Tìm về an trú dưới mái chùa

GN - Có một ngôi chùa được xem là điểm đến cho những ai muốn tìm về chốn an yên, đắm mình nơi thung lũng với cỏ cây, tiếp thêm năng lượng để có thể trụ vững giữa cuộc sống hối hả của thế kỷ XXI này.

beomeosatemple.jpg

Khóa sinh tu học tại chùa Beomeosa, TP.Busan

Đó là chùa Beomeosa, tọa lạc trên một ngọn núi phía Nam của thành phố Busan, là một trong 30 ngôi chùa tại Hàn Quốc cung cấp các khóa tu học dài ngày với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết, giúp cho khóa sinh có thể yên tâm tu học.

Các khóa tu này được thiết kế để chào đón tất cả mọi người có nhu cầu đến để được trải nghiệm giá trị an lành nội tại và vượt qua những khủng hoảng cá nhân.

Để tham gia các khóa tu học, các khóa sinh có thể thực hiện theo hình thức đăng ký cá nhân hoặc theo nhóm (không quá 15 thành viên). Công việc đầu tiên khi khóa sinh đặt chân đến chùa là thay thế quần áo hàng ngày bằng bộ đồng phục giản đơn của một hành giả, làm quen với nhau và thảo luận các kiến thức cơ bản của đạo Phật.

Các khóa sinh được khuyến khích và hướng dẫn ngồi theo tư thế bán già - điều này có thể bình thường với một học viên yoga nhưng chừng sau 15 phút là thách thức rất lớn dành cho toàn thể khóa sinh, đặc biệt những vị lớn tuổi. Tư thế ngồi này theo khóa sinh suốt 24 giờ mỗi ngày.

Được khai sơn cách nay 1.400 năm, chùa Beomeosa là một không gian tâm linh thiêng liêng với các điện Phật rộng rãi, nguy nga, nơi hành lễ và thờ tự. Chỉ mất 15 phút đi xe buýt lên chùa từ trung tâm thành phố Busan, nhưng mọi thứ nơi đây dường như khác hẳn so với cả một thế giới sôi động về âm nhạc và ẩm thực bên dưới.

Phần lớn tượng thờ trong chùa được tạc bằng đá. Trong khi đó, sàn của các điện thờ đều là thảm gỗ, tạo nên cảm giác ấm áp. Du khách và khóa sinh được khuyến cáo không thắp hương nơi điện thờ. Mỗi khóa tu thu hút khá nhiều người nước ngoài và các gia đình là người Hàn Quốc đủ mọi lứa tuổi.

Suốt thời gian khóa tu 3 hoặc 7 ngày, các khóa sinh dành phần lớn thời gian để thiền định, thực hành uống trà, chấp tác, lao động nhẹ, trao đổi Phật pháp và đàm đạo với chư Tăng trong chùa.

Sinh hoạt trong chùa khá nghiêm khắc, theo đúng thời khóa biểu quy định. Đến 17g30 là thời điểm ăn tối, khá sớm so với đời sống của người thế tục. Không những thế, giờ đi ngủ bắt buộc là 21g30 và sáng thức dậy lúc 5 giờ. Dù vậy, nếu thực tập thuần thục sẽ tạo nên thói quen tốt cho sức khỏe mỗi người.

Khi ăn uống, các khóa sinh được hướng dẫn chỉ lấy những gì cần và đủ cho cơ thể để tránh sự lãng phí. “Thức ăn là thuốc để chữa lành bệnh khô gầy thân thể và tâm trí” - câu niệm được truyền đi trước mỗi bữa ăn và chư Tăng trong chùa thường xuyên nhắc lại giúp cho mỗi khóa sinh có dịp nhìn lại trong mỗi lần thọ thực.

Suốt khóa tu, người tham dự vẫn được nghe nhạc nhưng đó phải là nhạc thiền và nhạc lễ. Đây chính là hành trình để trở về với chiều sâu tâm thức để có thể làm sáng tỏ hơn mọi thứ trong cuộc sống. Những phút giây lắng đọng của các khóa lễ, lúc thiền tập trong chùa luôn là thời khắc quý giá nhất của mỗi khóa sinh.

Khoảng thời gian ở chùa chắc chắn không thể làm nên sự giác ngộ sâu sắc, nhưng đối với mỗi khóa sinh, đó là dịp ngừng lại để chăm sóc bản thân, giống như việc sạc lại pin điện thoại mỗi khi chúng sắp cạn kiệt.

Bảo Thiên (theo SCMP)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh (Vĩnh Long) lên giáo phẩm Hòa thượng

Truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh (Vĩnh Long) lên giáo phẩm Hòa thượng

GNO - Thông tin từ Văn phòng Đức Pháp chủ, sau khi xem xét đệ trình của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Đức Pháp chủ GHPGVN đã chuẩn y, ban hành quyết định truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long lên giáo phẩm Hòa thượng.

Thông tin hàng ngày