Tín hiệu vui kỳ vọng cho một giai đoạn mới

GN - Thông tin về khóa cấm túc của chư Tăng tại Việt Nam Quốc Tự, lần đầu tiên do Giáo hội thành phố tổ chức trong mùa an cư kiết hạ năm nay đã được độc giả quan tâm với số lượt xem cao, và cao nhất trong khoảng thời gian này, thống kê tin bài trên Giác Ngộ online cho biết.

thaoluanvetangsu.JPG

Lãnh đạo Phật giáo TP thảo luận về vấn đề độ người xuất gia trong khóa cấm túc 10 ngày

Qua các phản hồi, số đông Phật tử, cả những người có tín ngưỡng và tình cảm tôn giáo với đạo Phật đều bày tỏ nhiều cảm xúc trước các sự kiện tu tập, rèn luyện trí tuệ và đạo đức giải thoát của người xuất gia, trong các khóa tu nghiêm mật.

Việc đó cho thấy điều mà Phật tử cần và mong muốn ở đoàn thể Tăng Ni - những người hướng dẫn tâm linh cho tín đồ, chính là năng lượng tu hành, là nguồn đạo hạnh, nhóm họp trong hòa hợp, giải tán trong hòa hợp, tinh tấn tăng trưởng đạo lực, vì lợi lạc cho số đông.

Khóa cấm túc 10 ngày trong mùa an cư năm nay, là lần đầu được Giáo hội thành phố tổ chức nên đối tượng cũng hạn chế, chỉ dành cho chư Tăng thuộc hệ thống tổ chức của Ban Trị sự, từ thư ký đến trưởng các ban ngành trực thuộc và các Ban Trị sự Phật giáo 24 quận huyện. Qua khảo sát sơ bộ, chư tôn đức các tỉnh thành khác đánh giá cao sáng kiến này của Phật giáo TP.HCM.

An cư kiết hạ đã trở thành truyền thống trong nếp sống của người xuất gia. Tuy nhiên, do bối cảnh xã hội và các yêu cầu khác về hoạt động hành chánh của tổ chức Giáo hội, truyền thống này cùng với các quy định nghiêm ngặt liên quan tới sinh hoạt của đoàn thể người xuất gia cũng bị tác động và có những thay đổi.

Vấn đề đáng quan tâm, như một vị giáo phẩm đứng đầu ngành Tăng sự của Phật giáo thành phố hiện nay từng cảnh báo, có nhiều hiện tượng phát sinh rất cần điều chỉnh kịp thời, tránh việc tùy tiện, quá đà để rồi rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn, đó là những điều phi pháp trở thành như pháp, và ngược lại, những điều như pháp lại bị cho là phi pháp!

Một thực trạng khác, liên quan tới lĩnh vực rất quan trọng đối với bất cứ một tôn giáo nào, kể cả đạo Phật, đó là nghi lễ. Đã có một số hội thảo, nhưng cho tới nay vẫn chưa quy định chung về nghi lễ trong thiền môn, đặc biệt là nghi thức áp dụng cho đại chúng trong các lễ, đại lễ của Giáo hội. Đó phải là quy định mang tính quy chuẩn được thực hiện trên sự vận dụng tôn trọng đặc trưng văn hóa, âm sắc vùng miền, để không quá khác biệt về nội dung cũng như phương thức biểu hiện, khiến người tham dự đôi khi có cảm giác xa lạ, cách trở.

Việc Tăng và nghi lễ là hai lĩnh vực quan trọng của Giáo hội. Linh hồn của một tổ chức tôn giáo chính là năng lượng ở những con người thực hành, chứng nghiệm giáo lý của tôn giáo đó. Nghi lễ là phương tiện - nhịp cầu để số đông đến với đạo nhưng không xa rời cốt lõi của tôn giáo mình, đồng thời để cảm hóa, xoa dịu những nỗi khổ niềm đau của con người trong cõi nhân sinh vô thường.

Nghi lễ tôn giáo nói chung phải bảo đảm tính thiêng liêng, luôn mang đặc trưng văn hóa bản xứ, nhưng không vì thế mà quá rườm rà, cố chấp đến nệ cổ, vô tình dựng thêm tường thành ngăn cách với đạo, đánh mất ý nghĩa phương tiện ban đầu cũng như bản sắc văn hóa dân tộc.

Những năm gần đây, nhận thức thực trạng, Phật giáo thành phố đã tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng về hai lĩnh vực này, nhưng đây là lần đầu tiên, chư Tăng nhóm họp cấm túc trong 10 ngày liên tục tập trung thảo luận, như lời của vị giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo thành phố, Trưởng ban Tổ chức kỳ vọng, sẽ rút ra những nội dung quan trọng để định hướng, làm cơ sở cho sự chỉnh đốn Tăng đoàn, một trong những nội dung quan trọng hàng đầu của chương trình hoạt động sắp tới. Đó là tín hiệu rất đáng mừng, là điểm mới cuối mùa an cư năm nay, trước thềm Đại hội đại biểu lần thứ IX của Phật giáo thành phố và Đại hội lần thứ VIII của GHPGVN với chủ đề: “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”.

Khóa cấm túc cũng như những nội dung sinh hoạt trong 10 ngày liên tục có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh xã hội hiện tại, góp phần củng cố niềm tin của số đông đối với đạo Phật, một tôn giáo mà nhiều nội dung đã trở thành những giá trị đạo đức truyền thống, có ảnh hưởng sâu rộng. Điều quan trọng không chỉ là niềm tin - cảm tình tôn giáo hay tín ngưỡng không thôi, mà hơn thế, phải tạo dựng niềm tin đúng - chánh tín, bắt đầu từ người hướng dẫn, là chư vị Tăng, Ni đang và sẽ hành đạo.

Trí tuệ của Phật giáo là chính là sự quán chiếu duyên sinh, không vướng mắc; kỷ cương của Giáo hội phải được xây dựng trên tinh thần căn bản của giới luật; không rời tinh thần cốt lõi đó, tổ chức Phật giáo mới giữ được đặc trưng tôn giáo của mình trên con đường hội nhập và phát triển, mới nói được tiếng nói Phật giáo, lợi đạo ích đời.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

[Video] Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Phát biểu khai mạc, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn có lời chào mừng đến các vị đại biểu, chư vị khách quý; đồng thời nêu ý nghĩa của Hội nghị sinh hoạt Giáo hội năm 2024. Trưởng lão Hòa thượng cho biết năm 2024 là năm thứ hai thực hiện Chương trình mục tiêu hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IX...
Chư Tăng Ni chỉ chuyên tâm tu học và làm các Phật sự mà thôi - Ảnh minh họa

Chư Tăng có thể đi làm việc ngoài xã hội không?

GNO - Tôi thấy ở nước ngoài, các tu sĩ Phật giáo vẫn đi ra ngoài làm việc để kiếm thêm thu nhập nhằm trang trải cuộc sống và học hành. Vậy ở nước ta, các thầy có được phép ký hợp đồng lao động với các doanh nghiệp để làm việc không?

Thông tin hàng ngày