Tinh thần cầu đạo

Giác Ngộ - Ngài Huệ Khả trên đường tầm sư học đạo, nghe danh Tổ Bồ Đề Đạt Ma đang ở chùa Thiếu Lâm, núi Tung Sơn, bèn đến tham kiến cầu đạo.

Đến nơi thấy Tổ ngồi thiền xoay mặt vào vách đá, ngài Huệ Khả cung kính hành lễ, nhưng thi lễ mãi mà Tổ vẫn ngồi bất động không có phản ứng gì. Bấy giờ Huệ Khả nghĩ: “Người xưa cầu đạo chẳng tiếc thân mạng, nay ta chưa được một trong muôn phần của người xưa”. Nghĩ thế nên ngài một lòng chí thành quỳ chắp tay hướng về Tổ, quỳ mãi mặc cho tuyết rơi lạnh buốt thấu xương.

WNL.jpg

Hình minh họa

Quỳ suốt đêm đến sáng, tuyết ngập cả chân mà tâm ngài vẫn không lay chuyển; thấy thế Tổ thương tình lên tiếng hỏi:

- Ngươi quỳ suốt đêm trong tuyết, ý muốn cầu việc gì?

Ngài Huệ Khả hết sức mừng rỡ thưa:

- Cúi mong Hòa thượng từ bi tiếp độ.

Tổ bảo:

- Diệu đạo vô thượng của chư Phật, dù trải qua nhiều kiếp tinh tấn làm được việc khó làm, nhẫn được việc khó nhẫn cũng chưa thể đạt được, huống là dùng chút ít công lao nhỏ này mà cầu được hay sao?

Ngài Huệ Khả nghe Tổ nói thế, bèn dùng dao chặt cánh tay trái của mình để trước Tổ bày tỏ lòng thành thiết tha cầu đạo. Thấy Huệ Khả cầu đạo với tâm chí thành chí thiết như thế, Tổ quay mặt ra dạy:

- Chư Phật lúc ban đầu cầu đạo cũng vì pháp quên thân, nay ông chặt cánh tay để cầu đạo xem như ông có tinh thần ấy.

Sau đó nhờ Tổ Bồ Đề Đạt Ma khai thị mà ngài Huệ Khả ngộ đạo, được Tổ truyền tâm ấn, trở thành vị Tổ thứ hai của Thiền tông Trung Hoa. (Theo Lược sử 33 vị Tổ Thiền tông Ấn Hoa)

Bài học đạo lý:

Người xưa cầu đạo rất chí thành, tha thiết. Để học một bài kinh, bài kệ hay để nghe được lời khai thị, chỉ điểm hoặc để được dạy một pháp môn tu, người xưa phải băng rừng, trèo non, lội suối, không quản ngại đường sá xa xôi, gian nguy hiểm trở để tìm cầu. Chính vì cầu đạo với tâm thành tha thiết như thế mà người xưa sớm tiếp cận với đạo, sớm giác ngộ và thành tựu trong tu tập.

Có một hành giả hỏi thầy của mình tại sao vị ấy đã tu hành nhiều năm mà không ngộ đạo. Người thầy bèn dẫn hành giả ấy ra một bờ sông và dìm vị ấy xuống nước. Sau một lúc lâu, người thầy mới kéo vị ấy lên rồi hỏi: Lúc bị dìm xuống nước, điều con nghĩ đến trước tiên là gì? Người đệ tử trả lời: Lúc đó con không còn nghĩ gì khác ngoài việc muốn trồi lên khỏi mặt nước để thở. Bấy giờ người thầy mới nói: Khi nào con cầu đạo với tâm thành thiết tha như thế thì con sẽ thấy đạo. Câu chuyện trên cho chúng ta một bài học hết sức bổ ích. Khi nào ý chí cầu học, tu tập chân thành tha thiết; khi nào người hành giả xem sự đạt đạo, xem sự thành tựu tu tập là một nhu cầu cấp thiết như phải ăn để no, phải thở để sống thì lúc đó người hành giả mới có thể buông bỏ những điều không cần thiết, không quan trọng mà toàn tâm toàn ý vào việc tu tập, nhờ đó mà việc tu tập mau thành tựu.

Ngày xưa điều kiện tu học không đầy đủ như hiện nay, cơ sở hoằng pháp, tự viện không nhiều, kinh điển sách vở không lưu hành rộng rãi, nhưng người chứng đạo lại nhiều, đó là nhờ tinh thần tu học. Người xưa xem kinh sách, lời dạy của các bậc thầy, của bậc thiện hữu tri thức quý hơn cả sinh mạng của mình, sẵn sàng xả bỏ thân mạng để cầu học, quý trọng, tôn thờ, xem đó là bảo vật vừa quý báu vừa thiêng liêng, hết lòng tin tưởng, hết lòng vâng theo, thực hành cho đến nơi đến chốn. Nếu thời nay, mọi người học Phật chúng ta đều có tinh thần tôn quý Pháp bảo và hết lòng tu tập theo Chánh pháp, dám từ bỏ đời sống tham đắm thế gian, từ bỏ những sở thích, xả ly những đam mê vật chất tầm thường để toàn tâm toàn ý tu tập thì lo gì không đạt đạo, lo gì đạo pháp chẳng xương minh. l

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày