Ít thấy những nụ cười vốn thường gặp trên khuôn mặt người mua kẻ bán. Thành phố áp dụng giãn cách triệt để, không còn taxi, xe buýt, chợ tạm vỉa hè. Người ta sẽ sống ra sao ư? Tấm lòng người Sài Gòn luôn thơm thảo nghĩa tình, đó đây những siêu thị 0 đồng, những cây ATM gạo, những suất ăn miễn phí, vẫn được phân phát. Các cơ quan chức năng đang ưu tiên chuyển gấp vắc-xin vào thành phố, nơi tạo ra nguồn lực cho 35% GDP cả nước, nơi cưu mang hàng triệu mảnh đời tứ xứ đổ về.
Những ngày này, nhìn kỹ lại mới thấy, người ta không chỉ cần thực phẩm hay vắc-xin, người ta đang cần nhiều hơn những thứ ấy. Những dư chấn của cơn dịch này về các mặt sức khỏe tâm lý, và xã hội xem ra còn trầm trọng hơn nhiều!
Covid-19 làm ảnh hưởng, để lại dư chấn trên nhiều phương diện của đời sống con người |
Vì sao tìm lại?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), “sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm có tình trạng không có bệnh hay thương tật”. Giờ đây, nhiều người rơi vào tình trạng suy nhược từ thể xác đến tinh thần. Theo ghi nhận từ các phương tiện truyền thông, dịch Covid-19 khiến nhiều người bị sang chấn tinh thần, nghĩa là rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, thất vọng, dễ nổi nóng - những dấu hiệu cảnh báo họ đang bị stress.
GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tăng huyết áp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết: “Theo một thống kê năm 2017, nước ta có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới stress. Tuy nhiên, số người biết bệnh và đi khám rất thấp. Thời gian gần đây, số trường hợp đến khám rối loạn liên quan stress có phần gia tăng hơn. Một loạt các tác động tâm lý đã được quan sát trong các đợt bùng phát Covid-19, ở cấp độ cá nhân, cộng đồng, quốc gia và quốc tế. Ở cấp độ cá nhân, nhiều người có thể có cảm giác sợ hãi bị ốm hoặc chết, cảm thấy bất lực. Đại dịch đã gây tác hại đến sức khỏe tâm thần cộng đồng, thậm chí có thể dẫn đến khủng hoảng tâm lý, nhất là khu vực cách ly lâu dài”.
Một cô bạn của tôi là nhà văn đã trả lời khi được hỏi thăm: “Bạn hỏi mấy hôm nay sao không thấy vào Facebook? Có vào nhưng ít like, ít comment. An nhiên sao được khi con hẻm kế bên bị phong tỏa lần nữa, sau đó mấy hôm thêm bốn ca dương tính rồi quán cơm gần đó cũng bị phong tỏa. Lại rơi vào sự im lặng đáng sợ ngoại trừ tiếng còi hụ của xe cứu thương và tiếng xe phun thuốc khử trùng. So với ba đợt dịch trước, lần này virus mạnh hơn, lây lan nhanh hơn đồng thời kéo theo sự chán nản, mệt mỏi, lo sợ cũng nhiều hơn.
Bạn hỏi rảnh rỗi như thế chắc viết được nhiều? Ồ không! Hoàn toàn trống rỗng. Chữ nghĩa chạy đâu mất luôn mơ hồ có thứ gì đó bất ngờ ụp xuống. Thì giờ dành để theo dõi tin tức khi các ca lây nhiễm ngoài cộng đồng ngày một tăng… Còn hiện tại xin như câu thơ của Kahlil Gibran được dân mạng nhại lại mấy hôm nay trên mạng xã hội ‘Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Y tế phường chưa đến để giăng dây’”…
Có ông bà dì dượng của người viết ngụ tại đường Nơ Trang Long, con cái đến đưa đồ ăn chỉ được để ngoài cửa rồi ra về chứ nhất quyết không cho vào nhà (!) Sự e sợ đang lan tràn trong tâm lý mọi người. Một số người nhờ Grabfood chuyển đồ ăn cũng vậy, không cho vào nhà mà yêu cầu để dưới gốc cây.
Hệ quả của Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống người dân |
Một tổng hợp phân tích quốc tế dựa vào nguồn của Science Direct, Embase, Scopus, PubMed, Web of Science (ISI) và Google Scholar databases, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến tháng 5-2020 cho thấy qua 5 nghiên cứu với số người 9.074 thì tỷ lệ stress chiếm 29,6%, tỷ lệ lo âu trong 17 nghiên cứu với số người 63.439 là 31,9% và nặng hơn là tỷ lệ trầm cảm qua 14 nghiên cứu với 44.531 người là 33,7%.
Theo TS.Minh: “Stress trực tiếp ảnh hưởng đến lượng hormone trong cơ thể như cortisol và adrenaline tăng cao và kéo dài liên tục, đây là một tác dụng có hại đối với hệ tim mạch… Căng thẳng, stress có hại đến sức khỏe nhưng trong đại dịch Covid-19 này, đó là điều khó tránh khỏi, và những người bị ảnh hưởng có một số triệu chứng của chấn thương tinh thần, chẳng hạn như đau đầu, buồn bã, căng thẳng, thay đổi tâm trạng, cáu kỉnh, mất ngủ, thiếu tập trung rối loạn tăng động, căng thẳng sau chấn thương và tức giận”.
Gần đây một số báo trong nước nêu lên tình trạng khắc khẩu xung đột gia đình diễn ra thường xuyên hơn do phải sống gần nhau hơn mỗi ngày, kinh tế lại khó khăn, nên xảy ra nhiều tranh cãi. Công ty luật gia đình hàng đầu ở Anh Stowe Family Law cho biết yêu cầu tư vấn ly hôn trong 3 tháng đầu năm nay đã tăng lên 8.801 lượt so với 4.505 lượt cùng kỳ năm ngoái. Khi được hỏi rõ nguyên nhân, ¼ những người tham gia thừa nhận lý do chính họ quyết định “đường ai nấy đi” là vì phải chạm mặt vợ/chồng quá nhiều trong thời gian giãn cách xã hội.
Hệ quả của Covid-19 còn có thể nhận thấy qua những ảnh hưởng đến kinh tế, đến đời sống người dân. Buổi họp chợ sáng chiều thưa thớt, quán xá vắng vẻ hơn, sản xuất nhiều khó khăn vì thiếu nguyên liệu, làm cầm chừng, nguy cơ đình đốn. Nông sản tồn đọng nên phải “giải cứu” liên miên. Thời điểm này ngành dịch vụ du lịch và hàng không đang chịu thiệt hại rất lớn.
Mọi khó khăn, nhìn ở mặt tích cực, là cơ hội để con người nhìn lại nhằm điều chỉnh lối sống theo hướng tốt đẹp hơn |
Đối phó bất trắc thế nào?
Một trong những trợ lý của Tổng thống Obama có lần nói “Never let a crisis go to waste” (Đừng bao giờ để một cuộc khủng hoảng trở nên lãng phí) vì cho rằng khủng hoảng có thể mở ra cơ hội khi nhìn dưới những lăng kính khác, đó là dịp kiểm tra năng lực thực sự của mình. Có người cho rằng có những điều tốt đẹp phát sinh từ trong cơn khủng hoảng. Nhiều tôn giáo đã giáo huấn con người cần cảm tạ những bất trắc vì cơn khủng hoảng sẽ làm nên những biến chuyển tốt trong tính cách. Có người lý luận xa hơn khi nói rằng cơn khủng hoảng giúp ta nhận ra phẩm chất thực sự của con người. Winston Churchill có lần nói: “Bạn có thể nhận ra tính cách một người do những chọn lựa của anh ta khi bị áp lực”.
Đối với người lãnh đạo, quan sát cách từng nhân viên phản ứng trong cơn khủng hoảng là rất quan trọng. Ai có thể giữ điềm tĩnh và ai không trong khi làm việc dưới áp lực? Ai là người vững vàng nhất, đương đầu hiệu quả trong cơn dầu sôi lửa bỏng, giải quyết khủng hoảng? Phải chăng người ta khác nhau trong việc giải quyết khéo léo từng hoàn cảnh áp lực khác nhau? Bạn phải biết rõ ai là ai trong tổ chức của bạn cũng như ưu và nhược điểm của chính bạn trong giải quyết khó khăn.
Cần quan tâm sức khỏe
Trước đại dịch, người ta không ý thức sức khỏe quan trọng như thế nào? Người ta vui trong những cuộc chè chén thâu đêm, phá hoại sức khỏe qua việc uống rượu hút thuốc, sống không điều độ,... nhưng nhờ cơn dịch này, chúng ta mới thấy quý sức khỏe. Sức khỏe mới thực sự là vốn liếng lớn nhất của đời người. Nếu không có thân thể khỏe mạnh, thì dù có cả núi vàng biển bạc, chúng ta cũng chẳng vui vẻ gì. Có ai đó nói rằng: “Một lần dịch bệnh giúp chúng ta hiểu ra rằng… chiếc giường đắt nhất thế gian là giường bệnh, thần dược quý giá nhất thế gian chính là sức khỏe”. Chưa kể bầu không khí trong lành mà chúng ta hít thở hàng ngày đáng quý biết bao!
Không đau yếu là một trong những niềm vui tối thượng:
Không bệnh, lợi tối thượng,
Biết đủ, tiền tối thượng
Thành tín đối với nhau,
Là bà con tối thượng
Niết-bàn, lạc tối thượng.
(Pháp cú, 204)
Hãy dành nhiều thời gian cho việc rèn luyện thân thể, giữ gìn sức khỏe nhiều hơn, qua đó giảm bớt stress và những lo sợ vô cớ.
Hãy dành nhiều thời gian cho việc rèn luyện thân thể, giữ gìn sức khỏe nhiều hơn... |
Trân quý hạnh phúc khi được sống
Từ những nhận thức trên, chúng ta trân quý hạnh phúc, như chúng ta biết là kết quả của thương yêu và hiểu biết. Đôi khi nó chỉ đơn giản là một lời động viên khi mình đang thất vọng, một ly nước khi mình đang khát, một cơn mưa trong ngày nắng hạn. Như người ta thường nói hạnh phúc là khi khổ đau vắng mặt. Ví dụ như hạnh phúc của học sinh hôm nay là được yên tâm đến trường, với bạn bè là gặp nhau hàn huyên, với người thân là dự đám cưới sinh nhật của nhau, với hàng chục hàng trăm ngàn người bệnh là thoát khỏi cái chết.
Vui thay chúng ta sống
Không bệnh giữa ốm đau
Giữa những người bệnh hoạn
Ta sống không ốm đau.
(Pháp cú, 198)
Tập trung làm việc yêu thích trong chánh niệm
Nếu phải nghĩ đến cái chết, hãy nghĩ một cách bình thản như chuyện có thể xảy ra cho bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào khi sinh tử là lẽ tất nhiên, chúng ta sinh ra đã mặc định phải có ngày chấm dứt.
Bằng chánh niệm, chúng ta ý thức về tính chất vô thường của vạn hữu. Chánh niệm giúp chúng ta ý thức được những gì đang diễn ra quanh ta và biết xây dựng những điều kiện an lạc, đang có mặt ngay bây giờ và ở đây. Chánh niệm giúp ta tiếp xúc được với những điều kiện khổ đau của thế giới và nhận diện những điều kiện hạnh phúc mà ta đang có. Chúng ta thấy an toàn hạnh phúc và đủ sức mạnh để thay đổi tình trạng xung quanh ta…
Có người bạn khuyên phải tập sống “độc cư”, “kham nhẫn”… nghe sao xa vời khó khăn quá. Nhưng hãy cùng nhau làm một việc gì đó có ích như vợ chồng người bạn cùng nhau mở mạng nghe thầy Trí Siêu giảng về Duy thức, họ nói “Nhờ vậy bớt cãi nhau vì cùng nghe cùng học”; như hiền nội của người viết ở nhà tăng cường việc tập thể dục, dành thời gian còn lại đọc một số sách báo Phật giáo mà trước đây vì bận rộn chưa kịp đọc.
Hãy quan tâm và chia sẻ với người khó khăn... - Ký họa của Lê Sa Long |
Kết nối truyền thông với người khác
Hãy tạo kết nối với con cái hay vợ chồng mình và những người chung quanh trong chòm xóm, công sở qua trao đổi trực tiếp hoặc mạng xã hội, Facebook, Zalo, Messenger… Lưu ý luôn dùng lời ái ngữ, tránh nổi nóng khi có những khác biệt trong quan điểm. Ngoài ra, như đã nói ở trên, ngoài việc đọc sách, rèn luyện thể dục, chúng ta cũng có thể tặng cho những ai khó khăn hơn mình hay những người cơ nhỡ trong số thân nhân bè bạn những món vật dụng cần thiết không cần giá trị cao như ký gạo, quả trứng gà, chai nước mắm, vừa thiết thực vừa an ủi nhau khi cho họ biết rằng chúng ta vẫn nghĩ đến họ. Hãy để tình yêu ấy lan tỏa trong cộng đồng như những gì mà người Sài Gòn thường làm.
Thiền sư Nhất Hạnh khi dạy về lục độ, trong đó hạnh thứ nhất là bố thí, đã giảng rằng trong thực hành bố thí ba-la-mật (dana paramita), chúng ta không cần phải giàu sang mới bố thí, cách chúng ta nhìn đã là một món quà khi trong đôi mắt chúng ta chứa đựng từ bi. Cách chúng ta nói hay cách chúng ta cho cũng chứa đựng từ bi. Thực tập bố thí hiến tặng, chúng ta càng trở nên giàu có hơn trong mỗi phút mỗi giây. Đó là hạnh nguyện đầu tiên của Bồ-tát.
Hạnh phúc không phải là số phận mà là sự lựa chọn. Do vậy, dù hoàn cảnh như thế nào, hãy bình tĩnh và mạnh mẽ để có sự chọn đúng, để có được bình an cho mình và cộng đồng.
Một yếu tố nữa là bi (karuna) lấy đi những niềm đau nỗi khổ trong người kia. Chúng ta luôn nhận vào những thứ từ tâm thức cộng đồng. Khi tiếp nhận những thứ tích cực từ tâm thức cộng đồng thì hạt giống vô phân biệt, thương yêu, hỷ lạc trong ta sẽ được tưới tẩm. Đó cũng là một trong những cách chuyển hóa thức mạt-na, thức chứa nhiều vướng mắc vô minh. Bốn yếu tố của tình yêu thương chân thật là từ bi hỷ xả.
Một lợi ích to lớn nhất của người hành từ bi tâm là ít kẻ thù. Nếu gieo trồng lòng trắc ẩn, yêu thương thì chính giây phút đó chúng ta lại đón nhận dòng năng lượng từ tâm mát mẻ. Nếu thực hành chia sẻ hay giúp đỡ những khó khăn với người khác thì chính lúc đó chúng ta đón nhận mọi trợ lực về tinh thần cũng như vật chất vì theo luật nhân quả, quy luật của sự nhận là cho đi.
Chúng ta cảm phục biết bao y tá, bác sĩ, và những người có liên quan khác đã quên mình xả thân vì người khác, không ngần ngại gian nan khó nhọc, chỉ mong có thể mang lại sự sống, sức khỏe, và bình an cho mọi người. Tinh thần cống hiến vô tư là thứ thật sự tồn tại. Nói theo Phật pháp, chúng ta trở thành cánh tay của Bồ-tát Quán Thế Âm, luôn có khả năng mang giọt nước thanh lương đến những nơi có nhiều khổ đau và tuyệt vọng. Hạnh phúc chẳng phải là số phận mà là sự lựa chọn.
Hãy mạnh mẽ và bình tĩnh ứng phó với khủng hoảng bằng những việc làm trên, chúng ta sẽ vượt qua với tâm kiên cố, vô quái ngại.