căn tu", tiến bộ rất nhanh trong việc học kinh và giáo lý hơn một vài tiểu đến trước nên chỉ trong vòng hai tháng làm công quả, tiểu Phước được xuống tóc, chừa lại một cái chỏm ở trước.

Sáu tháng đầu bé Tâm vào ở chùa, vợ chồng tôi và bà ngoại không dám đi chùa của bé đang tu, mà chúng tôi phải đi một chùa khác, bởi vì sợ cháu thấy bà và cậu thì cháu sẽ nhớ nhà, tuy nhiên, cứ vài tuần tôi lại gọi điện cho sư cô để xem cháu ra sao. Sư cô cho biết vài tháng đầu tiểu Phước chưa quen chỗ ở mới, công việc mới nên khuôn mặt cháu chưa được tươi vui lắm, nhưng tiểu Phước rất siêng năng học hành cũng như làm việc. Ở trường, tiểu Phước thuộc loại học sinh khá; ở chùa tiểu Phước chăm chỉ học kinh, tụng kinh, quét sân, quét chánh điện, làm vườn, tưới cây... Sư cô còn tiết lộ một "bí mật", đó là đêm nào tiểu Phước cũng lấy hình mẹ ra coi và khóc, có khi không giấu được tiếng nấc nên bị tiểu bên cạnh phát hiện lên mách với sư cô.

Hơn sáu tháng sau vợ chồng tôi cùng bà ngoại lên chùa thăm tiểu Phước. Chúng tôi gặp cháu, không kiềm được nước mắt, nhất là bà ngoại. Hai bà cháu ôm chầm lấy nhau mừng rối rít. Khi sư cô đang nói chuyện với bà ngoại và bà xã của tôi thì tiểu Phước kéo tôi ra hỏi: "Này cậu ơi! Phật và Bụt là một phải không ạ? Nếu là một, sao hình dáng Phật trên tượng thờ thì khác; còn ông Bụt hiện ra trong truyện cổ tích Tấm Cám lại giống như ông Tiên hiền từ tóc bạc, râu bạc, cầm cây gậy cũng có một chùm dây bạc hả cậu?". Câu hỏi này tiểu Phước không dám hỏi sư cô mà lại hỏi tôi; thực ra tôi cũng đang bí, chỉ biết chắc chắn Bụt và Phật là một rồi, nhưng giải thích thì tôi chịu, tôi liền nghĩ ra cách "hoãn binh" mà một đứa trẻ có thể chấp nhận được. Câu trả lời của tôi như sau: "Phật và Bụt là một, tiểu Phước à! Giống như tiểu Phước với bé Tâm là một vậy! Hình dáng tượng Phật ở chánh điện là khi Phật đang còn trẻ; còn Bụt trong câu chuyện Tấm Cám thì Ngài đã già rồi, với lại ông hiện thân xuống xứ mình thì phải ăn mặc theo y phục của mình chứ bộ!". Nhìn cái đầu lúc lắc của tiểu, tôi mừng vì xem ra tiểu Phước chấp nhận câu trả lời "chống chế" ấy của mình...

Hình ảnh của tiểu Phước là ý tưởng để cho tôi sáng tác ra bức thư họa: "Tiểu - Kìa chú tiểu nhỏ/ Chỏm tóc vắt lên/ Mắt thường khép mở/ Môi cười hồn nhiên", và một bức : "Đạo - Đạo là thức, ngủ trang nghiêm/ Là cầm chổi quét mái hiên sân chùa" tặng tiểu Phước như một lời động viên cổ vũ tiểu cố gắng nhiều hơn nữa.

*

Sau vụ ba và mẹ kế của tiểu Phước ở trong Nam ra thăm quê, ba mẹ muốn đem tiểu Phước vào trong đó, nhưng không làm lung lay ý chí tu hành của tiểu. Phải nói, tiểu Phước có tám năm trời tu học khá suôn sẻ.

*

Tiểu Phước ngày ấy, bây giờ đã trở thành Sư cô Thích nữ Liên Phước cứng rắn và dũng mãnh lên rất nhiều, sư cô nói với tôi rằng: "Cậu ơi! Con xin cám ơn về câu trả lời của cậu năm xưa rất hay về Bụt và Phật là một. Bây giờ con đã học và biết nhiều hơn thế về xuất xứ của hai chữ "Bụt" và "Phật", nhưng không sao, cậu vẫn là người thầy đầu tiên đang đi bên cạnh cổ vũ cho con, giúp con tiến lên trên con đường đạo đang còn rất nhiều gian nan, rất nhiều chướng ngại. Con xin hứa với cậu sẽ quyết tâm nhiều hơn nữa để vượt qua khổ cực và chướng ngại phía trước".

Sư cô đã qua rồi một thời làm chú tiểu hồn nhiên vô tư, một thời trẻ con chưa thấy được những nghịch cảnh, cứ tưởng dễ dàng như quét lá đa, học kinh Phật là đủ. Khi trưởng thành mới thấy hết được trăm ngàn thứ khó khăn đang chờ mình phía trước. Nhưng tôi vẫn rất tin vào ý chí của sư cô, và cũng từ hình ảnh hiền từ của sư cô, tôi có ý tưởng để vẽ một bức thư họa khác mang tên "Sư cô". Bức thư họa này tôi dành để chúc mừng ngày sư cô tròn 8 năm xuất gia học Phật. Cầu mong cho sư cô có được nguyện lực thâm sâu, vững chãi đi đến an lạc Niết bàn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày