Tìm về với mình

GN - Tôi được sinh ra trong một gia đình theo đạo Phật. Tuy nhiên, từ nhỏ tôi chỉ biết đến Phật như một vị thần linh, mỗi lần đến chùa cũng như bao Phật tử khác, tôi thắp nhang và cầu xin đủ điều cho bản thân.

Khi đậu đại học, tôi có tham gia vào nhóm từ thiện - nấu cơm chay cho bệnh nhân nghèo, các cô trong hội là những người rất mộ đạo. Một cô Phật tử bảo: “Con đi chùa không, cô cho con đi theo”. Vì sự hiếu kỳ của tuổi trẻ, tôi đã tham gia.

Tôi đến thiền viện Thường Chiếu, cảm giác trong tôi lúc ấy rất ngỡ ngàng: sao thiền viện to, đẹp và sạch đến thế. Tôi đi chơi khắp mọi nơi trong thiền viện và cũng không biết được rằng mọi người đến đây để tham gia khóa tu một ngày.

Nhiều lần sau đó tôi vẫn có dịp được đi, nhưng cũng chưa một lần vào tụng kinh, chưa một lần ngồi thiền cũng như nghe pháp. Tôi cảm thấy những điều đó thật khó hiểu...

Anh Chanh Hoa Hoang.jpg
Phật tử Chánh Hòa Hằng mỗi tuần đều dành thời gian đưa má về chùa dự khóa tu thiền - Ảnh: TGCC

Rồi thời gian cũng trôi qua, sau hơn 16 năm tôi đi học, đi làm, gầy dựng sự nghiệp, trong tôi đạo Phật vẫn như một phép màu thần thoại - chỉ để cầu xin những điều mình chưa có. Đi chùa vẫn chỉ để ngắm chùa đẹp.

Đến một hôm, tôi trở lại thiền viện cũng vào đúng khóa tu một ngày, tôi quyết định mình sẽ tham gia vào khóa tu ấy, xem như thế nào. Và đó như một cơ duyên để tôi ngộ ra rằng, dường như mình không biết gì về tôn giáo mình đang theo đuổi.

Tôi bắt đầu nghiên cứu về Phật giáo, tôi đọc các bài giảng của các vị Thiền sư đức độ như: Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thiền sư Thích Thanh Từ, thầy Thích Minh Niệm... Những lời giảng giải của quý ngài làm tôi vỡ oà - vô vàn thắc mắc trước kia từ từ được tôi nhận rõ. Sách đã giúp tôi ngộ ra, về với Phật là trở về với tâm mình.

Con người sinh ra ai cũng có tham, sân, si và chính ba cái đó đã dẫn dắt chúng ta vào các con đường khổ. Đức Phật đã nhìn thấy, đã chỉ cho chúng ta nguyên nhân của mọi đau khổ, để mỗi người tự tìm về với tâm mình, đừng tạo điều kiện cho ba con rắn độc tham, sân, si làm hại mình.

Trở về với tâm mình là con đường mình tìm lại chính bản thân. Từ xưa đến nay ta vẫn để tâm ra bên ngoài để tìm kiếm hạnh phúc từ vật chất hay từ một ai đó, nhưng ta không biết hạnh phúc như thế chỉ là giả tạm. Chỉ có hạnh phúc do mình tự tìm thấy trong tự tâm mới là hạnh phúc chân thật và bền chắc.

Nhận ra là vậy nhưng tôi vẫn thấy thực tập được rất khó, bởi từ lâu mình đã để sáu căn dính mắc vào sáu trần, mình để cho tâm mình bay nhảy ra ngoài như một thói quen khó sửa. Nói là khó nhưng không phải không thực hiện được. Bởi Đức Phật đã nói rõ, Ngài một vị đạo sư, tức là vị thầy chỉ đường và con đường Phật đi đã được chính Ngài chứng minh là con đường đúng đắn mà hàng đệ tử nên bước theo.

Tôi mong rằng mình sẽ vững chãi, tiếp tục thực hành theo những lời giáo huấn của Phật để tìm thấy hạnh phúc chân thật bằng cách trở về với tâm mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

Thông tin hàng ngày