Tiểu sử Hòa thượng Thích Huệ Cảnh (1949-2024)

0:00 / 0:00
0:00

Hòa thượng Thích Huệ Cảnh, thế danh Mai Văn Tạo, pháp húy Nhựt Quang, thuộc đời thứ 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ, sinh ngày 12-4-1949 tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Ngọc, thân mẫu là cụ bà Mai Thị Thạnh. Ngài là con trưởng trong gia đình có bảy anh chị em. Với bản chất thông minh, từ thuở còn là học sinh, ngài đều đạt thành tích xuất sắc trong học tập.

Xuất gia học đạo

Đầy đủ phúc duyên, ngài được sinh ra trong một gia đình nhiều đời kính tin Tam bảo, song thân đều là những Phật tử thuần thành, thường tạo phước cúng dường Tam bảo và giúp đỡ những người nghèo khó. Nhờ vậy mà hạt giống bồ-đề ngày càng phát triển, nên ngài đã sớm bộc lộ niềm tin và ý nguyện xuất thế.

Năm 1969, ngài được song thân cho xuất gia đầu Phật với cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Thành, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, nguyên Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, viện chủ tổ đình Long Thiền (Đồng Nai), nguyên Tăng thống Phật giáo cổ truyền.

Nhờ gần gũi bậc cao Tăng đạo hạnh và đức độ nên chủng trí vô sư nhiều đời huân tập nhân đây mà tăng trưởng. Năm 1972, ngài được Hòa thượng bổn sư cho đăng đàn thọ Sa-di giới. Năm 1974, với chí nguyện sâu dày, oai nghi tề chỉnh, ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới.

Với bản tính cương trực, quyết đoán, một khi nhận lãnh công việc gì, ngài đều quyết làm cho bằng được, đó là nền tảng giúp ngài vững chãi trên con đường đạo.

Pháp tướng Hòa thượng Thích Huệ Cảnh - Ảnh: Nguyện Truyền
Pháp tướng Hòa thượng Thích Huệ Cảnh - Ảnh: Nguyện Truyền

Thời kỳ hành đạo

Do ảnh hưởng tinh thần và tư tưởng dấn thân hành đạo của Hòa thượng bổn sư, ngài cảm nhận sâu sắc về con đường nhập Bồ-tát hạnh và vai trò nhập thế của người xuất gia hành đạo.

Vì vậy, sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, ngài tham gia Thành viên Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước từ năm 1976 đến năm 1981.

Năm 1981, sau khi thống nhất Phật giáo cả nước, thành lập GHPGVN, Thành hội Phật giáo TP.HCM được thành lập (1982), Hòa thượng được cử làm Đại diện Phật giáo liên xã H.Thủ Đức.

Đến ngày 6-1-1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 03-CP, H.Thủ Đức giải thể để thành lập 3 quận mới là: Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức, Hòa thượng được cử làm Phó ban Đại diện Phật giáo Q.9 cũng như Phó Chủ nhiệm Lớp Sơ cấp Phật học Q.9 và đảm nhiệm các chức vụ này cho đến năm 2002. Sau đó, tiếp tục được sự tín nhiệm của Tăng Ni, Phật tử, ngài được suy cử làm Chánh đại diện Phật giáo Q.9 đồng thời làm Chủ nhiệm Lớp Sơ cấp Phật học quận nhà đến năm 2012.

Từ năm 2012 đến năm 2021, ngài được suy cử Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM, Trưởng ban Trị sự GHPGVN Q.9.

Qua từng giai đoạn lịch sử, cũng như qua nhiều nhiệm kỳ, với vai trò lãnh đạo Phật giáo địa phương, ngài đã làm tốt việc quản lý, điều hành, giữ vững đoàn kết nội bộ, tạo được sự thống nhất trong suy nghĩ và hành động theo phương châm của Giáo hội, đảm bảo công tác tổ chức và những hoạt động giữa Ban Trị sự cùng các tự viện trên địa bàn theo quy định của Hiến chương GHPGVN và Quy chế Ban Tăng sự T.Ư cũng như pháp luật Nhà nước.

Hòa thượng còn tích cực tham gia các phong trào làm lợi đạo ích đời, các hoạt động an sinh xã hội: xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình nghĩa, tình thương…

Với những đóng góp đó, năm 2002-2016, ngài được mời tham gia làm Ủy viên Ủy ba­­n MTTQVN Q.9. Năm 2007-2012, ngài đắc cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân Q.9. Trong suốt quá trình tham gia công tác dân cử, Hòa thượng đã đóng góp nhiều ý kiến hiệu quả trong việc xây dựng chính sách xã hội của địa phương.

Đến ngày 1-1-2021, 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức được sáp nhập thành TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM theo Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH/14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành vào ngày 9-12-2020, tại Đại hội đại biểu Phật giáo nhiệm kỳ đầu tiên (2021-2026), Hòa thượng được cung thỉnh vào Ban Chứng minh. Ở cương vị này, ngài không từ sức khỏe quang lâm chứng minh trong mọi công tác Phật sự của Phật giáo địa phương, hỗ trợ Ban Trị sự giải quyết những vấn đề liên quan của Giáo hội đồng thời kết nối, giữ vững mối quan hệ giữa tổ chức Giáo hội với chính quyền các cấp.

Với những đóng góp tích cực cho Đạo pháp và Dân tộc, Hòa thượng được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc của Ủy ban T.Ư MTTQVN, Bằng khen của Đại tướng Bộ Công an Trần Đại Quang, Bằng khen của UBND, Ủy ban MTTQVN TP.HCM, Bằng tuyên dương công đức của Hội đồng Trị sự, Bằng công đức của Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Giấy khen của Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQVN Q.9 và P.Phước Long A.

Trong sự nghiệp kế thừa mạng mạch, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, Hòa thượng đã tế độ rất nhiều đệ tử xuất gia cũng như hàng ngàn Phật tử tại gia quy hướng Tam bảo.

Hòa thượng đã thuận thế vô thường viên tịch vào lúc 13 giờ ngày 28-10-2024, (nhằm ngày 26-9-Giáp Thìn), tại tổ đình Bửu Thạnh (số 62 đường số 6, P.Long Trường, TP.Thủ Đức, TP.HCM); trụ thế 76 năm, 50 hạ lạp, để lại sự kính tiếc cho Tăng Ni, Phật tử.

***

Cuộc đời hành đạo của Hòa thượng là tấm gương sáng cho các thế hệ hậu học noi theo, với chuỗi thời gian phụng sự cho Đạo pháp và Dân tộc, là ngọn thiền đăng dẫn dắt cho hàng đệ tử xuất gia và tại gia trên bước đường tu học giải thoát.

“Bóng ngài đã khuất non ngàn,

Hương thơm còn đó mây ngàn chân như.”

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày