Tìm lại nụ cười

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1208 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1208 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Xóm tôi mới chuyển đến ở chỉ có hơn chục ngôi nhà. Ai cũng thân thiện, vui vẻ cả. Ban ngày hầu hết mọi người đều đi làm, đến chiều tối mới quay về, cơm nước tối xong là tụ lại chỗ đường chung rộng rãi chuyện trò.

Những câu chuyện đôi khi không đầu không cuối, chỉ là những câu tầm phơ tầm phào nhưng đều khiến mọi người vui cười thoải mái. Ấy vậy nhưng chị chưa bao giờ ngồi nói chuyện với chúng tôi, hoặc chị có muốn nói cũng không biết nói gì. Chị ít nói lắm, ít đến nỗi có ai hỏi gì chị mới mở lời chứ tuyệt nhiên không bao giờ tự bắt đầu một câu chuyện.

Tôi thấy mọi người ít muốn nói chuyện với chị, bởi nói chuyện với chị chán quá mà, không có sự tương tác nhiều. Lúc nào chị cũng cứ như đang theo đuổi một ý nghĩ của riêng mình, câu chuyện cứ rời rạc, rồi dần dần chị dần trở nên lạc lõng giữa nhóm người đang nói cười rôm rả. Chị tên Ngọc.

Chị Ngọc hay đến nhà tôi chơi vì phải trông cô con gái hơn bốn tuổi của chị trạc tuổi con gái tôi. Thực ra chị chỉ là đi theo con, hay nói cách khác là chị chưa bao giờ yên tâm khi để con bé rời khỏi tầm mắt mình. Khi nào con chơi chán hoặc nhận thấy đã muộn thì chị đưa con về. Hiếm lắm chị mới nói chuyện với tôi. Dù tôi có bắt chuyện thì chị cũng rất kiệm lời. Ấy vậy mà một hôm, khi tôi nấu xong bữa trưa dưới bếp, bước lên phòng khách thấy hai đứa nhỏ đang chơi đồ chơi, còn chị đang cầm cuốn sách của tôi chăm chú đọc.

Chị Ngọc ngồi trên ghế, cuốn sách cầm trên tay, chị tập trung đọc và tôi thấy đôi vai chị bỗng nhiên rung lên. Chị khóc. Người đàn bà tưởng như dửng dưng trước mọi chuyện lại có thể khóc khi đọc một cuốn sách ư? Tôi tự hỏi như vậy rồi cứ đứng tần ngần ngắm chị trong dáng vẻ đó một lúc lâu.

Chị dường như không biết sự hiện diện của tôi. Bất ngờ chị ngồi dựa lưng vào ghế, ôm cuốn sách vào ngực. Một nỗi xúc động khiến chị không đọc tiếp được nữa. Đôi mắt chị nhắm lại, để những giọt nước mắt cứ lăn. Tôi tò mò, điều gì trong cuốn “Gia đình là điều tuyệt vời nhất” đó đã khiến chị thổn thức. Phát hiện ra tôi đang đứng nhìn, chị ngại ngùng đưa tay lau nước mắt và gượng cười. Tôi đến bên chiếc ghế đối diện, ngồi nói chuyện cùng chị. Lúc đầu chị còn dè dặt, nhưng sau dần, có lẽ nhận thấy sự chân thành từ tôi, chị bắt đầu thổ lộ.

Gia đình chị thực ra cũng mới về đây sinh sống được gần 5 năm, từ lúc cha mẹ chị nghỉ hưu. Nơi đây tiếng là quê hương, nhưng từ nhỏ chị đã theo cha mẹ đi lên Gia Lai theo diện kinh tế mới, đến mấy chục năm sau mới trở về. Chị nói vậy rồi nhìn tôi, như kiểu thanh minh cho việc chị ít giao lưu, chuyện trò với mọi người. Tôi nhẹ gật đầu ngầm nói với chị rằng tôi hiểu điều đó.

Trước đây, chị là một cô giáo mầm non. Đi dạy chừng được vài năm thì lấy chồng. Chồng chị là một người làm ăn buôn bán, nói chung thu nhập gấp nhiều lần chị. Thấy lương chị chẳng bõ bèn gì so với cái công ngày ngày từ sáng tới tối ở trên trường, chồng chị không muốn cho chị đi làm nữa. Vợ chồng chị bắt đầu có những bữa cơm không lành canh chẳng ngọt. Cho đến khi chị mang bầu, ốm nghén thì chồng chị kiên quyết bắt chị ở nhà.

Chị sinh, con gái còn nhỏ thì phải ở nhà chăm con, nhưng đến khi đủ tuổi đi nhà trẻ rồi chị vẫn không thể đi dạy. Chồng chị bằng cách này cách khác, từ ngọt nhạt nhẹ nhàng đến xẵng giọng lớn tiếng cuối cùng cũng khiến chị thôi hẳn ý định đi dạy trở lại. Nhưng cũng từ đó chị ít nói hẳn. Dần dần chị ít cả cười, chị nhìn đâu, làm gì cũng thấy một nỗi buồn rưng rức. Chị hay khóc. Mỗi lần ru con cứ rưng rưng xúc động.

Chồng chị thấy chị ngày càng thay đổi thì không hiểu nổi tại sao. Chị chỉ việc ở nhà chăm con cái, coi nhà cửa, kinh tế gia đình đã có anh lo. Nói sướng thì ở khu đó không ai sướng bằng chị. Vậy mà chị cứ buồn thiu, gương mặt lúc nào cũng u uẩn. Chính bản thân chị cũng không hiểu được tại sao mình lại như vậy. Nhiều khi chị soi gương, cầm chiếc nhíp nhổ lông mày mà sao cứ nhìn chằm chằm vào mắt mình, muốn chọc vào đó. Một lần chị sợ hãi, vứt luôn chiếc gương và chiếc nhíp xuống đất, ôm lấy mặt khóc rưng rức. Suýt chút nữa thì…

Có lần chồng chị bắt gặp chị hòa nước cho con tắm mà không để ý gì cả, một tay để trong chậu nước, tay kia dốc ấm nước sôi vào. May anh nhanh tay kéo giằng lại chứ không đợt đó chị bỏng nặng. Kể từ đó, chồng chị để mắt tới chị nhiều hơn, phát hiện vợ có biểu hiện lạ, lại lo lắng khi anh đi làm chỉ có chị với con gái ở nhà lỡ có chuyện gì nên anh quyết định gửi con gái về Bắc cho cha mẹ trông nom. Nhưng có lẽ chính quyết định đó của anh càng làm tình trạng của chị thêm tồi tệ.

Chị nhớ con và thường hay khóc hơn. Chị bắt đầu nhốt mình trong nhà nhiều hơn và ít nói hơn. Có những đêm đang ngủ, chị giật mình thon thót thấy con mình bị người ta bắt mất. Chị gào khóc tìm con khắp nơi nhưng không thấy. Giật mình tỉnh dậy thấy chồng đang ôm chặt lấy mình, vỗ về như dỗ một đứa con nít, con gửi về nội rồi, không sao cả. Chồng chị động viên chị cố gắng uống thuốc điều trị, khỏi rồi sẽ đón con vào.

Chị nhìn tôi nói bằng giọng buồn buồn:

- Năm nay con bé lên lớp sáu rồi đó, hơn sáu năm rồi chị chưa gặp nó.

- Anh chị chưa đón cháu vào?

Tôi hỏi cho có chuyện, chứ thực ra lúc đó tôi chẳng biết nói gì hơn. Tôi biết, tình trạng của chị hiện tại cũng vẫn khiến gia đình lo lắng.

Công việc của chồng chị bận tối ngày nên khi chị mang bầu đứa con thứ hai, anh ngỏ ý đưa chị về cha mẹ đẻ của chị cho yên tâm. Vậy nên khi ông bà nghỉ hưu cả, chuyển về đây sinh sống chị cũng theo về. Lâu lâu chồng chị sắp xếp được thời gian lại về thăm hai mẹ con. Nhìn con gái và anh quấn quýt lấy nhau, tự nhiên trong lòng chị lại sợ. Chị sợ một ngày nào đó anh sẽ lại đưa con đi, sẽ lại đi như đứa con gái lớn của chị. Những lo lắng đó khiến chị lúc nào cũng sợ mất con, lúc nào cũng canh chừng con không dám rời mắt.

- Chị đã bao giờ về quê chồng chưa?

- Cũng mấy lần rồi. Ngày ra mắt, ngày cưới, mấy lần Tết nữa. Nhưng từ ngày đưa con bé về gửi ông bà đến nay chưa về lại.

- Thế con bé nhỏ chưa về quê nội lần nào hả chị?

Vừa nghe tôi hỏi vậy, chị như có điều gì hốt hoảng, vội đưa mắt tìm con. Thấy con bé vẫn đang chăm chú ngồi chơi tập tô màu với con gái tôi chị mới bình tĩnh lại, chị gật đầu xác nhận:

- Chưa em ạ.

Đến giờ cơm trưa, chị dắt con gái về, chị nhìn tôi ngần ngại:

- Em cho chị mượn cuốn sách nhé.

- Để em tặng chị một cuốn ạ.

Tôi lấy cuốn sách mới ra ghi vào đầu trang bên trong: “Mến tặng chị Ngọc và gia đình”. Tôi nói với chị, mình cũng có bài trong cuốn sách này nên được nhà xuất bản tặng hai cuốn. Cuốn chị cầm là cuốn tôi đang đọc dở.

- Cuốn mới này, em tặng chị.

Rồi tôi kể với chị, trước đây, tôi hay buồn rầu, nghĩ ngợi vẩn vơ nhưng từ ngày được thổ lộ mọi điều qua những trang viết thấy lòng mình nhẹ nhõm đi nhiều. Tôi đưa cuốn sách mới vào tay chị, nói nhỏ:

- Có những điều cứ giữ mãi trong lòng sẽ khiến cảm xúc mình ngày càng trở nên tồi tệ, bế tắc, kiểu như đi vào một mê cung tối tìm mãi không thấy đường ra ấy chị. Chỉ khi chia sẻ ra được mới cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái được.

Chị cầm lấy cuốn sách vuốt ve. Tôi thấy ánh mắt chị ánh lên một điệu vui gì đó.

Bẵng đi một thời gian tôi không thấy chị sang chơi. Phần vì bận bịu công việc, phần vì không muốn quá tò mò chuyện của người khác nên đôi lúc ngồi chuyện phiếm với mấy chị trong xóm tôi cũng không hỏi gì. Hôm qua đi làm về ngang nhà chị, tôi nghe trong nhà có tiếng hát ru con. Tôi đứng lại lắng nghe: “À ơi… Ngực mẹ làm gối cho con/ Để con ngon giấc ngủ ngoan mẹ mừng”. Lời ru ngọt ngào, đầy yêu thương tha thiết. Tôi chợt giật mình khi có tiếng nói từ phía sau:

- Ngạc nhiên phải không? Ngọc nó ru con đấy.

Chị Xuân, ngay nhà chị Ngọc kể tôi mới biết, hóa ra thời gian chị Ngọc không sang nhà tôi là do chị và con gái nhỏ theo chồng ra Bắc thăm quê, rồi đón con gái lớn vào đây luôn.

- Cả nhà nó mới vào hồi sáng. Sắp tới chồng nó chuyển về đây làm ăn luôn đấy. Giờ đang lo làm thủ tục xin chuyển trường cho con bé lớn vào đây. Con bé lớn xinh xắn, ngoan ngoãn lắm, ai nói gì cũng thưa gửi dạ vâng hết. Mà xa mẹ từ nhỏ vậy nhưng nó quấn mẹ lắm nha. Chị kéo tay tôi, không giấu nổi vẻ vui mừng.

- Này, đợt này Ngọc nó thay đổi nhiều lắm đấy, không còn lầm lì, ít nói như xưa nữa mà cười nói vui vẻ luôn. Nó tính sẽ xin đi dạy lại, giờ dưới phố đầy trường mầm non tư thục đang tuyển giáo viên.

Tôi trở về nhà, bên tai dường như vẫn vọng lại lời ru của chị Ngọc. Tôi thấy mừng cho chị, cuối cùng cả nhà chị đã được đoàn tụ. Cuối cùng, chị đã tìm lại được nụ cười.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn - Tranh Phật giáo Trung Quốc

Tám ngọn gió đời

GNO - Chúng tôi có biết một số giai thoại thú vị về Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn. Trong cuộc sống hàng ngày, con người luôn đối diện với "Bát phong”, tức tám ngọn gió đời. Có cách nào để có thể đứng vững trước tám ngọn gió ấy không?
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Đợi nắng

GNO - Buổi sáng, tại mảnh sân nhỏ, thấp thoáng một bóng dáng nhỏ xíu, gầy còm đi vào đi ra hồ như mẹ đang mong chờ một điều gì đó mà lòng bồn chồn khó tả. Rồi mẹ lại trở vào trong nhà khoác thêm chiếc áo, choàng thêm tấm khăn, chân đi ủng và bước ra vườn.
Anh Nguyễn Hồng Lợi bên vợ và con

“Kình ngư không chân” và câu chuyện truyền cảm hứng

GNO - Khuyết tật bẩm sinh, bị bỏ rơi ngay từ ngày mới sinh, được dì và dượng ẵm về nuôi nhưng Nguyễn Hồng Lợi chưa bao giờ oán trách cha mẹ, mà ngược lại, anh xem đó là nguồn động lực để bản thân cố gắng nhiều hơn.

Thông tin hàng ngày