GN - Trong nhiệm kỳ qua, 23/24 BTS GHPGVN cấp quận, huyện thuộc TP.HCM đã tiến hành tổ chức đại hội, suy cử nhân sự mới lãnh đạo Giáo hội địa phương, trong đó tăng cường nhiều nhân tố trẻ. Trong năm đầu của nhiệm kỳ 2016-2021, một số BTS đi vào hoạt động, và đã có những tín hiệu khởi sắc…
Tân BTS H.Hóc Môn ra mắt nhiệm kỳ mới
Phân công nên thấy rõ trách nhiệm
Nơi phát đi tín hiệu sớm nhất trong số các quận huyện là BTS GHPGVN huyện Hóc Môn. Sau khi kiện toàn nhân sự, BTS huyện đã thực hiện phân công trách nhiệm theo quy chế tương ứng, phân công rõ ràng các chức danh nhiệm vụ trong Thường trực để giải quyết các Phật sự nên trong năm đầu nhiệm kỳ, Phật sự tại địa phương có nhiều thành tựu. “Có thể nói, chính sự phân công đó đã giúp các thành viên ý thức trách nhiệm của mình khi thực hiện các Phật sự, tránh tình trạng nhập nhằng, vướng víu khi giải quyết các vấn đề trong sinh hoạt của Phật giáo địa phương, cũng như giao liên với các cấp Giáo hội và chính quyền được tiến hành thuận tiện”, ĐĐ.Thích Lệ Tâm, Phó BTS GHPGVN huyện Hóc Môn, phụ trách đối ngoại cho biết.
Là quận có sự phân công nhiệm vụ các vị trong Thường trực sau đại hội, ĐĐ.Thích Thiện Châu, Phó ban kiêm Chánh Thư ký GHPGVN quận 3 chia sẻ: “Phân công rõ ràng nhiệm vụ các chức danh từ Trưởng ban, các Phó ban và đại diện Phật giáo các phường nên tạo sự liên thông với nhau, tạo cho các vị ấy sự hăng hái, thấy rõ trách nhiệm của mình”.
Từ công tác phân rõ trách nhiệm, sự thay đổi đầu tiên bắt đầu từ công tác văn phòng ở một số quận, huyện, chẳng hạn BTS các quận 8, 3 và huyện Hóc Môn đều có lịch trực vào chiều các ngày 2, 4, 6 trong tuần, qua đó kịp thời trao đổi rút kinh nghiệm cũng như giải quyết các thủ tục phát sinh tại địa phương. “Việc này được thông báo rộng rãi đến các tự viện và ngay cả các cơ quan để tiện liên hệ công tác khi có các vấn đề liên quan”, ĐĐ.Thích Lệ Tâm chia sẻ.
Đặc biệt, tại huyện Hóc Môn, BTS “đã tạo Group Zalo với các tự viện trên địa bàn, để thông tin các hoạt động Phật sự, và thông báo các cuộc họp. Tuy việc này chưa đồng bộ, vì một số tự viện những vị trụ trì đã lớn tuổi không thể sử dụng các phương tiện liên lạc hiện đại, nên phần nào vẫn còn hạn chế chưa đạt hiệu quả cao”- ĐĐ.Thích Lệ Tâm nhìn nhận.
Nói về vấn đề quản lý Tăng Ni tự viện, các vị chia sẻ địa bàn thực hiện việc này từ những nhiệm kỳ trước, không phải bây giờ mới làm. Hiện nay toàn huyện Hóc Môn có 120 cơ sở, trong đó 25 cơ sở có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tôn giáo và 48 cơ sở đã bổ nhiệm trụ trì. ĐĐ.Thích Lệ Tâm nói: “Hàng năm chúng tôi đều phát mẫu thống kê về Tăng Ni và tự viện về các chùa để họ kê khai. Sau đó 3 tháng hoặc 6 tháng, chúng tôi sẽ cập nhật lại số lượng một cách cụ thể từ phẩm trạch, thường trú, tạm trú và ngay cả tịnh nhơn công quả ở chùa cũng được rà soát một cách kỹ càng, bằng mẫu lý lịch trích ngang. Vì vậy, tôi nghĩ việc quản lý Tăng, Ni và tự viện chặt chẽ sẽ giúp họ dễ dàng tháo gỡ những vướng mắc và khó khăn khi gặp phải”.
Còn với Phật giáo quận 3, được sự quan tâm của UBND Q.3, BTS Q.3 đã phối hợp và hỗ trợ cho các tự viện thiết lập về hồ sơ để cấp chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền trong đất của 44 tự viện, trong đó có 39 cơ sở tự viện đã hoàn tất thủ tục, 30 ngôi chùa đã có sổ, 9 ngôi chùa đang trong quá trình được Sở Tài nguyên-Môi trường giải quyết. Đã bổ nhiệm trụ trì và ban quản trị cho 42 tự viện.
Với quận 8, trên địa bàn có 63 cơ sở tự viện. “Để tạo điều kiện thuận lợi hướng các tự viện sinh hoạt, tu học, BTS đã chia thành 6 khu vực, giao việc trực tiếp tới chư tôn đức Tăng, mỗi người sẽ phụ trách địa bàn từ 2 đến 3 phường để tiện giải quyết các thủ tục hành chính và trả lời khúc mắc của các tự viện khi cần”, TT.Thích Thiện Tài, Trưởng BTS Phật giáo Q.8, cho biết.
Nét nổi bật Phật giáo quận 3 là BTS thường xuyên đến các chùa để hỏi thăm, trò chuyện nhân những dịp húy kỵ, lễ lạt, xây dựng chùa để hỗ trợ về mặt giấy tờ, cũng như lắng nghe góp ý về các Phật sự tại các tự viện nhằm đóng góp cho Phật giáo địa phương. Chư tôn đức đặc biệt quan tâm đến đời sống phạm hạnh của Tăng Ni trẻ, vấn đề tu học của các đạo tràng. “Sau những lần thăm hỏi tại cơ sở, chư tôn đức Thường trực ngồi lại với nhau, xây dựng lại cách xử lý các công tác Phật sự, từ đó thống nhất từ trên xuống dưới nên Phật sự trong đầu nhiệm kỳ rất khả quan”, Đại đức Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS Q.3 nói.
Nhân sự trẻ trong năm đầu nhiệm kỳ
Nói về những hoạt động của chư Tăng Ni trẻ trong năm đầu nhiệm kỳ, ĐĐ.Thích Thiện Châu chia sẻ: “Với Q.3, có 70% nhân sự là trẻ tham gia BTS, trong nhiệm kỳ đầu để quen với công việc, các vị trẻ đa số được cử đi xuống các cơ sở tự viện nhiều hơn để lắng nghe ý kiến, cử từng nhóm tham gia theo từng ngành - liên quan đến ngành nào thì ngành đó sẽ tham dự và sau đó góp ý tổng hợp cho chương trình Phật sự quận, nên hoạt động có phần khả quan.
Tại huyện Hóc Môn, ĐĐ.Thích Lệ Tâm cho biết: “Đa số các vị trẻ được cơ cấu vào nhân sự mới bước đầu chưa quen việc, nên một số Phật sự vẫn chưa đạt hiệu quả cao, đôi lúc vẫn có một số nhỏ cá nhân Tăng, Ni và tự viện có góp ý với Thường trực BTS, nhằm động viên, xây dựng các thành viên mới làm tốt hơn nhiệm vụ mình phụ trách, còn hầu hết mọi người đều dành nhiều lời khen ngợi. Thường trực BTS cũng đã nhìn nhận và góp ý với các thành viên mới, các vị đã tiếp nhận và có hướng sửa đổi tích cực, tạo nên diện mạo Phật giáo vùng ven của thành phố nhiều khởi sắc”.
Đối với Q.8, để tạo điều kiện cho chư Tăng Ni trẻ tham gia hoạt động Phật sự của địa phương, BTS Phật giáo đã khuyến khích chư tôn đức Tăng Ni theo học các lớp Phật học do TP.HCM tổ chức, khuyến khích trau dồi các kỹ năng thông qua các khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì, tham dự các lớp bồi dưỡng kiến thức về pháp luật do địa phương tổ chức… để qua đó phát huy được thế mạnh trong công tác hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử sinh hoạt tu học tại địa phương.
Nhờ vậy, “Tăng Ni trẻ đã tích cực tham gia các hoạt động Phật sự, giúp đỡ cho các tự viện ổn định sinh hoạt, giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, pháp lý như xác nhận các đơn xin xuất gia, thọ giới cho chư Tăng Ni một cách nhanh chóng, tuyên truyền phổ biến các chính sách của Nhà nước một cách kịp thời thông qua chư tôn đức phụ trách các khu vực”, ĐĐ.Thích Phước Thành, Phó Thư ký BTS GHPGVN Q.8 nhấn mạnh.
Khi được hỏi có ý kiến gì đề đạt lên Ban Thường trực BTS GHPGVN TP, đại diện một trong những địa phương có nhiều tín hiệu mới trong công việc điều hành Phật sự, và cũng là một gương mặt trẻ tham gia Thường trực BTS huyện Hóc Môn, ĐĐ.Thích Lệ Tâm nói: “Phật giáo thành phố cần có cuộc họp liên ngành, với các cơ quan chức năng thành phố và các quận huyện, để thống nhất các thủ tục về đất tôn giáo; việc bổ nhiệm trụ trì, gia nhập Giáo hội và dựng bảng hiệu tại các cơ sở.
Thực tế hiện nay, chúng tôi thấy mỗi quận, huyện có chủ trương và cách làm khác nhau nên đôi khi gây sự hiểu nhầm của Tăng, Ni các tự viện vì cho rằng BTS Phật giáo địa phương không tạo điều kiện giúp đỡ… Hiện có một số cơ sở đã có quyết định gia nhập Giáo hội nhưng vẫn không được phép dựng bảng hiệu, vì giữa Phật giáo thành phố và các cấp chính quyền vẫn chưa có sự thống nhất, gây lúng túng cho chính quyền các quận, huyện trên địa bàn. Tại Hóc Môn có 7 trường hợp điển hình “có quyết định gia nhập và dựng bảng hiệu” nhưng ở địa phương vẫn chưa chấp nhận với lý do đây chưa phải là đất tôn giáo”.